§6. ĐƠN CHẤT - HỢP CHẤT - PHÂN TỬ
A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ
1.Đơn chất
- Đơn chất là những chất tạo nên từ một nguyên tố hóa học.
Ví dụ: Khí hiđro, kim loại nhôm ...
- Một số nguyên tố có thể tạo nên 2, 3 ... dạng đơn chất.
Ví dụ: Từ nguyên tố cacbon tạo nên than (than chì, than gỗ, than muội ...) và kim cương.
- Trong đơn chất kim loại các nguyên tử sắp xếp khít nhau và theo một trật tự xác định.
- Trong đơn chất phi kim các nguyên tử thường liên kết với nhau theo một số nhất định và thường là hai.
- Đơn chất kim loại có tính dẫn điện và nhiệt còn đơn chất phi kim thì không dẫn điện và nhiệt.
2. Hợp chất
- Hợp chất là những chất tạo nên từ hai nguyên tố hóa học trở lên.
Ví dụ: Nước là hợp chất tạo bởi hai nguyên tố là hiđro và oxi.
- Có 2 loại hợp chất là: hợp chất vô cơ và hợp chất hữu cơ.
3. Phân tử
- Phân tử là hạt đại diện cho chất, gồm một số nguyên tử liên kết với nhau và thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất.
Ví dụ: Phân tử khí oxi do hai nguyên tử oxi liên kết với nhau tạo nên.
- Phân tử khối là khối lượng của một phân tử tính bằng đơn vị cacbon. Phân tử khối một chất bằng tổng nguyên tử khối của các nguyên tử trong phân tử chất đó.
Ví dụ:
- Phân tử khối của khí oxi là: 2.16 = 32 đvC.
- Phân tử khối của nước (2 H, 1 O) là: 2.1 + 1.16 = 18 đvC.
4. Trạng thái của chất
• Mỗi mẫu chất là một tập hợp vô cùng lớn những hạt là phân tử hay nguyên tử. Ví dụ:
- Đá vôi tạo bởi các nguyên tố Ca, C, O.
- Kim loại đồng tạo bởi các nguyên tử đồng Cu.
• Tùy điều kiện, một chất có thể ở ba trạng thái (hay thế): rắn, lỏng và khí (hơi).
Ví dụ: nước đá (thể rắn), nước lỏng (thể lỏng), hơi nước (thể hơi).
• Ở trạng thái rắn các hạt sắp xếp khít nhau và dao động tại chỗ.
• Ở trạng thái lỏng các hạt ở gần sát nhau và chuyển động trượt lên nhau.
• Ở trạng thái khí các hạt rất xa nhau.
B. BÀI GIẢI CHI TIẾT CÁC CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Điền vào chỗ trống các từ thích hợp:
“Khí hiđro, khí oxi và khí clo là những..., đều tạo nên từ một... Nước, muối ăn (natri clorua), axit clohiđric là những..., đều tạo nên từ hai... Trong thành phần hóa học của nước và axit clohiđric đều có chung một..., còn của muối ăn và axit clohiđric lại có chung một...”.
Trả lời:
Câu hoàn chỉnh là: “Khí hiđro, khí oxi và khí clo là những đơn chất, đều tạo nên từ một nguyên tố hóa học. Nước, muối ăn (natri clorua), axit clohiđric là những hợp chất, đều tạo nên từ hai nguyên tố hóa học. Trong thành phần hóa học của nước và axit clohiđric đều có chung một nguyên tố hiđro, còn của muối ăn và axit clohiđric lại có chung một nguyên tố clo”.
2. Không khí là một hỗn hợp gồm một số chất. Trong số đó có bốn chất chiếm tỉ lệ nhiều nhất là các chất khí nitơ, oxi, cacbon đioxit và hơi nước, các chất này được xếp thành sáu cặp chất dưới đây:
- Khí nitơ và khí oxi.
- Khí nitơ và khí cacbon đioxit.
- Khí oxi và khí cacbon đioxit.
- Khí oxi và hơi nước.
- Khí nitơ và hơi nước.
- Khí cacbon đioxit và hơi nước.
Tất cả có mấy cặp chất gồm một đơn chất và một hợp chất?
A. Một;
B. Hai;
C. Ba;
D. Bốn.
Trả lời:
Chọn D. Có bốn cặp chất gồm một đơn chất và một hợp chất: Khí nitơ (đơn chất) và hơi nước (hợp chất); khí nitơ (đơn chất) và khí cacbon đioxit (hợp chất); khí oxi (đơn chất) và hơi nước (hợp chất); khí oxi (đơn chất) và khí cacbon đioxit (hợp chất).
