I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Người lái đò Sông Đà in trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân.

- Tác phẩm lấy người lái đò Sông Đà làm chủ thể của câu chuyện, nhưng thông qua đó thể hiện cách cảm, cách nghĩ của tác giả về Sông Đà, về thiên nhiên và con người Tây Bắc.

- Cách viết độc đáo của Nguyễn Tuân đã biến Sông Đà thành con sông mang dấu ấn của riêng ông, với tất cả những đặc điểm lạ lùng và cuốn hút của nó.

2. Thân bài:

* Những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.

+ Hình ảnh con Sông Đà dữ dội:

- Tài ba của nhà văn thể hiện trong cách dùng từ ngữ, hình ảnh vừa tiêu biểu vừa sáng tạo nhằm làm nổi bật sự hung hãn của Sông Đà.

- Cát dữ, bờ dữ, ghềnh đá, thác, xoáy nước... đều được tác giả miêu tả tỉ mỉ, sinh động, bằng mọi giác quan. Âm thanh của thác, của xoáy nước được so sánh với nhiều hình ảnh lạ, rất ấn tượng.

- Văn miêu tả của Nguyễn Tuân giàu chất tạo hình, phong vị câu văn vừa cổ điển vừa hiện đại. Hơi văn lúc dồn dập, mạnh mẽ, lúc êm đềm, sâu lắng.

+ Hình ảnh Sông Đà êm ả, trữ tình:

- Nhà văn chọn góc độ từ máy bay nhìn xuống để cảm nhận trọn vẹn đường nét mềm mại của Sông Đà : tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.

- Màu nước Sông Đà cũng được miêu tả rất đẹp : Mùa xuân dòng xanh ngọc bích... mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ...

- Hình ảnh con thuyền trên sông Đà cũng có những nét đặc biệt khác với con thuyền ở miền xuôi, tạo thêm dáng vẻ thơ mộng cho dòng sông.

+ Hình ảnh người lái đò Sông Đà:

- Tất cả những gì toát lên từ con người ông lái đò đều mang đậm dấu ấn của Sông Đà, là sản phẩm của Sông Đà.

- Ông lái đò thuộc Sông Đà như thuộc lòng bàn tay. Với dũng khí và kinh nghiệm dày dạn, ông trị được tính hung dữ của Sông Đà. Tác giả ví ông lái đò như một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh.

3. Kết bài:

- Ngòi bút miêu tả của Nguyễn Tuân vô cùng linh hoạt và đầy sáng tạo.

- Tuỳ bút Sông Đà chứng tỏ phong cách sáng tác mang đậm dấu ấn Nguyễn Tuân - bậc thầy của văn xuôi hiện đại.

II. BÀI LÀM

Người lái đò Sông Đà trích trong tập tuỳ bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, sáng tác năm 1960. Đây là kết quả chuyến đi thực tế của tác giả ở Tây Bắc năm 1958. Phong cách, con người Tây Bắc đã đi vào trang sách với một niềm vui sống bao trùm lên tất cả, xen lẫn những cảm tưởng và xúc cảm trữ tình trước vẻ đẹp kì vĩ, lạ lùng của non sông Tây Bắc. Tác phẩm lấy người lái đò làm nhân vật chủ thể của câu chuyện về Sông Đà nhưng thực chất là cảm nghĩ, nghe nhìn, quan sát, nghiền ngẫm và sáng tạo của Nguyễn Tuân. Mượn lời ông lái đò già nhưng chính là tác giả miêu tả con sông từ nhiều góc độ khác nhau, qua đó bộc lộ tâm tư tình cảm của mình đối với con sông đại diện cho thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Với lối viết của Nguyễn Tuân, Sông Đà đã trở thành Sông Đà - Nguyễn Tuân. Đó là con sông có độ dày lịch sử, tạo ra những con người anh hù của riêng nó. Sông Đà được vẽ nên bằng ngòi bút biến hoả tài tình, độc đáo, thể hiện sự gắn bó với đất nước đến mức sâu xa nhất của tâm hồn tác giả. Sông Đà dữ, Sông Đà anh hùng ca, bản chất của Sông Đà là vậy. Tài ba của nhà văn càng làm cho bản chất ấy nổi bật lên. Sông Đà hung bạo ở những đoạn có thác dữ, những quãng lòng sông hẹp, bị kẹp giữa hai vách núi cao hay những chỗ có xoáy nước khủng khiếp, hút tất cả những gì sa vào đó và dìm xuống đáy sông.

