I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Trong quá trình sáng tác, Nam Cao luôn trăn trở để tìm cho mình một hướng đi đúng đắn.

- Giữa lúc trên văn đàn xuất hiện nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, Nam Cao bày tỏ quan điểm của mình: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay... Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có.

2. Thân bài:

* Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao.

+ Nghệ thuật phải nói lên sự thực, không được thi vị hoá cuộc sống, không nên làm ánh trăng lừa dối... làm đẹp đến cả những cảnh vật thật ra chỉ tầm thường, xấu xa... Văn chương, nghệ thuật chân chính có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than... (Trăng sáng).

- Nhà văn lựa chọn con đường nghệ thuật gắn liền với hiện thực nghĩa là xác định chỗ đứng của mình ở về phía quần chúng lao khổ, là tự vượt lên mình để vươn tới một nghệ thuật đích thực.

- Muốn trở thành nhà văn chân chính, nhà văn cần phải có cái tâm và cải tài. Cái Tâm là cội nguồn của mọi giá trị trên đời.

+ Văn chương không đơn thuần là trò chơi chữ nghĩa. Vì vậy, văn chương không cần đến những người thợ khéo tay... Văn chương tối kị sự sao chép hoặc đơn điệu, sáo mòn.

- Nghệ thuật đồng nghĩa với sự sáng tạo mới lạ và độc đáo. Mỗi nhà văn phải tạo được cho mình một bản sắc riêng in đậm dấu ấn cá nhân, không thể lẫn với một người nào khác.

- Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần, là tâm huyết của nhà văn. Cao hơn thế, văn chương là nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình đối với con người và cuộc sống. Vì thế văn chương không chấp nhận sự lạnh lùng, vô cảm.

* Thực tiễn sáng tác của Nam Cao.

Ở Nam Cao có sự thống nhất triệt để giữa quan niệm nghệ thuật và thực tiễn sáng tác. Ông là nhà văn được đánh giá là có lương tâm nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao. Có thể coi Điền trong Trăng sáng, Hộ trong Đời thừa là nhân vật tư tưởng của nhà văn Nam Cao.

- Hộ ôm ấp khát vọng sáng tạo ra những tác phẩm văn chương thực sự có giá trị, vượt lên tất cả các bờ cõi và giới hạn, bằng cách chơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có... Anh cho rằng một tác phẩm có giá trị phải chứa đựng được một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn...

- Điền trong truyện ngắn Trăng sáng từ chỗ đắm chìm trong giấc mộng văn chương lãng mạn đã thức tỉnh trở về với hiện thực cuộc sống nghiệt ngã, phũ phàng. Nhà văn thấy rằng chỉ có một con đường duy nhất đến với văn chương là phải chấp nhận hiện thực, phải mở lòng ra đón lấy tất cả những vang động của đời... và ngòi bút của người viết phải nói lên nỗi khổ đau đang đè nặng lên mỗi kiếp người.

- Bên cạnh những tìm tòi, phát hiện mới mẻ về nội dung, Nam Cao còn có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông đã cống hiến cho đời những hình tượng nhân vật bất hủ... Thông qua những hình tượng ấy, Nam Cao phản ánh bi kịch tinh thần của con người thời đại và khát vọng vươn tới Chân, Thiện, Mĩ...

3. Kết bài:

- Những tìm tòi, phát hiện và sáng tạo của Nam Cao đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

- Sự nghiệp sáng tác của ông chứng minh cho quan điểm nghệ thuật vô cùng đúng đắn mà ông đã nêu ra.

II. BÀI LÀM

Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao tuy chỉ trên dưới mười năm nhưng nhà văn đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương có giá trị lâu dài. Suốt thời gian cầm bút, Nam Cao luôn suy tư, trăn trở để tìm cho mình một hướng đi đúng đắn, nhằm đạt được những sáng tạo nghệ thuật đích thực. Giữa lúc trên văn đàn nảy sinh nhiều khuynh hưởng nghệ thuật khác nhau, thậm chí đối lập nhau, Nam Cao đã bày tỏ quan điểm một cách lặng lẽ nhưng quyết liệt trong một số truyện ngắn của mình. Theo ông, nghệ thuật phải nói lên sự thực, không được thi vị hoá cuộc sống, đừng làm ánh trăng lừa dối trên nỗi khổ đau của con người (Trăng sáng) và khẳng định: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có (Đời thừa).

