Bài 44: HÓA HỌC VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
B. LỜI GIẢI CHI TIẾT CÁC CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CƠ BẢN
1. Chất dinh dưỡng có vai trò to lớn như thế nào đối với cuộc sống con người?
Trả lời:
Lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho cuộc sống và hoạt động. Ăn không đủ năng lượng hoặc thiếu chất dinh dưỡng sẽ làm cho cơ thể hoạt động không hiệu quả, sức khỏe yếu, chậm phát triển trí tuệ...
Thí dụ: Thiếu iot sẽ gây kém trí nhớ, thiếu vitamin A sẽ gây bệnh khô mắt, thiếu sắt dẫn đến bệnh thiếu máu...
2. Hóa học có thể làm gì để góp phần làm tăng sản lượng lương thực, thực phẩm?
Trả lời:
Để góp phần làm tăng sản lương thực, thực phẩm, hóa học có những hướng hoạt động sau:
- Nghiên cứu và sản xuất các chất có tác dụng bảo vệ và phát triển thực vật, động vật như: sản xuất các loại phân bón hóa học (phân đạm, phân lân, ...), sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật (chất diệt cỏ, trừ sâu,...), sản xuất các loại thuốc kích thích tăng trưởng,...
- Nghiên cứu và sản xuất những hóa chất bảo quản lương thực, thực phẩm để nâng cao chất lượng thực phẩm sau thu hoạch.
- Bằng con đường chế biến thực phẩm theo công nghệ hóa học để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp hoặc chế biến thực phẩm nhân tạo như tổng hợp chất béo nhân tạo, chuyển hóa dầu thành mỡ,...
- Thay thế tinh bột bằng hợp chất hiđrocacbon để sản xuất ancol etylic, thay thế xà phòng từ chất béo bằng sản xuất bột giặt tổng hợp.
- Sản xuất glucozơ, tổng hợp chất béo nhân tạo, chế biến protein từ protein tự nhiên.
- Cùng với công nghệ sinh học tạo giống mới có năng suất cao...
3. Hóa học có vai trò như thế nào trong việc đáp ứng nhu cầu về may mặc và bảo vệ sức khỏe con người.
Trả lời:
Hóa học có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về may mặc và bảo vệ sức khỏe con người:
- Sản xuất các loại tơ như:
+ Tơ tự nhiên chế tạo từ bông, lông thú.
+ Tơ nhân tạo được sản xuất từ các polime tự nhiên: tơ visco, tơ axetat.
+ Tơ tổng hợp được sản xuất từ các polime không có sẵn trong tự nhiên, do con người tổng hợp bằng phương pháp hóa học như tơ nilon, tơ capron.
- Đối với sức khỏe con người: ngành hóa học dược phẩm là ngành có liên quan đến sức khỏe con người như:
+ Về thuốc chữa bệnh: Ngành hóa dược đã nghiên cứu và sản xuất ra nhiều loại thuốc chữa bệnh, cứu sống hàng trăm triệu người; hóa học đã góp phần nghiên cứu các loại vacxin để đề phòng và hạn chế nhiều bệnh thế kỉ như đậu mùa, AIDS,...
+ Về thuốc bổ dưỡng: các loại vitamin riêng lẻ như A, B, C, D,...các loại thuốc bổ tổng hợp.
4. Hãy lấy một số thí dụ về chất gây nghiện, ma túy nguy hại cho sức khỏe con người?
Trả lời:
Chất ma túy, chất gây nghiện có hại cho sức khỏe con người như: thuốc phiện, cần sa, heroin, cocain, ma túy tổng hợp, ma túy ở dạng bột để hít, viên để uống dạng dung dịch để tiêm.
5. Trong danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm. Bộ Y tế quy định có 5 chất ngọt nhân tạo được dùng trong chế biến lương thực, thực phẩm, nhưng có quy định liều lượng sử dụng an toàn. Thí dụ: chất acesulfam K, liều lượng có thể chấp nhận được là 0 – 15mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Như vậy, mỗi người nặng 60 kg, trong một ngày có thể dùng lượng chất này tối đa là
A.12mg.
B.10 mg.
C.1500 mg.
D.900mg.
Giải:
Chọn D. Lượng chất acesulfam K tối đa mà một người nặng 60kg được phép dùng là:
15.60 = 900mg.
II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP MỞ RỘNG, NÂNG CAO
1. Sự thiếu hụt nguyên tố (ở dạng hợp chất) nào sau đây gây ra bệnh loãng xương?
A. Sắt.
B. Kẽm.
C. Canxi.
D. Photpho.
Trả lời:
Chọn C. Sự thiếu hụt nguyên tố (ở dạng hợp chất) canxi sẽ gây ra bệnh loãng xương.
