Câu 1. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể lại câu chuyện gì? Em hãy kể tóm tắt diễn biến câu chuyện đó.

Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể lại câu chuyện về một đêm thức trắng của Bác Hồ trước khi diễn ra chiến dịch Biên giới.

Nội dung có thể tóm tắt như sau:

Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, trên đường đi kiểm tra khâu chuẩn bị của chiến dịch Biên giới, Bác Hồ đến thăm một đơn vị chủ lực rồi nghỉ chân tại nơi đóng quân của bộ đội. Đêm khuya, trời mưa rét. Anh đội viên thức dậy lần đầu, thấy Bác lặng ngồi bên bếp lửa rồi nhẹ nhàng đi dém chắn cho từng chiến sĩ; anh năn nỉ mời Bác đi ngủ. Lần thứ ba thức dậy, anh thấy Bác vẫn thức. Trời đã gần sáng, anh bày tỏ tâm tình với Bác và thức luôn cùng Bác.

Câu 2. Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ được miêu tả qua con mắt và cảm nghĩ của ai? Cách miêu tả đó có tác dụng gì đối với việc thể hiện tâm hồn cao đẹp của Bác Hồ và tấm lòng của anh bộ đội với lãnh tụ?

Trong bài thơ có hai nhân vật: Bác Hồ và anh đội viên. Lời kể là của nhà thơ nhưng hình tượng trung tâm là Bác Hồ được miêu tả qua cách nhìn và tâm trạng của người chiến sĩ, qua những lời đối thoại giữa hai người khiến câu chuyện chân thực và cảm động.

Bằng việc sáng tạo ra hình tượng anh đội viên vừa là người chứng kiến, vừa là người tham gia vào câu chuyện, bài thơ đã làm cho hình tượng Bác Hồ hiện ra một cách tự nhiên, có tính khách quan lại được đặt trong mối quan hệ gần gũi, ấm áp với chiến sĩ ta.

Qua đó, bài thơ phản ảnh tấm lòng yêu thương rộng lớn của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sĩ và thể hiện tình cảm kính yêu, khâm phục của bộ đội, nhân dân đối với Bác Hồ.

Câu 3. Bài thơ kể lại hai lần anh đội viên thức dậy nhìn thấy Bác không ngủ. Em hãy so sánh tâm trạng và cảm nghĩ của anh đội viên đối với Bác Hồ trong hai lần đó.

Vì sao trong bài thơ không kể lần thứ hai? Qua cảm nghĩ của anh đội viên, hình ảnh Bác Hồ và tấm lòng của Bác đã được khắc hoạ sâu đậm như thế nào?

Bài thơ kể lại hai lần anh đội viên thức dậy đều thấy Bác không ngủ. Tâm trạng và cảm nghĩ của anh đội viên trong hai lần đó có sự khác nhau:

+ Lần đầu chợt thức giấc, anh chiến sĩ ngạc nhiên, sững sờ và xúc động khi thấy trời đã khuya lắm rồi mà Bác vẫn ngồi trầm ngâm bên bếp lửa sưởi ấm cho chiến sĩ. Niềm xúc động dâng cao khi anh chứng kiến Bác Hồ nhẹ nhàng dém chăn cho từng người. Lòng yêu thương hoà lẫn với niềm tôn kính, anh cảm nhận được sự lớn lao mà gần gũi của vị lãnh tụ tối cao. Rồi anh tha thiết mới Bác đi nghỉ. Anh nằm ngủ không yên vì nỗi lo cứ bề bộn trong lòng về sức khoẻ của Bác.

