I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Văn học có 4 chức năng: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, giải trí.

2. Thân bài:

* Chức năng nhận thức:

- Văn học giúp con người nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh.

- Văn học giải đáp những băn khoăn lớn của nhân loại từ xưa đến nay.

- Văn học là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống.

* Chức năng giáo dục:

- Văn học là nhân học. (M. Gorki)

- Văn học nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người.

- Văn học rèn luyện cho con người khả năng nhận xét, đánh giá cái xấu, cái tốt, cái thiện, cái ác trong cuộc đời.

- Văn học nâng đỡ, giúp con người tự hoàn thiện nhân cách.

* Chức năng thẩm mĩ:

- Văn học mang lại sự hưởng thụ trong sáng, lành mạnh, bổ ích cho tâm hồn.

- Văn học thoả mãn thị hiếu thẩm mĩ của người đọc bằng vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật, kết cấu khéo léo, cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn...

- Chức năng thẩm mĩ của văn học làm cho đời sống tinh thần của con người đẹp đẽ hơn, phong phú hơn.

* Chức năng giải trí:

- Đọc sách là thú vui hữu ích giúp con người giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng, góp phần tái tạo sức lao động, sức khoẻ...

- Văn học mang lại niềm vui, niềm tin...

3. Kết bài:

- Các chức năng của văn học gắn bó chặt chẽ với nhau.

- Chúng tạo thành tác dụng to lớn và thiết thực của văn học.

II. BÀI LÀM

Văn học có bốn chức năng: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ và giải trí.

1. Chức năng nhận thức:

Chức năng nhận thức thể hiện ở vai trò phản ánh hiện thực của văn học. Nó có thể đem đến cho người đọc một thế giới tri thức mênh mông về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân loại từ xưa đến nay; về vẻ đẹp thiên nhiên ở nước mình và trên khắp thế giới.

Văn học là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống. Ăng-ghen cho rằng đọc tiểu thuyết của Ban-zắc, người ta có thể hình dung và hiểu về xã hội nước Pháp hơn là đọc sách của nhiều ngành khoa học xã hội cộng lại. Được như vậy là nhờ chức năng nhận thức của văn học.

Mặt khác, văn học còn giúp con người nhận thức về bản thân mình. Từ bao nhiêu thế kỉ nay, con người thường băn khoăn trước những câu hỏi lớn: “Mình từ đầu đến?”; Mình sống để làm gì?”; “Vì sao đau khổ?”; “Làm thế nào để sung sướng, hạnh phúc?”... Toàn bộ văn học cổ kim, đông tây đều thể hiện sự tìm tòi, suy nghĩ không mệt mỏi của con người để giải đáp những câu hỏi đó. Ở nước ta, văn học dân gian và các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tố Hữu... đều cho thấy cái gì là đáng yêu, đáng ghét trong xã hội, giúp chúng ta có khả năng phân tích, đánh giá để nhận ra chân giá trị của mỗi con người. Nguyễn Du miêu tả những cảnh đời, những số phận bị vùi dập, khổ đau để thấy khát vọng về quyền sống của con người mãnh liệt biết chừng nào. Văn học cách mạng thể hiện quan điểm sống chết của nhiều thế hệ sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Thậm chí, từ những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống được nhà văn đưa vào tác phẩm cũng giúp người đọc soi mình vào đó để sống tốt hơn. (Đi đường, Tự khuyên mình, ốm nặng - Hồ Chí Minh; Con cá chột nưa, Trăng trối - Tố Hữu...).

2. Chức năng giáo dục:

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người. Định nghĩa nổi tiếng của nhà văn M. Gorki: Văn học là nhân học trước hết nhấn mạnh đến mục đích của văn học là giúp con người hiểu được chính mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy sinh trong con người một khát vọng hướng tới chân lí, biết đấu tranh với cái xấu, biết tìm tòi và hướng tới cái đẹp của con người và cuộc sống.

