Câu 1. Nêu đại ý của bài văn. Tìm bố cục của bài và nêu ý chính của mỗi đoạn.
• Đại ý:
Cây tre là người bạn thân của nhân dân Việt Nam. Tre có mặt trên khắp mọi miền đất nước; gắn bó và giúp ích rất nhiều cho con người trong cuộc sống lao động và chiến đấu chống ngoại xâm. Tre luôn luôn ở bên cạnh dân tộc ta trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
• Bố cục: Bài văn gồm bốn đoạn:
- Đoạn một: Từ đầu đến ...chí khí như người: Cây tre có mặt ở khắp nơi và những phẩm chất đáng quý của tre.
- Đoạn hai: Từ Nhà thơ đã có lần ca ngợi... đến ...chung thuỷ: Tre gắn bó mật thiết với con người trong cuộc sống hằng ngày và trong lao động sản xuất.
- Đoạn ba: Từ Như tre mọc thẳng... đến... Tre, anh hùng chiến đấu: Tre sát cánh với con người trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
- Đoạn bốn: Phần còn lại: Tre là người bạn đồng hành thân thiết của dân tộc ta trong hiện tại và trong tương lai.
• Đoạn một có thể xem là phần Mở bài, nêu ý bao quát toàn bài và phác hoạ hình ảnh cây tre với những phẩm chất nổi bật của nó. Đoạn hai và ba là phần Thân bài, phát triển và minh hoạ cho ý chính đã được nêu ở phần Mở bài. Đoạn bốn là phần Kết bài
Câu 2. Để làm rõ ý Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nông dân Việt Nam, bài văn đã đưa ra hàng loạt những biểu hiện cụ thể. Em hãy:
a) Tìm những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của cây tre với con người trong lao động và cuộc sống hằng ngày.
b) Nêu giá trị của các phép nhân hoá đã được sử dụng để nói về cây tre và sự gắn bó của cây tre với con người.
a. Những chi tiết tiêu biểu:
+ Cây tre và những cây cùng họ như nứa, trúc, mai, vầu... có mặt ở khắp nơi trên đất nước ta. Luỹ tre xanh bao bọc các xóm làng đã trở thành hình ảnh thân thương.
+ Dưới bóng tre xanh, người nông dân Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, làm ăn sinh sống và gìn giữ một nền văn hoá có truyền thống lâu đời.
+ Tre giúp người nông dân trong rất nhiều công việc hằng ngày.
+ Tre gắn bó với con người thuộc mọi lứa tuổi..
Cuối cùng, tác giả khái quát và nhấn mạnh sự gắn bó chặt chẽ của cây tre với cuộc đời người nông dân từ lúc lọt lòng nằm trong nôi tre cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trên chiếc giường tre.
+ Tre còn gắn bó với dân tộc Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc. Trong lịch sử, tre đã từng là vũ khí của người anh hùng làng Gióng.
Nhận định về vai trò lớn lao của cây tre đối với đời sống của con người Việt Nam, tác giả viết: Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu.
b. Nhiều chỗ, phép nhân hoá được sử dụng rất thích hợp và đặc sắc. Ví dụ: Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người...
Hàng loạt tính từ thường dùng để chỉ phẩm chất của con người được dùng cho cây tre để làm nổi bật các giá trị cao quý của tre: Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
Những hành động cao cả của con người (xung phong, hi sinh, giữ làng, giữ nước) được dùng để nói về sự cống hiến to lớn của cây tre cho cuộc kháng chiến. Để ca ngợi công lao và phẩm chất của cây tre, tác giả đã tôn vinh cây tre bằng những danh hiệu cao quý của con người: Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu.
Câu 3. Ở đoạn kết, tác giả đã hình dung như thế nào về vị trí của cây tre trong tương lai khi đất nước ta đi vào công nghiệp hoá?
Khi đất nước đi vào công nghiệp hoá, cây tre không chỉ gắn bó với con người trong cuộc sống vật chất mà còn gắn bó với cuộc sống tinh thần qua tiếng nhạc du dương của sáo trúc. Nhạc của trúc, của tre là phương tiện để con người biểu lộ những rung động, cảm xúc bằng âm thanh.
Trong tương lai, các giá trị văn hoá và lịch sử của cây tre sẽ tồn tại mãi trong đời sống của con người Việt Nam. Tre vẫn là người bạn đồng hành thuỷ chung của dân tộc ta trên con đường phát triển. Bởi vì, với giá trị và phẩm chất tốt đẹp của nó, cây tre đã trở thành tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.
Câu 4. Bài văn đã miêu tả cây tre với vẻ đẹp và những phẩm chất gì? Vì sao có thể nói cây tre là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam?
Vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của cây tre:
- Sức sống mãnh liệt: Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.
- Tre làm nên nét đẹp trong đời sống tình cảm và văn hoá của con người: Tre đi vào những câu hát giao duyên, tiếng sáo diều vi vu, tiếng sáo trúc ngân nga khúc nhạc của đồng quê..
- Hiên ngang: Tre cũng bất khuất như người nên đã cùng người chiến đấu chống quân thù, giữ làng giữ nước.
- Có thể nói cây tre là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam vì cây tre mang đầy đủ những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam: giản dị, thanh cao, ngay thẳng, thuỷ chung, cần cù, dũng cảm và kiên cường, bất khuất.
Câu 5. Em hãy tìm một số câu tục ngữ, ca dao, thơ, truyện cổ tích Việt Nam có nói đến cây tre.
Dưới đây là một số câu tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích Việt Nam có nói đến cây tre:
- Khi đi trúc chửa mọc măng,
Khi về trúc đã cao bằng ngọn tre.
- Tre già măng mọc.
- Miệng ăn măng trúc, măng mai,
Những dang cùng nứa, lấy ai bạn cùng!
(Câu này nói về nỗi buồn tẻ, cô quạnh của những người lính thú thời xưa phải đóng quân miền rừng núi nơi biên ải).
Con mèo, con chó có lông,
Cây tre có mắt, xanh đồng có quai.
(Xanh đồng là một loại chảo sâu lòng dùng để xào nấu).
- Truyện Cây tre trăm đốt là truyện cổ tích trong đó cây tre có một vị trí rất quan trọng.
- Truyền thuyết Thánh Gióng kể rằng khi roi sắt gãy, Gióng đã nhổ tre ven đường quật vào quân giặc làm cho chúng thua chạy tan tác và do ngựa sắt phun lửa nên cho đến giờ ở làng Cháy vẫn còn giống tre thân có màu vàng óng gọi là tre đằng ngà.