I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong cuộc sống, bên cạnh nhiều nề nếp, thói quen tốt còn tồn tại không ít thói quen xấu và tệ nạn có hại cho con người, cho xã hội.

- Những thói xấu có sức quyến rũ ghê gớm như cờ bạc, thuốc lá, ma tuý hoặc sách xấu, băng đĩa có nội dung độc hại...

- Nếu không tự chủ được mình, dần dần con người sẽ bị nó ràng buộc, chi phối, dần dần biến chất, tha hoá.

- Chúng ta hãy kiên quyết nói “Không!” với các tệ nạn ấy.

2. Thân bài:

a/ Tại sao chúng ta phải nói “Không!” với các tệ nạn xã hội:

* Cờ bạc, thuốc lá, ma tuý... là thói hư tật xấu, là những tệ nạn xã hội gây ra tác hại khủng khiếp đối với bản thân, gia đình và xã hội về nhiều mặt : tư tưởng, đạo đức, sức khoẻ, kinh tế, nòi giống...

Tệ nạn xã hội là mối nguy trước mắt và lâu dài của đất nước, dân tộc.

* Sự ràng buộc, chi phối nguy hiểm của thói hư tật xấu:

- Đầu tiên, do bạn bè xấu rủ rê hoặc do tò mò thử cho biết.

- Sau một vài lần, không có thì bồn chồn, khó chịu.

- Dần dần tiến tới nghiện ngập. Không có thuốc, cơ thể sẽ bị cơn nghiện hành hạ. Mọi suy nghĩ, hành động... đều bị cơn nghiện chi phối.

- Để thoả mãn cơn nghiện, người ta có thể làm mọi thứ, kể cả trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, giết người...

- Một khi đã nhiễm phải tệ nạn lâu ngày thì rất khó từ bỏ. Tệ nạn sẽ hành hạ làm cho con người khổ sở, điêu đứng vì nó.

- Thói hư tật xấu là bạn đồng hành của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ.

b/ Tác hại của cờ bạc, ma tuý, sách xấu sẽ dẫn đến thoái hoá đạo đức, nhân cách, gây tác hại lớn đến bản thân, gia đình và xã hội.

* Cờ bạc:

- Cờ bạc cũng là một loại ma tuý, ai đã trót vướng vào không dễ bỏ.

- Trò đỏ đen, may rủi kích thích máu cay cú, hiếu thắng.

- Mất nhiều thời gian, sức khoẻ, tiền bạc, sự nghiệp.

- Ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và hạnh phúc gia đình, an ninh trật tự xã hội.

- Hành vi cờ bạc bị luật pháp nghiêm cấm, tuỳ mức độ nặng nhẹ có thể bị xử phạt hoặc đi tù.

* Thuốc lá:

- Thuốc lá là sát thủ giấu mặt đối với sức khoẻ con người.

- Khói thuốc gây nên nhiều bệnh nguy hiểm: ung thư phổi, ung thư vòm họng, tại biến tim mạch...

- Khói thuốc không những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ bản thân mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ của những người xung quanh.

- Thuốc lá tiêu tốn tiền bạc, làm giảm thu nhập của gia đình, tác động xấu tới nền kinh tế quốc dân.

- Trên thế giới, nhiều nước đã cấm quảng cáo thuốc lá, cấm hút thuốc ở công sở và chỗ đông người.

* Ma tuý:

- Thuốc phiện, hê-rô-in là chất kích thích gây nghiện rất nhanh. Người dùng thuốc sẽ rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng. Nghiện ma tuý có nghĩa là tự mang bản án tử hình.

- Khi mắc nghiện, vỏ não bị tổn thương rất lớn, sức khoẻ suy kiệt nhanh chóng.

- Đối với người nghiện ma tuý thì tiền của bao nhiêu cũng không đủ.

- Nghiện ma tuý đồng nghĩa với mất hết danh dự, đạo đức, tình yêu, hạnh phúc gia đình, sự nghiệp...