Nam Cao cũng đã từng thử tài trong nhiều thể loại và phong cách khác nhau. Thời gian đầu, ông có chịu ảnh hưởng của thơ văn lãng mạn, loại dễ dãi, thời thượng không mấy giá trị. Sau đó, ông nhanh chóng hiểu ra rằng thứ văn chương ấy chỉ là phù phiếm, không dính dáng gì tới đời sống của muôn kiếp người đang rên xiết, khổ đau vì đói rét và nô lệ. Nó giống như ánh trăng xanh huyền ảo đang toả mộng xuống trần gian, vô cùng quyến rũ nhưng chính cái vẻ đẹp thơ mộng ấy lại chứa đựng sự lừa dối bởi nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa. Nhà văn cho rằng nghệ thuật chân chính phải chứa đựng sự thực, vì vậy, nó có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than. Quan điểm này có tính hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Nam Cao từ bỏ khuynh hướng văn chương lãng mạn thơ mộng chính là từ bỏ con đường thoát li ích kỉ. Lựa chọn con đường nghệ thuật hiện thực là tìm về chỗ đứng của mình ở phía quần chúng lao khổ, là tự vượt lên mình để vươn tới một nghệ thuật chân chính.

Muốn trở thành nhà văn cần phải có hai yếu tố: cái tâm và cái tài. Cái tâm là cội nguồn của mọi giá trị trên đời. Nói như đại thi hào Nguyễn Du: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Tác phẩm văn chương là đứa con tinh thần, là tâm huyết nhà văn nên nhà văn phải hết sức, hết lòng với nó. Văn chương không chấp nhận những nhà văn có trái tim lạnh lùng, vô cảm trước đời sống, không biết rung động trước niềm vui, nỗi đau của con người, dù anh ta có khéo tay đến mức nào. Bởi lẽ văn chương không đơn thuần là trò chơi chữ nghĩa. Cao hơn thế, tác phẩm là nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình đối với con người và cuộc sống. Vì vậy, văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có. Nam Cao khẳng định nghệ thuật là sự sáng tạo đích thực. Một tác phẩm phải mang sắc thái, phong cách của riêng nhà văn sinh ra nó chứ không phải của một ai khác. Văn chương tối kị sự đơn điệu, công thức và sáo mòn bởi những điều đó sẽ gây ra cho người đọc cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán. Nhà văn là người sáng tạo ra cái đẹp nên phải luôn luôn đào sâu suy nghĩ trước cuộc sống muôn màu muôn vẻ để phát hiện ra sự phong phú, đa dạng của nó, lấy nó làm cơ sở cho những sáng tác của mình. Từ đó tạo cho mình một bản sắc riêng, tiếng nói riêng trên văn đàn. Muốn vậy, nhà văn phải bám sát hiện thực, biết mở lòng ra đón lấy tất cả những vang động của đời. Độ dày vốn sống cùng với tài năng là tiền đề vững chắc cho mọi hoạt động sáng tạo của nhà văn. Những vấn đề mới mẻ, độc đáo cả về nội dung lẫn nghệ thuật thể hiện sẽ là những cống hiến thực sự có giá trị của nhà văn cho nghệ thuật và cuộc sống.

Ở Nam Cao có sự thống nhất triệt để giữa quan điểm và thực tiễn sáng tác. Ông là một trong những nhà văn được đánh giá là có lương tâm nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao. Có thể coi Điền trong Trăng sáng và Hộ trong Đời thừa chính là nhân vật tư tưởng của nhà văn và hai truyện ngắn này là tuyên ngôn nghệ thuật của ông. Hộ là một văn sĩ nghèo, có tài năng, muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, muốn trở thành nhà văn có tâm huyết nhưng anh bị cuộc đời nghiệt ngã níu kéo và vùi dập. Khát vọng vươn tới những điều cao đẹp mâu thuẫn với thực tế đen tối phũ phàng đã đưa tới sự giằng xé triền miên trong nội tâm anh. Với tư cách một nhà văn, Hộ hằng mong ước tạo ra những tác phẩm thật có giá trị vượt lên tất cả các bờ cõi và giới hạn, bằng cách khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có. Nhưng vì miếng cơm manh áo hằng ngày, anh đành phải viết vội vàng, cẩu thả, phải cho in thử văn chương quấy loãng để kiếm chút tiền ít ỏi nuôi vợ nuôi con. Là người có liêm sỉ, nhiều khi Hộ đỏ mặt, tự mắng mình là một thằng khốn nạn, một kẻ bất lương, không đem đến cho văn chương một cái gì mới mẻ và hữu ích. Nỗi đau này không ngớt giày vò lương tâm Hộ, một nhà văn có tâm, có tài mà phải sống giữa cuộc đời đen bạc.

Truyện ngắn Đời thừa thể hiện quan niệm về nghề văn và trách nhiệm xã hội của nhà văn, Nam Cao cho rằng nghề văn là một hình thái lao động xã hội nghiêm túc và sáng tạo, mục đích nghề văn nhằm tới là nhân đạo. Nó có tác dụng giáo dục, cảm hoá rất lớn đối với con người. Một tác phẩm có giá trị phải: chứa đựng được một cái gì đó lớn lao mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn.

