I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong văn học Việt Nam, đề tài về tình yêu quê hương đất nước được đặt ở vị trí hàng đầu và là nguồn cảm hứng vô tận của các tác giả.

- Qua mỗi giai đoạn, hình ảnh quê hương đất nước hiện lên với những vẻ đẹp khác nhau. Thơ ca kháng chiến chống Pháp có nhiều bài viết với cảm xúc dạt dào, bay bổng. Tiêu biểu là Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và Việt Bắc (Tố Hữu).

2. Thân bài:

* Những nét chung về đất nước trong ba bài thơ trên:

+ Các nhà thơ đều viết về quê hương, đất nước với tình cảm mến yêu tha thiết, chân thành.

+ Hình ảnh quê hương, đất nước ở bài thơ nào cũng đẹp, cũng ấm áp tình người.

+ Khái niệm về đất nước gắn liền với đời sống của nhân dân xuyên suốt chiều dài lịch sử và bề dày của truyền thống văn hoá.

* Những nét đẹp riêng của đất nước trong từng bài thơ:

+ Bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.

- Hình ảnh dòng sông Đuống hiền hoà là biểu hiện của cuộc sống thanh bình, no ấm của quê hương.

- Vùng đất Kinh Bắc, quê hương nhà thơ có vẻ đẹp đa dạng, phong phú (chùa Bút Tháp, bãi mía, bờ dâu, tranh Đông Hồ, núi Thiên Thai...) có bề dày lịch sử, văn hoá đáng tự hào.

- Con người Kinh Bắc nền nã, thanh lịch.

- Thiên nhiên, con người hoà hợp, tạo nên vẻ đẹp có sức cuốn hút lạ thường.

+ Bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi.

- Cảm hứng về đất nước của nhà thơ xuất phát từ tâm trạng chung của người dân tự do trên một đất nước mới giành được chủ quyền tự do, độc lập.

- Nhà thơ nhìn cảnh vật với đôi mắt tràn đầy niềm vui, niềm tự hào. Hình ảnh đất nước đẹp đẽ, tươi mát và sinh động hiện ra trong những câu thơ như những tiếng reo vui phấn chấn: Trời xanh... Núi rừng... Những cánh đồng... Những ngả đường... Những dòng sông... Tất cả đều là của chúng ta.

- Trước khung cảnh quê hương, đất nước tươi đẹp, nhà thơ suy ngẫm về sức mạnh của lịch sử dân tộc, của các thế hệ dựng nước và giữ nước. Truyền thống bất khuất chống xâm lăng là điều thiêng liêng nhất.

- Cảm hứng trữ tình anh hùng ca nổi bật ở cuối bài thơ. Từ bùn lầy, máu lửa, đất nước Việt Nam đã đứng dậy sáng loà, khẳng định mình trước thế giới.

+ Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

- Tác giả phản ánh vẻ đẹp của đất nước qua lăng kính của một chiến sĩ cách mạng gắn bó với sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Vẻ đẹp của thiên nhiên chiến khu Việt Bắc làm say đắm lòng người. Mỗi tên đất, tên núi, tên sông đều ngân vang, tha thiết, gắn liền với các chiến công oanh liệt của quân dân ta.

- Cuộc sống kháng chiến gian nan, vất vả, đau thương nhưng không kém phần hào hùng, vẻ vang của dân tộc được phản ánh với cảm hứng yêu thương, khâm phục và ca ngợi. Chiến khu Việt Bắc là hình ảnh thu nhỏ của đất nước trong thời kì đó.

3. Kết bài:

- Thơ ca kháng chiến đã ghi lại một cách tự nhiên, chân thực hình ảnh đất nước trong một giai đoạn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

- Những bài thơ ca ngợi đất nước có tác dụng cổ vũ, động viên lòng yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người Việt Nam.

II. BÀI LÀM

Trong văn học nước ta, chủ đề tình yêu quê hương đất nước luôn được đặt ở vị trí thiêng liêng nhất, trang trọng nhất và trở thành nguồn thi hứng dồi dào, bất tận của bao thế hệ nhà thơ. Qua mỗi giai đoạn văn học, đất nước hiện lên trong thơ ca với những vẻ đẹp khác nhau. Đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tình quê hương đất nước đã trở thành nét chủ đạo trong nội dung thơ ca. Các nhà thơ - chiến sĩ có dịp đặt chân trên khắp các nẻo đường Tổ quốc nên cảm hứng về đất nước càng dạt dào, bay bổng. Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Việt Bắc (Tố Hữu) và Đất nước (Nguyễn Đình Thi) vừa có những nét chung, vừa có những nét riêng làm nên vẻ đẹp của từng bài thơ.

