I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Bài thơ Tiếng ru của nhà thơ Tố Hữu là một nhận định bằng nghệ thuật về quan hệ hữu cơ giữa cá nhân và tập thể.
- Cá nhân và tập thể như giọt nước và biển cả.
2. Thân bài:
* Quan hệ giữa cá nhân và tập thể:
- Một giọt nước không thể làm thành biển cả.
- Nước của trăm sông ngàn suối đổ về sẽ tạo thành biển cả.
- Cá nhân không thể tồn tại, không thể sống nếu tách rời khỏi cộng đồng xã hội.
- Trong xã hội, mỗi con người có một nghề nghiệp, vai trò, vị trí riêng (nông dân, công nhân, trí thức, bộ đội...) nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau.
- Chính mối quan hệ mật thiết tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn, thúc đẩy sự phát triển không ngừng của dân tộc, đất nước.
- Từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã khẳng định mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể qua ca dao - tục ngữ.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần nhấn mạnh điều đó.
3. Kết bài:
- Lấy một số câu, một số đoạn trong thơ Tố Hữu để thay cho lời kết thúc bài viết.
II. BÀI LÀM
Trong bài thơ Tiếng ru, nhà thơ Tố Hữu viết:
Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước, con chim ca, yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.
Một người - đâu phải nhân gian?
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!
Núi cao bởi có đất bồi
Núi chê đất thấp, núi ngồi ở đâu?
Muôn dòng sông đổ biển sâu
Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?
Nhà thơ đã sử dụng hàng loạt ẩn dụ nghệ thuật hàm súc về mặt ý nghĩa để khẳng định mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa cá nhân và cộng đồng. Mối quan hệ đó cũng có thể diễn đạt thông qua hình ảnh so sánh: Cá nhân và tập thể như giọt nước và biển cả, gắn bó với nhau khăng khít, không thể tách rời.
Một giọt nước không thể làm nên biển cả vì nó quá nhỏ bé, nhưng tỉ tỉ giọt nước từ trăm sông ngàn suối tuôn chảy về cùng một hướng sẽ tạo nên biển cả mênh mông, vô tận. Con người cũng vậy. Không ai có thể sống một mình vì phải cần đến rất nhiều mối quan hệ với thế giới xung quanh. Miếng cơm ta ăn là do nông dân dầm sương dãi nắng, đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra. Tấm áo ta mặc, cuốn sách, cái bút, đôi dép ta dùng và bao vật phẩm khác là do công sức của hàng triệu công nhân miệt mài ngày đêm trong các nhà máy, xí nghiệp sản xuất để phục vụ đời sống của con người. Bao công trình lớn nhỏ trên đất nước như sân bay, bến cảng, nhà ga, bệnh viện, trường học, khách sạn, công viên, nhà ở, đường sá, cầu cống... là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư, kĩ sư, công nhân xây dựng. Các thầy cô giáo dạy kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh. Các thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Các chiến sĩ vững tay súng bảo vệ biên cương, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, gìn giữ cuộc sống hoà bình no ấm cho nhân dân. Tất cả kết hợp thành một dân tộc, một đất nước thống nhất độc lập, tự do.
Từ ngàn xưa, tổ tiên chúng ta đã rút ra những bài học có ý nghĩa sâu sắc về quan hệ giữa cá nhân và tập thể: Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân; Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao; Đông tay vỗ nên kêu... Bác Hồ kính yêu cũng đã dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Rõ ràng, chỉ khi nào thực sự gắn bó và hoà mình với tập thể thì mỗi cá nhân mới có thể phát huy được hết khả năng của mình, để từ đó đóng góp hữu ích cho gia đình, tập thể và xã hội.
Nói gần hơn, mỗi học sinh là một thành viên trong lớp, nhiều lớp tạo thành một trường. Thành tích học tập của lớp là do từng học sinh đóng góp mà nên và mỗi học sinh đạt được kết quả tốt trong học tập, tu dưỡng, phấn đấu thì ngoài cố gắng của bản thân còn có sự dìu dắt, động viên của gia đình, thầy cô, bè bạn.
Trong gia đình, trong tập thể, mỗi cá nhân đều có vị trí, vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi nhất định. Để có thể phát huy được mặt mạnh của mình thì mỗi cá nhân phải biết thích nghi, hoà hợp với môi trường sống và làm việc. Nếu ai cũng nghĩ đến quyền lợi tập thể trước quyền lợi cá nhân thì đất nước sẽ phát triển vững chắc trên con đường dẫn đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Sinh thời, Bác Hồ đã đưa ra quan điểm sống: Mình vì mọi người. Đó là sự kế thừa và phát huy quan điểm sống đúng đắn của Nguyễn Trãi có từ thế kỉ XV: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ).
Có lẽ Tố Hữu là nhà thơ quan tâm nhiều nhất đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Trong bài Một khúc ca, tác giả viết:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh,
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?
Trong bài Chân trời mới:
Sống, có những niềm vui đơn giản
Không phải mua, cũng chẳng cần xin
Thật ấm áp, một bàn tay bè bạn.
Rất thân thương, một ánh mắt nhìn.
Đúng như vậy! Mỗi giọt nước cá nhân nếu hoà vào biển cả tập thể thì không chỉ tồn tại mà sẽ sống một cuộc sống dạt dào, mãnh liệt và đầy ý nghĩa:
Vui hơn cả mùa xuân đang tới
Mỗi đời riêng nhân thành cuộc đời chung
Sức tươi trẻ đang chuyển lên thế mới
Bước đầu đi mà mở đến vô cùng!
(Ca vui - Tố Hữu)