I. DÀN Ý
1. Mở bài: Giới thiệu vài nét về tiểu sử tác giả:
- A. Sê-khốp là nhà văn hiện thực lớn của nước Nga thế kỉ XIX.
- Phần lớn sáng tác của ông đều xoay quanh các vấn đề xã hội và tính cách, số phận con người. Ông đã nêu lên một nhận xét đúng đắn: Con người càng phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì càng tự do và cuộc sống càng đem lại cho anh ta nhiều thích thú hơn.
- Câu nói của Sê-khốp là một nhận định khái quát về nhân sinh quan của con người, đặt ra vấn đề: Con người sống như thế nào cho có ích, cho đúng với ý nghĩa của tự do?
2. Thân bài:
* Bình luận câu nói của Sê-khốp.
+ Con người càng phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì càng tự do...
- Trí tuệ và đạo đức là hai yếu tố nền tảng trong việc hình thành tính cách và quyết định số phận của một con người.
- Trí tuệ là gì? Trí tuệ là khả năng nhận thức lí tính đạt đến một trình độ nhất định. (Từ điển Tiếng Việt).
- Làm thế nào để trở thành một con người có trí tuệ? Chỉ có con đường học tập, tích luỹ và không ngừng nâng cao kiến thức thì mới có thể trở thành người có trí tuệ. Người xưa có câu: Nhân bất học bất tri lí (Người không học thì không biết thế nào là lí lẽ, là đúng, sai). Trí tuệ ảnh hưởng rất nhiều tới đạo đức vì học tập không chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức mà còn là quá trình rèn luyện nhân cách. Cái tài phải gắn liền với cái tâm.
- Người có trí tuệ sẽ ý thức rõ về mặt mạnh, mặt yếu của bản thân; tiếp thu nhanh nhạy mọi vấn đề của cuộc sống vốn dĩ phức tạp. Từ đó họ mới có kĩ năng học tập và làm việc hiệu quả.
- Học tập và làm việc có hiệu quả tạo nên sự tự tin cho con người. Đó là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp. Con người thành đạt là con người tự do, tự chủ.
+ ...cuộc sống đem lại cho anh ta nhiều thích thú hơn.
- Con người có trí tuệ sẽ hiểu được ý nghĩa phong phú của cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Do đó đời sống tinh thần, tình cảm cũng được nâng cao, mở rộng.
- Sự thành đạt đem lại niềm vui, hạnh phúc. Điều đó khiến cho con người thêm yêu cuộc sống.
3. Kết bài:
- Ý kiến của nhà văn Sê-khốp là hoàn toàn đúng.
- Người xưa từng nhắc nhở : Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích. Vì vậy, muốn trở thành con người có trí tuệ thì mỗi chúng ta phải không ngừng học tập, tu dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại.
II. BÀI LÀM
Sê-khốp (1860 - 1904) là nhà văn hiện thực vĩ đại của nước Nga nửa cuối thế kỉ XIX. Nội dung các sáng tác của ông đều xoay quanh những vấn đề có tính chất xã hội. Đặc biệt là ông luôn luôn trăn trở về số phận của con người. Trên các trang viết sắc sảo của ông thường xuất hiện nhiều mảnh đời đau khổ nhưng vẫn chói ngời những phẩm chất cao đẹp; đó chính là nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Sê-khốp. Ông cũng luôn quan tâm đến những vấn đề lớn lao trong cuộc sống. Sê-khốp đã nói: Con người càng phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì càng tự do và cuộc sống càng đem lại cho anh ta nhiều thích thú hơn. Câu nói trên là một nhận định khái quát về nhân sinh quan, đặt ra vấn đề con người sống như thế nào cho có ích, cho đúng với ý nghĩa của hai từ: tự do.
Trước hết, Sê-khốp khẳng định: Con người càng phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì càng tự do... Như chúng ta đã biết, con người là trung tâm của cuộc sống. Con người có trách nhiệm to lớn và vinh quang là góp phần cải biến thế giới và xây dựng nên xã hội tươi đẹp, văn minh. Muốn vậy thì con người phải phát triển cao về trí tuệ và đạo đức, hai tư chất đặc trưng mà tạo hoá đã ưu ái ban tặng riêng cho loài người, ở các loài vật khác hoàn toàn không có.
Trí tuệ là khả năng nhận thức lí tính đạt đến một trình độ nhất định (Từ điển Tiếng Việt). Nói cách khác thì trí tuệ là khả năng suy nghĩ, khám phá, phân tích, tổng hợp của con người trước những sự vật, sự việc và hiện tượng xung quanh. Người có trí tuệ là người dễ dàng tiếp cận, tiếp thu sự vận động và thay đổi của sự vật, nắm được quy luật phát triển của nó, để từ đó vận dụng vào cuộc sống học tập và làm việc của mình. Chẳng hạn trong lĩnh vực khoa học, người có trí tuệ là người có trình độ hiểu biết sâu rộng, có uy tín về chuyên môn, là tác giả của những công trình nghiên cứu, phát minh có giá trị thực tiễn cao. Trong lĩnh vực kinh tế, người có trí tuệ là người nắm vững quy luật cung cầu của thị trường, biến động giá cả của hàng hoá, các tiến bộ về khoa học kĩ thuật... để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, chính xác, nhờ đó mà quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả tốt, đem nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Bên cạnh việc phát triển trí tuệ, con người cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nhân cách để có được đạo đức trong sáng. Đạo đức là phẩm chất để phân biệt con người với các loài vật. Đạo đức là thước đo trình độ văn minh, văn hoá của con người. Đạo đức thể hiện ở lòng nhân ái, sự hi sinh, chia sẻ, đoàn kết giữa người với người. Đạo đức càng tốt đẹp thì trí tuệ càng tỏa sáng và con người càng có thêm sức mạnh. Trong phẩm chất của con người thì đạo đức được đặt lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Ý Bác muốn nói là một người dù có tài giỏi đến đâu chăng nữa mà không có đạo đức thì cũng không làm được điều gì hữu ích cho nhân dân, đất nước. Muốn làm bất cứ việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm nhân ái, biết thương người và biết hi sinh. Ví dụ như người thầy thuốc phải đặt y đức lên hàng đầu, đúng như sự tôn vinh của xã hội: Thầy thuốc như mẹ hiền. Các thầy cô giáo dạy học sinh bằng tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Cán bộ phải là đầy tớ, công bộc trung thành của nhân dân. Bộ đội là con em nhân dân, từ nhân dân mà ra nên phải sống sao cho đi dân nhớ ở dân thương...