* Văn hoá phẩm độc hại (sách xấu, băng đĩa hình đồi trụy...):

- Khi tiếp xúc với loại này, con người sẽ bị ám ảnh bởi những hành vi không lành mạnh, có những ham muốn phi đạo đức, sa vào lối sống ích kỉ, bản năng, mất hết khả năng phấn đấu, sống không mục đích.

- Nếu làm theo những điều bậy bạ thì sẽ dẫn đến sự suy đồi đạo đức, nhân cách, ảnh hưởng đến uy tín bản thân, gia đình và có thể dẫn tới vi phạm pháp luật.

3. Kết bài:

* Rút ra bài học tu dưỡng đạo đức:

- Tránh xa những thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội.

- Khi đã lỡ mắc vào, phải có quyết tâm từ bỏ, làm lại cuộc đời.

- Xây dựng cho mình và tuyên truyền cho mọi người lối sống tích cực, lành mạnh.

II. BÀI LÀM

Trong cuộc sống, bên cạnh nhiều tập quán, thói quen tốt còn có những tập quán, thói quen xấu có hại cho con người và xã hội. Đối với những thói quen xấu có sức quyến rũ ghê gớm như cờ bạc, thuốc lá, ma tuý hoặc sách, băng, đĩa có nội dung độc hại, nếu ta không kiên định tự chủ, dần dần sẽ bị nó ràng buộc, chi phối và biến thành nô lệ. Ta gọi chung các thói xấu trên là tệ nạn xã hội. Đối với bất kì một quốc gia nào thì tệ nạn xã hội cũng là một hiểm hoạ trước mắt và lâu dài, cần phải ra tay trừ bỏ. Vì những tác hại khôn lường của nó, chúng ta hãy kiên quyết nói: “Không!”.

Tại sao chúng ta phải nói “Không!” với các tệ nạn xã hội?

Cờ bạc, thuốc lá, ma tuý... là những thói hư tật xấu gây ra tác hại ghê gớm cho bản thân, gia đình và xã hội về nhiều mặt: tư tưởng, đạo đức, sức khoẻ, kinh tế, nòi giống... Đây là mối nguy cơ trước mắt và lâu dài của đất nước, dân tộc.

Ban đầu, chúng đến với ta một cách ngẫu nhiên, tình cờ. Tuổi trẻ thường ham vui, ham lạ. Đó là chỗ yếu để tệ nạn tấn công. Đám con trai học sinh mười lăm, mười bảy, vài lần nhìn các anh thanh niên phì phèo điếu thuốc lá trên môi với vẻ rất lãng tử, sành điệu, thấy hay hay, thế là bắt chước. Bạn bè xấu rủ rê hút chích, khích bác vài câu chạm tự ái “nam nhi”. Ừ thì thử cho biết với đời, nhằm nhò gì, chuyện vặt ! Một lần, hai lần..., rồi đến một lúc nào đó, không có không chịu được. Thiếu nó, họ cảm thấy bồn chồn, chống chếnh, buồn bã và lại tìm đến nó như tìm đến một sự giải thoát, một nguồn vui. Khi đã tập tọng hút thuốc lá, hít hê-rô-in rồi thì từ thích đến nghiện chẳng bao xa.

Mỗi khi cơn nghiện ập đến, nó hành hạ thân xác đến mức khó có thể chịu đựng nổi. Muốn có thuốc để thoả mãn cơn nghiện thì phải có tiền. Không có tiền thì phải xoay sở mọi cách. Hỏi làm sao có thể tránh khỏi con đường tội lỗi ? Như vậy là thói xấu đã biến người nghiện thành nô lệ của nó. Nó là ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt, tàn bạo, chi phối toàn bộ tư tưởng, tình cảm và hành động của người nghiện.

Tác hại của các tệ nạn là vô cùng ghê gớm và khi đã nhiễm phải tệ nạn lâu ngày thì rất khó từ bỏ. Chúng ta thử bàn đến tác hại của từng loại một.