2. Để bổ sung vitamin A cho cơ thể có thể ăn gấc vì trong quả gấc chín có
A.vitamin A.
B.$\beta$-caroten (thủy phân tạo ra vitamin A).
C.este của vitamin A.
D.enzim tổng hợp vitamin A.
Trả lời:
Chọn B. Trong quả gấc có $\beta$-caroten (thủy phân tạo ra vitamin A).
3. Khí biogas sản xuất từ chất thải chăn nuôi được dùng làm nhiên liệu trong sinh hoạt ở nông thôn. Tác dụng của việc dùng khí biogas là
A. phát triển chăn nuôi.
B. đốt để lấy nhiệt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
C. giải quyết công ăn việc làm ở nông thôn.
D. giảm giá thành sản xuất dầu khí.
Trả lời:
Chọn B. Tác dụng của việc dùng khí biogas trong sinh hoạt ở nông thôn là đốt để lấy nhiệt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
4. Người hút thuốc lá nhiều thường mắc các bệnh nguy hiểm về đường hô hấp. Chất gây hại chủ yếu có trong thuốc lá là
A.becberin.
B.nicotin.
C.axit nicotinic.
D.mocphin.
Trả lời:
Chọn B. Trong thuốc là chứa nhiều chất nicotin.
5. Loài người đã sử dụng các nguồn năng lượng chủ yếu nào?
Trả lời:
Các nguồn năng lượng chủ yếu được loài người sử dụng là:
- Năng lượng hóa thạch: than đá, dầu mỏ,...
- Năng lượng hạt nhân: nhà máy điện nguyên tử.
- Năng lượng thủy lực: nhà máy thủy điện.
- Năng lượng gió: cối xay gió.
- Năng lượng Mặt Trời: pin Mặt Trời.
6. Hãy nêu những nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời:
Các nguồn năng lượng sạch: năng lượng thủy lực, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời.
7. Những nguồn năng lượng sau đây có tác động như thế nào đối với không khí và nước?
- Than đá.
- Dầu mỏ.
- Khí tự nhiên.
- Năng lượng hạt nhân.
Trả lời:
Các tác động của năng lượng đối với không khí và nước:
- Than đá: Khi đốt sẽ thải vào khí quyển các khí $CO_{2}$, CO, $SO_{2}$, $NO_{2}$,...
- Dầu mỏ: Đốt xăng, dầu cũng thải vào không khí các khí thải như than đá; đường ống rò rỉ, tràn dầu sẽ gây ô nhiễm nước trầm trọng...
- Khí tự nhiên: Khi cháy cũng thải vào không khí các khí thải $CO_{2}$, $NO_{2}$,...
- Năng lượng hạt nhân: Nếu bị rò rỉ sẽ gây ô nhiễm phóng xạ không khí và nước...
8. Hiện nay, túi PE được dùng làm túi an toàn để đựng thực phẩm. Tuy nhiên nếu kéo dài tình trạng sử dụng túi PE sẽ dẫn đến hậu quả gì? Nêu giải pháp thay thế PE.
Trả lời:
- Túi PE không độc nên thuận lợi cho việc dùng để đựng thực phẩm. Nhưng do PE rất bền với các tác nhân oxi hóa thông thường nên không tự phân hủy và không bị phân hủy sinh học, do đó sau một thời gian nó sẽ trở thành phế thải rắn.
- Có thể thay thế PE bằng các vật liệu dễ tự phân hủy hoặc bị phân hủy sinh học như vật liệu xenlulozơ.
9. Hóa học đã góp phần giải quyết vấn đề ăn, mặc cho con người như thế nào?
Trả lời:
- Hóa học đã sản xuất ra phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... để nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng.
- Hóa học đã chế tạo ra các loại tơ, sợi hóa học bền và đẹp góp phần làm thỏa mãn nhu cầu may mặc của con người.
10. Hóa học đã góp phần bảo vệ sức khỏe con người như thế nào?
- Hóa học đã chế tạo ra hàng nghìn loại thuốc khác nhau để chữa nhiều loại bệnh từ đơn giản (cảm cúm, sổ mũi...) đến phức tạp (các bệnh nan y) cho con người.
- Hóa học đã điều chế ra các loại vitamin A, B, C, D ... riêng lẻ, vitamin tổng hợp, thực phẩm chức năng để bồi bổ sức khỏe, góp phần phòng chống các bệnh tật, nâng cao cuộc sống cho con người.