I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Kết thúc cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng, Bác Hồ và cán bộ, bộ đội rời chiến khu Việt Bắc về xuôi, để lại niềm thương nhớ không nguôi cho đồng bào các dân tộc đã sống chết vì cách mạng.

- Trong bài thơ Việt Bắc, đoạn thơ từ: "Mình về Với Bác đường xuôi..." đến "...trông theo bóng Người", Tố Hữu đã vẽ nên chân dung Bác Hồ - một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là một thành viên được mọi người yêu mến và kính trọng trong đại gia đình các dân tộc ở chiến khu.

2. Thân bài:

+ Hình ảnh Bác Hồ trong nỗi nhớ của người dân Việt Bắc.

- Hai câu mở đầu đoạn thơ:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Câu thơ mang âm hưởng ca dao - dân ca, phù hợp với việc bày tỏ cảm xúc sâu lắng của nỗi nhớ nhung da diết, chân thành.

- Tình cảm kính yêu, cảm phục đối với Bác thể hiện qua cách gọi dân dã, thân mật: Ông Cụ, ấm áp tình ruột thịt.

- Suốt chín năm kháng chiến, Bác sống ở rừng, hoà hợp với đồng bào từ trang phục đến cung cách sống giản dị: Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường. Vẻ đẹp toả chiếu từ tâm hồn, từ phẩm chất cao quý của Bác có sức cuốn hút lạ thường.

- Thiên nhiên Việt Bắc cũng thương nhớ Bác, khắc ghi hình bóng Bác trên mọi nẻo đường: Nhớ Người... trông theo bóng Người. Đoạn thơ như một bức tranh tươi đẹp, thanh bình với đường mòn, suối reo, rừng núi... Nổi bật trong khung cảnh đó là hình ảnh những sáng tinh sương, Bác ung dung yên ngựa trên đường công tác.

- Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, ác liệt, Bác vẫn giữ được phong thái điềm tĩnh, tự tin của một nhà hiền triết phương Đông. Giữa Bác với thiên nhiên có sự hoà hợp gần như tuyệt đối: Người đi rừng núi trông theo bóng Người.

3. Kết bài:

- Đoạn thơ trên đã thể hiện thành công tình cảm tha thiết, chân thành của đồng bào Việt Bắc đối với Bác Hồ kính yêu.

- Bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ đã làm nổi bật phong thái cao quý, lớn lao của Hồ Chủ tịch - một Con Người giản dị mà vĩ đại.

II. BÀI LÀM

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng cứu nước có công lao vô cùng to lớn đối với dân tộc ta. Bác đã mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do, lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt nhất trong lịch sử nước nhà. Kháng chiến chống Pháp thành công với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động hoàn cầu, miền Bắc giải phóng, Bác cùng Chính phủ và cán bộ, chiến sĩ chia tay với Việt Bắc để về xuôi. Để ghi lại tình cảm sâu nặng giữa đồng bào Việt Bắc với Chính phủ, bộ đội đặc biệt là tình cảm đối với Bác Hồ, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc. Đoạn thơ dưới đây nói về Bác Hồ, một vĩ nhân - người rất đỗi khiêm tốn và giản dị:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Nhờ Ông Cụ mắt sáng ngời,

Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường !

Nhớ Người những sáng tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhớ chân Người bước lên đèo,

Người đi rừng núi trông theo bóng Người...

Tố Hữu đã vẽ lên chân dung Bác - một lãnh tụ cách mạng đồng thời là một thành viên thân thiết trong đại gia đình các dân tộc ở chiến khu.

Mở đầu đoạn thơ là hai câu mang đậm âm hưởng ca dao, dân ca, rất phù hợp với việc bày tỏ tấm lòng đinh ninh thương nhớ của đồng bào:

Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Sáu câu thơ tiếp theo là bóng dáng, hình ảnh Bác in đậm trong tâm khảm sắt son, trung thành ấy. Người dân chiến khu gọi Bác Hồ bằng cách gọi thành kính và thân mật: Ông Cụ. Nhờ Ông cụ trước hết là nhớ đôi mắt sáng ngời, biểu lộ trí tuệ sắc sảo và lòng nhân ái bao la. Những năm tháng sống ở rừng, Bác gần gũi, hoà hợp với đồng bào các dân tộc từ cách nói, dáng đi đến lối ăn mặc dân dã: Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường. Nét đẹp tâm hồn và phẩm giá cao quý từ bên trong toả sáng ra bên ngoài làm cho hình ảnh Bác càng trở nên rạng ngời trong những tấm lòng thành kính yêu thương.

Không chỉ con người thương nhớ Bác mà cả thiên nhiên Việt Bắc cũng khắc ghi hình bóng Bác trên khắp các nẻo đường kháng chiến:

Nhớ Người những sáng tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhở chân Người bước lên đèo,

Người đi rừng núi trông theo bóng Người.

Đoạn thơ như một bức tranh phong cảnh với những hình ảnh nên thơ, nên nhạc. Đang thời kháng chiến đạn bom mà khung cảnh ở đây vẫn yên tĩnh, thanh bình. Sáng sớm tinh sương, không khí trong trẻo, tinh khiết, tiếng vó ngựa như những nốt nhạc vui trên con đường chạy dài ven suối. Tiếng suối reo rộn rã như đưa đón bước Người đi. Nổi bật trên cái nền chung ấy là hình ảnh Bác ung dung như một ông tiên, một triết gia cao khiết trong huyền thoại. Áo nâu, túi vải đơn sơ mà đẹp tươi lạ thường. Màu áo nâu in trên nền xanh của rừng, màu biếc của núi, màu bạc của sương, trên con đường mòn quanh co, lẩn khuất. Vó ngựa đi có tiếng suối reo làm nhạc đệm. Còn Người ung dung trên yên ngựa như triết gia dạo chơi nơi rừng sâu núi thẳm, suy ngẫm lẽ huyền diệu của tạo vật, đất trời... Bác đi công tác chỉ đạo kháng chiến mà như đi trong khung cảnh cổ tích thuở xưa. Núi rừng quấn quýt không rời hình bóng con người ấy, ông tiên ấy.

Trong chín năm kháng chiến, đồng bào ở chiến khu Việt Bắc có nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với Bác, do đó ấn tượng Bác để lại trong lòng họ vô cùng sâu đậm. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Bác cũng vẫn giữ được phong thái ung dung, thanh thản, tự tin và niềm lạc quan hiếm có. Tất cả những điều ấy ẩn chứa trong dáng vẻ thanh cao của một nhà hiền triết. Thần thái của Bác truyền sức sống cho cảnh vật. Thiên nhiên, rừng núi dường như cũng hoà quyện vào nhịp sống của Người - vị lãnh tụ đang lãnh đạo cả nước đánh giặc với phong cách rất dân tộc, rất nhân dân, rất phương Đông và cũng rất cách mạng.

Nhận xét về giá trị nghệ thuật của đoạn thơ này, Xuân Diệu viết: Và bức tranh cuối bài thơ theo ý tôi là của một danh hoạ. Trong mấy nét đã lột tả được phong thái cao quý, lớn lao của Hồ Chủ tịch. Khi Người đi qua, rừng núi cũng như học theo tác phong của Hồ Chủ tịch. Con ngựa của Người cưỡi như cũng nhịp bước chân cho hợp với cái bình tĩnh ung dung của Người. Qua sáu câu thơ có một bản nhạc tấu lên và Người đi, nhạc hãy còn văng vẳng...