Thứ nhất là cờ bạc. Người xưa đã đúc kết: Cờ bạc là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm. Đúng thế, vì đây cũng là một loại ma tuý mà người nào trót sa chân vào thì khó lòng thoát khỏi. Người đánh bạc có thể ngồi vào chiếu bạc từ sáng đến tối, ngày này sang ngày khác, quên ăn, quên ngủ, quên cả làm việc, học tập. Khi thua, cay cú quyết gỡ, càng gỡ lại càng thua. Lúc đầu thì gán đồng hồ, xe đạp, xe máy ; sau thì bán nhà, bán đất... và bán cả danh dự, sự nghiệp của mình. Đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi ảo tưởng xe hơi, nhà lầu. Nếu thắng thì chiêu đãi bạn bè, ăn chơi phóng túng, vung tiền không tiếc tay để được nghe những lời tâng bốc dối trá, để chứng tỏ “vai vế” trong giới giang hồ. Nhiều kẻ biết rõ là cờ gian bạc lận nhưng vẫn mê muội lao đầu vào, tự nguyện làm “nai” cho lũ “thợ săn” xẻ thịt. Kết quả là thân tàn ma dại, bao nhiêu của cải mồ hôi nước mắt đội nón ra đi. Dân gian có câu: Đánh đề ra đê mà ở là thế. Để khuyên mọi người tránh xa cờ bạc, tục ngữ - ca dao cũng đưa ra bài học thấm thía: Của làm ra cất trên gác, Của cờ bạc để ngoài sân, Của phù vân để ngoài ngõ. Bởi thực tế là hiếm ai giàu có bền lâu nhờ cờ bạc.

Thứ hai là nghiện thuốc lá. Các nhà nghiên cứu y học đã đưa ra nhận xét có tính chất cảnh báo: Khói thuốc là “sát thủ” thể khí đối với sức khoẻ của con người. Người ta đến với thuốc lá thường do nhiều nguyên nhân: do hiếu kì, tò mò, thích bắt chước hình ảnh của một thần tượng nào đó trong cuộc đời hoặc trên phim ảnh, hoặc muốn khẳng định là mình đã lớn trước mặt bạn bè. Đó thường là những cú “hích” xui nhiều chàng trai mới lớn đốt điếu thuốc đầu tiên trong đời. Hơn bốn ngàn thứ hoá chất độc hại trong khói thuốc sẽ tàn phá không chừa bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Những căn bệnh ghê gớm như ung thư phổi, ung thư vòm họng, tai biến tim mạch, nhũn não, liệt run... phần lớn người nghiện thuốc lá mắc phải. Mỗi điếu thuốc sẽ là một mồi lửa đốt “miếng da lừa” tuổi thọ của bạn chạy nhanh hơn.

Nghiện thuốc lá cũng đồng nghĩa với việc người hút tự cắt giảm thu nhập của mình. Mỗi ngày hút nửa bao, một bao. Thuốc rẻ tiền thì cũng mất cả trăm ngàn một tháng; thuốc “xịn” thì phải tiền triệu. Hãy thử làm phép nhân để xem người nghiện một tháng, một năm, một đời đốt hết bao nhiêu tiền ra khói ? Một con số thống kê gần đây cho biết Việt Nam có tỉ lệ người nghiện thuốc lá khá cao so với khu vực và thế giới. Mỗi năm, thuốc lá ngốn hết hàng ngàn tỉ đồng. Quả là con số chứa đựng một hiểm hoạ đáng sợ!

