I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Cây bàng được trồng ở đâu? (Sân trường hay ven đường)?
2. Thân bài:
• Tả cây bàng:
- Cây bàng già, rễ ăn nổi trên mặt đất.
- Thân cây lớn màu nâu, xù xì, thô ráp, nhiều mấu.
- Cành cây chĩa ngang, tán lá gồm nhiều tầng.
- Lá bàng lớn hơn bàn tay, mặt trên xanh đậm, mặt dưới xanh nhạt, hiện rõ những đường gân. Lá mọc thành từng chùm. Tán cây toả rộng cho bóng mát.
- Hoa bàng hình ngôi sao, nhỏ li ti, màu trắng ngà, thơm dịu.
- Trái bàng hình thoi, màu xanh, lúc chín màu vàng, có vị ngọt mát.
- Chim chóc thường làm tổ trên tán lá.
- Gốc bàng là nơi tránh nắng, vui chơi...
- Sang thu, lá bàng chuyển qua màu tía.
- Cuối đông, lá bàng rụng hết, chỉ còn lại những cành khẳng khiu.
- Mùa xuân về, cây bàng trổ hàng ngàn búp lá nõn trông rất đẹp.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của em:
- Cây bàng là người bạn thân thiết của tuổi thơ.
II. BÀI LÀM
Người ta gọi thị xã Sơn Tây là “thị xã bàng” vì dọc hai bên những con đường lớn nhỏ đều trồng một loại cây, đó là cây bàng.
Trước cửa nhà em có một cây bàng già, tuổi của nó chắc cũng đến sáu bảy chục năm. Rễ cây nổi gồ trên mặt đất, làm nứt nẻ cả vỉa hè lát gạch. Thân cây lớn, xù xì nhiều mấu. Thời gian đã phủ lên đó một màu nâu bạc, dầu dãi nắng mưa. Tán bàng gồm nhiều tầng, mỗi tầng cách nhau cả mét, cành chĩa ngang mọc vòng quanh thân. Lá bàng to hơn bàn tay, dày và xanh bóng. Cây bàng toả bóng rợp cả khoảng sân nhỏ trước nhà.
... Ba tháng hè trôi qua rất nhanh. Hè hết, thu sang, lúc chúng em đến trường cũng là lúc lá bàng ngả từ màu xanh sang màu tía. Mỗi khi cơn gió heo may thổi qua, vài chục chiếc lá lìa cành, chấp chới chao liệng trong không trung rồi êm ái rơi xuống mặt đường, không tiếng động.
Cứ thế cho đến mùa đông, cây bàng rụng hết lá. Dường như nó thu hết sức sống vào trong để chống chọi với mưa phùn gió bấc. Lúc này, cây bàng trông giống như một bộ xương khẳng khiu in hình trên nền trời xám đục. Ấy vậy nhưng xin các bạn chớ vội buồn!
Sang xuân, khí trời ấm dần lên, bầu trời quang đãng hẳn ra và hơi lạnh chỉ còn vương trong ngọn gió xuân hây hẩy. Sau vài trận mưa xuân, cây bàng như hồi sinh. Muôn ngàn lộc biếc nhú ra từ khắp các cành cao, cành thấp. Những chùm lá non hé mở thẹn thùng, e ấp. Đến khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba thì lá bàng nở bung ra. Ở dưới nhìn lên, lá bàng non xanh như màu cốm, khe khẽ đu đưa như mời chào, vẫy gọi.
Cuối tháng ba, cây bàng đã khoác lên một chiếc áo mới xanh mướt, đẹp lạ thường.
Sớm mùa hè, nắng len lỏi qua vòm lá, chiếu xuống mặt đất những đốm vàng tươi. Mỗi khi gió thổi qua, tán bàng lao xao. Những chú chim sâu chuyên cần đang chăm chú kiếm mồi, thỉnh thoảng lại cất tiếng kêu lích rích thật dễ thương.
Sau cơn mưa rào, cây bàng như trẻ hẳn ra. Màu lá xanh mỡ màng trông thật thích mắt. Lá bàng tươi dùng để gói xôi. Xôi lạc, xôi đậu, xôi ngô... nóng hổi, đậm đà hương vị khó quên.
Dọc theo con đường Lê Lợi chạy thẳng ra tới bờ sông Hồng, dãy bàng kéo dài tít tắp hàng cây số. Mùa bàng nở hoa, cả dãy phố thoang thoảng mùi thơm dịu ngọt. Hoa bàng li ti màu trắng ngà rụng đầy mặt đất, vương trên tóc, trên áo người đi đường. Trái bàng kết thành chùm, thấp thoáng trong kẽ lá.
Cây bàng trước cửa nhà em là bàng quế, quả chín có màu vàng sậm, cùi dày và ngọt, hột đỏ như son, thơm lạ lùng! Mùi vị của trái bàng chín thật hấp dẫn đối với lũ trẻ con chúng em.
Dưới gốc những cây bàng già, hằng ngày chúng em vui chơi, nô đùa thoả thích. Cây bàng chứng kiến bao kỉ niệm của tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Chúng em coi cây bàng là người bạn lớn gần gũi và vô cùng thân thiết.