Bắt đầu bài thơ Bên kia sông Đuống là vẻ đẹp của con sông hiền hoà: cát trắng phẳng lì, một dòng lấp lánh, xanh xanh bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc... Đó là cảnh thanh bình no ấm của quê hương. Trong kí ức nhà thơ, vùng đất Kinh Bắc hiện lên với tất cả vẻ đẹp truyền thống của nó. Nhớ tới quê hương, làm sao quên được hương lúa nếp thơm nồng, với những bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng, với màu sắc tươi vui, nội dung hiện thực và nét vẽ đậm đà, chân chất rất Việt Nam:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Rồi những hội hè, đình đám trên núi Thiên Thai, trong chùa Bút Tháp, xôn xao, rạo rực với bao làn điệu dân ca quan họ thắm thiết nghĩa tình, với những chàng trai, cô gái dập dìu trẩy hội mùa xuân.

Quê hương là cảnh, là người. Con người quê hương để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tác giả: Những nàng môi cắn chỉ quết trầu, Những cụ già phơ phơ tóc trắng, Những em sột soạt quần nâu... Những cô hàng xén răng đen, Cười như mùa thu tỏa nắng... Những nàng dệt sợi, Đi bán lụa màu, Những người thợ nhuộm, Đồng Tỉnh, Huê Cầu... Thiên nhiên, con người, cuộc sống... tất cả dệt nên bức tranh hài hoà, tươi đẹp của quê hương bên kia sông Đuống.

Nhưng giờ đây, giặc thù kéo đến ngùn ngụt lửa hung tàn, chúng đi tới đâu tàn phá tới đó, điên cuồng như bầy chó ngộ, khiến quê hương của nhà thơ tan tác, điêu linh: Ruộng ta khô, Nhà ta cháy..., Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang...

Nào chỉ đau đớn ở vật chất? Quân giặc đốt phá, giết chóc... nhưng đó mới chỉ là những vết thương trước mắt nhìn thấy rõ, còn điều sâu xa hơn, có ai ngờ:

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu

Truyền thống văn hoá, quan niệm về cội nguồn sự sống của ông cha ta nay cũng bị giặc tàn phá, hủy diệt. Hỏi còn tội ác nào lớn hơn? Nhà cửa, đất đai, ruộng vườn bị giày xéo tan hoang, con người cũng tan tác, chia li, phiêu dạt không biết những nơi nào... Cuộc sống thường ngày của người dân thể hiện qua hình tượng mẹ già còm cõi với gánh hàng rong trên vai cũng bị giặc chà đạp không thương tiếc. Bài thơ không chỉ là nỗi đau của một người mà còn là của cả quê hương, lớn hơn nữa là nỗi đau của đất nước đang quằn quại dưới gót giày quân xâm lược.

Cũng với đề tài đất nước, quê hương nhưng cảm hứng của Nguyễn Đình Thi trong bài thơ Đất nước lại khác. Nhà thơ suy ngẫm về đất nước trong hiện tại và quá khứ khổ đau, tủi nhục: Nước Việt Nam từ máu lửa, Rũ bùn đứng dậy sáng lòa, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Tâm hồn nhà thơ rộng mở đón nhận niềm vui to lớn của đất trời giải phóng. Đứng giữa núi rừng bao la của chiến khu Việt Bắc, nhà thơ như reo như hát lên niềm hạnh phúc tột cùng ấy:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

Điệp khúc là của chúng ta cứ ngân nga, vang vọng giữa cỏ cây, sông núi. Tất cả những gì thân yêu, quen thuộc trên đất nước này đều là của chúng ta. Còn gì sung sướng, tự hào hơn bốn tiếng ấy sau hàng trăm năm nô lệ, dân tộc ta phải đổ bao máu xương mới giành được chủ quyền.

Cái thế đứng của nhân vật trữ tình trong bài thơ này là thế đứng của con người tự do kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Đất nước bội phần tươi đẹp vì đã về tay ta. Đoạn thơ với nhạc điệu rộn ràng, hình ảnh nối tiếp hình ảnh, quấn quýt hoà quyện vào nhau tạo nên vẻ đẹp phong phú của đất nước Việt Nam sau ngày độc lập. Các dòng thơ liên kết chặt chẽ cùng làm nổi bật lên ý nghĩa : niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân Việt Nam về chủ quyền độc lập, tự do, về đất nước quê hương ngàn lần tươi đẹp.

Có được mùa thu đẹp hôm nay, nắm chủ quyền tự do độc lập trong tay, chúng ta không thể không nghĩ đến sức mạnh đã làm nên nó. Đó chính là truyền thống bất khuất bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Giọng thơ đang rộn ràng, náo nức ở đoạn trên, đến đoạn này chợt trở nên suy tư, trầm lắng. Nước chúng ta, giản đơn ba chữ mà rất đỗi thiêng liêng. Câu thơ tiếp theo như một lời khẳng định đầy tự hào:

Nước những người chưa bao giờ khuất.

