Chương 2. PHẢN ỨNG HÓA HỌC

§12. SỰ BIẾN ĐỔI CHẤT

A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

1. Hiện tượng vật lí: Là hiện tượng chất biến đổi mà vẫn giữ nguyên chất ban đầu.

Ví dụ: Sự thay đổi trạng thái của nước (nước lỏng hóa hơi), sự hòa tan muối ăn vào nước...

2. Hiện tượng hóa học: Là hiện tượng chất biến đổi có tạo ra chất khác.

Ví dụ: Cho vôi sống (CaO) vào nước ($H_{2}O$) tạo dung dịch vôi tôi $Ca(OH)_{2}$ và tỏa nhiệt.

B. BÀI GIẢI CHI TIẾT CÁC CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hoàn thành các câu sau đây với đầy đủ các từ thích hợp, chọn trong khung:

Chất, phân tử, hóa học, vật lí, trạng thái.

“Với các ... có thể xảy ra những biến đổi thuộc hai loại hiện tượng. Khi ... biến đổi mà vẫn giữ nguyên là... ban đầu, sự biến đổi thuộc loại hiện tượng ... Còn khi ... biến đổi thành ... khác, sự biến đổi thuộc loại hiện tượng ...”.

Trả lời:

“Với các chất có thể xảy ra những biến đổi thuộc hai loại hiện tượng. Khi chất biến đổi mà vẫn giữ nguyên là chất ban đầu, sự biến đổi thuộc loại hiện tượng vật lí. Còn khi chất biến đổi thành chất khác, sự biến đổi thuộc loại hiện tượng hóa học.”

2. Trong số những quá trình kể dưới đây, hãy cho biết đâu là hiện tượng hóa học, đâu là hiện tượng vật lí. Giải thích.

a) Dây sắt được cắt nhỏ từng đoạn và tán thành đinh.

b) Hòa tan axit axetic vào nước được dung dịch axit axetic loãng, dùng làm giấm ăn.

c) Vành xe đạp bằng sắt bị phủ một lớp gỉ là chất màu nâu đỏ.

d) Để rượu nhạt (rượu có tỉ lệ nhỏ chất rượu etylic tan trong nước) lâu ngoài không khí, rượu nhạt lên men và chuyển thành giấm chua.

Trả lời :

a) Dây sắt được cắt nhỏ từng đoạn và tán thành đinh. Đây là hiện tượng vật lí vì sắt chỉ biến đổi về hình dạng.

b) Hòa tan axit axetic vào nước được dung dịch axit axetic loãng, dùng làm giấm ăn. Đây là hiện tượng vật lí vì axit axetic chỉ hòa tan vào nước, không biến đổi thành chất khác.

c) Vành xe đạp bằng sắt bị phủ một lớp gỉ là chất màu nâu đỏ. Đây là hiện tượng hóa học vì sắt biến đổi thành chất màu nâu đỏ.

d) Để rượu nhạt (rượu có tỉ lệ nhỏ chất rượu etylic tan trong nước) lâu ngoài không khí, rượu nhạt lên men và chuyển thành giấm chua. Đây là hiện tượng hóa học vì rượu etylic biến đổi thành axit axetic.

3. Sản xuất vôi được tiến hành qua hai công đoạn chính. Đá vôi (thành phần chính là chất canxi cacbonat) được đập thành cục nhỏ tương đối đều nhau. Sau đó đá vôi được xếp vào lò nung nóng thì thu được vôi sống (chất canxi oxit) và khí cacbon đioxit thoát ra.

Hãy cho biết ở công đoạn nào xảy ra hiện tượng vật lí, công đoạn nào xảy ra hiện tượng hóa học. Giải thích.

Trả lời:

- Ở công đoạn thứ nhất chất canxi cacbonat chỉ biến đổi về hình dạng, xảy ra hiện tượng vật lí.

- Ở công đoạn thứ hai, chất canxi cacbonat biến đổi thành hai chất khác (vôi sống, chất canxi oxit và khí cacbon đioxit), xảy ra hiện tượng hóa học.

4. Hãy phân tích cho biết trường hợp nào xảy ra hiện tượng hóa học, trường hợp nào xảy ra hiện tượng vật lí.

a) Khi mở nút chai nước giải khát loại có ga thấy bọt sủi lên.

b) Hòa vôi sống vào nước được vôi tôi (vôi tôi là chất canxi hiđroxit, nước vôi trong là dung dịch chất này).

Trả lời:

a) Có bọt sủi lên khi mở nút chai nước giải khát loại có ga là do khí cacbon đioxit bị nén trong đó thoát ra. Đây là hiện tượng vật lí.

b) Hòa vôi sống (canxi oxit) vào nước, vôi sống biến đổi thành vôi tôi là một chất khác (canxi hiđroxit). Đây là hiện tượng hóa học.