I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Cây hoa phượng được trồng ở đâu? Từ bao giờ?

2. Thân bài:

* Tả cây phượng:

- Cây phượng lớn cỡ nào? Hình dáng của nó ra sao?

- Cây phượng có đặc điểm gì? Rễ, thân, cành, lá, hoa, quả... như thế nào?

- Hoa phượng nở vào mùa nào trong năm? Màu sắc của cánh hoa, nhuỵ hoa?

- Cây phượng gắn bó với đời học sinh ra sao?

3. Kết bài:

* Tình cảm của em đối với cây hoa phượng:

- Yêu mến, gắn bó, xem cây phượng như người bạn thân thiết...

II. BÀI LÀM

* Bài 1:

Trong sân trường em có một cây phượng vĩ, có lẽ đã được vài chục tuổi. Cây phượng cao hơn nóc nhà, cành lá sum suê che rợp một khoảng sân. Thân cây xù xì, mấy vòng tay ôm không hết. Những chiếc rễ lớn nổi gồ trên mặt đất. Mỗi sớm mai, trong tán lá xanh, tiếng chim hót ríu rít nghe thật vui tai. Lá phượng là loại lá kép, gồm nhiều lá nhỏ, mỏng, màu xanh sẫm, mọc song song hai bên cuống, trông xa như đuôi con chim phượng. Tuốt hết lá đi rồi buộc túm lại với nhau, em đã có trong tay một cây vợt bắt bướm xinh xinh.

Xuân qua, hè tới, cây phượng bắt đầu nở hoa. Hoa phượng kết thành chùm lớn, mỗi bông có năm cánh, bốn cánh màu đỏ tươi và một cánh lốm đốm trắng. Nhuỵ hoa dài và cong, đầu nhuỵ là một túi phấn hình bầu dục. Chúng em thường chơi chọi gà bằng những nhuỵ hoa đó. Kẻ thua người thắng đều thích thú cười vang.

Khi tiếng ve sầu kêu ra rả cũng là lúc hoa phượng nở nhiều. Một màu đỏ rực như lửa bao phủ khắp ngọn cây. Lúc ấy, trông cây phượng già trẻ hẳn lại, bừng bừng sức sống. Nhìn hoa phượng nở, những tấm lòng thơ dại náo nức nghĩ tới một mùa hè đầy ắp niềm vui.

Chúng em gọi hoa phượng bằng cái tên thân yêu: hoa học trò. Hoa phượng nở báo hiệu năm học kết thúc, chúng em chuẩn bị nghỉ hè để sau đó bước vào năm học mới với nhiều tiến bộ.

Hết mùa, hoa phượng tàn dần. Những cánh phượng lả tả bay theo chiều gió. Trái phượng non màu xanh, mỏng và dài, khe khẽ đung đưa trên cành. Cây phượng già trở lại vẻ đẹp mộc mạc, thân quen của nó.

Đầu năm học mới, cây phượng lại xoè bóng mát, che chở cho những người bạn thân thiết là những cô bé, cậu bé học sinh cổ quàng khăn đỏ, vai đeo cặp sách, tung tăng tới trường.

* Bài 2:

Ở góc sân trường em có một cây phượng vĩ. Người ta đặt tên cho nó như thế có lẽ là do hình dáng của lá giống như chiếc đuôi của con phượng hoàng trong cổ tích. Em nghe các thầy cô nói lại rằng, cây phượng vĩ này do một phụ huynh trồng cách đây đã mười mấy năm rồi. Cây cao tới lan can lầu hai, cành xoè rộng, lá sum suê toả bóng mát trên một đám đất khá lớn. Lá phượng là loại lá kép lông chim, gồm nhiều lá nhỏ, mỏng, màu xanh sẫm, mọc song song hai bên cuống. Gốc cây to bằng một vòng tay người lớn, màu nâu, xù xì nhiều mấu. Quanh năm, chim sẻ, chim sâu làm tổ trong tán lá dày.

Mùa hè, cây phượng trổ hoa đỏ rực. Màu đỏ bao trùm cả tán cây, trông xa giống như một mâm xôi gấc khổng lồ. Hoa phượng có năm cánh, bốn cánh mỏng như lụa, màu đỏ và một cánh dày lốm đốm trắng. Giữa hoa là chùm nhụy dài và cong, đầu mỗi nhuỵ là một túi phấn hình bầu dục. Chúng em rất thích chơi trò chọi gà bằng những chiếc nhuỵ hoa đó.

Mỗi lần có cơn gió thổi qua, cánh phượng lại rơi lả tả trên mặt cỏ. Hết mùa, hoa phượng tàn, để lại những chùm quả mỏng, dài, màu xanh, đung đưa nhè nhẹ trên cành.

Chúng em coi cây phượng là người bạn lớn thân thiết. Gốc cây là nơi tụ họp quen thuộc của chúng em để vui chơi và học tập. Hoa phượng nở cùng với tiếng ve ngân râm ran trong vòm lá báo hiệu một mùa hè lại đến. Lòng chúng em rộn lên bao cảm xúc khi nghĩ về những điều thú vị đang chờ phía trước.