I. DÀN Ý.
1. Mở bài:
- Lí tưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định thành công hay thất bại trong cuộc đời của mỗi con người.
- Nhà văn vĩ đại của nước Nga Lép Tôn-xtôi (1828 - 1910) nhận định: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống.
- Câu nói trên khẳng định tầm quan trọng của lí tưởng trong cuộc sống.
2. Thân bài:
* Giải thích câu nói của Lép Tôn-xtôi.
+ Lí tưởng là gì ?
Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu để đạt tới.
+ Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường...
Lí tưởng giống như ngọn đèn soi sáng trong đêm tối để người đi không lầm đường lạc lối. Lí tưởng cao đẹp định hướng cho cuộc sống con người.
+ Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định.
- Sống không có lí tưởng có nghĩa là sống không xác định được mục đích rõ ràng; không có những suy nghĩ, hành động đúng đắn.
- Không có lí tưởng thì không có lập trường vững vàng và ý chí kiên trì bền bỉ trong cuộc sống.
+ Không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống.
Cuộc sống ở đây là cuộc sống có ý nghĩa tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Hiện tại có thể chưa có nhưng trong tương lai sẽ có.
+ Nghĩa của cả câu:
- Con người sống phải có lí tưởng. Lí tưởng là những tư tưởng, giá trị tinh thần cao cả, là mục đích tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu để đạt tới, là những khao khát cháy bỏng của một đời người, là kim chỉ nam định hướng cho chúng ta trên con đường xây dựng và phát triển sự nghiệp. Lí tưởng là nguồn cổ vũ, động viên trong tâm hồn, là sức mạnh thôi thúc hành động giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách và thất bại để thực hiện bằng được mục đích cao cả đã đặt ra.
- Lí tưởng và quyết tâm thực hiện lí tưởng giúp con người có cuộc sống tốt đẹp, hữu ích.
- Cuộc sống thiếu lí tưởng tốt đẹp hoặc chạy theo những tham vọng thái quá khiến con người dễ sống buông thả hoặc sa vào lối sống vị kỉ, tầm thường
- Phân biệt lí tưởng với tham vọng, dục vọng: tham vọng, dục vọng chưa thể coi là lí tưởng vì chưa phải là những giá trị thực sự cao quý, soi sáng cho đời sống tinh thần và hành động của con người.
- Vai trò của lí tưởng đối với lịch sử nhân loại và đối với đời sống cá nhân
- Nêu mối quan hệ lí tưởng chung và lí tưởng riêng của từng cá nhân.
* Chứng minh những gương sáng có lí tưởng cao đẹp trong sử sách.
- Phạm Ngũ Lão: Lí tưởng phò vua giúp nước thể hiện qua bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài). Nghĩ tới Vũ hầu (tức Gia Cát Lượng nổi tiếng trung quân), ông tự thấy thẹn vì mình chưa được như vậy. Trần Quốc Tuấn, danh tướng đời Trần coi việc cứu nước cứu dân là lí tưởng, là sự nghiệp lớn nhất của đời mình (Hịch tướng sĩ).
- Lê Lợi, Nguyễn Trãi nếm mật nằm gai suốt mười năm để lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi nước nhà. Lí tưởng mà Nguyễn Trãi theo đuổi suốt cuộc đời là: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Là lòng trung quân ái quốc: Bui có một lòng trung với hiếu, Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. Là làm sao cho: Dân giàu đủ khắp đòi phương.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh là gương sáng điển hình về con người có lí tưởng cao đẹp, gắn liền với quyền lợi của Tổ quốc. Lòng yêu nước thiết tha đã dẫn dắt Bác đến với lí tưởng cách mạng là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành chủ quyền tự do, độc lập cho đất nước. Bác đã cống hiến, hi sinh trọn đời cho lí tưởng cao quý đó.
- Thế hệ trẻ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đều sống và chiến đấu theo lí tưởng cách mạng, sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.
* Lí tưởng thanh niên hiện nay:
- Là thực hiện ước nguyện của Bác Hồ: Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
- Xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thành một quốc gia hiện đại, tiên tiến, sánh vai với các cường quốc năm châu.
- Thanh niên phải ra sức học tập, lao động, làm việc để tạo dựng sự nghiệp cho bản thân và góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
- Lí tưởng của từng cá nhân gắn với ước mơ, mục đích sống cao đẹp, phù hợp với lối sống của mọi người.
