I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Văn học có bốn chức năng: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, giải trí.
- Chức năng giáo dục của văn học rất quan trọng bởi văn chương nuôi dưỡng, bồi bổ tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người.
2. Thân bài:
* Phân tích chức năng giáo dục của văn học.
- Mác-xim Go-rơ-ki, nhà văn hiện thực nổi tiếng của nước Nga nhận định: Văn học là nhân học.
- Văn học giúp con người nhận biết, khám phá thế giới xung quanh, nhưng quan trọng hơn cả là nhận biết, khám phá chính mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy sinh khát vọng đi tìm chân lí, khát vọng hướng tới những điều tốt đẹp...
- Văn học có khả năng cảm hoá, nhân đạo hoá con người, giúp con người hoàn thiện nhân cách để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Các tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật, có ý nghĩa xã hội cao thực sự là người thầy, người bạn tốt của chúng ta.
* Chứng minh:
- Từ xa xưa, văn học dân gian đã đề cao tính giáo dục. Các bài học đạo lí được gửi gắm trong ca dao, truyện cổ. Thái độ của tác giả dân gian là ca ngợi, biểu dương cái thiện; phê phán, đả kích các thói hư tật xấu, khẳng định chân lí chính nghĩa...
- Các hình tượng văn học điển hình trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du; trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao; trong văn học kháng chiến, trong thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu... có khả năng giáo dục rất lớn đối với người đọc, tạo cho người đọc một thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ.
3. Kết bài:
- Các nhà văn, nhà thơ chân chính thường có một tâm hồn đẹp. Họ lấy ánh sáng của tâm hồn mình để soi rọi những cảnh đời tối tăm, cơ cực ; lên án cái xấu, ca ngợi cái tốt trong cuộc đời.
- Hình tượng văn học mà họ sáng tạo ra trong tác phẩm bao giờ cũng chứa đựng ý nghĩ xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó chính là yếu tố quan trọng tạo nên chức năng giáo dục của văn chương.
II. BÀI LÀM
Văn học có bốn chức năng: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ và giải trí. Trước hết, phải kể đến chức năng nhận thức. Chức năng nhận thức thể hiện ở vai trò phản ánh của văn học. Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống. Nó có thể đem đến cho người đọc một thế giới tri thức mênh mông về đời sống con người qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có người nói: Văn học là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống. Tuy nhiên, văn học không đơn thuần phản ánh hiện thực mà chủ yếu là giúp con người nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về bản thân mình và mối quan hệ tổng hoà trong cuộc sống, góp phần giáo dục con người thông qua tác phẩm. Người ta gọi đó là chức năng giáo dục của tác phẩm văn học.
Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người. Định nghĩa nổi tiếng của nhà văn hiện thực Nga Mác-xim Go-rơ-ki: Văn học là nhân học trước hết nhấn mạnh đến mục đích của văn học là giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy sinh khát vọng đi tìm chân lí, dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, hướng tới cái đẹp, cái thiện của cuộc đời. Văn chương chân chính phải phục vụ con người, phải phản ảnh đời sống vật chất, tinh thần của con người với những niềm vui, nỗi đau đời thường. Nhà thơ Tố Hữu nhận xét: Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học. Nói đến chức năng giáo dục của văn học là nói đến khả năng dẫn dắt và định hướng. Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm. Nó đem lại cho người đọc những rung cảm sâu xa trước khung cảnh tươi đẹp của quê hương, đất nước, trước trạng thái muôn màu muôn vẻ của cuộc sống xung quanh và nhất là trước sự phong phú, đa dạng của thế giới tâm hồn.
Văn chương chân chính có khả năng cảm hoá, nhân đạo hoá con người. Nó góp phần vào việc hình thành nhân cách, hoàn thiện đạo đức, giúp con người sống tốt đẹp hơn. Các tác phẩm văn học đích thực có khả năng giáo dục rất lớn, xứng đáng là những người thầy, người bạn đáng tin cậy của chúng ta.
