Câu 1. Kể tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi.

Người anh coi thường cô em gái Kiều Phương nên đặt tên là Mèo vì mặt cô bé hay bị bôi bẩn lem luốc. Một hôm, người anh thấy em gái tự chế ra màu vẽ. Khi tài năng hội hoạ được phát hiện và khẳng định, Kiều Phương được cả nhà yêu mến và quan tâm. Người anh buồn vì cảm thấy mình bất tài và bị ruồng bỏ. Lén xem những bức tranh em gái vẽ, cậu ta phải công nhận là đẹp. Được sự giới thiệu của hoạ sĩ Tiến Lê, cô bé Kiều Phương tham gia cuộc thi vẽ quốc tế của thiếu nhi và được giải nhất với bức tranh Anh trai tôi.

Đứng trước bức tranh, cảm giác của người anh chuyển từ ngỡ ngàng sang hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Cậu nhận ra những điều đáng chê trách của mình cùng với tâm hồn trong sáng và lòng nhân hậu đáng quý của em gái.

Câu 2. Suy nghĩ rồi thảo luận với các bạn trong nhóm về những điểm sau:

a) Nhân vật chính trong truyện là ai? (Kiều Phương, người anh trai hay cả hai?) Vì sao em lại cho đó là nhân vật chính?

b) Truyện được kể theo lời của nhân vật nào? Việc lựa chọn vai kể như vậy đã có tác dụng gì?

a. Truyện có hai nhân vật đều là nhân vật chính. Nhưng nếu xét kĩ về vai trò của từng nhân vật đối với việc thể hiện chủ đề tác phẩm thì ta thấy nhân vật người anh có vị trí quan trọng hơn. Rõ ràng là truyện không nhằm vào việc khẳng định, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của cô em mà chủ yếu muốn hướng người đọc tới sự thức tỉnh ở nhân vật người anh qua việc tự trình bày những diễn biến tâm trạng của mình trong suốt truyện.

b. Truyện được kể bằng lời và ý nghĩ của người anh. Ngôi kể thứ nhất (tôi) rất thuận lợi cho việc biểu lộ tâm trạng và bày tỏ thái độ của nhân vật chính

Câu 3. Đọc kĩ lại truyện, chú ý đến tâm trạng của người anh (nhân vật kể chuyện) và cho biết:

a) Diễn biến tâm trạng của nhân vật người anh qua các thời điểm: từ trước cho đến lúc thấy em gái tự chế màu vẽ, khi tài năng hội hoạ ở em gái được phát hiện, khi lén xem những bức tranh em gái đã vẽ và khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái trong phòng trưng bày.

b) Vì sao sau khi tài năng hội hoạ ở em gái mình được phát hiện, người anh lại có tâm trạng không thể thân với em gái như trước kia được nữa?

c) Giải thích tâm trạng của người anh khi đứng trước bức tranh “Anh trai tôi” của em gái: Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ.

a. - Diễn biến tâm trạng của người anh: Đầu tiên, người anh có cái nhìn kẻ cả, tỏ ý coi thường. Giọng điệu và lời kể của người anh thể hiện rõ cái nhìn ấy. Người anh đặt biệt danh cho em gái mình là “Mèo". Khi thấy em gái thích vẽ và mày mò tự chế ra màu vẽ thì cậu ta coi đó chỉ là những trò nghịch ngợm của trẻ con. Cậu ta có thái độ khó chịu trước việc em gái hay lục lọi đồ vật trong nhà.

- Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện, mọi người trong gia đình đều ngạc nhiên, vui mừng, nhưng riêng người anh lại buồn bã vì cảm thấy mình không có tài gì nên không được quan tâm. Những lúc ngồi bên bàn học, cậu chỉ muốn gục đầu xuống khóc. Bố mẹ càng chú ý đến em gái bao nhiêu thì người anh lại càng cảm thấy không thể đối xử thân thiết với nó như trước nữa.