3. Hãy sửa dòng chữ sau (bỏ ngoặc đơn, chọn giữ lại những từ thích hợp) thành hai câu mô tả về cấu tạo của đơn chất:
“Trong đơn chất (kim loại/ phi kim), các nguyên tử (thường liên kết với nhau theo một số nhất định/ sắp xếp khác nhau theo một trật tự xác định)”.
Trả lời:
Trong đơn chất kim loại các nguyên tử sắp xếp khít nhau theo một trật tự xác định. Trong đơn chất phi kim các nguyên tử thường liên kết với nhau theo một số nguyên tử nhất định.
4. Dựa vào dấu hiệu nào dưới đây (A, B hay C) để phân biệt phân tử của hợp chất khác với phân tử của đơn chất?
A. Số lượng nguyên tử trong phân tử.
B. Nguyên tử khác loại liên kết với nhau.
C. Hình dạng của phân tử.
Trả lời:
Chọn B. Trong phân tử đơn chất: các nguyên tử cùng loại liên kết với nhau; trong phân tử hợp chất: các nguyên tử khác loại liên kết với nhau. Dấu hiệu đúng là: Nguyên tử khác loại liên kết với nhau.
5. Trong số các chất dưới đây hãy chỉ ra và giải thích chất nào là đơn chất, là hợp chất.
a) Khí ozon có phân tử gồm 3O liên kết với nhau.
b) Axit photphoric có phân tử gồm 3H, 1P và 4O liên kết với nhau.
c) Chất natri cacbonat (soda) có phân tử gồm 2Na, 1C và 3O liên kết với nhau.
d) Khí flo có phân tử gồm 2F liên kết với nhau.
e) Rượu etylic (cồn) có phân tử gồm 2C, 6H và 1O liên kết với nhau.
f) Đường có phân tử gồm 12C, 22H và 11O liên kết với nhau.
Trả lời:
a) Khí ozon là đơn chất vì phân tử gồm những nguyên tử cùng loại (oxi) liên kết với nhau.
b) Axit photphoric là hợp chất vì phân tử gồm những nguyên tử khác loại (hiđro, photpho và oxi) liên kết với nhau.
c) Natri cacbonat là hợp chất (giải thích như câu b)
d) Khí flo là đơn chất (giải thích như câu a).
e) Rượu etylic là hợp chất (giải thích như câu b).
f) Đường là hợp chất (giải thích như câu b).
6. Tính phân tử khối của sáu chất nói tới trong bài tập 5 ở trên. Phân tử chất nào nặng nhất, chất nào nhẹ nhất?
Trả lời:
Phân tử khối của:
a) Khí ozon ($O_{3}$) bằng: 3.16 = 48 đvC.
b) Axit photphoric ($H_{3}PO_{4}$) bằng: 3 + 31 + 4.16 = 98 đvC.
c) Natricacbonat ($Na_{2}CO_{3}$) bằng: 2.23 + 12 + 3.16 = 106 đVC.
d) Khí flo ($F_{2}$) bằng: 2.19 = 38 đvC.
e) Rượu etylic ($C_{2}H_{5}OH$) bằng: 2.12 + 6 + 16 = 46 đvC.
f) Đường ($C_{12}H_{22}O_{11}$) bằng: 12.12 + 22 + 11.16 = 342 đvC.
Vậy: Phân tử đường nặng nhất, phân tử khí flo nhẹ nhất.
7. a) Khi hòa tan đường vào nước, vì sao không nhìn thấy đường nữa?
b) Hỗn hợp nước đường gồm mấy loại phân tử?
Trả lời:
a) Khi tan trong nước, đường bị chia nhỏ thành phân tử và trộn lẫn cùng phân tử nước.
b) Hỗn hợp nước đường gồm hai loại phân tử: nước và đường.
8. a) Số phân tử trong 1 kg nước lỏng có nhiều hơn hay bằng số phân tử trong 1 kg hơi nước?
b) Khi đun nóng nước lỏng quan sát kĩ ta sẽ thấy thể tích nước tăng lên chút ít.
Một bạn giải thích: Đó là do các phân tử nở ra.
Bạn khác cho rằng: đó là do khoảng cách giữa các phân tử giãn ra.
Bạn nào đúng?
Trả lời:
a) Số phân tử trong 1kg nước lỏng bằng số phân tử có trong 1kg hơi nước.
b) Bạn thứ hai đúng: giữa các phân tử luôn có khoảng cách hay đúng hơn là khoảng trống, khi đun nóng, nhiệt độ tăng thì khoảng trống tăng lên nên thể tích nước tăng lên.