Khi con người đã phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì sẽ có một tố chất đặc biệt là sự tự tin. Khi đã tự tin vào bản thân, xác định được mục đích sống đúng đắn, con người càng tự do quyết định những kế hoạch của cuộc đời mình. Nếu công việc có hiệu quả, dẫn đến sự thành đạt thì cuộc sống càng đem lại cho anh ta nhiều thích thú hơn. Trong cuộc sống, không gì sung sướng, hạnh phúc bằng được tự do. Con người tự do là con người được sống theo nhu cầu, sở trường, sở thích của bản thân. Nhưng muốn có tự do, thì trước hết phải nắm vững quy luật của cuộc sống. Mà muốn nhận thức được bản chất cuộc sống thì con người bắt buộc phải có trí tuệ, đạo đức và niềm tin to lớn vào bản thân. Muốn có được trí tuệ, chỉ có một con đường duy nhất là học tập, học tập không ngừng để nâng cao trình độ chuyên môn nói riêng và trình độ hiểu biết nói chung. Khổng Tử nhận xét: Bể học không bờ, vì kiến thức nhân loại tích luỹ qua mấy ngàn năm là vô biên, vô tận. Người có học khác xa người không có học: Ngọc bất trắc, bất thành khí, nhân bất học, bất tri lí (Ngọc không mài không sáng, người không học không biết đâu là lí lẽ, đúng sai).
Người có trí tuệ nhận thức rất rõ về mặt mạnh, mặt yếu của bản thân, về quyền lợi và nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội. Họ hiểu được ý nghĩa phong phú của cuộc sống muôn màu muôn vẻ, do đó mà đời sống tinh thần, vật chất được nâng cao, mở rộng. Họ biết cách làm cho cuộc đời mình trở nên tốt đẹp như mong muốn. Sự thành đạt sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc to lớn cho con người. Còn gì sung sướng hơn một phi công thành thạo điều khiển chiếc máy bay chở mấy trăm hành khách bay trên bầu trời thênh thang của Tổ quốc. Còn gì hạnh phúc hơn một bác sĩ sau ca phẫu thuật phức tạp đã cứu sống được bệnh nhân. Còn gì đáng tự hào hơn một nhà khoa học đã phát minh, sáng chế ra những công trình đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân, đất nước. Còn gì vinh dự hơn một sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp thủ khoa sau những năm miệt mài học tập ở trường Đại học. Còn gì hân hoan hơn một ca sĩ được khán giả vỗ tay nhiệt liệt sau bài hát làm say đắm lòng người. Còn gì thích thú hơn một người giỏi ngoại ngữ đi du lịch nước ngoài mà nghe được, nói được tiếng nói của dân bản xứ... Đúng như Lê-nin nói: “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”. Tất cả những thứ đó đều là kết quả của một quá trình rèn luyện lâu dài để có được trí tuệ và đạo đức.
Trái lại, những người không phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì cuộc sống của họ trở nên thụ động và họ luôn cảm thấy gò bó, phụ thuộc vào người khác. Thật đáng buồn cho những người không biết xử lí thế nào cho đúng trước các tình huống phức tạp của cuộc sống vì trình độ hiểu biết, trình độ học vấn thấp kém. Thật xấu hổ cho những người đi đường vượt đèn đỏ vì không biết luật hay cố tình vi phạm luật, hoặc những kẻ cứ “vô tư” xả rác ra đường, nói chuyện, văng tục ầm ĩ nơi công cộng... Đó là những người kém văn hoá, văn minh do trình độ học vấn và trí tuệ thấp.
Câu nói của Sê-khốp ra đời cách đây đã hơn thế kỉ nhưng ý nghĩa của nó vẫn vô cùng đúng đắn. Trong thời đại ngày nay, nhân loại đang hội nhập theo xu thế toàn cầu nên có sự giao thoa, tiếp nhận và trao đổi tinh hoa giữa các nền văn hoá khác nhau. Thế hệ trẻ cần mạnh dạn, dũng cảm đột phá vào lĩnh vực khoa học công nghệ để nâng cao trí tuệ; cần tu dưỡng đạo đức để giữ vững bản sắc dân tộc, trên cơ sở đó mở mang về trình độ văn hoá, nâng cao trình độ giao tiếp. Một thế giới cộng đồng đang dần dần hình thành trên cơ sở bản sắc phong phú của các dân tộc đóng góp lại. Điều đó đòi hỏi con người càng phải có tài cao, đức lớn. Mà muốn được như vậy thì chúng ta phải xác định cho mình, nhiệm vụ học tập nghiêm túc và lâu dài. Đúng như người xưa đã nói: Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích. Chỉ có học tập và sáng tạo không ngừng thì chúng ta mới làm chủ được bản thân và đóng góp hữu ích vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.