I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Cảnh lũ lụt xảy ra vào thời điểm nào?
- Ở đâu?
2. Thân bài:
* Tả cụ thể cảnh lũ lụt:
- Trời mưa lớn kéo dài nhiều ngày.
- Nước sông dâng cao,
- Đồng ruộng, xóm làng ngập trong biển nước.
- Bà con được đưa lên những vùng đất cao để tránh lũ lụt.
- Sinh hoạt rất thiếu thốn, khó khăn.
- Chính quyền giúp dân ổn định đời sống.
- Nhân dân cả nước quan tâm cứu trợ về mặt vật chất, động viên về mặt tinh thần.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của em:
- Thiên tai gây nhiều thiệt hại cho đời sống nhân dân.
- Em hiểu thêm ý nghĩa của những câu tục ngữ, ca dao: Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước thì thương nhau cùng.
II. BÀI LÀM
* Bài 1:
Năm nay, giữa tháng bảy Âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về gây ra cảnh ngập lụt kéo dài. Ruộng vườn, nhà cửa, trường học, trạm y tế... của bao làng xóm ven sông bị nhấn chìm trong biển nước.
Xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ quê em là một vùng đất bãi nằm ngoài đê cho nên thường phải hứng trọn những hậu quả ghê gớm của mùa lũ. Từ trên đê nhìn xuống, sông Hồng ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn chảy, cuốn theo vô số thứ, từ những cây rừng bật gốc, những mảnh thuyền vỡ nát, đến những căn nhà làm bằng tre nứa cũng bị cuốn trôi vùn vụt cùng với những bè lau sậy... Mặt sông lúc này trông thật đáng sợ. Bờ bãi bên kia sông bị đẩy lùi ra xa tít tắp.
Gần một tuần nay, mưa tầm tã. Bầu trời xám xịt, chớp rạch nhoang nhoáng, sấm sét đì đùng. Gió quật tơi tả những vườn chuối, vườn ngô xanh tốt. Nước lũ dâng cao đã đến mức báo động số 3. Tình hình rất nguy cấp. Chính quyền xã đã kịp thời sơ tán dân chúng vào phía trong đê. Mấy chục dãy lán dựng tạm cho bà con có chỗ trú thân. Trâu bò cũng được tập trung trên gò đất cao ở gần điểm canh. Đội thanh niên xung kích đi tuần liên tục để phát hiện những chỗ rò rỉ ở thân đê. Dân làng đành bó tay đứng nhìn những ngôi nhà ngập trong nước và thành quả lao động suốt mấy tháng trời giờ bị lũ cướp trắng mà lòng xót xa, lo lắng.
Trong những ngày này, tình nghĩa xóm giềng gắn bó hơn bao giờ hết. Mọi người san sẻ cho nhau từng cân gạo, bát ngô, mớ củi, bó rau, con cá...
Sau khi tình hình ngập lụt ở xã em được chiếu trên tivi, có rất nhiều cơ quan, đoàn thể và những người hảo tâm đã mang hàng cứu trợ đến tận nơi. Quần áo, sách vở, lương thực, thuốc men... được đưa đến tận tay từng người, từng nhà. Do đó sinh hoạt hằng ngày cũng đỡ khó khăn. Bác Đức Bí thư Đảng uỷ xã, bác Dương Chủ tịch xã thay mặt bà con địa phương cảm ơn sự quan tâm thiết thực của mọi người.
Trong hoàn cảnh thiên tai gian nan, khốn khó như thế này, em càng thấm thía ý nghĩa của những câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tình cảm đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc hiểm nguy, hoạn nạn đã trở thành một truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc Việt Nam ta.
* Bài 2:
Đồng Tháp là một trong những vùng đất trũng của đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Năm nào cũng cứ đến khoảng tháng bảy, tháng tám Âm lịch là lũ từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về, biến nơi đây thành một biển nước mênh mông. Dân gian có câu: Tháng bảy nước nhảy lên bờ là thế.
Mưa kéo dài nhiều ngày không dứt khiến mực nước ngày càng dâng cao. Gió lốc xoáy từng cơn hợp với sóng lớn giật sập những căn nhà đứng chơi vơi giữa đồng không mông quạnh. Làng mạc, trường học, bệnh xá cùng hàng ngàn hécta lúa sắp chín, những rừng tràm, những đầm sen, vườn cây... bị nhấn chìm dưới nước sâu. Bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt của bà con nông dân quê em đã bị thiên tai cướp trắng.
Trong những ngày này, hàng ngàn người phải sống trong cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn. Đáng thương nhất là những em thơ không được vui đùa chạy nhảy. Chúng ngồi co ro trong căn lều tạm, mắt nhìn dõi ra bốn phía, vẻ mặt buồn hiu. Có những bé chừng một hai tuổi bị cha mẹ buộc vào chân giường hay cột lều vì sợ các em rơi xuống nước. Cha mẹ các em đang dầm mình ngoài ruộng để cố gặt những đám lúa chín non. Bao nguy hiểm đang vây bủa cuộc sống con người.
Nhưng quê em đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của nhân dân cả nước. Những chuyến xe tải chở lương thực, thuốc men, quần áo, lưới đánh cá và xuồng nối nhau trên con đường lớn. Hàng cứu trợ được chuyển bằng thuyền, bằng ca nô đến từng gia đình.
Đáng nhớ nhất là ngày đoàn nghệ sĩ cải lương thành phố đem hàng về cứu trợ. Lần đầu tiên người dân quê em được nhìn tận mắt những nghệ sĩ nổi tiếng mà bà con hằng mến mộ qua tivi, băng đĩa. Bà trưởng đoàn thay mặt đoàn phát biểu, chia sẻ nỗi bất hạnh và động viên mọi người cố gắng vượt khó khăn. Bà nói rằng những món quà của giới nghệ sĩ tuy ít những tình cảm chân thành thì không sao kể xiết. Quả là Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Nhờ nhiều năm phải “sống chung với lũ” nên chính quyền và nhân dân địa phương đã có kinh nghiệm đối phó như mở rộng kênh mương, đắp đê bao, bờ bao giữ lúa và chuẩn bị sẵn những khu vực cao ráo, an toàn để dựng lán trại cho bà con tránh lũ. Do đó cũng giảm bớt được phần nào thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Lũ lụt kéo dài hàng mấy tháng trời, gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho đời sống sinh hoạt của người dân. Chúng em, những học sinh vùng lũ chỉ mơ ước được tung tăng cắp sách đến trường vào đúng ngày khai giảng đầu tháng 9 như bao bạn bè cùng trang lứa trong cả nước.