- Nêu rõ lí tưởng của bản thân và định hướng thực hiện lí tưởng đó. Anh (chị) có lí tưởng gì? Tại sao anh (chị) lại xác định cho mình lí tưởng đó ? Anh (chị) dự định hành động cụ thể như thế nào để thực hiện lí tưởng của mình?
3. Kết bài:
- Lí tưởng cao đẹp vừa là ngọn đèn soi sáng con đường chúng ta đi, vừa là lẽ sống cho cả dân tộc và đất nước.
- Lí tưởng không chỉ là ước mơ, khát vọng mà còn là hành động thực tiễn để thực hiện mơ ước, khát vọng ấy.
- Nhận định của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi về lí tưởng vừa giàu tính hình tượng vừa sâu xa tính triết lí, mang lại cho chúng ta nhiều bài học nhân sinh bổ ích.
II. BÀI LÀM
Lịch sử xã hội loài người đã trải qua mấy ngàn năm phát triển với biết bao biến cố thăng trầm. Từ thực tế cuộc sống đa dạng, phong phú, nhân loại đã chiêm nghiệm và đúc kết ra nhiều bài học triết lí để các thế hệ nối tiếp noi theo và vận dụng. Lí tưởng - một vấn đề lớn lao của nhân loại đã được nhà văn vĩ đại của nước Nga Lép Tôn-xtôi (1828 - 1910) khẳng định: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống.
Câu nói trên khẳng định tầm quan trọng của lí tưởng trong cuộc sống con người. Đây là điều Lép Tôn-xtôi suy ngẫm và trải nghiệm qua một hành trình đầy gian nan, vất vả. Xuất thân từ tầng lớp quý tộc Nga, ông đã quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang trong lâu đài đồ sộ và điền trang rộng lớn để thực hiện lí tưởng nhân văn mà ông theo đuổi suốt cuộc đời là bãi bỏ chế độ nông nô, sống cuộc đời cần lao, bác ái.
Câu nói của nhà văn Lép Tôn-xtôi có ý nghĩa như thế nào ? Trước hết, chúng ta phải hiểu khái niệm: Lí tưởng là gì ? Lí tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới (Từ điển Tiếng Việt).
Nhà văn Lép Tôn-xtôi đã dùng hình ảnh ngọn đèn để so sánh với lí tưởng: Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Đây là một ẩn du nghệ thuật vừa đẹp, vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa. Người có lí tưởng tốt đẹp giống như trong tâm thức luôn có ngọn đèn soi sáng chỉ lối, dẫn đường, nhờ vậy mà xác định đúng phương hướng, không bao giờ làm đường lạc lối.
Ở vế sau của câu nói, tác giả cụ thể hoá ý nghĩa ngọn đèn và khẳng định tác dụng của nó đối với con người: Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định. Có nghĩa là nếu không xác định được mục đích sống rõ ràng, thì sẽ không có những suy nghĩ và hành động đúng đắn, thiết thực, phù hợp với bản thân và yêu cầu của đất nước. Người có lí tưởng không bao giờ bị dao động, lung lay trước mọi gian nan, thử thách. Cho dù trên đường đi có lúc gặp bão táp mưa sa hay phải lên thác xuống ghềnh thì họ cũng sẽ vượt qua nhờ ánh sáng soi rọi, dẫn dắt của lí tưởng. Họ bền gan vững chí trên con đường phấn đấu cho lí tưởng mà mình theo đuổi, dẫu có phải hi sinh tính mạng họ cũng sẵn sàng. Không có phương hướng kiên định thì không có cuộc sống. Cuộc sống ở đây là cuộc sống hướng tới những giá trị tinh thần tốt đẹp thực sự xứng đáng với con người. Con người không có lí tưởng tốt đẹp thì chỉ tồn tại chứ không phải là sống theo ý nghĩa trọn vẹn của từ này.
