I. DÀN Ý.

1. Mở bài:

- Vấn đề chọn nghề nghiệp của giới trẻ luôn là vấn đề mang tính thời sự trong cuộc sống hiện nay ở nhiều nước trên thế giới.

- Có nhiều quan niệm chọn nghề khác nhau: Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống hay nhất quyết đeo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích.

2. Thân bài:

* Tâm trạng chung của thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời.

- Thường phân vân, băn khoăn khi chọn cho mình một hướng đi.

- Ai cũng có ước mơ, khát vọng. Ước mơ, khát vọng của mỗi người bắt nguồn từ những hoàn cảnh khác nhau, năng lực khác nhau.

- Có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến việc chọn nghề của mỗi cá nhân

* Ý kiến của bản thân.

+ Cách chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình là có tính khả thi cao nhất trong việc biến ước mơ thành hiện thực.

Ví dụ : Bạn A ước mơ trở thành bác sĩ. Tuy học lực giỏi, có thể thi đậu vào Đại học Y nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình không đủ khả năng đáp ứng cho A học trong 6 năm. A đã chọn giải pháp thi vào trường Trung cấp Y tế của tỉnh để đỡ chi phí và sau này vẫn có điều kiện học lên Đại học. Bạn B muốn trở thành một nhà quản trị kinh doanh trong tương lai, nhưng không đủ điều kiện học chính quy, bạn đã chọn cách vừa làm vừa học hệ Đại học tại chức... Tuy vất vả, cực nhọc nhưng B đã đi đúng con đường mình đã chọn.

+ Cách chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống khó có được một tương lai chắc chắn.

- Nhiều người không có năng khiếu, năng lực để làm một nghề nào đó mà dư luận xã hội đang đề cao: (Nhất Y, nhì Dược... Nhất Kinh, nhì Tin, ba Luật...) mà cứ cố tìm mọi cách để thi vào bằng được thì sau này việc học tập sẽ rất vất vả, khó khăn và làm việc không bao giờ giỏi được, dẫn tới tình trạng chán nghề, bỏ nghề hoặc làm trái nghề...

- Quan niệm sai lệch này dẫn đến sự mất cân bằng xã hội và tạo điều kiện cho các hiện tượng tiêu cực phát triển. (Lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình, Nhà nước, hiệu quả công việc không cao...).

+ Cách chọn nghề là nhất quyết đeo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích.

- Cái hay là thoả mãn được ước mơ, nguyện vọng của bản thân.

- Nhưng đi kèm theo nó là những điều kiện bắt buộc phải đáp ứng: ý chí kiên định, nghị lực vững vàng, chấp nhận thử thách và cả thất bại; điều kiện vật chất cho phép kéo dài thời gian thực hiện ước mơ.

- Đối với những học sinh nghèo thì đây quả là một thử thách gay go, nghiệt ngã. Nếu vượt qua được “vũ môn” thì “cá sẽ hoá rồng”. Những người chọn cách thứ ba này cần có bản lĩnh vững vàng và một niềm tin to lớn vào năng lực của bản thân.

3. Kết bài:

- Không có gì sung sướng, hạnh phúc bằng đạt được ước mơ và gắn bó suốt đời với công việc mà mình yêu thích.

- Lòng say mê, khát vọng kết hợp với tài năng thực sự là những yếu tố cơ bản dẫn tới thành công của mỗi con người.

- Làm bất cứ điều gì, chúng ta cũng phải nghĩ tới tính mục đích. Nói như nhà triết học Đi-đờ-rô: Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường.

II. BÀI LÀM

Trong bất cứ xã hội nào, quốc gia nào thì việc chọn nghề luôn là vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng đối với thanh niên, học sinh. Bàn về vấn đề này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, có ba xu hướng chính là: Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình; chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống hay nhất quyết đeo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích.

Tâm lí chung của phần lớn thanh niên học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời là thường phân vân, băn khoăn khi chọn cho mình một hướng đi. Ai cũng có mơ ước, khát vọng và những mơ ước, khát vọng ấy bắt nguồn từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người lại có những sở trường, sở đoản, mặt mạnh, mặt yếu riêng. Điều đó tác động không nhỏ tới việc chọn ngành nghề của từng cá nhân.

