I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Chế Lan Viên là nhà thơ nổi tiếng của trào lưu Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám 1945.
- Sau Cách mạng, sự đổi đời của dân tộc, đất nước thôi thúc nhà thơ làm một cuộc hóa thân kì diệu để hoà nhập với cuộc sống mới và tìm lại chính mình.
- Bài thơ Tiếng hát con tàu là tiếng hát say mê, rạo rực của một hồn thơ thoát khỏi “cái tôi” chật hẹp để đến với “cái ta” rộng lớn của nhân dân, đất nước. Đoạn trích từ : "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ "đến "Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương" thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ về Tây Bắc - quê hương thứ hai gắn bó với quãng đời kháng chiến gian nan mà ấm áp tình người.
2. Thân bài:
+ Bình giảng đoạn thơ:
+ Nỗi nhớ của nhà thơ đối với thiên nhiên và con người Tây Bắc.
- Trong kháng chiến, dấu chân của nhà thơ in khắp các nẻo đường Tây Bắc. Hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên in đậm trong tâm hồn, hiển hiện trong nỗi nhớ da diết, khơi dậy những kỉ niệm không quên:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
- Tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào các dân tộc vùng cao đã thấm vào máu thịt, để từ đó nhà thơ khái quát thành triết lí về quy luật của đời sống tinh thần con người:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
+ Cảm xúc và suy tưởng của nhà thơ về tình yêu và đất lạ:
- Cách so sánh độc đáo, thú vị:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
đã biến tình yêu - một khái niệm trừu tượng thành cụ thể, dễ hiểu, đậm đà màu sắc vùng cao.
- Câu thơ cuối ngắn gọn, hàm súc, phản ánh quy luật tình cảm của con người; từ tình yêu lứa đôi mở rộng thành tình yêu quê hương, đất nước.
3. Kết bài:
- Đoạn thơ trên mang những đặc điểm nghệ thuật riêng của thơ Chế Lan Viên.
- Thơ Chế Lan Viên có sự sâu sắc của trí tuệ nhưng vẫn đậm đà chất trữ tình.
II. BÀI LÀM
Chế Lan Viên là nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 - 1945. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, tác giả đã từng viết: "Với tôi tất cả như vô nghĩa. Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau" và đã từng cầu xin: "Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh, Một vì sao trơ trọi cuối trời xa" để ẩn thân, trốn tránh mọi khổ đau, phiền não của cuộc đời... thì sau Cách mạng, trong sự nghiệp đổi đời của đất nước và dân tộc, nhà thơ cũng đã làm một cuộc hoá thân kì diệu để trở về hoà nhập với cuộc sống xung quanh và cũng là tìm về với chính mình.
Bài thơ Tiếng hát con tàu là khúc hát say mê, rạo rực của một hồn thơ đã thoát khỏi khung trời chật hẹp của cái tôi nhỏ bé để ra với chân trời rộng lớn của cái ta là nhân dân, đất nước. Nhà thơ ví tâm hồn mình như một con tàu đang mở hết tốc lực trong cuộc hành trình tiến lên phía trước mà đích đến là đất nước, là nhân dân vĩ đại và cao cả, là cuộc sống đầy ắp chất liệu và cảm hứng nuôi dưỡng hồn thơ. Qua hai cuộc kháng chiến, do sống suốt một thời gian dài trong nhân dân và do yêu cầu công tác luôn phải đi đây đi đó, cho nên nhà thơ luôn được đùm bọc trong tình yêu thương của đồng bào ở khu Bốn, Việt Bắc, Tây Bắc... Tình cảm quý báu đó khơi nguồn thi hứng để tác giả sáng tác bài thơ Tiếng hát con tàu và đoạn trích này là đoạn hay nhất, thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ về Tây Bắc - quê hương thứ hai - nơi có những con người đã gắn bó, chia sẻ gian nan, đã từng vào sống ra chết với mình. Người anh du kích, người mẹ vùng cao, đứa em liên lạc... đã trở thành sợi dây thiêng liêng nối kết nhà thơ với vùng đất ấy:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương ?
Từ những kỉ niệm cụ thể, nhà thơ khái quát lên thành một triết lí sâu sắc:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Triết lí mà không khô khan bởi nó được xây dựng bằng những xúc động chân thành của tâm hồn. Nó tác động mạnh mẽ đến nơi sâu kín nhất của lòng người, gợi chúng ta nhớ tới hình ảnh thân thiết của quê hương, làng xóm và những nẻo đường đất nước đã có dịp đi qua. Khổ thơ có nội dung như một sự phát hiện về quy luật của tình cảm và đời sống tâm hồn con người.
Ở khổ thơ tiếp theo, mạch thơ đột ngột chuyển sang cảm xúc và suy tưởng khác về tình yêu và đất lạ:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng,
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
Nói đến tình yêu, Chế Lan Viên có cách so sánh thật độc đáo và thú vị. Nỗi nhớ trong tình yêu giữa anh với em là tất yếu, giống như quy luật của trời : đông về nhớ rét. Còn tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng, như sắc biếc lông chim lúc xuân sang. Tác giả đã cụ thể hoá tình yêu - một khái niệm trừu tượng thành những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, nhất là với người dân miền núi. Ba hình ảnh so sánh tuyệt đẹp dường như cũng chưa đủ để diễn tả hết màu sắc, hương vị của tình yêu. Câu cuối như một lời khẳng định: Tình yêu mãnh liệt của con người đã khiến cho đất lạ hoá quê hương.
Trong những hình ảnh lấp lánh sắc màu ấy chứa đựng một sự chiêm nghiệm sâu sắc và thấm thía, phản ánh quy luật tình cảm của con người chẳng khác gì những quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên.
Câu thơ "Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương" như một mệnh đề ngắn gọn mà cô đúc. Ý nghĩa của nó không chỉ bó hẹp ở tình yêu nam nữ mà còn mở rộng ra đến tình yêu con người. Ở đâu có tình yêu thương thật sự giữa người với người, ở đó là quê hương.
Người ta nhận xét thơ Chế Lan Viên thiên về trí tuệ. Rất đúng, bởi nhà thơ chịu khó trăn trở, tìm tòi để sáng tạo ra cái mới lạ, độc đáo; tuy nhiên thơ ông vẫn đậm đà chất trữ tình, lãng mạn.