Thứ ba là tác hại của ma tuý, gồm thuốc phiện, cần sa, hê-rô-in và nhiều loại thuốc kích thích khác. Khác với ngày xưa, người nghiện thường là một số trung niên có tiền, có vai vế trong xã hội. Người nghiện ma tuý ngày nay phần lớn là ở độ tuổi thanh thiếu niên đang phát triển thể lực và trí lực để chuẩn bị tạo dựng tương lai cho cá nhân và đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Lúc đầu cũng có thể chỉ vì những lời khích bác của bạn bè và để thoả mãn tính tò mò mà thử chơi cho biết với suy nghĩ sai lầm là một, hai lần thì không thể nghiện được. Nhưng chỉ cần thế thôi là coi như bạn đã trao tính mạng của mình vào tay thần chết. Khi mắc nghiện, vỏ não bị tổn thương rất lớn, sức khoẻ suy kiệt nhanh chóng. Nghiện rồi thì tiền bạc bao nhiêu cũng không đủ. Nghiện nhẹ thì một ngày hết độ dăm chục, một trăm. Nghiện nặng thì năm bảy trăm ngàn. Vậy làm gì ra tiền để thoả mãn cơn nghiện? Những kẻ nghiện ngập có thể làm tất cả. Từ lấy cắp đồ nhà đến lấy cắp đồ hàng xóm. Rồi lừa cả bố mẹ, anh em, vợ con cũng chẳng từ. Không ít kẻ lúc lên cơn vật vã, nã tiền không được, điên cuồng giết cả người thân. Một xâu chuỗi tệ nạn xã hội khác kéo theo tệ nghiện ngập : ăn trộm, ăn cắp, giết người cướp của, ... kinh khủng hơn cả là dẫn đến căn bệnh thế kỉ HIV mà hiện nay cả thế giới đang mất biết bao công sức, tiền của để tập trung giải quyết đại dịch này. Chính vì vậy, khi đã nghiện ma tuý là mất hết danh dự, đạo đức, tình yêu, hạnh phúc gia đình, sự nghiệp.

Thứ tư là văn hoá phẩm độc hại (sách xấu, băng, đĩa hình đồi trụy...). Tiếp xúc với loại này, con người sẽ bị ám ảnh bởi những hành vi không lành mạnh, từ đó nảy sinh những ham muốn bản năng, phi đạo đức, sa vào lối sống ích kỉ, mất hết khả năng phấn đấu, sống không mục đích. Nếu làm theo những điều bậy bạ thì sẽ dẫn đến sự suy đồi đạo đức, nhân cách, ảnh hưởng tới uy tín bản thân, gia đình và có thể dẫn tới vi phạm pháp luật.

Đó là sự thực. Một sự thực hiển nhiên đau lòng mà chúng ta chứng kiến hằng ngày. Hiện nay, có một số thanh thiếu niên, học sinh hư hỏng không lo tu chỉ học hành mà đua đòi ăn chơi sa đoạ. Họ rủ nhau tham gia vào những trò cờ bạc đỏ đen, hút chích ma tuý, xem phim có nội dung xấu, chuyền tay nhau những cuốn sách độc hại. Rồi đàn đúm đánh nhau, đua xe gây rối an ninh trật tự công cộng, gây ra tai nạn giao thông... Tất cả những thói xấu đó nhanh chóng đẩy họ vào vực thẳm tội lỗi.

Thói quen xấu là người bạn đồng hành của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ. Trong mỗi con người, thường có cả hai mặt tốt và xấu. Lối sống buông thả là mảnh đất màu mỡ cho những thói quen xấu nảy nở và phát triển.

Ngày xưa, ông cha ta đã dạy: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Có thể coi những tệ nạn trên là mực, gần nó sẽ bị vấy bẩn. Vì vậy, chúng ta cần phải tránh xa những cạm bẫy của thói hư tật xấu để trước hết là bảo vệ phẩm cách được trong sáng, sau đó là góp phần bảo vệ gia đình, xã hội, bảo vệ truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Khi đã lỡ mắc thói xấu phải quyết tâm từ bỏ nó, để làm lại cuộc đời.

Như trên đã phân tích, tập quán xấu, thói quen xấu có ma lực cuốn hút con người. Bởi vậy, để không bị biến thành nạn nhân của nó, mỗi người phải tự rèn luyện, tu dưỡng không ngừng trong học tập, trong lao động và phải nâng cao nhận thức về tác hại của các tệ nạn xã hội. Bạn bè phải khuyên bảo nhau biết kiềm chế trước những thú vui không lành mạnh và chung tay góp sức đẩy lùi, tiến tới đấu tranh tiêu diệt tệ nạn để cuộc sống ngày càng trong sạch, tốt đẹp hơn.