I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Hạnh phúc là một khái niệm tinh thần trừu tượng.
- Tuỳ theo vai trò, vị trí của từng cá nhân, từng giai cấp trong xã hội mà có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc.
- Nhân dân ta quan niệm: Tình thương là hạnh phúc của con người.
2. Thân bài:
a/ Giải thích câu nói: Tình thương là hạnh phúc của con người.
- Tình thương là tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật. (Từ điển Tiếng Việt).
- Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. (Từ điển Tiếng Việt).
- Tại sao tình thương là hạnh phúc của con người?
Bởi vì, tình thương khiến người ta luôn hướng về nhau để chia sẻ, thông cảm, đùm bọc lẫn nhau. Như vậy là đã thoả mãn mọi ý nguyện, đã được hưởng sung sướng, hạnh phúc mà tình thương mang lại.
b/ Các biểu hiện của tình thương.
+ Trong phạm vi gia đình:
- Cha mẹ yêu thương con cái, chấp nhận bao vất vả, cực nhọc, hi sinh bản thân để nuôi dạy con cái nên người. Con cái ngoan ngoãn, trưởng thành, cha mẹ coi đó là hạnh phúc lớn nhất của đời mình.
- Trong đời người có nhiều nỗi khổ, nhưng con cái không nên danh nên phận hoặc hư hỏng là nỗi đau lớn nhất của cha mẹ.
- Con cái biết nghe lời dạy bảo của cha mẹ, biết đem lại niềm vui cho cha mẹ, đó là hiếu thảo, là tình thương và hạnh phúc. Tình yêu thương, sự hoà thuận giữa anh em, giữa cha mẹ và con cái tạo nên sự bền vững của hạnh phúc gia đình.
+ Trong phạm vi xã hội:
- Tình thương chân thành là cơ sở của tình yêu đôi lứa.
- Tình thương là truyền thống đạo lí: Thương người như thể thương thân, tạo nên sự gắn bó chặt chẽ trong quan hệ cộng đồng giai cấp, dân tộc.
- Tình thương mở rộng, nâng cao thành tình thương yêu nhân loại.
* Những gương sáng trong lịch sử coi tình thương là hạnh phúc của con người.
- Vua Trần Nhân Tông trong một chuyến đi thăm quân sĩ đã cởi áo bào khoác cho một người lính giữa đêm đông lạnh giá.
- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng vào sống ra chết với tướng sĩ dưới quyền trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.
- Người anh hùng Nguyễn Trãi suốt đời theo đuổi lí tưởng vì dân, vì nước, gác sang một bên những oan ức, bất hạnh của riêng mình.
- Người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân trong tình cảnh nô lệ nên đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Phương châm sống đúng đắn của Bác là: Mình vì mọi người. Bác Hồ luôn lấy tình thương yêu con người làm mục đích và hạnh phúc cao nhất của cuộc đời mình.
3. Kết bài:
- Tình thương là lẽ sống cao cả của con người.
- Tình thương vượt lên trên mọi sự khác biệt giữa các dân tộc trên thế giới.
- Để tình thương thực sự trở thành hạnh phúc của con người, mỗi chúng ta phải cố gắng vươn lên chống đói nghèo, áp bức bất công, chống chiến tranh... để góp phần xây dựng một thế giới hoà bình thịnh vượng...
II. BÀI LÀM
Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, phức tạp khiến nhân loại từ xưa tới nay luôn phải quan tâm suy nghĩ, trăn trở và mất nhiều giấy bút để tranh luận. Quan niệm về hạnh phúc tuỳ thuộc vào vai trò, vị trí của từng con người trong gia đình, xã hội. Mỗi giai cấp, mỗi cá nhân có quan niệm riêng về hạnh phúc. Có người coi chức trọng quyền cao là hạnh phúc. Có người lấy nhà lớn, tiền nhiều làm hạnh phúc. Có người cho rằng con đàn cháu đống là hạnh phúc. Có người thích nổi tiếng, thích thể hiện “cái tôi” trước đám đông để thu hút sự chú ý của người khác và coi đó là hạnh phúc. Những quan niệm nêu trên không hẳn là sai trái nhưng chưa đủ ý nghĩa để đại diện cho quan niệm chung về hạnh phúc của cộng đồng xã hội.
Vậy hạnh phúc là gì? Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Còn nhân dân ta quan niệm rất đơn giản: Tình thường là hạnh phúc của con người. Quan niệm đó thể hiện truyền thống đạo lí được xây dựng trên nền tảng nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam từ ngày xưa: Thương người như thể thương thân.
