Câu 1. Đọc đoạn đầu bức thư: từ Đối với đồng bào tôi... đến tiếng nói của cha ông chúng tôi.
a) Hãy chỉ ra những phép so sánh và nhân hoá đã được dùng.
b) Hãy nêu lên tác dụng của phép so sánh và nhân hoá đó, đặc biệt là trong việc làm nổi bật quan hệ giữa người da đỏ với “Đất”, với thiên nhiên.
a. Những hình ảnh so sánh và nhân hoá trong đoạn văn:
- Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều cùng chung một gia đình.
- Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi.
- Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi.
b. Trong đoạn văn này, tác giả đã sử dụng phép nhân hóa để thể hiện ý tưởng của mình. Đất là mẹ. Bông hoa ngát hương là chị, là em. Tất cả những gì tồn tại trên mặt đất hội tụ lại thành gia đình, tổ ấm.
Hình ảnh của nước được tác giả liên tưởng, so sánh với máu của tổ tiên. Tiếng rì rào của dòng nước là tiếng nói của cha ông. Đây là những so sánh độc đáo và chính xác.
Những hình ảnh so sánh và nhân hoá trên cho chúng ta thấy rõ sự gắn bó máu thịt tự ngàn đời của người da đỏ với thiên nhiên. Họ quan niệm rằng thiên nhiên cũng có linh hồn và chính thiên nhiên đã sinh ra và nuôi sống họ.
Câu 2. Đọc đoạn giữa của bức thư: từ Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống... đến Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.
a) Đoạn văn đã nói lên sự khác biệt, sự đối lập trong cách sống, trong thái độ đối với “Đất”, đối với thiên nhiên giữa người da đỏ và người da trắng trên những vấn đề gì?
b) Tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào để nêu bật sự khác biệt, sự đối lập ấy và để thể hiện thái độ, tình cảm của mình? (Gợi ý: cách dùng phép so sánh, phép nhân hoá, phép lặp, phép đối lập; cách sử dụng các kiểu câu; cách sử dụng từ ngữ,...)
a. Đoạn giữa bức thư thể hiện rõ sự đối lập trong cách sống và trong thái độ đối với đất đai, với thiên nhiên của người da trắng và người da đỏ.
- Đất đối với người da đỏ là anh em, đối với người da trắng là kẻ thù bởi vì người da trắng cho rằng đất là thứ mua được, tước đoạt được.
- Cách đối xử của người da trắng đối với đất hoàn toàn đối lập với người da đỏ. Vì vậy thủ lĩnh Xi-át-tơn ra điều kiện nếu người da đỏ buộc phải bán đất thì người da trắng cũng phải đối xử với đất trân trọng như người da đỏ.
Nguyên nhân thứ hai dẫn tới sự đối lập đó chính là những khác biệt trong cách sống và môi trường sống. Cách sống của người da đỏ khác xa cách sống của người da trắng. Người da trắng gắn với môi trường thành phố san sát những toà nhà bê tông lạnh lùng cao chọc trời, còn người da đỏ suốt đời gắn bó với khung cảnh thiên nhiên phong phú và hoang dã.
b. Để làm nổi bật những nội dung ấy, tác giả đã sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật như: phép đối lập (anh em >< kẻ thù ; mẹ đất, anh em bầu trời >< vật mua được, tước đoạt được; yên tĩnh >< ồn ào; ...), điệp ngữ kết hợp với phép đối lập (Tôi biết, cách sống của chúng tôi khác với cách sống của Ngài; Tôi thật không hiểu nổi; Tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác; Nếu chúng tôi... Ngài phải...).
- Từ ngữ được dùng một cách chọn lọc: nhiều chỗ chỉ cần vài từ là đã nêu rõ bản chất của vấn đề: mảnh đất này là kẻ thù của họ. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai... mồ mả tổ tiên của họ, họ còn quên...
Ở nhiều câu khác, từ ngữ thể hiện rõ tính trữ tình đầy chất thơ, bộc lộ niềm vui sướng và tự hào của tác giả về mảnh đất của bộ tộc mình:
Người Anh-điêng chúng tôi đưa những âm thanh êm ái của những cơn gió thoảng qua trên mặt hồ, được nước mưa gội rửa và thấm đượm hương thơm của phấn thông.
Câu 3. Đọc đoạn còn lại của bức thư.
a) Hãy nêu các ý chính của đoạn này.
b) Cách hành văn, giọng điệu của đoạn này có gì giống, có gì khác với hai đoạn trên?
c) Nên hiểu thế nào về câu: Đất là Mẹ.
a. Phần còn lại của bức thư (từ Ngài phải dạy con cháu rằng... đến hết) có các ý chính sau:
- Thủ lĩnh da đỏ yêu cầu Tổng thống Mĩ phải dạy con cháu (tức người da trắng) biết kính trọng đất đai, bởi đất đai là do mạng sống của nhiều thế hệ người da đỏ bồi đắp nên.
Cao hơn nữa, thủ lĩnh da đỏ còn cảnh báo: Nếu không đối xử tử tế với đất thì ngay cuộc sống của người da trắng cũng bị tổn hại vì Đất là Mẹ của cả loài người. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất. Giá trị của bức thư mang tính chất vĩnh cửu chính là nhờ kết luận chứa đựng ý nghĩa khoa học và triết lí đúng đắn, sâu sắc này.
b. Cách hành văn của đoạn này có các đặc điểm sau: Đây là đoạn chốt lại các vấn đề đã nêu ở trên nên câu văn nhìn chung là ngắn gọn. Tác giả cũng vẫn dùng phép lặp để nhấn mạnh ý.
