Câu 1. Bài văn tả và kể về các loài chim ở làng quê có theo một trình tự nào không, hay hoàn toàn tự do? Để trả lời câu này, em hãy:

a) Thống kê theo trình tự tên của các loài chim được nói đến.

b) Tìm xem các loài chim có được sắp xếp theo từng nhóm loài gần nhau hay không?

c) Tìm hiểu cách dẫn dắt lời kể, cách tả, cách xâu chuỗi hình ảnh, chi tiết.

a. Các loài chim được nói đến:

Chim bồ các, sáo sậu, sáo đen, tu hú, chim ngói, bìm bịp, diều hâu, chèo bẻo, quạ, chim cắt.

b. Qua việc thống kê các loài chim được miêu tả trong văn bản này, ta thấy tác giả tả các loài chim theo trình tự: tả các loài chim hiền trước rồi sau đó mới nói đến những loài chim dữ.

c. Từ khung cảnh làng quê, tác giả nói về hoa, về ong, về bướm rồi chuyển sang nói về chim. Để chuyển ý, tác giả cho tiếng chim bồ các vang lên để đưa người đọc vào thế giới loài chim. Đây là cách dẫn dắt rất khéo léo, tự nhiên và hợp lí.

Câu 2. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả các loài chim. Cụ thể là:

a) Chúng được miêu tả về những phương diện nào và mỗi loài được miêu tả kĩ điểm gì? (hình dạng, màu sắc, tiếng kêu hoặc hót, hoạt động và đặc tính).

b) Kết hợp tả và kể như thế nào? Tìm những dẫn chứng cho thấy các loài chim được tả trong môi trường sinh sống, hoạt động của chúng và trong mối quan hệ giữa các loài.

c) Nhận xét về tài quan sát và tình cảm của tác giả với thiên nhiên, làng quê qua việc miêu tả các loài chim.

a. Nhận xét về cách miêu tả:

+ Ở mỗi loài chim, tác giả đã quan sát tinh tế và chọn miêu tả một vài nét đặc sắc:

- Bồ các: tiếng kêu các... các... các..., vừa bay, vừa kêu cứ như bị ai đuổi đánh.

- Sáo sậu, sáo đen: đậu cả lên lưng trâu mà hót mừng được mùa... tọ tọe học nói.

- Bìm bịp: kêu bịp bịp, giời khoác cho nó bộ cánh nâu.

- Diều hâu: bay cao tít, mũi khoằm, đánh hơi tinh lắm.

- Chèo bẻo: như những mũi tên đen, mang hình đuôi cá... Mới tờ mờ đất nó đã cất tiếng gọi người:“Chè cheo chét...”

- Chim cắt: cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn, khi đánh nhau, cắt chỉ xỉa bằng cánh.

+ Tả trong môi trường sinh sống, hoạt động của chúng và trong mối quan hệ giữa các loài:

- Tu hú đến khi mùa vải chín và khi quả hết, nó bay đi đâu biệt.

- Bìm bịp kêu thì một loạt chim ác, chim xấu mới ra mặt.

- Diều hâu hay bắt gà con, chim cắt xỉa chết bồ câu, chèo bẻo đánh diều hâu và chim cắt.

- Nhạn... vùng vẫy tít mây xanh “chéc chéc”.

b. Kết hợp tả với kể và bình luận:

+ Chuyện con sáo đen nhà bác Vui tọ tọe học nói, chuyện kể về sự tích con bìm bịp...

+ Nói về họ nhà sáo: Họ của chúng đều hiền cả. Chúng đều mang niềm vui đến cho giời đất.

+ Nói về chèo bẻo: Chúng nó trị kẻ ác. Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm.

+ Nói về chim cắt: Chúng là loài quỷ đen, vụt đến, vụt biến... cho đến nay chưa có loài chim nào trị được nó.