Tình thương là tình cảm nồng nhiệt, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật (Từ điển Tiếng Việt). Vậy tại sao tình thương là hạnh phúc của con người? Bởi vì, tình thương khiến cho con người luôn hướng về nhau để chia sẻ, thông cảm, đùm bọc lẫn nhau. Như vậy là đã thoả mãn mọi ý nguyện, đã được hưởng sung sướng, hạnh phúc do tình thương mang lại. Tình thương hiện diện khắp nơi và thể hiện dưới nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau. Trước hết, chúng ta bàn đến tình thương trong phạm vi gia đình. Cha mẹ hết lòng yêu thương con cái, chẳng quản nhọc nhằn, vất vả sớm khuya để nuôi dạy các con nên người. Ca dao có câu:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Cha mẹ lo lắng, chăm sóc cho các con từng miếng cơm, manh áo. Con ốm cha mẹ xót xa, con khoẻ cha mẹ vui mừng. Nhìn đàn con mỗi ngày mỗi lớn khôn, không ai hạnh phúc bằng cha mẹ. Nếu không có tình thương con như biển hồ lai láng, ắt hẳn các bậc làm cha làm mẹ không thể có đủ nghị lực và sức mạnh để đương đầu với cuộc đời đầy gian nan, trắc trở. Mẹ thương con nên mới có cảnh: Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương... Năm canh chầy thức đủ năm canh... Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo phần con... Khổ cực là thế nhưng chỉ cần ngắm nhìn con lúc đang ngủ say hay chập chững những bước đi đầu tiên, bi bô những tiếng nói đầu tiên là lòng cha mẹ thấy ngập tràn sung sướng, hạnh phúc. Mấy chục năm trồng cây, mong chờ đến ngày hái quả. Cây xanh tươi cho trái chín ngọt lành. Con cái học hành tới nơi tới chốn, có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân, như thế là cha mẹ đã được hưởng hạnh phúc. Các con trưởng thành xứng đáng với bao công sức và tình thương yêu của cha mẹ đã dành cho các con trong suốt một thời gian dài đằng đẵng. Cha mẹ, con cái cùng chung một niềm vui, cùng hưởng hạnh phúc. Không có vàng ngọc nào đổi được niềm hạnh phúc to lớn ấy.
Các con lúc nhỏ ngoan ngoãn nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, chăm học chăm làm để cha mẹ vui lòng, đó là gia đình hạnh phúc. Khi đã trưởng thành, con cái biết quan tâm chăm sóc tới đời sống vật chất, tinh thần của cha mẹ lúc khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau, báo hiếu công lao sinh thành dưỡng dục để cha mẹ vui hưởng tuổi già bên con cháu, đó là hạnh phúc. Trong đời người có nhiều nỗi khổ, nhưng con cái không nên danh nên phận hoặc hư hỏng là nỗi đau lớn nhất của các bậc làm cha, làm mẹ. Anh em trong gia đình phải thương yêu, giúp đỡ, chia sẻ vui buồn. Người xưa cho rằng: Anh thuận em hoà là nhà có phúc bởi đó chính là cách báo hiếu cha mẹ cụ thể và thiết thực nhất.
Khái niệm hạnh phúc thường gắn liền với tình yêu và tuổi trẻ. Khi yêu, những người đang yêu thường nghĩ về nhau và luôn mong muốn đem lại cho nhau niềm vui từ những lời nói, việc làm rất nhỏ. Một bông hồng cho buổi hẹn hò tối thứ bảy, một món quà xinh xinh trao nhau trong ngày lễ tình nhân... kèm theo ánh mắt, nụ cười tràn đầy tình cảm yêu thương ngọt ngào... đủ làm rung động, thổn thức trái tim đang yêu. Nhưng tình yêu chỉ thắm thiết, bền chặt khi xuất phát từ tình thương và gắn bó với tình thương. Ca dao có nhiều câu rất hay khẳng định điều đó:
Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu,
Anh thấy cô nàng nhỏ xíu anh thương.
Hoặc:
Tóc em dài em cài hoa lý,
Miệng em cười hữu ý anh thương.
Nếu tình yêu gặp phải một trở lực nào đó thì tình thương lại càng da diết:
Thò tay mà ngắt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.
Sự xa cách càng thổi bùng lên ngọn lửa của tình thương yêu:
Áo xông hương của chàng vắt mắc,
Đêm em nằm em đắp lấy hơi.
Thương chàng lắm lắm chàng ơi!
Bao thử thách, khó khăn mà những người đang yêu gặp phải chỉ làm tăng thêm quyết tâm đến với nhau của họ:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.
Tình yêu thương chân thành là nền tảng vững chắc của những cuộc hôn nhận tốt đẹp, dài lâu:
Rủ nhau xuống biển mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Ai ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Hay:
Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người!
Hoặc:
Muối ba năm muối đang còn mặn,
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay.
Đôi ta nghĩa nặng tình dày,
Có xa nhau chăng nữa thì ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Trong phạm vi xã hội thì tình thương là yếu tố quan trọng tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng giai cấp và dân tộc. Tình thương giữa những người nghèo khổ cùng cảnh áo ngắn, cùng số phận thân cò cũng như thân chim đã được nhắc tới trong những câu ca dao thật cảm động:
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Vì thế nên mới có sự tương thân tương ái: Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Lá lành đùm lá rách...