Tác giả lặp lại hình ảnh Đất là Mẹ với ý khẳng định: đất sinh ra con người, nuôi dưỡng con người lớn lên, ấp ủ, che chở con người. Cuối đời, con người lại trở về với Đất, mối quan hệ giữa Đất và người thật khăng khít, máu thịt, không thể tách rời nhau.
Câu 4. Bức thư đã sử dụng rất nhiều yếu tố của phép lặp (lặp ý, lặp từ ngữ, lặp kiểu câu). Hãy lập bảng thống kê một số hoặc toàn bộ những yếu tố lặp ấy và chỉ ra tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm của chúng.
a. Phép lặp được sử dụng nhiều trong bức thư: lặp ý, lặp từ ngữ, lặp kiểu câu:
• Mỗi tấc đất là thiêng liêng... mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức... của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó kí ức của người da đỏ.
Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi.
• Ngài phải dạy con cháu rằng, mảnh đất này là thiêng liêng và những tia sáng chói chang phản chiếu từ mặt hồ trong vắt sẽ nói lên cái gì đó về kí ức của người da đỏ.
• Nếu chúng tôi bán cho ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ rằng...
• Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn...
• Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác.
• Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao...
• Ngài phải dạy con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là...
• Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do...
• Hãy khuyên chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ.
b. Bảng thống kê về một số từ ngữ lập:
bầu trời, chúng tôi; thiêng liêng; thì thầm; kí ức; Đất là Mẹ; óng ánh; Ngài phải dạy bảo; long lanh; hoa là người chị, người em; những dòng sông là người anh; người em; mảnh đất; hoang dã; tiếng; âm thanh, không khí, hơi thở; quý giá; bán; mua; trâu rừng; con người; con thú...
- Cách dùng từ ngữ lặp và các kiểu câu lặp nhằm bày tỏ và nhấn mạnh tình cảm yêu mến thiết tha, sâu sắc của người da đỏ đối với thiên nhiên và nguyện vọng bảo vệ thiên nhiên của họ.
Câu 5. Hãy giải thích vì sao một bức thư nói về chuyện mua bán đất đai cách đây một thế kỷ rưỡi nay vẫn được nhiều người xem là một trong những văn bản hay nhất nói về thiên nhiên và môi trường? (Gợi ý: vận dụng tổng hợp kết quả đọc - hiểu ở trên và kết hợp với việc làm bài Luyện tập dưới đây.)
Một bức thư nói về việc mua bán đất vào thế kỉ XIX ở nước Mĩ nhưng đến nay vẫn được coi là một trong những văn bản nổi tiếng nhất về đề tài thiên nhiên và môi trường vì những lí do sau đây:
• Thứ nhất: Nội dung bức thư rất hay và rất phong phú, dù ở thời điểm đó, thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn chưa thể có được ý thức đầy đủ và khoa học về vấn đề bảo vệ thiên nhiên.
Xuất phát điểm của bức thư trước hết là từ tình yêu quê hương, đất nước. Khi người da trắng từ châu Âu tràn sang châu Mĩ thì người Anh-điêng đang sống theo hình thức bộ lạc, nghĩa là đang sống một cách hoà đồng với thiên nhiên. Thiên nhiên như một bà mẹ hiền cung cấp cho họ tất cả những thứ cần thiết của cuộc sống hằng ngày. Về phía họ, họ cũng thấy được tác động trở lại của con người đối với thiên nhiên. Nền cơ khí máy móc của người da trắng xâm nhập đã làm đảo lộn tất cả, huỷ hoại gần như hoàn toàn môi trường sống quen thuộc của họ. Họ đã ngầm có ý thức phản kháng, chỉ chờ dịp bộc lộ. Bức thư trả lời yêu cầu mua đất của Tổng thống Mĩ là một cơ hội thuận lợi. Chính vì vậy, trong thư, chúng ta không thấy người viết trả lời là có bán đất hay không, lại càng không nói đến chuyện giá cả. Vấn đề được đặt ra như một giả thiết (nếu... nếu...), mà người viết đặt giả thiết chủ yếu là để tạo đà, tạo thế cho việc trình bày quan điểm và bộc lộ cảm xúc của mình.
• Thứ hai: Thủ lĩnh da đỏ Xi-at-tơn không chỉ đề cập đến đất mà còn đề cập đến tất cả những gì có liên quan tới đất như đã nêu trên, tức là những thứ làm cho đất đai trở nên có giá trị, có ý nghĩa, tạo nên cái mà hiện nay chúng ta gọi là môi trường sinh thái tự nhiên.
• Thứ ba: Nhân loại đã bước sang thế kỉ XXI. Ở thời điểm này, tài nguyên của trái đất đã bị khai thác cạn kiệt, môi trường thiên nhiên đang bị ô nhiễm nặng nề và tàn phá nghiêm trọng. Bối cảnh này khiến cho Bức thư của thủ lĩnh da đỏ Xi-at-tơn, vốn xuất phát từ lòng yêu quê hương đất nước, trở thành một trong những văn bản có giá trị nhất về đề tài thiên nhiên và môi trường - một vấn đề nóng bỏng được cả thế giới quan tâm hàng đầu trong thời đại hiện nay.