Vậy ý nghĩa cả câu nói của Lép Tôn-xtôi là gì ? Con người sống phải có lí tưởng. Lí tưởng là mục đích cao cả, tốt đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới, là kim chỉ nam định hướng cho chúng ta trên con đường xây dựng và phát triển sự nghiệp. Đó là những tư tưởng, những giá trị tinh thần cao đẹp, tiến bộ, định hướng cho cuộc sống của con người, giúp con người có khát vọng, có sức mạnh trong tâm hồn, trong hành động để đạt tới ý nghĩa cao quý của đời sống.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi với vài người bạn: Lí tưởng của anh là gì ? Có người sẽ nói: Lí tưởng của tôi ư? Là kiếm được nhiều tiền, có tiền là có tất cả. Hoặc: Trở thành một người nổi tiếng, đó là lí tưởng của tôi. Trong xã hội hiện nay, rất nhiều người theo đuổi những lí tưởng tương tự như vậy. Tuy những tham vọng này không phải không có điểm tích cực nhưng chưa thể coi đó là lí tưởng vì chưa phải là những giá trị tinh thần cao quý, có thể nâng cao vẻ đẹp thực sự của con người, soi sáng cho đời sống tinh thần và hành động của con người, làm cho cuộc sống trở nên cao đẹp hơn. Thậm chí, nếu tham vọng quá đáng, con người có thể sa vào tội lỗi. Tham vọng không thể là ngọn đèn chỉ đường cho cuộc sống của chúng ta.
Trong lịch sử nhân loại, lí tưởng của cá nhân nói riêng và lí tưởng của loài người nói chung có quan hệ với nhau như thế nào? Những lí tưởng chung mà loài người hưởng tới là những lí tưởng lớn lao, đẹp đẽ, ví dụ như: lí tưởng công bằng, dân chủ, lí tưởng nhân văn, yêu nước... Lí tưởng đúng đắn của mỗi cả nhân chính là những khát vọng tốt đẹp phù hợp với giá trị tinh thần của nhân loại: sự khao khát tri thức, hiểu biết; mong muốn về tình yêu, hạnh phúc, ước mong về một cuộc sống đầy đủ, êm ấm; khát vọng làm giàu cho quê hương, đất nước...
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam có rất nhiều gương sáng về những con người sống có lí tưởng cao đẹp là cống hiến, hi sinh tất cả cho chủ quyền độc lập tự do của đất nước, dân tộc, cho cuộc sống thanh bình của nhân dân. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn quên ăn quên ngủ để nghĩ ra kế sách đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi nước nhà. Viên tướng trẻ Phạm Ngũ Lão chân thành bày tỏ lí tưởng phò vua giúp nước trong bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng): Công danh nam tử còn vương nợ, Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu. Nợ ở đây là gánh nặng trách nhiệm với đất nước của những trang nam nhi thời loạn. Lê Lợi, Nguyễn Trãi suốt mười năm nếm mật nằm gai để tìm ra kế sách tiêu diệt giặc ngoại xâm, lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn quét sạch giặc Minh, nên công oanh liệt ngàn năm, mở ra nền thái bình luôn thuở...
Một gương sáng điển hình về con người có lí tưởng cao đẹp là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam. Bác đã từng nêu lên chân lí: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đầu thế kỉ XX, thấm thía nỗi đau đớn, tủi nhục của người dân thuộc địa dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã âm thầm ra đi tìm đường cứu nước. Lí tưởng thiêng liêng đã nung nấu quyết tâm, ý chí và tiếp thêm sức mạnh cho Bác trên con đường đi tìm chân lí cách mạng giải phóng dân tộc, giành chủ quyền độc lập tự do cho đất nước. Bác Hồ đã chọn cho mình lí tưởng ấy và quyết tâm biến nó thành hiện thực kể từ khi là anh Ba phụ bếp trên chiếc tàu biển La-tốt-sơ Tê-rê-vin của Pháp (1911), là người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc cho đến lúc trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945) và tới lúc giã từ đồng bào, đồng chí thân yêu để bước sang thế giới người hiền của Các Mác, Lê-nin (1969). Suốt đời, Bác theo đuổi một khát vọng: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bác đã hi sinh cả cuộc đời mình để thực hiện bằng được lí tưởng cao đẹp đó.