Sự kết hợp khéo léo giữa miêu tả, kể chuyện và nhận xét, bình luận chứng tỏ vốn hiểu biết phong phú và tình cảm yêu mến của tác giả dành cho các loài chim - người bạn thân thiết của tuổi thơ:

Người ta nói chèo bẻo là kẻ cắp. Kẻ cắp hôm nay gặp bà già. Nhưng từ đây tôi lại quý chèo bẻo. Ngày mùa, chúng thức suốt đêm. Mới tờ mờ đất nó đã cất tiếng gọi người: “Chè cheo chét”... Chúng nó trị kẻ ác. Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm.

Đó là cách nhìn loài chim trong mối quan hệ với con người, với công việc nhà nông, là thiện cảm hoặc ác cảm theo quan niệm phổ biến lâu đời trong dân gian, đôi khi gán cho chúng những tính nết hay phẩm chất như của con người.

c. Nhận xét về tài quan sát của tác giả và tình cảm của tác giả đối với thiên nhiên, làng quê qua việc miêu tả các loài chim:

- Phải là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, rất yêu thích các loài chim và được nghe kể rất nhiều về chúng, đặc biệt là phải bỏ công theo dõi và quan sát chúng, tác giả mới có thể viết về chúng tỉ mỉ đến như vậy. Tài quan sát của tác giả thể hiện ở chỗ không chỉ tả đúng về bề ngoài như hình dáng, màu lông... mà còn biết rõ các đặc tính của từng loài chim như cách kiếm ăn, cách chiến đấu với kẻ thù...

- Việc miêu tả tỉ mỉ cây lá, hoa trái và các loài chim thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết với làng xóm, ruộng vườn của tác giả. Tác giả đã thực sự hoà mình vào cuộc sống thanh bình và tươi đẹp của quê hương.

- Bằng sự quan sát tinh tế kết hợp với suy nghĩ hồn nhiên của trẻ thơ, Duy Khán đã đem đến cho người đọc một bức tranh kì thú của làng quê, “lao xao" âm thanh và đầy ắp những cảnh vật gần gũi, thân thương. Điều này chỉ có được khi nhà văn gắn bó máu thịt và yêu say đắm cảnh sắc thiên nhiên của quê hương.

Câu 3. Trong bài có sử dụng nhiều chất liệu văn hoá dân gian như thành ngữ, đồng dao, kể chuyện. Hãy tìm các dẫn chứng.

a. Những chất liệu văn học dân gian mà tác giả sử dụng trong bài văn:

+ Đồng dao: Bồ các là bác chim ri... Tu hú là chú bồ các...

+ Thành ngữ: dây mơ rễ má; kẻ cắp gặp bà già; lia lia lâu lâu như quạ vào chuồng lợn.

+ Cổ tích: Sự tích chim bìm bịp; Sự tích chim chèo bẻo.

b. Cách miêu tả các loài chim cũng thấm đượm phong vị dân gian. Tác giả viết về chúng từ cái nhìn của một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, hiểu biết sâu sắc mối quan hệ gắn bỏ giữa các loài chim với nhà nông. Mỗi loài chim dường như cũng mang những đặc điểm nào đó của con người; có loài thì tốt, có loài thì xấu. Khi nói về mỗi loài chim, những nhận xét đánh giá của Duy Khán cũng xuất phát từ quan niệm dân gian có thiện cảm với nhóm chim lành, ác cảm với nhóm chim ác.

Câu 4. Bài văn đã cho em những hiểu biết gì mới và những tình cảm như thế nào về thiên nhiên, làng quê qua hình ảnh các loài chim?

Bài văn cung cấp cho em những hiểu biết mới mẻ và phong phú về các loài chim, mỗi loài một vẻ. Qua hình ảnh các loài chim, em thấy thiên nhiên của đất nước mình thật tươi đẹp. Ngoài sự trù phú về hoa thơm quả ngọt, cây trái xanh tươi, đồng lúa chín vàng mênh mông, bát ngát, quê hương của chúng ta còn là một thế giới tuyệt vời ríu rít tiếng chim. Tác giả đã dựng lại bức tranh thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt ở nông thôn thuở trước bằng hồi ức về thời thơ ấu. Quê hương tuy đơn sơ, nghèo khó nhưng vẫn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu và ấm áp tình người.