Tình thương giai cấp mở rộng, nâng cao thành tình thương dân tộc:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Mỗi người dân Việt Nam dù là dân tộc nào, dù sống ở bất cứ đâu cũng phải luôn luôn nhớ tới cội nguồn con Lạc cháu Hồng, đều là con cùng chung một bọc (đồng bào) do mẹ Âu Cơ sinh ra. Do đó mà: Tay đứt ruột xót, Máu chảy ruột mềm, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ...
Tình thương gắn liền với trách nhiệm, với lối sống vị tha: Mình vì mọi người. Nếu có tình thương và trách nhiệm, ta không thể dửng dưng, vô cảm trước những em bé mồ côi bất hạnh, những người tật nguyền, những cụ già không nơi nương tựa hoặc đồng bào ở những vùng bị thiên tai đang phải chịu trăm bề khốn khó. Làm gì để chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào vượt qua cơn hoan nạn ngặt nghèo? Đó là câu hỏi thôi thúc lương tâm của mỗi chúng ta. Một lời nói, một hành động thiết thực lúc này đều có ý nghĩa mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cả người trao và người nhận.
Trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay có rất nhiều gương sáng chứng minh cho quan điểm sống lấy tình thương làm hạnh phúc. Thời nhà Trần, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, một lần vua Trần Nhân Tông đi thăm tướng sĩ giữa đêm đông giá lạnh đã cởi chiến bào khoác lên vai một người lính. Nếu không có tình thương thì nhà vua không thể có cử chỉ cao đẹp làm xúc động lòng người đến vậy. Còn Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng vì thương nước, thương dân mà sẵn sàng gác bỏ thù riêng để lo nghiệp lớn. Lòng nhân ái lớn lao của ông có sức mạnh cảm hoá sâu sắc, lay động và thức tỉnh lương tâm bao người. Suốt ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, vị chủ tướng Trần Quốc Tuấn cùng chia vui sẻ buồn, cùng vào sinh ra tử với tướng sĩ của mình: ...các ngươi không có ăn thì ta cho cơm, không có mặc thì ta cho áo, đi bộ thì ta cho ngựa, đi thuỷ thì ta cho thuyền, lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười... Chính cách đối xử xuất phát từ tình thương ấy đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân nhà Trần, tạo nên hào khí Đông A lưu truyền mãi trong sử sách. Thời Lê, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi một lòng một dạ vì dân, vì nước. Dù cuộc đời riêng gặp bao điều bất công ngang trái, ông vẫn tự hào khẳng định:
Bui một tấc lòng trung với hiếu,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông.
Bởi lí tưởng và mục đích sống chi phối toàn bộ sự nghiệp của ông là:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Ông luôn băn khoăn làm sao cho dân đen con đỏ được sống trong cảnh thái bình thịnh trị, để những chốn thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu. Trong bài thơ Cảnh tình ngày hè, Nguyễn Trãi viết:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Với Nguyễn Trãi, lí tưởng đó, khát khao đó chính là hạnh phúc mà ông theo đuổi suốt cuộc đời.
Đầu thế kỉ XX, người thanh niên Nguyễn Tất Thành thấm thía nỗi nhục nô lệ của dân tộc dưới ách thống trị của thực dân Pháp nên đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong suốt ba mươi năm, người chiến sĩ cộng sản ấy đã bôn ba khắp thế giới để tìm ra chân lí cách mạng, xây dựng và lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng, lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, giành chủ quyền độc lập tự do cho dân tộc và đất nước. Suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân, Bác Hồ lấy hạnh phúc chung của đồng bào thay cho hạnh phúc riêng. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những vần thơ dạt dào xúc động về sự hi sinh cao cả và tình thương bao la của Bác Hồ:
Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta,
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa.
Chỉ biết quên mình cho hết thảy,
Như dòng sông chảy nặng phù sa.
Chính cái đại nhân đã làm nên cái đại trí và đại dũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người Việt Nam đẹp nhất. Hạnh phúc của Bác là tên tuổi, công lao của Bác đời đời sống mãi trong lòng dân tộc và nhân loại.
Ngày nay, tình thương được coi là lẽ sống cao cả của con người. Tình thương đã vượt lên trên sự khác biệt về chính trị, tôn giáo, về phong tục tập quán của từng dân tộc. Trước những thiệt hại to lớn về người và của do thiên tai hoặc chiến tranh gây ra dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này thì trái tim của cả nhân loại đều đau đớn. Những chuyến hàng cứu trợ gồm tiền bạc, thuốc men, quần áo và những vật dụng cần thiết khác đã góp phần làm vơi đi nỗi bất hạnh của đồng loại. Để tình thương thực sự trở thành hạnh phúc của con người, mỗi chúng ta phải cố gắng vươn lên đấu tranh chống áp bức bất công, chống đói nghèo, lạc hậu, chống chiến tranh phi nghĩa; góp phần xây dựng một thế giới công bằng, văn minh để cả nhân loại được sống dưới mái nhà chung hoà bình và thịnh vượng.