- Lúc đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái treo trong phòng trưng bày, người anh giật sững người, phải bám chặt vào tay mẹ. Cảm xúc của cậu ta thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ, khi nghe mẹ hỏi thì muốn khóc.

b. Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện, người anh tỏ ra không thân thiết với em gái như trước nữa vì ghen tức và đố kị. Đây là một biểu hiện tâm lí khá phổ biến, nhất là ở tuổi thiếu niên, đối với người có tài năng nổi bật hơn mình. Người anh hay tỏ ra khó chịu và gắt gỏng với em nhưng vì tò mò, cậu ta đã lén xem những bức tranh em gái vẽ và thầm phục tài năng của cô bé.

c. Khi đứng trước bức tranh được tặng giải nhất của em gái mình, tâm trạng của người anh chuyển biến rất nhanh, từ ngạc nhiên đến hãnh diện rồi xấu hổ. Cậu ta ngạc nhiên vì bức tranh ấy lại là chân dung của mình. Còn hãnh diện vì cậu thấy mình hiện ra trong tranh với những nét đẹp không ngờ. Điều quan trọng hơn cả là người anh cảm thấy xấu hổ vì bất chợt nhận ra những thói xấu của mình, thấy mình không xứng đáng được vẽ như vậy.

Câu 4. Em hiểu như thế nào về đoạn kết của truyện (Tôi không trả lời mẹ... lòng nhân hậu của em con đấy)? Qua đó, em có cảm nghĩ gì về nhân vật người anh?

Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: "Không phải con đâu. Đây là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy".

Người anh không trả lời mẹ vì cảm thấy xấu hổ về thói xấu đố kị nhỏ nhen, hẹp hòi của mình. Người anh không dám nhận mình là nhân vật trong tranh vì bức chân dung quá đẹp, mà mình thì không xứng đáng được vẽ như vậy. Lúc này, người anh mới hiểu tấm lòng nhân hậu, bao dung của em gái. Biết anh không ưa gì mình nhưng cô bé Kiều Phương vẫn yêu mến anh, vẫn lấy người anh làm nhân vật trong tranh. Kiều Phương còn đề tên bức tranh là Anh trai tôi với tất cả tình cảm mến yêu. Điều đó chứng tỏ cô bé nhân hậu, bao dung, trân trọng anh thật sự. Bởi thế, người anh mới có ý nghĩ rằng bức tranh đó là tâm hồn và lòng nhân hậu của em gái.

Người anh đến lúc này đã day dứt, ân hận và thấy rõ thói ghen tị là xấu xa. Chắc chắn rằng cậu ta sẽ từ bỏ được tính xấu đó và trở nên một người anh thật đáng yêu.

Câu 5. Em có cảm nhận gì về nhân vật cô em gái trong truyện? Điều gì khiến em cảm mến nhất ở nhân vật này (tài năng, sự hồn nhiên, lòng độ lượng, nhân hậu,...)?

Nhân vật cô em gái đã được tác giả quan sát và miêu tả về các mặt: ngoại hình (tập trung vào nét mặt), cử chỉ và hành động (tò mò, hiếu động, tự chế màu vẽ và say mê vẽ tranh), thái độ và tình cảm đối với người anh.

Những nét tính cách và phẩm chất nổi bật ở nhân vật Kiểu Phương là hồn nhiên, dễ thương, có năng khiếu hội hoạ. Nhưng tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu mới là điều đáng quý nhất của cô bé này. Mặc dù tài năng được đánh giá cao nhưng Kiều Phương vẫn giữ nguyên vẻ hồn nhiên của tuổi thơ và cô bé vẫn dành cho anh trai những tình cảm tốt đẹp, thể hiện qua bức tranh Anh trai tôi. Soi vào bức tranh ấy tức là soi vào tâm hồn trong sáng và nhân hậu của em gái, nhân vật người anh đã tự nhìn rõ hơn về mình để vượt lên được những hạn chế của lòng tự ái, tự ti và sự đố kị.