Như vậy, ngoài chức năng nhận thức, văn học còn có chức năng nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm, đạo đức cho con người. Văn học luyện cho người đọc thói quen cảm thụ tinh tế, mài sắc khả năng nhận ra cái thật, cái giả, cái thiện, cái ác trong cuộc sống.

Văn học giúp hình thành nhân cách, nâng đỡ cho nhân cách, giáo dục con người tình cảm đúng đắn, trong sáng, biết yêu cái tốt, ghét cái xấu, dám xả thân vì nghĩa và biết sống đúng đạo lí làm người. Đặc điểm của văn học là thông qua sự kiện, hình tượng trong tác phẩm để khơi gợi, kích thích người đọc về mặt tình cảm, buộc họ phải bày tỏ thái độ và suy nghĩ để có hành động đúng. Mặt khác, văn học giúp con người tự giáo dục, tự hoàn thiện để sống tốt đẹp hơn, hữu ích hơn cho xã hội.

3. Chức năng thẩm mĩ:

Văn học mang lại sự hưởng thụ lành mạnh, bổ ích cho tâm hồn. Đặc điểm của hưởng thụ thẩm mĩ là nâng cao con người lên trên những dục vọng và lợi ích vật chất tầm thường. Đi vào thế giới của văn học, người đọc chia sẻ buồn vui, sướng khổ với nhân vật. Yêu kẻ này, ghét kẻ kia hoàn toàn không dính dáng gì đến lợi ích vật chất nào ngoài đời. Những giờ phút sống với tác phẩm là những giờ phút tâm hồn trong sáng, thanh thản nhất. Do đó văn học đem đến cho con người một niềm vui tinh thần hoàn toàn vô tư nhưng không bàng quan, vô trách nhiệm.

Văn học còn làm thoả mãn thị hiếu thẩm mĩ của người đọc bằng vẻ đẹp ngôn từ, vần điệu, bằng kết cấu khéo léo, lôi cuốn của từng tác phẩm. Nó làm cho tâm hồn chúng ta rung động trước những hình tượng nhân vật điển hình, trước cách cảm, cách nghĩ của nhà văn về con người và cuộc đời. Nhà văn chân chính là người có tâm hồn phong phú, đẹp đẽ. Họ lấy tâm hồn chân thành của mình để soi sáng những cảnh đời tối tăm, vỗ về người đau khổ, lên tiếng vạch trần cái xấu, cái ác, ca ngợi phẩm chất cao đẹp... Những điều đó có tác dụng rất lớn tới quá trình cảm thụ và hướng tới những giá trị Chân, Thiện, Mĩ của người đọc.

Chức năng thẩm mĩ của văn học làm cho tầm vóc con người lớn hơn, đời sống tinh thần trong sáng, phong phú hơn. Nhưng sự hưởng thụ thẩm mĩ chỉ xuất hiện khi tác phẩm có nội dung sâu sắc và tính nghệ thuật cao, vì chỉ khi đó văn học mới bảo đảm thoả mãn tối đa về mặt tinh thần cho người đọc.

4. Chức năng giải trí:

Ngoài ba chức năng cơ bản trên, văn học còn có chức năng giải trí. Các tác phẩm văn học lành mạnh, có giá trị nội dung và nghệ thuật cao sẽ đem lại sự thư giãn cho con người sau những giờ làm việc căng thẳng, góp phần tái tạo sức khoẻ và duy trì niềm vui, niềm tin trong cuộc sống. Thực tế cho thấy không ít người có thói quen tốt là đọc sách và coi sách là món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày.

Các chức năng văn học nêu trên luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Ngay trong chức năng nhận thức đã có tính giáo dục. Muốn cho hiệu quả nhận thức và giáo dục đạt tới mức cao nhất thì cần phải thông qua đặc trưng thẩm mĩ. Ngược lại, chức năng thẩm mỹ không đơn thuần mang ý nghĩa duy mĩ mà phải phục vụ cho việc thể hiện tốt hai chức năng nhận thức và giáo dục. Tất cả các chức năng ấy tạo thành tác dụng to lớn của văn học trong việc không ngừng hoàn thiện phẩm chất cao quý của con người.