Từ ngàn xưa, văn học dân gian đã làm tốt chức năng giáo dục. Những thiên thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện cười... đều nhằm phản ánh hiện thực đời sống dưới những góc độ, màu sắc khác nhau. Nhưng bao trùm lên hết thảy vẫn là khát vọng hiểu biết và chinh phục, là ước mơ công lí, chính nghĩa, là mục đích vươn lên, đạt tới những giá trị Chân, Thiện, Mĩ của con người. Một nhà văn xưa đã nói: Văn học giúp người ta làm lành, lánh dữ. Bởi thế nên các tác phẩm xứng đáng gọi là văn chương có tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm người đọc, giúp người đọc có được một thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn.
Đặc điểm của văn học là thông qua các sự kiện, hình tượng trong tác phẩm để kích thích người đọc về mặt tình cảm, buộc họ phải bày tỏ thái độ và suy nghĩ của mình về nội dung nghệ thuật của tác phẩm và những vấn đề có tính chất xã hội, tính chất triết lí mà tác giả đặt ra. Trong những năm 30, 40 của thế kỉ XX, các nhà văn hiện thực phê phán đã lên tiếng tố cáo xã hội thực dân phong kiến đẩy con người vào cuộc sống cùng khổ, bế tắc, vào thân phận nô lệ. Ngô Tất Tố đã vẽ nên bức tranh ảm đạm, thê lương của nông thôn Việt Nam trong mùa sưu thuế ; phản ánh số phận đen tối, thảm thương của người nghèo. Nam Cao đau xót, phẫn uất trước thực trạng xã hội đầy rẫy bất công, vô nhân đạo đã giết chết phần tốt đẹp trong con người, tước đoạt quyền làm người của kẻ bị áp bức. Tiểu thuyết Tắt đèn, truyện ngắn Chí Phèo, tiểu thuyết Bước đường cùng... như những tiếng chuông cảnh tỉnh kêu gọi mọi người hãy cứu lấy nhân tính đang bị giai cấp thống trị tước đoạt và chà đạp trắng trợn. Tinh thần nhân đạo của các tác giả còn thể hiện ở việc miêu tả con người với những khát vọng đổi đời, với tinh thần dũng cảm đấu tranh để khẳng định bản lĩnh, phẩm giá và lí tưởng sống của mình.
Đọc những tác phẩm văn chương đích thực, người đọc dần dần nhận thức và xác định được hướng đi đúng đắn cho mình. Văn học định hướng cho cá nhân những điều kiện cần thiết để tiến tới hoàn thiện nhân cách. Lẽ ghét thương của ông Ngư trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện bản chất của tầng lớp sĩ phu: Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương. Quan niệm đạo đức của nhà thơ mù yêu nước tiêu biểu cho quan niệm đạo đức của phần lớn nhân dân Nam Bộ thế kỉ XIX:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
(Lục Vân Tiên)
Khí phách hiên ngang của người anh hùng Từ Hải; đức hi sinh đáng ca ngợi của Thuý Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nhân cách cao thượng của nhân vật Huấn Cao trong kiệt tác Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân; những bài học phấn đấu, tu dưỡng quý giá của người tù - thi sĩ cộng sản Hồ Chí Minh; nhiệt thành yêu nước, khát khao chân lí cách mạng của người thanh niên xứ Huế Tố Hữu... đều tác động sâu xa tới trái tim người đọc và lưu lại những bài học đạo lí muôn đời. Lòng yêu nước, quan điểm: Chết vinh còn hơn sống nhục khẳng định truyền thống bất khuất chống xâm lăng của dân tộc Việt Nam đã được đưa vào văn chương chống Pháp, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm công dân trong mỗi con người.
Các nhà văn chân chính là những người có tâm hồn đẹp đẽ. Họ lấy tâm hồn mình để soi sáng những cảnh đời tối tăm, an ủi người nghèo khổ, vạch trần và lên án cái xấu, biểu dương, ca ngợi cái tốt... Những điều đó có tác dụng rất lớn tới quá trình cảm thụ và vươn lên của con người. Hình tượng điển hình trong thơ văn truyền cho người đọc một tình yêu mãnh liệt đối với cái đẹp, cái cao cả của cuộc sống; đồng thời cũng chỉ ra đâu là cái xấu, cái ác cần lên án và xoá bỏ để cuộc đời và con người ngày càng tốt đẹp hơn.