Thế hệ trẻ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã tình nguyện cống hiến, hi sinh tuổi trẻ và sinh mạng cho lí tưởng cao cả bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đó là thời không có chỗ cho những ham muốn cá nhân, mà chỉ có vấn đề quan trọng duy nhất là bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu anh hùng, chiến sĩ vô danh đã làm rạng rỡ truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc. Người sĩ quan pháo binh Nguyễn Viết Xuân hiên ngang trên mâm pháo với lời hô nóng bỏng hờn căm: Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn! Anh thợ điện Nguyễn Văn Trỗi quyết tâm giết tên bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắcnamara vì theo anh: Nếu còn một tên xâm lược Mĩ trên đất nước ta thì không ai có hạnh phúc nổi cả. Chiến sĩ trẻ Lê Mã Lương bị thương mù một mắt trong chiến đấu nhưng không hề nao núng. Câu nói nổi tiếng của anh là : Cuộc sống của tuổi trẻ chỉ cao đẹp trên chiến tuyến đánh quân thù, tiêu biểu cho lí tưởng chung của thanh niên Việt Nam thời đánh Mĩ. Đồng thời, cũng có biết bao con người đã âm thầm, bền bỉ, thậm chí hi sinh cuộc sống của mình vì chủ quyền của dân tộc, tự do của nhân loại. Thật xúc động khi đọc lại những trang nhật kí chiến trường của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm, những trang thư của mười cô gái Thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc gửi về thăm mẹ... Còn bao nhiêu trang thư, trang nhật kí như thế đã nằm lại cùng các anh các chị trên chiến trường ác liệt. Trong những năm tháng ấy, khát vọng được hi sinh để đất nước không còn tiếng đạn bom, để bầu trời trong xanh bình yên trên mỗi mái nhà đã thắp sáng cuộc đời của mỗi chiến sĩ. Lí tưởng đó thực sự đóng vai trò dẫn đường để chúng ta hướng tới những giá trị tốt đẹp, xứng đáng với con người.
Ngày nay, một lí tưởng sống đúng đắn càng trở nên cần thiết đối với thanh niên, Chúng ta có nhiều cơ hội để đem hết tài năng nhiệt huyết xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, thực hiện ý nguyện của Bác Hồ là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc và được học hành; là đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Tuổi trẻ với lí tưởng sống mình vì mọi người như lời dạy của Bác Hồ đang xung phong lên rừng xuống biển, góp công góp sức xây dựng các công trình vĩ đại phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu đẹp. Các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Trị An, Thác Mơ, Yaly...; đường dây điện cao thế chạy suốt chiều dài đất nước ; con đường Hồ Chí Minh huyền thoại nối liền hai miền Nam Bắc... là kết quả hoài bão công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của tuổi trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, để thực hiện lí tưởng cao đẹp, thanh niên chúng ta phải không ngừng học tập, làm việc, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, tiếp cận với nền kinh tế tri thức, nhằm thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tôi và bạn, chúng ta chỉ là những người bình thường. Nhưng khi chúng ta chọn cho mình một mục đích sống đẹp và kiên trì hưởng tới mục đích đó thì tức là chúng ta đã có lí tưởng của mình. Như một giọt nước, chúng ta hoà vào dòng chảy mạnh mẽ của đời sống để cùng hướng tới đích, hướng tới ánh sáng, hướng ra biển cả rộng lớn của tự do và tình yêu thương con người. Như thế, chúng ta sẽ không phải nuối tiếc vì sự hữu hạn của đời người.
Tôi biết có bác sĩ suốt đời làm việc trong một bệnh viện phong ở nơi xa xôi, hẻo lánh, tận tình chăm sóc bệnh nhân, âm thầm chia sẻ nỗi đau tinh thần và thể xác của từng người. Anh không muốn nói về mình. Có lẽ, anh không nghĩ đến hai chữ lí tưởng, nhưng anh đã dành cả đời mình cho lí tưởng cao đẹp của một vị “lương y như từ mẫu”. Còn biết bao nhiêu con người bình thường, vô danh với cách sống quên mình vì người khác đã hằng ngày, hằng giờ thắp sáng thêm ngọn đèn chỉ đường trên hành trình nhọc nhằn, gian khổ. Họ không suy tư, không triết lí suông về hai chữ lí tưởng, nhưng cuộc đời họ lại là hiện thân của lí tưởng đẹp nhất: Biết thương yêu người khác như thương yêu chính bản thân mình.