Theo tôi, cách chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của mình là có tính khả thi cao nhất trong việc biến ước mơ thành hiện thực. Ví dụ: Bạn A thông minh, học giỏi và ước mơ thi đậu vào Đại học Y để sau này trở thành bác sĩ. Thế nhưng hoàn cảnh gia đình lại rất nghèo, không có điều kiện để nuôi bạn ấy ăn học suốt sáu năm. A chọn giải pháp thi vào Trường trung cấp Y tế của tỉnh nhà, vừa bước đầu đáp ứng được nhu cầu học tập, vừa đỡ tốn kém cho gia đình và sau vài năm làm việc vẫn có thể học tiếp lên Đại học. Bạn B muốn trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp trong tương lai nhưng không đủ tiền để theo học Đại học chính quy như những bạn khác nên B đã chọn con đường vừa làm vừa học (Đại học tại chức). Tuy vất vả, cực nhọc nhưng B rất vui vì đã đi đúng con đường mình đã chọn.

Hiện nay, xu hướng chọn nghề đang được ưa chuộng trong đời sống cũng ảnh hưởng không ít tới suy nghĩ của học sinh. Cách đây mấy chục năm, nhiều người biết đến câu: Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm đút xó. Còn bây giờ, các bạn trẻ truyền nhau câu: Nhất Kinh, nhì Tin, tam Y, tứ Luật. (Nhất Kinh tế, nhì Tin học, ba Y, bốn Luật). Bởi trình độ nhận thức và phân tích hạn chế nên nhiều người cố thi và tìm mọi cách, kể cả tiêu cực để vào bằng được các trường trên. Nhưng do khả năng học tập không thực sự khá giỏi nên càng học càng đuối, sinh ra chán nản. Sau khi ra trường, số người tìm được công việc đúng nghề nghiệp rất ít, phần lớn phải chấp nhận gặp gì làm nấy. Mà phải làm những công việc không đúng ngành nghề mình đã được đào tạo là điều bất đắc dĩ, cho nên chất lượng công việc không thể như ý muốn và bản thân cũng không thể phát huy khả năng sẵn có.

Điều đó dẫn tới hiện tượng mất cân bằng trong xã hội. Có những ngành nghề cung không đủ cầu và ngược lại. Nếu theo dõi báo chí và các phương tiện truyền thông khác, chúng ta sẽ thấy số lượng sinh viên đã tốt nghiệp Đại học mà không xin được việc làm là nhiều vô kể và số lượng ấy cứ tăng thêm năm này qua năm khác, gây lãng phí tiền bạc của từng gia đình nói riêng và của cả nước nói chung. Đối với mỗi người thì đó là sự thiệt thòi về nhiều mặt.

Cách chọn nghề thứ ba là nhất quyết đeo đuổi nghề mà mình vẫn thiết tha yêu thích. Cách này có cái hay là thoả mãn được ước mơ nhưng đi kèm theo nó lại là những điều kiện bắt buộc phải đáp ứng. Trước hết là bản thân phải có lập trường kiên định, ý chí và nghị lực phấn đấu bền bỉ, sẵn sàng chấp nhận thử thách và cả thất bại. Sau đó là điều kiện vật chất cho phép kéo dài thời gian thực hiện ước mơ. Đối với những học sinh nghèo thì cách chọn nghề này quả là một thử thách gay go. Nếu vượt qua được “vũ môn” thì “cá chép sẽ hoá rồng”. Những người chọn cách thứ ba này cần có bản lĩnh vững vàng và một niềm tin chắc chắn vào năng lực của mình, tin rằng mình sẽ thành công trên con đường đã chọn.

Không gì sung sướng, hạnh phúc bằng thực hiện được ước mơ và suốt đời gắn bó với công việc mà mình yêu thích. Lòng say mê, khát vọng, kết hợp với tài năng là những yếu tố cơ bản dẫn tới thành công, vinh quang trong sự nghiệp của mỗi con người. Nhưng trên hết vẫn là tính mục đích. Chúng ta hãy luôn nhớ tới câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp Đi-đờ-rô: Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường. Trong tình hình đất nước hiện nay, quyết định chọn nghề để làm việc và xây dựng sự nghiệp phải dựa trên năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình cùng nhu cầu thực sự của xã hội.