I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Tố Hữu (1920 - 2002 ) được tôn vinh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông đã tạo cho mình một phong cách mới trên cơ sở tiếp thu và phát huy có sáng tạo tính dân tộc trong thơ ca tiếng Việt.
- Làm nên phong cách ấy trước hết là lẽ sống, là tình cảm nồng nhiệt, chân thành của một nhà thơ - chiến sĩ, suốt đời gắn bó với nhân dân, đất nước. Có ý kiến cho rằng: Thơ Tố Hữu rất giàu tính dân tộc.
2. Thân bài:
* Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
+ Tính dân tộc thể hiện ở nội dung tư tưởng gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Tác giả phản ánh hiện thực với nhận thức và cảm xúc của người trong cuộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, Tổ quốc.
- Tập thơ Từ ấy thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và tâm trạng hào hứng, phấn khởi của nhà thơ trẻ khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của giai cấp cần lao trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Tập thơ Việt Bắc là khúc tráng ca ca ngợi cuộc kháng chiến chín năm đau thương và oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Nhân vật trung tâm là anh bộ đội Cụ Hồ kiên cường, dũng cảm; là các tầng lớp nhân dân miền ngược, miền xuôi một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đánh giặc cứu nước.
- Tập thơ Gió lộng là bức tranh muôn màu sắc về cuộc sống mới sau hoà bình, nhân dân miền Bắc phấn khởi xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tố Hữu đã đưa tất cả những gì gần gũi, thân thuộc nhất của đời sống dân tộc vào thơ.
- Tập thơ Ra trận, Máu và hoa thể hiện chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, quyết hi sinh cho chân lí Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tố Hữu ghi lại cảm xúc thiêng liêng của toàn dân tộc trong giây phút trọng đại đó. Niềm vui, niềm tin to lớn vào tương lai tươi sáng của dân tộc toả sáng trong từng trang thơ Tố Hữu.
+ Tính dân tộc thể hiện trong hình thức nghệ thuật của thơ Tố Hữu.
Tố Hữu tiếp thu, kế thừa có sáng tạo nghệ thuật của thơ ca truyền thống, từ hình thức lục bát đến các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc như so sánh, ẩn dụ... Thơ lục bát của Tố Hữu mang hơi hướng ca dao, rất phù hợp với việc thể hiện các đề tài cách mạng. Thơ Tố Hữu dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc vì nó đến với trái tim mọi người bằng con đường ngắn nhất: từ trái tim đến với trái tim...
3. Kết bài:
- Cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu gắn liền với sự nghiệp cách mạng. Thơ Tố Hữu khẳng định phẩm chất và tài năng của nhà thơ là thuộc về nhân dân, đất nước.
- Tố Hữu đã kết hợp nhuần nhuyễn tính dân tộc và tính cách mạng trong thơ mình. Tác giả xác định rất rõ con đường thơ ca của mình là phát huy và không ngừng sáng tạo để làm phong phú thêm cho thơ ca dân tộc vốn đã giàu và đẹp.
II. BÀI LÀM
Tố Hữu (1920 - 2002) được tôn vinh là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông đã đưa vào thơ một phong cách mới của tâm hồn gắn bó, hoà hợp sâu xa với nhân dân, đất nước trong suốt chặng đường lịch sử dài hơn nửa thế kỉ. Làm nên phong cách ấy trước hết là lẽ sống đúng đắn, là tình cảm dạt dào cùng với bao nỗi niềm riêng chung của con người thi sĩ - chiến sĩ trong cuộc đời đấu tranh cách mạng. Có ý kiến cho rằng: Thơ Tố Hữu rất giàu tính dân tộc.
Đó là một nhận xét chính xác và tinh tế. Thơ Tố Hữu có sức lay động quân chúng rất lớn trước hết vì thơ ông dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc. Đó là những đặc tính của thơ ca truyền thống. Nhà phê bình nghiên cứu văn học Hà Minh Đức viết: “Đã trên nửa thế kỉ qua, thơ Tố Hữu vẫn là tiếng nói tâm tình gần gũi với bạn đọc. Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn, mỗi tập thơ đều ghi lại chân thành tấm lòng của tác giả và hình bóng của cuộc đời. Đó là tấm lòng gắn bó với dân tộc của nhà thơ cách mạng và những sự kiện lớn diễn ra trên đất nước đều được in khá đậm nét trong thơ Tố Hữu”.
Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu thể hiện hài hoà ở nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, ở tâm hồn và cách thể hiện cảm xúc. Xuất thân từ một gia đình có học ở Huế - một vùng đất sơn thuỷ hữu tình giàu truyền thống văn chương và truyền thống cách mạng, Tố Hữu giác ngộ cách mạng rất sớm, vừa hoạt động chính trị vừa sáng tác thơ ca. Con người chiến sĩ và con người thi sĩ hoà làm một, tạo nên hồn thơ vừa sôi nổi, nồng nàn, vừa thiết tha, sâu lắng. Trong hàng ngũ các nhà thơ cách mạng, Tố Hữu lúc nào cũng là người đi đầu. Các vấn đề trọng đại của lịch sử dân tộc luôn được tác giả phản ánh trong thơ ca với tinh thần trách nhiệm của một chiến sĩ và trái tim nhạy cảm của một thi sĩ. Nội dung nổi bật trong thơ Tố Hữu là tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người Việt Nam.
Chất dân tộc hình thành rất sớm trong con người Tố Hữu. Cội nguồn của nó là tình yêu quê hương, xứ sở tha thiết:
Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi...
(Huế - Quê mẹ)
Hình ảnh quê hương thân yêu lúc nào cũng hiển hiện trong nỗi nhớ cháy lòng của nhà thơ:
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đường chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...
(Khi con tu hú)
Xa quê, hình ảnh dòng sông Hương luôn quấn quýt trong trái tim thi sĩ:
Hương Giang ơi, dòng sông êm
Qua tim ta, vẫn ngày đêm tự tình.
(Bài ca quê hương)
Trước Cách mạng tháng Tám, nhà thơ Tố Hữu khẳng định lẽ sống của con người là lí tưởng độc lập, tự do và đã cụ thể hoá cảm giác thiêng liêng khó tả của mình khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng bằng nghệ thuật ẩn dụ so sánh thường thấy trong ca dao xưa:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
(Từ ấy)
Người thanh niên yêu đời, yêu nước cảm thấy tâm hồn mình phơi phới, rạo rực, tưng bừng như một vườn hoa lá xanh tươi muôn màu sắc và rộn tiếng chim ca. Sau khi giác ngộ lí tưởng cách mạng, nhà thơ hiểu sâu hơn về tình giai cấp, tình dân tộc và mối quan hệ giữa dân tộc với thời đại. Nhà thơ khẳng định chỉ có cách mạng là con đường duy nhất giải phóng nhân dân ra khỏi cảnh tối tăm, nô lệ, mới trả lại quyền sống thực sự cho mỗi con người. Trong tập thơ Từ ấy, những số phận bất hạnh, khổ đau được Tố Hữu nhắc đến với tấm lòng thông cảm và thương xót chân thành. Đó là em bé mồ côi:
Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ
Cùng vất vưởng bê tha.
(Mồ côi)
Đó là người kĩ nữ đáng thương bị vây bủa trong cuộc sống quẩn quanh, bế tắc:
Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng
Thuyền em rách nát
Mà em chưa chồng.
(Tiếng hát sông Hương)
Đó là ông lão sống cô đơn, mỏi mòn trong nghèo khổ:
Lão ngồi bên cửa sổ
Trong nắng nhạt chiều thu
Còng lưng đan chiếc rổ .
Mai bán lấy vài xu.
(Chiều)
Đó là người vú em vì cơ cực mà phải dứt tình mẫu tử:
Nàng gởi con về nương xóm cũ
Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi
Rồi từ hôm ấy, ôm con ngủ
Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi.
(Vú em)
Nhà thơ gọi giai cấp cần lao bằng những tiếng gọi đầy tình thương mến: bạn đời ơi, anh chị em ơi, hỡi người bạn, đồng bào ơi... và tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với họ. Trong bài thơ Từ ấy, tác giả viết:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
Tính chất nhân văn sâu sắc trong nội dung thơ Tố Hữu chính là ở sự kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc trong cuộc sống cũng như trong thơ ca. Trong tập thơ Việt Bắc, hình ảnh lãnh tụ, chiến sĩ, nhân dân là những hình ảnh chủ đạo, gợi cảm xúc rất mạnh đối với Tố Hữu. Tất cả tập hợp lại thành biểu tượng của một dân tộc hào hùng và quật khởi đã làm nên vinh quang bất diệt, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp bằng chiến công Điện Biên Phủ vang dội địa cầu:
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng.