Ở đoạn này có nhiều chi tiết chính xác, khoa học xen lẫn cảm xúc dạt dào tính trữ tình của tác giả. Sông Đà khi thì dữ dội, nguy hiểm trong cái hùng vĩ không ngờ: nào là chẹt lại thành cái yết hầu, nào là vách đá dựng đứng cao vút, đúng ngọ mới có mặt trời... mùa hè mà cũng thấy lạnh... Khi thì pha chút huyền thoại trong những nét nên thơ như con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia, tưởng như lòng sông chỉ còn là dải yếm trong ca dao xưa. Cái gì của Sông Đà cũng dữ. Cát, gió, đá, thác ghềnh, sóng nước phối hợp với nhau : Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió và gió cứ cuồn cuộn từng luồng. Chỉ nghe tiếng nước ở những quãng lắm thác cũng đã đủ ghê người. Tiếng reo của nước lúc nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo... Rồi bỗng dưng không biết chuyện gì mà nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn. Hoặc có lúc nó reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hắt tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm một ấm nước sôi khổng lồ. Nhưng không đâu tiếng nước nghe lạ như ở những cái hút xoáy. Ở đó nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Tiếng nước đã ghê, sức nước còn đáng sợ gấp bội. Mặt sông cũng có ổ gà như mặt đường cạn, đi vào ổ gà sông là thuyền bị giật xuống bị dồi lên. Thuyền đi lầm luồng nước thì chết ngay, hoặc đi không trúng tim luồng thì cũng vẫn có thể là thập tử nhất sinh. Những quãng hiểm trở của Sông Đà mang diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một của con người: hung hãn, nham hiếm và xảo quyệt. Sông Đà dữ quả là không sai với tiếng đồn. Cát, đá, nước, gió, sóng hùa nhau bẫy người vào chỗ chết. Nguyễn Tuân đã dùng ngòi bút trăm màu để miêu tả hàng loạt những hình ảnh khác nhau mà luôn luôn đắc sách, vừa có chất trí tuệ vừa có tính tạo hình, vượt xa những thủ pháp mà người ta quen gọi là nhân hoá, đi vào bản chất sâu xa nhất, độc đáo nhất của sự vật, tạo thành những trang viết biến hoá khôn lường. Do thế mà cái dữ dội của Sông Đà trở nên môi trường anh hùng ca vô cùng độc đáo.

Sông Đà dữ dội nhưng Sông Đà cũng rất trữ tình. Đó là ở những đoạn xuôi chèo êm ả. Nhìn từ máy bay xuống, sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Nước Sông Đà màu sắc thay đổi theo mùa: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích,... mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ. Trên sông, những chiếc thuyền then đuôi én xuôi dòng, tạo cho sông vẻ thơ mộng riêng của nó. Là sông mà nó nói với con người bao điều. Nguyễn Tuân nhìn Sông Đà như nhìn một cố nhân, một người thân cũ lâu ngày gặp lại. Nhà văn say mê ngắm màu nắng giòn tan vàng như hổ phách trên sông mà chợt liên tưởng tới màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” trong bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của thi hào Lý Bạch đời Đường bên Trung Quốc.

Bên trên là thái độ đối với Sông Đà, còn đây là tình cảm của tác giả đối với con người, sản phẩm của dòng sông ấy. Ông lái đò là sản phẩm của Sông Đà được tác giả tập trung mô tả trong cuộc vật lộn với thác nước Sông Đà. Cái dữ dội của Sông Đà đã có ông lái trị được. Hình ảnh ông lái đò: cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi... cưỡi lên thác... nắm chặt lấy được cái bờm sóng... ghì cương... đò sấn lên mà chặt đôi con thác... rất sinh động và ấn tượng. Lên thác phải chống bằng sào. Trên vai người lái đò, đầu sào in vào một khoanh bầm, đó là hình ảnh thực. Tác giả bình thêm: Cái đồng tiền tụ máu cũng là cái hình ảnh quý giá của một thứ huân chương lao động siêu hạng tặng cho người lái đò Sông Đà. Con người dũng cảm, thông minh đã chiến thắng được thiên nhiên dữ dội. Ở người lái đò này, có cái gì mà không in dấu con sông, không là sản phẩm của Sông Đà? Sông Đà đối với ông lái đò quả là một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm câu và những đoạn xuống dòng. Ông lái đò đã trở thành một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh. Nguyễn Tuân gọi tài nghệ của ông là tay lái ra hoa.

Đọc văn Nguyễn Tuân, nhất là tuỳ bút, có người cho rằng như soi trong ống kính trăm màu. Thực ra, ngòi bút tác giả không chỉ bảy màu mà trăm ngàn màu sắc. Nguyễn Tuân đi rất sâu vào bản chất của sự vật, sự việc, con người để tìm hiểu, khám phá và nắm bắt kì được cái cốt lõi, tinh tuý, cái hồn của nó. Đồng thời có sự kết hợp giữa trình độ hiểu biết uyên bác, tác phong làm việc nhanh nhạy, tỉ mỉ, khoa học, giàu chất trí tuệ và cảm xúc đậm đà chất trữ tình được thể hiện dưới những hình thức ngôn ngữ sáng tạo rất độc đáo, rất Nguyễn Tuân, không thể lẫn với bất kì ai khác. Tuỳ bút Sông Đà phần nào chứng tỏ bút lực già dặn cùng phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân - cây đại thụ của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.