Bài 45: HÓA HỌC VÀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
A. BÀI GIẢNG
I. Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
1. Ô nhiễm môi trường không khí
- Không khí bị ô nhiễm thường chứa quá mức cho phép nồng độ các khí $CO_{2}$, $CH_{4}$, và một số khí độc khác như CO, $NH_{3}$, $SO_{2}$...; một số vi khuẩn gây bệnh...
- Không khí bị ô nhiễm có nguy cơ gây tác hại đến thực vật, động vật, sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
- Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường:
+ Do thiên nhiên: núi lửa, thiên tai,...
+ Do con người: khí thải công nghiệp, khí thải do các hoạt động giao thông, vận tải, khí thải do sinh hoạt...
2. Ô nhiễm môi trường nước
- Nước ô nhiễm thường có chứa các chất thải hữu cơ, các vi sinh vật gây bệnh, các chất dinh dưỡng thực vật, các hóa chất hữu cơ tổng hợp, các hóa chất vô cơ, các chất phóng xạ, chất độc hóa học...
- Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước chủ yếu là do con người gây ra.
3. Ô nhiễm môi trường đất
- Đất bị ô nhiễm có chứa một số độc tố, chất có hại cho cây trồng vượt quá nồng độ qui định.
- Sản xuất hóa học là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất.
- Môi trường bị ô nhiễm gây suy giảm sức khoẻ con người, gây thay đổi khí hậu toàn cầu, làm diệt vong một số loại sinh vật...
- Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất:
+ Do thiên nhiên: núi lửa, ngập úng, đất bị mặn do thủy triều,...
+ Do con người: do các tác nhân vật lí, sinh học, hóa học...
II. HÓA HỌC VÀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG ĐỜI SỐNG SẢN XUẤT VÀ HỌC TẬP HÓA HỌC
1. Nhận biết môi trường bị ô nhiễm
Một số cách nhận biết môi trường bị ô nhiễm:
- Quan sát màu sắc, mùi. Thí dụ: Nước bị ô nhiễm thường có mùi khó chịu,...
- Dùng một số hóa chất để xác định các ion gây ô nhiễm bằng phương pháp phân tích hóa học.
- Dùng các dụng cụ đo như nhiệt kế, sắc kí, máy đo pH... để xác định nhiệt độ, các ion và độ pH của đất, nước...
Thí dụ: Dùng máy đo pH để xác định độ pH của đất, nước từ đó xác định độ chua (phèn) của đất...
2. Xử lí chất ô nhiễm như thế nào?
Để xử lý chất thải theo phương pháp hóa học, cần căn cứ vào tính chất vật lí, tính chất hóa học của mỗi chất thải để chọn chất khử cho phù hợp.
- Xử lý nước thải.
- Xử lý khí thải.
- Xử lý chất thải trong quá trình học tập: Các chất thải sau khi thí nghiệm có thể được xử lý bằng cách:
+ Phân loại hóa chất.
+ Căn cứ vào tính chất hóa học để xử lí cho phù hợp.
Thí dụ: với axit thì dùng nước vôi để trung hoà..., với kim loại quý thì cần thu gom để tái sử dụng...