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Trên đà thắng lợi, đất nước Việt Nam ngẩng cao đầu tiến tới tương lai. Bước chuyển mình lớn lao, khí thế ngất trời của dân tộc đã được Tố Hữu ghi nhận với niềm sảng khoái hiếm có:
Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển Đông trước mặt !
(Ta đi tới)
Trong giai đoạn lịch sử mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng xã hội chủ nghĩa theo đúng ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tâm điểm của tập thơ Gió lộng là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tâm hồn Tố Hữu tràn ngập niềm vui, niềm tin vào cuộc sống mới, vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Tinh thần lạc quan toả sáng mỗi dòng thơ, mỗi bài thơ:
Tôi đi dưới nắng trưa
Mùa xuân ấm áp
Nghe hơi thở của đồng quê mập mạp
Bãi phù sa xanh mượt ngô non
Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn
Đủng đỉnh về xuôi quê hương mới lạ
Rực rỡ những làng vàng tươi mái rạ
Gạch mới nung, đá trắng chất bên đường
Khói lò bay quanh những phố phường
Sắt sáng chói những bể dầu, xưởng máy
Và trường học đã mọc lên từng dãy...
(Trên miền Bắc mùa xuân)
Cuộc sống mới như bức tranh muôn màu sắc cuốn hút hồn người:
Xuân đến năm nay, sớm lạ thường
Trời đang rét ngọt, sáng nhiều sương
Ong kêu ong dậy đường hoa vải
Rực lúa chiêm trăng, bướm bướm vàng.
Như nghìn năm đẹp nét xuân xưa
Bỗng toả gương trong, sạch bụi mờ
Xuân mới, đơn sơ, đằm thắm vậy
Căng đầy sức dậy, dáng non tơ...
(Xuân sớm)
Trái tim nhạy cảm của nhà thơ đập cùng một nhịp với trái tim đồng chí, đồng bào, chan hoà trong tình cảm riêng chung, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời. Sống trên đất Bắc nhưng Tố Hữu luôn tưởng nhớ đến quê hương xứ Huế thân yêu, đến đồng bào miền Nam đang sống trong ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ nguỵ quyền tay sai bán nước. Tập thơ Ra trận là khúc tráng ca sôi nổi với những nhân vật trữ tình mang lí tưởng thời đại và tầm vóc lịch sử như hình tượng người chiến sĩ Giải phóng quân tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam anh hùng với lí tưởng và hào khí:
Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai!
(Theo chân Bác).
Tố Hữu ca ngợi những gương sáng của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, mẹ Suốt... Đúng như nhận xét: Ở Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng. Thơ Tố Hữu đã chứng minh chân lí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định : Không có gì quý hơn độc lập, tự do và truyền thống bất khuất chống xâm lăng, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới:
Xuân hãy xem! Cuộc diễu binh hùng vĩ
31 triệu nhân dân
Tất cả hành quân
Tất cả thành chiến sĩ
Hiện đại, thô sơ
Của ngày xưa và của bây giờ
Với cách mạng đều là vũ khí
Tên lửa, tên tre
Lưỡi lê, lưỡi mác
Và thuyền và xe
Chân đi, vai vác
Qua núi qua khe
Mạnh hơn thác, trùng trùng vô tận...
Ở đâu ? Mỗi ngọn núi dòng sông
Cũng hiển hách chiến công
Lừng danh dũng sĩ.
Ở đâu ? Mỗi mũi chông, một ngọn tầm vông
Cũng hiên ngang như trường thành chiến luỹ.
Và ở đâu ? Trên trái đất này
Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay
Sống chết từng giây, mưa bom bão đạn
Lòng nóng bỏng căm thù vẫn mát tươi tình bạn.
(Chào xuân 67)
Tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược và khí thế như triều dâng bão nổi của quân dân ta đã được Tố Hữu nhấn mạnh và thể hiện tài tình, sinh động:
Hoan hô Xuân 68 anh hùng !
Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng
Tất cả pháo !
Và xông lên, dũng sĩ!
Như khí phách Trần, Lê.
Như oai vũ Quang Trung
Khắp thành thị nông thôn
Đánh tan đầu Mỹ, ngụy !
Vì Độc lập, Tự do, núi sông hùng vĩ
Vì thiêng liêng giá trị Con Người
Vì muôn đời hoa lá xanh tươi
Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất !
(Bài ca xuân 68)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân 1975. Nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại cảm xúc thăng hoa trong giây phút thiêng liêng không thể nào quên của bản thân nói riêng và của cả dân tộc nói chung:
Ba mươi năm, trường kì kháng chiến
Ta đã đi. Và ta đã đến
Thật đây rồi, hạnh phúc cầm tay
Độc lập, Tự do, từ nay vĩnh viễn...
Tôi lại nhìn, như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ !
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những ước mơ...
Tôi bay giữa màu xanh giải phóng
Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng
Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi !
(Vui thế, hôm nay...)
Những vấn đề Tố Hữu đề cập đến trong thơ là những vấn đề lớn lao, bức xúc, liên quan mật thiết đến số phận của đất nước, dân tộc. Đó là những tình cảm lớn, niềm vui lớn: say mê lí tưởng, tình đồng bào, đồng chí thiêng liêng, ân tình cách mạng, quan điểm sống chết... Thơ Tố Hữu quy tụ và kết tinh nhiều mặt của giá trị nhân văn và sức mạnh tinh thần của đời sống dân tộc, mang theo máu thịt và hơi thở nóng hổi của cuộc đời. “Cái tôi” trong thơ ông thường hoà trong “cái ta” rộng lớn là cộng đồng dân tộc.
Tính dân tộc còn thể hiện ở chất trữ tình cách mạng thấm đượm trong giọng điệu tâm tình ngọt ngào của thơ Tố Hữu. Một mặt là do cội nguồn xứ Huế, cái chất Huế thấm sâu vào hồn thơ, vào ngôn ngữ thơ, mặt khác nó bắt nguồn từ quan niệm về thơ của ông: Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Nói đến thơ là nói đến sự đồng điệu của những tâm hồn.
Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu có mối liên quan gần như máu thịt đối với giai cấp và dân tộc. Thơ ca chính là sợi dây nối kết bền chặt giữa nhà thơ với cuộc sống của nhân dân, đất nước. Bạn đọc yêu mến thơ Tố Hữu, thuộc thơ Tố Hữu phần lớn là do nội dung gần gũi, thiết thực song cũng vì hình thức nghệ thuật giàu tính dân tộc của nó. Tố Hữu đã tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo, đồng thời phát huy cao độ tinh hoa thơ ca dân tộc. Ông sử dụng thành thục, điêu luyện thể thơ lục bát uyển chuyển, giàu nhạc điệu để thể hiện những nội dung cách mạng hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, sự sáng tạo của nhà thơ đã góp phần không nhỏ vào việc khẳng định ưu thế của thể thơ quen thuộc đó. Nhiều bài thơ lục bát của Tố Hữu in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ yêu mến thơ ông, tiêu biểu nhất là bài thơ Việt Bắc với những đoạn tuy mang đậm hơi hướng ca dao nhưng vẫn có những sáng tạo của riêng tác giả:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...
Đoạn thơ tả cảnh sau đây thể hiện nét tài hoa của ngòi bút Tố Hữu. Quả là trong thơ có hoạ:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao dài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Bài Kính gửi cụ Nguyễn Du mà nhà thơ Tố Hữu viết trong một chuyến công tác đặc biệt vào tuyến lửa miền Trung thời kì máy bay Mỹ ném bom miền Bắc có thể coi là một ví dụ tiêu biểu cho tính dân tộc trong thơ ông:
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ thương thân nàng Kiều...
Hỡi lòng tê tái thương yêu
Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh
Ngổn ngang bên nghĩa bên tình
Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nào ?
Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường !
... Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng người !
Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân...
Thơ Tố Hữu dễ thuộc, dễ nhớ và đi sâu vào lòng người bằng con đường ngắn nhất, bởi các vấn đề quan trọng của dân tộc, của đất nước đều được nhà thơ thể hiện bằng tiếng nói sâu thẳm, đằm thắm của con tim xúc động chân thành và những giao cảm tinh tế với cái đẹp. Tố Hữu đã kết hợp nhuần nhị hai yếu tố cách mạng và dân tộc cho nên đúng như quan niệm của ông: Thơ là chuyện tri âm tri kỉ. Thơ là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu. Những thành quả đáng kể của sự nghiệp thơ ca Tố Hữu đã góp phần làm phong phú thêm thơ ca tiếng Việt của dân tộc ta vốn đã giàu và đẹp.