Đó là một thực tế hiển nhiên. Suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, bao phen chống ngoại xâm có thắng có bại, song đất nước này, dân tộc này chưa bao giờ khuất phục trước bạo lực quân thù. Truyền thống oanh liệt ấy vẫn lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Anh linh, hùng khí tổ tiên như kết tụ lại trong lòng đất: Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, Những buổi ngày xưa vọng nói về. Tiếng đất là tiếng của lịch sử dụng nước và giữ nước không ngơi nghỉ, là tiếng ngày xưa vọng nói về hiện tại. Mồ hôi, xương máu của ông cha lắng đọng vào lòng đất tự ngàn đời. Đất lặng im nhưng tiếng đất luôn rì rầm bên tai con cháu bao thế hệ kế tiếp. Quá khứ anh hùng làm nền cho hiện tại anh hùng. Nói như Tố Hữu thì đây chính là tiếng của cha ông thuở trước luôn nhắc nhở con cháu hãy giữ lấy đất nước thiêng liêng của tổ tiên để lại.

Cuối bài thơ, cảm hứng anh hùng ca được đẩy lên tới cao trào. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khí thế dân ta ào ạt như nước vỡ bờ, làm rung chuyển những thành trì cuối cùng của quân xâm lược. Từ bùn lầy, máu lửa, Việt Nam đã vùng đứng dậy, tự khẳng định mình trước thế giới:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Đất nước, con người Việt Nam hiện lên qua bài thơ Việt Bắc với vẻ đẹp chân chất, mộc mạc mà không kém phần hùng tráng, trữ tình. Cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm là cái nền cho cảm hứng thơ Tố Hữu bay bổng. Trong gian nan, máu lửa, tình giai cấp, nghĩa đồng bào gắn bó thiêng liêng, tạo nên sức mạnh chiến thắng. Tình nghĩa ấy bắt nguồn từ sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của toàn Đảng, toàn dân, cùng chung vai gánh vác sự nghiệp giải phóng dân tộc:

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai ?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.

Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp được nhà thơ Tố Hữu miêu tả với tình cảm ưu ái đặc biệt. Mỗi tên đất, tên núi, tên sông đều gắn liền với chiến công oanh liệt của quân dân ta:

Ai về ai có nhớ không ?

Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng

Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng

Nhớ từ Cao-Lạng, nhớ sang Nhị Hà...

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Trên khắp các nẻo đường Việt Bắc, đâu đâu cũng sục sôi khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Ta đánh giặc bằng tất cả sức mạnh tinh thần của quá khứ và hiện tại. Nhưng bước chân rầm rập của bao đoàn quân điệp điệp, trùng trùng toả ra mọi chiến trường làm rung chuyển đất đai, sông núi. Toàn quân đánh giặc, toàn dân đánh giặc: Dân công đỏ đuốc từng đoàn, gánh gạo, gánh đạn ra hoả tuyến. Hình ảnh Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay... Đèn pha bật sáng như ngày mai lên vừa đậm chất sử thi vừa dồn dập âm điệu như một khúc ca hùng tráng. Không một trở lực nào có thể ngăn cản nổi bước chân của cả một dân tộc anh hùng đang tiến lên phía trước giành chiến thắng. Trong bài thơ Việt Bắc, Tổ quốc, nhân dân, Đảng và lãnh tụ là một khối thống nhất đại đoàn kết. Chưa bao giờ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy cao độ đến như vậy. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam thuỷ chung, kiên cường, bất khuất đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội hoàn cầu.

Bên cạnh những hình ảnh hào hùng về đất nước, chúng ta bắt gặp bao cảnh hiền hoà, thơ mộng như Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, những làng bản chìm trong khói cùng sương, những cánh rừng mơ hoa nở trắng ngày xuân, những đêm thu trăng sáng rộn ràng tiếng hát... Tất cả phối hợp với nhau, tạo nên một bức tranh muôn màu, muôn vẻ về đất nước. Vẻ đẹp ấy được nhân lên gấp bội bởi những con mắt biết nhìn, những trái tim biết rung cảm, gắn bó và chia sẻ.

Thơ ca kháng chiến chống Pháp đã ghi lại hình ảnh đất nước trong một giai đoạn lịch sử là cuộc đấu tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc. Những bài thơ ca ngợi đất nước chẳng những có tác dụng cổ vũ nhân dân ta thời ấy mà còn là bài học quý báu về lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ hiện nay và mai sau.