Câu 1. Bài văn miêu tả một cuộc vượt thác của con thuyền theo trình tự thời gian và không gian như sau:
- Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác;
- Con thuyền vượt qua đoạn sông có nhiều thác dữ.
- Con thuyền ở đoạn sông đã qua thác dữ.
Dựa vào trình tự trên, em hãy tìm bố cục của bài văn.
Bố cục của bài văn gồm ba đoạn, sắp xếp theo trình tự miêu tả nói trên. Cụ thể là:
+ Đoạn một: Từ đầu đến ... Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước.
+ Đoạn hai: Tiếp theo đến ...thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò.
+ Đoạn ba: Phần còn lại.
Câu 2. Cảnh dòng sông và hai bên bờ qua sự miêu tả ở trong bài đã đổi thay như thế nào theo từng chặng đường của con thuyền? Theo em, vị trí quan sát ấy có thích hợp không? Vì sao?
Cảnh dòng sông và hai bên bờ qua sự miêu tả có những thay đổi theo từng chặng của con thuyền ngược dòng.
a. - Đoạn sông ở vùng đồng bằng thì êm đềm, hiền hoà, thơ mộng, thuyền bè tấp nập. Quang cảnh hai bên bờ thoáng đãng, trù phú với những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít.
- Đến đoạn có nhiều thác ghềnh thì cảnh vật hai bên bờ sông cũng thay đổi: vườn tược càng um tùm..., những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. Núi cao đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt.
- Ở đoạn sông có nhiều thác dữ, tác giả đặc tả hình ảnh dòng thác: Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Sự hiểm trở và dữ dội của dòng sông hiện lên khá rõ qua việc miêu tả những động tác mạnh mẽ, dứt khoát của dượng Hương Thư và mọi người khi chống thuyền vượt thác.
- Ở đoạn cuối, dòng sông cứ chảy quanh co giữa những núi cao sừng sững, nhưng dường như đã bớt hiểm trở và qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra như để chào đón con người sau cuộc vượt thác thắng lợi.
b. Vị trí quan sát của người kể chuyện: đang chèo chống con thuyền vượt thác. Vị trí quan sát này rất thuận lợi cho việc miêu tả.
Câu 3. Cảnh con thuyền vượt thác đã được miêu tả như thế nào? Hãy tìm những chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động của nhân vật dượng Hương Thư trong cuộc vượt thác. Những cách so sánh nào đã được sử dụng? Nêu ý nghĩa của hình ảnh so sánh dượng Hương Thư giống như “một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh”.
a. Cảnh con thuyền vượt thác được miêu tả chân thực và sinh động:
Hành trình vượt thác hết sức khó khăn, nguy hiểm. Nước chảy rất mạnh, con thuyền dễ bị thác nước xô vỡ, nhấn chìm:
Chiếc sào của dượng Hương Thư dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hoà Phước.
b. Những chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động của dượng Hương Thư:
- Ngoại hình: Dương Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa.
- Động tác: Co người phóng chiếc sào xuống lòng sông, ghì chặt trên đầu vào, thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt...
c. Đoạn văn sử dụng biện pháp so sánh khá nhiều để đạt được hiệu quả miêu tả: So sánh dượng Hương Thư giống như một pho tượng đồng đúc khắc hoạ ngoại hình gân guốc, khoẻ mạnh của nhân vật. Còn so sánh giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ lại thể hiện vẻ dũng mãnh và tư thế hào hùng của con người trước thiên nhiên.
Tác giả còn nhận xét hình ảnh dượng Hương Thư khi lái thuyền vượt thác khác hẳn với hình ảnh của dượng lúc ở nhà để nhấn mạnh vẻ đẹp rắn rỏi của nhân vật này trước gian khó, hiểm nguy.
d. Ý nghĩa của hình ảnh so sánh dượng Hương Thư giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ: Đề cao vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động kiên cường, hiên ngang đối mặt với thử thách, gian nan. Cách so sánh này làm cho hình ảnh dượng Hương Thư phảng phất nét kì bí, phi thường của các nhân vật anh hùng trong thần thoại hoặc trong những bản anh hùng ca của đồng bào miền núi.
Câu 4. Ở đoạn đầu và đoạn cuối của bài có hai hình ảnh miêu tả những cây cổ thụ trên bờ sông. Em hãy chỉ ra hai hình ảnh ấy và cho biết tác giả đã sử dụng cách chuyển nghĩa nào ở mỗi hình ảnh. Nêu ý nghĩa của từng trường hợp.
+ Hai hình ảnh miêu tả những cây cổ thụ trên bờ sông là:
- Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước.
- Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước.
+ Ở mỗi hình ảnh, tác giả đã sử dụng cách chuyển nghĩa như sau:
- Trong hình ảnh thứ nhất, nhóm từ: dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước đã dùng những động từ, tính từ nói về con người để nói về cây (biện pháp nhân hoá).
- Trong hình ảnh thứ hai, tác giả đã so sánh các cây cổ thụ như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Hình ảnh này có ý nghĩa: thiên nhiên dường như cũng đồng tình với con người và cổ vũ, động viên con người hăng hái tiến lên (biện pháp nhân hoá).
- Phép so sánh và phép nhân hoá giúp cho việc miêu tả thêm sinh động. Cây cỏ, cảnh vật cũng có tính cách và tâm hồn như con người.
Câu 5. Qua bài văn, em cảm nhận như thế nào về thiên nhiên và con người lao động đã được miêu tả?
Qua bài văn, em thấy khung cảnh sông núi miền Trung thật oai linh, hùng vĩ, ẩn chứa một sức mạnh lớn lao. Còn con người thì tuy nhỏ bé nhưng dũng cảm, kiên cường, chế ngự được thiên nhiên.