+ Lần thứ ba thức dậy, trời đã sắp sáng, anh chiến sĩ thấy Bác vẫn ngồi đinh ninh, chòm râu im phăng phắc. Sự lo lắng đã chuyển thành hốt hoảng thực sự. Nếu ở lần đầu, anh chỉ dám thầm thì hỏi nhỏ Bác thì lần này, anh năn nỉ khẩn cầu mời Bác đi nghỉ. Anh mong sao Bác chợp mắt được một chút để giữ gìn sức khoẻ. Tình thương yêu Bác dâng lên đến điểm đỉnh trong anh thì cũng là lúc anh thấu hiểu được tấm lòng cao đẹp của Bác. Bác không ngủ vì Bác thương đoàn dân công, Đêm nay ngủ ngoài rừng... Điều ấy đã giúp anh đội viên hiểu rõ tấm lòng nhân ái mênh mông của lãnh tụ đối với nhân dân.

• Bài thơ không kể lần thứ hai anh đội viên thức dậy, mà từ lần thứ nhất chuyển ngay sang lần thứ ba. Chi tiết này cho thấy anh chiến sĩ đã nhiều lần thức giấc và lần nào cũng thấy Bác Hồ vẫn thức. Từ lần một đến lần ba, tâm trạng và cảm nghĩ của anh có sự chuyển biến rõ rệt.

Qua cảm nghĩ của anh đội viên, hình ảnh Bác Hồ và tấm lòng của Bác hiện lên thật giản dị, gần gũi, mà hết sức lớn lao. Bài thơ đã thể hiện một cách chân thực và tự nhiên tấm lòng yêu thương mênh mông, sâu nặng, sự chăm lo ân cần, chu đáo của Bác Hồ với chiến sĩ và đồng bào ta.

Câu 4. Hãy cho biết vì sao trong đoạn kết nhà thơ lại viết:

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh.

Đoạn thơ cuối khẳng định một chân lí đơn giản mà lớn lao: Bác không ngủ vì một lí do bình thường, dễ hiểu: Bác là Hồ Chí Minh. Cái đêm Bác không ngủ được nói đến trong bài thơ chỉ là một trong vô vàn những đêm không ngủ của Bác. Bác không ngủ vì phải lo việc nước, vì thương bộ đội, dân công... Đây cũng là lẽ thường tình trong cuộc đời Bác, vì Bác là Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và quân đội ta. Bác đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho nhân dân, Tổ quốc. Đó chính là lẽ sống cao quý: Nâng niu tất cả chỉ quên mình của Bác. Khổ thơ cuối thể hiện sự thống nhất, hài hoà giữa tầm vóc vĩ đại và tính cách giản dị trong phẩm chất của Bác Hồ. Bác càng vĩ đại thì lại càng giản dị và chính sự giản dị đó tạo nên sự vĩ đại của con người Bác.

Câu 5. Bài thơ được làm theo thể thơ gì? (Số tiếng trong một dòng thơ, số dòng trong một khổ thơ, cách gieo vần trong một khổ thơ và giữa hai khổ thơ). Thể thơ ấy có thích hợp với cách kể chuyện của bài thơ không?

+ Tác giả dùng thể thơ năm chữ (còn gọi là thơ ngũ ngôn) với những đặc điểm sau đây:

- Số tiếng trong một dòng: 5.

- Số dòng trong một khổ thơ: 4.

- Cách gieo vần: gieo vần liền trong một khổ thơ và giữa hai khổ thơ.

+ Thể thơ năm chữ rất phù hợp với những bài thơ tự sự - trữ tình. Cách gieo vần và cách ngắt nhịp tạo ra một âm điệu nhịp nhàng, cảm xúc lắng đọng, ý thơ hàm súc, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

Câu 6. Tìm những từ láy trong bài và cho biết giá trị biểu cảm của một số từ láy mà em cho là đặc sắc.

Những từ láy đặc sắc trong bài là những từ in đậm:

Vẻ mặt Bác trầm ngâm (láy vần)

Ngoài trời mưa lâm thâm (láy vần)

Mái lều tranh xơ xác (láy phụ âm đầu)

Bác nhón chân nhẹ nhàng (láy phụ âm đầu)

Anh vội vàng nằng nặc (láy phụ âm đầu)

Lòng vui sướng mênh mông (láy phụ âm đầu)

* Học sinh tự phân tích giá trị biểu cảm của các từ láy trên.