Bài 56. CÁC TÁC DỤNG CỦA ÁNH SÁNG

A- KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Ánh sáng có tác dụng nhiệt, tác dụng sinh học và tác dụng quang điện. Điều đó chứng tỏ ánh sáng có năng lượng. Trong các tác dụng này, năng lượng ánh sáng được biến đổi thành các dạng năng lượng khác.

2. Các vật có màu tối (màu đen, màu tím...) hấp thụ năng lượng ánh sáng mạnh hơn các vật có màu sáng (màu trắng, màu hồng...).

B – HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI TRONG SGK VÀ GIẢI BÀI TẬP TRONG SBT

C1. Khi ánh sáng chiếu vào mọi vật sẽ làm cho các vật đó nóng lên ví dụ : Phơi các vật ngoài nắng nó sẽ nóng lên; khi chiếu ánh sáng ngọn đèn vào các vật ta cũng thấy các vật nóng lên...

C2. Một số ứng dụng về tác dụng nhiệt của ánh sáng : phơi khô các vật ngoài nắng, làm muối...

C3*. Trong cùng một thời gian, với cùng một nhiệt độ ban đầu và cùng điều kiện chiếu sáng thì nhiệt độ của tấm kim loại màu đen tăng nhanh hơn nhiệt độ của tấm kim loại màu trắng. Điều đó có nghĩa là, trong cùng điều kiện thì vật màu đen hấp thụ năng lượng ánh sáng nhiều hơn vật màu trắng.

C4. Tác dụng của ánh sáng đối với cây cối : các cây thường ngủ hoặc vươn ra chỗ có ánh sáng mặt trời để quang hợp.

C5. Tác dụng của ánh sáng đối với cơ thể người : ta thường cho trẻ nhỏ ra tắm nắng buổi sớm để thân thể được cứng cáp, hồng hào.

C6. Một số dụng cụ sử dụng pin mặt trời : máy tính bỏ túi, bình nước nóng dùng pin mặt trời đặt trên các nhà cao tầng...

C7. Muốn cho pin hoạt động được thì phải chiếu ánh sáng vào pin. Khi pin hoạt động, nó không nóng lên hoặc nóng lên không đáng kể. Do đó, pin hoạt động được không phải do tác dụng nhiệt của ánh sáng. Muốn khẳng định điều này thì ta mang pin mặt trời vào chỗ tối rồi làm cho nó nóng lên, ta sẽ thấy pin không hoạt động.

C8. Ác-si-mét đã sử dụng gương để điều chỉnh hướng truyền của ánh sáng mặt trời tập trung chiếu vào các chiến thuyền giặc. Do tác dụng nhiệt của ánh sáng mặt trời được tập trung lại nên nhiệt độ đó có để đốt cháy các chiến thuyền của quân giặc.

C9. Bố mẹ thường khuyên con cái thỉnh thoảng phải ra ngoài nắng để cơ thể được cứng cáp, khỏe mạnh. Như vậy bố, mẹ chúng ta đã nói đến tác dụng sinh học của ánh sáng mặt trời.

C10. Về mùa đông nên mặc quần áo màu tối vì màu tối hấp thụ tốt năng lượng của ánh sáng mặt trời sưởi ấm cho cơ thể. Về mùa hè thì nên mặc quần áo màu sáng vì màu sáng hấp thụ ít năng lượng của ánh sáng mặt trời nên giảm được sự nóng bức khi ta đi ngoài nắng.

56.1. C.

56.2. a - 3; b - 4; c - 2; d - 1.

56.3. Các bình chứa xăng, dầu, các toa tàu chở dầu... phải sơn các màu sáng như : nhũ bạc, màu trắng, màu vàng... để nó hấp thụ ít năng lượng của ánh sáng mặt trời chiếu vào, do đó hạ được nhiệt độ tác động vào thùng chứa xăng, dầu tránh nguy cơ cháy nổ.

56.4. Các tác dụng của ánh sáng ứng dụng trong các công việc:

a) Phơi lạc ra nắng cho đỡ mốc là ta đã sử dụng chủ yếu là tác dụng nhiệt là của ánh sáng mặt trời.

b) Dùng cái điều khiển từ xa để mở, tắt tivi là ta đã sử dụng tác dụng quang điện của tia hồng ngoại.

c) Ở một số bệnh viện, người ta dùng tia tử ngoại để khử trùng trong các bệnh viện, tức là người ta đã sử dụng tác dụng sinh học của ánh sáng.

56.5. A.

56.6. C.

56.7. C.

56.8. B.

56.9. a - 4; b - 1; c - 2; d - 3.

56.10. a – 3; b - 4; c - 1; d - 2.

C- BÀI TẬP BỔ SUNG

56a. Trong hiện tượng quang hợp, đã có tác dụng gì của ánh sáng ? Hãy phân tích sự biến đổi năng lượng xảy ra trong hiện tượng này.

56b. Nêu và phân tích một ví dụ về tác dụng nhiệt có lợi, một tác dụng nhiệt có hại của ánh sáng mặt trời trong đời sống và sản xuất.

HƯỚNG DẪN GIẢI

56a. Ánh sáng có tác dụng sinh học trong hiện tượng quang hợp. Trong hiện tượng này, quang năng bị hấp thụ đã kích thích quá trình tạo ra chất diệp lục trong cây xanh. Có nghĩa là quang năng đã biến đổi thành năng lượng sinh học. Xét về một phương diện nào đó cũng có thể nói trong hiện tượng quang hợp, quang năng đã biến thành hoá năng.

56b. - Tác dụng nhiệt có lợi của ánh sáng mặt trời : ánh sáng mặt trời chiếu lên các ruộng muối sẽ làm cho nước bốc hơi để lại muối.

- Tác dụng nhiệt có hại của ánh sáng mặt trời : khi ánh sáng mặt trời quá mạnh sẽ gây ra hiện tượng hạn hán ảnh hưởng đến mùa màng.