Bên cạnh đó, Nam Cao cũng nêu lên quan điểm về mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật và đời sống. Ông muốn đặt cuộc sống lên trên văn chương. Nhà văn muốn viết cho tốt trước hết phải sống cho tốt, cho nhân đạo. Nhân vật Điền trong truyện ngắn Trăng sáng cũng chính là bóng dáng của Nam Cao. Giống như Hộ, Điền rơi vào bi kịch của mâu thuẫn gay gắt giữa khát vọng cao đẹp và hiện thực tầm thường. Mộng văn chương của Điền thật lớn nhưng nó bị giam cầm, bó buộc trong cái khung chật hẹp của cuộc sống khốn khó, cơ cực hàng ngày. Bị áo cơm ghì sát đất, Điền trở nên tầm thường như bao kẻ khác. Anh chỉ có một con đường duy nhất để đến với văn chương là phải chấp nhận hiện thực, phải mở lòng ra đón lấy tất cả những vang động của đời và ngòi bút của anh phải nói lên nỗi khổ đau đang đè nặng lên mỗi kiếp người. B Nam Cao viết về người nông dân rất sâu sắc và cảm động. Nhà văn phát hiện đằng sau cái vẻ lam lũ, thô kệch của họ là những đức tính vô cùng đáng quý: lòng vị tha, đức hi sinh (Lão Hạc, Dì Hảo); khát vọng được sống, được yêu thương (Lang Rận, Chí Phèo...). Nhà văn đi sâu phân tích đời sống tâm linh của mỗi số phận trong từng cảnh huống khác nhau để cảm thông, chia sẻ nỗi đau thương, bất hạnh bao phủ lên mọi cuộc đời nghèo khổ (Một bữa no, Nghèo, Nửa đêm...). Bà Điều lớn lao mà Nam Cao phát hiện ra chính là cái cốt lõi bản chất của con người. Cho dù hiện thực xã hội có đen tối, phũ phàng đến đâu cũng không dập tắt nổi tiếng nói của lương tri, không thể huỷ diệt hoàn toàn nhân cách. Nhà văn yêu thương con người nên căm phẫn tất cả những gì xâm hại đến quyền sống, quyền làm người. Những tác phẩm của ông đều chứa đựng nhiều bài học nhân sinh sâu sắc đồng thời là tiếng chuông cảnh tỉnh xã hội: Hãy cứu lấy con người! Nội dung tư tưởng tiến bộ ấy có giá trị lâu dài.

Bên cạnh những tìm tòi, phát hiện mới mẻ về nội dung, Nam Cao còn có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông đã đem lại một sự đổi mới rất mạnh bạo cho văn xuôi Việt Nam thời ấy. Văn phòng Nam Cao gọn gàng, trong sáng và hiện đại. Đặc biệt, ông đã cống hiến cho văn chương và cuộc đời những hình tượng nhân vật bất hủ như Chí Phèo, bá Kiến, lão Hạc,... cùng với những Thứ, Hộ, Điền,... mà ấn tượng của những nhân vật này đối với người đọc thật là sâu sắc.

Tóm lại, vấn đề lớn lao nhất, phổ biến nhất mà Nam Cao đề cập đến trong các tác phẩm của ông chính là những bi kịch tinh thần của con người trong thời đại ấy. Họ luôn khát khao vươn tới cải lương thiện, cải tốt đẹp nhưng cứ bị trói buộc vào cuộc sống vật chất đói khổ, tầm thường, thậm chí bị xã hội bất công, thối nát cướp đoạt cả quyền làm người chân chính. Nghệ thuật viết truyện của Nam Cao rất đặc sắc. Ông có biệt tài trong việc phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật (Chí Phèo, Thứ, Hộ, Điền, lão Hạc...). Ngòi bút sắc sảo của ông lột tả được chân dung tinh thần của từng nhân vật, đi sâu khám phá quá trình diễn biến tâm lí của họ. Giọng văn Nam Cao linh hoạt, biến hoá, mỗi truyện một giọng điệu, có khi một truyện được kể và tả bằng nhiều giọng điệu khác nhau, do đó tác phẩm của ông có sức hấp dẫn đặc biệt.

Cần phải nói đến tính triết lí trong văn Nam Cao. Mỗi truyện, dù ngắn hay dài, nhà văn đều gửi gắm những suy nghĩ, quan điểm nhân sinh của mình vào đó (Đời thừa, Trăng sáng. Lão Hạc. Sống mòn. Chí Phèo...). Ông không triết lí suông như nhiều nhà văn khác mà triết lí bằng hình tượng nghệ thuật, do vậy mà có sức thuyết phục lớn. Những tìm tòi, phát hiện và sáng tạo của Nam Cao đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong các cây bút văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Sự nghiệp sáng tác của ông là một chứng minh hùng hồn cho quan điểm nghệ thuật đúng đắn và tiến bộ mà ông đã nêu ra.