Câu 1. Trước khi đọc bài này, em đã biết gì về cố đô Huế? Hãy nêu một vài đặc điểm tiêu biểu của xứ Huế mà em biết.
Qua sách vở và truyền hình, em biết Huế đã từng là kinh đô của các triều đại nhà Nguyễn. Huế là một thành phố nổi tiếng nằm hai bên bờ sông Hương. Khung cảnh thiên nhiên non xanh nước biếc nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ, ca, nhạc, hoạ... Huế đẹp một vẻ đẹp mộng mơ, huyền ảo, chẳng nơi nào có được với sự trầm mặc, uy nghiêm của các lăng tẩm, chùa chiền, đền đài, cung điện..., rêu phong cổ kính.
Câu 2. Hãy thống kê tên các làn điệu dân ca Huế và tên những dụng cụ âm nhạc được nhắc tới trong bài văn, để thấy sự đa dạng phong phú của hình thức ca Huế trên sông Hương.
Trong bài văn, tác giả đã nêu tên các làn điệu dân ca Huế và những dụng cụ âm nhạc quen thuộc:
- Xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò: Chèo cạn, bài thai, hò đưa linh, hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp, bài chòi, bài tiệm, nàng vung, hò lơ, hò ô, xay lúa, hò nện... Người dân cất lên điệu hò khi lao động vất vả hoặc trong những sinh hoạt văn hoá chốn thôn quê: hò khi đánh cá trên sông ngòi, biển cả, hò lúc gặt hái, trồng dâu, chăn tằm...
- Ngoài các điệu hò còn có các điệu hát như: lí con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam, nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân, tứ đại cảnh... Các điệu lí rất tình tứ, dịu ngọt khiến mọi người khó có thể quên, đặc biệt là du khách một lần đến Huế.
Ca và nhạc luôn sóng đôi với nhau. Tác giả nêu tên một số nhạc cụ quen thuộc gắn liền với ca Huế như: đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, nhị, đàn tam, đàn bầu, sáo, cặp sanh...
Câu 3. Sau khi đọc bài văn trên, em biết thêm gì về vùng đất này?
Sau khi đọc bài Ca Huế trên sông Hương, em hiểu được phần nào về sinh hoạt văn hoá độc đáo của người dân cố đô Huế. Huế là một địa danh có lịch sử và văn hoá truyền thống lâu đời. Huế không chỉ nổi tiếng bởi các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, mà sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại đã tạo cho xứ Huế một nét riêng biệt, không đâu có được.
Ca Huế được trình diễn trên thuyền rồng, trang trí lộng lẫy. Nhạc công thì ăn mặc theo kiểu truyền thống, biểu diễn trong khung cảnh thiên nhiên có gió, trăng, sông nước... Cảnh và tình hoà quyện vào nhau thật nồng nàn, dạt dào cảm xúc.
Qua các làn điệu dân ca Huế, ta thấy tình cảm, tâm hồn của con người nơi đây sâu lắng tình đời, đậm đà tình người. Ca Huế có nhiều giọng điệu, thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lúc sôi nổi, vui tươi, có khi da diết, bâng khuâng, buồn thương, ai oán...
Ca Huế được hình thành bởi hai dòng nhạc: nhạc dân gian và nhạc cung đình. Mỗi dòng nhạc này có một đặc trưng riêng biệt tạo nên bản sắc, nét độc đáo của các bài dân ca. Sự khác nhau giữa hai dòng nhạc này cho thấy tính chất độc đáo của dân ca Huế.
Ngoài ra, ta còn thấy được vẻ đẹp tâm hồn sâu kín của các cô gái Huế với tà áo dài thướt tha, duyên dáng. Huế chính là quê hương của chiếc áo dài Việt Nam.
Câu 4. Hãy tìm hiểu và trả lời các câu hỏi sau:
a) Ca Huế được hình thành từ đâu?
Ca Huế được hình thành từ dòng nhạc dân gian và nhạc cung đình.
b) Tại sao các điệu ca Huế được nhắc tới trong bài văn vừa sôi nổi, tươi vui, vừa trang trọng, uy nghi?
Những điệu ca Huế được nhắc tới trong bài văn vừa sôi nổi, tươi vui, vừa trang trọng uy nghi vì đó là sự kết hợp hài hoà giữa hai dòng nhạc dân gian và nhạc cung đình. Nhạc cung đình có giọng điệu trang trọng, uy nghi thể hiện qua hai dòng lớn là: điệu Bắc và điệu Nam với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc... Nhạc dân gian là sự hoà trộn giữa nhiều âm hưởng, giọng điệu vừa sôi nổi tươi vui, vừa bâng khuâng, da diết...
c*) Tại sao có thể nói nghe ca Huế là một thú vui tao nhã?