Dù lớn lao hay nhỏ bé, dù dẫn đường cho hành trình của cả nhân loại, cả thời đại hay soi rọi cho những lối nhỏ của mỗi cuộc đời, mỗi số phận... thì lí tưởng vẫn luôn là một giá trị tinh thần cao quý, đẹp đẽ mà con người luôn hướng tới với cả tâm trí và hành động. Một cuộc sống không hướng tới điều gì tốt đẹp, không có khao khát cống hiến là một cuộc sống vô nghĩa, phi lí. Không có một ngọn đèn chỉ đường trong tâm trí và hành động, con người dễ sa vào lối sống vị kỉ, buông thả, thác loạn hoặc mỏi mệt, chán chường. Lí tưởng và niềm tin vào lí tưởng là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vượt lên những thử thách đáng sợ, những cám dỗ tầm thường trong cuộc sống.
Cuộc sống không có lí tưởng, thiếu mục đích sống tốt đẹp, thiếu giá trị tinh thần, vô phương hướng thực chất chỉ là chuỗi ngày kéo dài sự sinh tồn. Tôi biết có một bộ phận tuổi teen hiện nay đang sống như vậy. Họ lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, hoặc giam mình trong phòng với chiếc máy vi tính, thờ ơ với tất cả. Với họ, ước mơ và lí tưởng là điều họ chưa từng nghĩ đến. Họ sống mờ nhạt, hờ hững với mọi thứ xung quanh. Cuộc sống đối với họ dường như là một ao tù phẳng lặng. Khi được hỏi về lí tưởng, hầu hết các bạn trẻ có cuộc sống như vậy đều băn khoăn và tỏ ra lúng túng. Họ phó thác cuộc sống và tương lai cho gia đình, trong khi bao bạn trẻ khác có hoài bão to lởn và khát vọng cống hiến cho xã hội. Ngày nay, khi cuộc sống đã ấm no, đầy đủ, bạn có thể ỷ lại vào cha mẹ hoặc sống như cây tầm gửi chẳng lo lắng ngày mai sẽ ra sao.Nhưng liệu bạn có sống như vậy suốt đời được không ? Theo tôi, chúng ta có thể hài lòng về những gì mình đang có nhưng không thể sống mà không có lí tưởng, bởi như thế đồng nghĩa với việc bạn chẳng biết gì về giá trị của cuộc sống, của con người.
Với những học sinh như tôi và bạn, lí tưởng sống không phải là vấn đề gì cao xa mà đơn giản chỉ là sự nỗ lực trong học tập để mang lại niềm vui cho bản thân và những người thân yêu. Sống có ích cho mình, cho mọi người, bạn sẽ thấy cuộc sống tuyệt diệu hơn và như thế cũng là đóng góp cho xã hội, bởi tôi tin rằng tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp nếu như mỗi người đều cố gắng hoàn thiện mình.
Một người bạn khác hỏi tôi: “Bạn có bao giờ nghĩ mình sống vì cái gì ?”. Tôi trả lời là học xong Trung học phổ thông, tôi sẽ thi vào Đại học Sư phạm và sẽ trở thành một thầy giáo dạy Văn. Tôi mong rằng học sinh sẽ chấp nhận tôi là người bạn thân thiết của các em và sẽ vui mừng mỗi khi tôi bước vào lớp. Mỗi giờ dạy của tôi sẽ là một ngày hội đối với học sinh. Khi đã trưởng thành, dù là giáo sư, tiến sĩ... thì các em vẫn luôn nhớ tới tôi và không bao giờ quên những giờ dạy của tôi. Theo bạn, đó có phải là lí tưởng hay không? Nhưng tôi biết không thể chỉ mơ ước về điều ấy mà còn phải làm gì đó để cuộc sống của mình trở thành một món quà tặng hữu ích cho mọi người. Đó thực sự là một điều khó khăn. Nhưng tôi sẽ luôn cố gắng để ánh sáng của ngọn đèn lí tưởng không bao giờ lụi tắt. Để những năm tháng mà tôi may mắn được sinh ra, được sống và được nhìn thấy ánh mặt trời trên thế gian này không phải là những tháng năm vô nghĩa.
Lí tưởng cao đẹp vừa là ngọn đèn dẫn đường soi sáng cho mỗi con người vừa là lẽ sống cho cả dân tộc, đất nước. Câu nói nổi tiếng của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi vừa giàu tính hình tượng vừa đậm chất triết lí đã mang lại những bài học nhân sinh bổ ích cho mỗi chúng ta trên con đường tạo dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung của quê hương, đất nước.