I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Từ trước tới nay, con người có rất nhiều quan điểm sống khác nhau.
- Nhà thơ Đức Bê -khe viết: Sống đẹp... cuộc sống đẹp tươi.
2. Thân bài:
* Thế nào là sống đẹp? Thế nào là người sống đẹp?
- Sống đẹp là sống có lí tưởng đúng đắn, hoài bão cao cả.
- Người sống đẹp là người biết đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên hết; suốt đời phấn đấu, hi sinh cho dân, cho nước. Quan niệm sống: Mình vì mọi người, mọi người vì mình như lời Bác Hồ dạy là sống đẹp.
* Chứng minh:
- Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam có rất nhiều gương sống đẹp như danh tướng Trần Bình Trọng, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực... Ở thế kỉ XX có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa, Tô Vĩnh Diện, Anh hùng Núp, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Út Tịch, Nguyễn Thị Định, Lê Thị Hồng Gấm... và hàng triệu thanh niên lên đường đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
- Trong cuộc sống hoà bình có rất nhiều tấm gương đem hết tài đức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Các công trình thế kỉ như xây dựng nhà máy thuỷ điện, giàn khoan dầu khí, đường dây điện cao thế chạy suốt chiều dài đất nước, con đường Hồ Chí Minh nối hai miền Nam Bắc... đều là thành quả lao động của thế hệ trẻ Việt Nam.
3. Kết bài:
- Thanh niên học sinh ngày nay cũng có rất nhiều ước mơ và khát vọng cao đẹp.
- Tuổi trẻ phải có ý chí và nghị lực, dũng cảm vượt khó, tiến công vào các lĩnh vực khoa học kĩ thuật tiên tiến để nâng cao trình độ hiểu biết, có đủ khả năng tạo dựng sự nghiệp cho bản thân và đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.
- Để làm được điều đó, chúng ta phải biết sống đẹp như thi hào Bê -khe đã khẳng định.
II. BÀI LÀM
Từ xưa đến nay, có rất nhiều người đã bày tỏ quan niệm của mình về cuộc sống. Ham-lét, nhân vật nổi tiếng trong bi kịch của Sếch-xpia từng băn khoăn, trăn trở trước câu hỏi: Sống hay không sống? Paven Coocsaghin, người thanh niên cộng sản trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Xô viết Ôtxtơropxki đã khẳng định: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống... Thi hào Đức Bê-khe đưa ra quan niệm sống đẹp bằng những vần thơ cháy bỏng để cổ vũ cho những con người đang hăng say góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tươi sáng:
“Sống đẹp" đâu phải là những từ trống rỗng
Chỉ có ai bằng đấu tranh, lao động
Nhân lên vẻ đẹp cuộc đời
Mới là người sống cuộc sống đẹp tươi.
Vậy sống đẹp là sống như thế nào và ý nghĩa của nó là gì? Sống đẹp là sống có lí tưởng, hoài bão, có mục đích rõ ràng, cao cả. Người sống đẹp biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết và họ suốt đời phấn đấu, hi sinh cho mục đích cao cả đó.
Trước hết, những người sống đẹp tự nguyện cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành chủ quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc, đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, biết bao tấm gương chiến đấu hi sinh chống quân xâm lược để bảo vệ non sông gấm vóc của tổ tiên. Tên tuổi của họ được lưu danh muôn thuở. Danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói tràn đầy khí phách trước quân thù: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. Nguyễn Trung Trực, người anh hùng đất Lục tỉnh Nam Kỳ dõng dạc thét vang trước khi chết: Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây. Tổng bí thư Trần Phú trước lúc bị thực dân Pháp xử tử hình còn hô vang khẩu hiệu cổ vũ tinh thần đồng bào, đồng chí: Hãy giữ vững ý chí chiến đấu! Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ mười sáu tuổi thà chết chứ không chịu hé răng khai một lời trước họng súng quân thù. Lê Văn Tám, em thiếu nhi Bến Nghé dũng cảm tự thiêu làm ngọn đuốc lao vào kho đạn của thực dân Pháp. Làm sao có thể kể hết những gương “sống đẹp" như Anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Viết Xuân, Lê Thị Hồng Gấm, Út Tịch, Nguyễn Thị Định, Đặng Thuỳ Trâm... và hàng triệu thanh niên nam nữ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai trên mảnh đất Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng”!
Những con người sống đẹp là những con người có tinh thần lao động siêng năng, sáng tạo; mạnh dạn xoá bỏ những gì lạc hậu, phản động, xây dựng những cái mới mẻ, tiến bộ, làm cho xã hội không ngừng phát triển, đem lại cuộc sống giàu đẹp cho nhân dân. Bác Hồ kính yêu là gương sáng về cuộc đời chiến đấu và lao động quên mình vì dân, vì nước. Bác lấy hạnh phúc chung của dân tộc làm hạnh phúc của riêng mình. Câu nói tâm huyết của Bác đã in sâu vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt: Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là đất nước ta được độc lập, tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Anh hùng lao động Lương Định Của, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân đã đem hết tài năng và sức lực cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu để tìm ra nhiều giống lúa năng suất cao, góp phần nâng cao đời sống nông dân và biến nước ta thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá và thương mại, nhiều doanh nhân vừa có tài vừa có đức đang ngày đêm mang hết nhiệt tình và tài năng làm giàu cho đất nước, khẳng định một số thế mạnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Họ không chỉ làm giàu cho cá nhân mà còn biết quan tâm tới quyền lợi chung của nhân dân, đất nước. Sống như vậy là sống đẹp.
Ngày nay, thế hệ trẻ đang say sưa lao động trên khắp các công trình dựng xây đất nước như: công trình đường dây điện cao thế 500 kilôvôn chạy suốt chiều dài đất nước; những giàn khoan dầu khí trên biển Đông, những nhà máy thuỷ điện sông Đà, Trị An, Yaly, Thác Mơ... Hàng ngàn kỹ sư, hàng vạn thanh niên đang hăng say lao động trên tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền hai miền Bắc - Nam ruột thịt.
Tuổi trẻ học đường hôm nay cũng ôm ấp những ước mơ cao đẹp, luôn luôn hướng tới những chân trời rộng mở và khao khát được tiếp bước những thế hệ đi trước, biến ước mơ thành hiện thực. Tuổi trẻ phải dũng cảm vượt khó, tiến công vào các lĩnh vực khoa học tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ hoá học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ thông tin... Tương lai rộng mở nhưng thử thách, gian nan không phải ít, đòi hỏi chúng ta phải bền bỉ, kiên trì học tập, làm việc và phấn đấu để từ đó có đủ trí tuệ và khả năng tạo dựng sự nghiệp cho bản thân; đồng thời đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh, xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Như vậy cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa, mới xứng đáng là sống đẹp như nhà thơ Bê-khe đã khẳng định.