Nghe ca Huế là một thú vui tao nhã vì ca Huế có rất nhiều yếu tố mà các loại hình nghệ thuật khác không có được. Trước tiên là không gian trình diễn và thưởng thức: nghe ca Huế trên thuyền rồng thả trôi trong đêm trăng, giữa mênh mông sóng nước Hương Giang thơ mộng.
Lời ca ngọt ngào trong sáng gợi tình yêu quê hương đất nước, thể hiện đời sống tình cảm phong phú của con người. Nếu ai đã từng được thưởng thức ca Huế một lần thì không bao giờ quên được.
Bản thân tác giả cũng cảm thấy rằng: không gian như lắng đọng, thời gian như ngừng trôi. Ca Huế chính là nội tâm con người Huế thật phong phú và âm thầm, kín đáo và sâu thẳm. Con người xứ Huế, đặc biệt là các cô gái Huế có vẻ đẹp dịu dàng uyển chuyển trong trang phục truyền thống, cùng với các nhạc công trẻ, tài năng điêu luyện với ngón đàn trau chuốt, du dương, trầm bổng, réo rắt lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.
Sau những ngày lao động mệt mỏi, được giải trí, thư giãn bằng âm nhạc là điều tuyệt vời nhất. Chính vì vậy mà nghe ca Huế trên sông Hương là một thú vui tao nhã.
Câu 5. Địa phương nơi em đang sinh sống có những làn điệu dân ca nào? Hãy kể tên các làn điệu ấy. Tập một vài làn điệu chuẩn bị cho Chương trình địa phương (phần Văn và Tập làm văn) cuối năm.
* Tham khảo một số bài dân ca ba miền:
* Dân ca Bắc Bộ:
Trống cơm.
Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ, ố mấy vông nên vông, ố mấy vông nên vông. Một bầy tang tình con sít, một bầy tang tình con sít, ố mấy lội, lội, lội sông, ố mấy đi tìm. Em nhớ thương ai, đôi con mắt ấy mấy lim dim, đôi con mắt ấy mấy lim dim. Một bầy tang tình con nhện, ô ố ô ố mấy giăng tơ, giăng tơ ố mấy đi tìm. Em nhớ thương ai, duyên nợ khách tang bồng, duyên nợ khách tang bồng...
Cây trúc xinh
Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc, qua lối nọ như bờ ao. Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng, đứng một mình, qua lối xinh càng xinh. Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc, qua lối nọ như bên đình. Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng, đứng một mình, qua lối xinh càng xinh.
* Dân ca Trung Bộ :
Lời ca khúc Hành vân.
Một đôi lời (một đôi lời)
Nhắn bạn tình ơi
Thề non nước, giao ước kết đôi,
Trăm năm tạc dạ.
Dầu xa cách, song tình thương chớ phụ thì thôi.
Niềm trọn niềm, xin đừng xao nhãng.
Trời kia định nợ ba sanh,
Đẹp duyên lành,
Trọn niềm phu phụ, bậc tài danh (tài danh)
Dầu tiên có tài non
Bồng Kết mối tơ hồng,
Ấy thời trông (thời trông)
Nghĩa sắt cầm
Hoà hợp trăm năm.
Bởi vì xa cách, nhắn nhe cùng bạn tri âm.
Lý Mười thương
Một thương tóc xoã ngang vai
Hai thương, hai thương đi đứng, vẻ người thật là đoan trang
Ba thương ăn nói có duyên
Bốn thương, bốn thương mơ mộng, đôi mắt huyền nhìn càng xinh thêm xinh
Năm thương dáng điệu thanh thanh
Sáu thương, sáu thương nón Huế nửa vành thật là nên thơ
Bảy thương những cuộc mong chờ
Tám thương, tám thương thơ thẩn bên bờ là dòng Hương Giang
Chín thương Bến Ngự sang ngang
Mười thương, mười thương tà áo dịu dàng tình là gió bay.
* Dân ca Nam Bộ:
Bắc kim thang.
Bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo là kèo qua cột. Chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi? Con le le đánh trống thổi kèn, con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Lý con sáo
Ai đem con sáo, sáo sang sông. Cho sáo sổ lồng, cho sáo sổ lồng, sổ lồng bay xa. Con sáo, sáo bay xa, sổ lồng bay xa. Con sáo, sáo bay xa. Ai cho con sáo, sáo ăn cơm. Cho sáo rửa mồm, cho sáo rửa mồm, rửa mồm nhanh nhanh. Con sáo, sáo nhanh nhanh, rửa mồm nhanh nhanh. Con sáo, sáo nhanh nhanh. Ai mua con sáo, sáo trong tranh. Cho sáo trên cành, cho sáo trên cành, đậu cành cây chanh, con sáo, sáo cây chanh. Đậu cành cây chanh, con sáo, sáo cây chanh.
* Học sinh tự sưu tầm một số bài dân ca của địa phương nơi em đang sống.