I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Truyền thống đạo lí cơ bản của dân tộc Việt Nam là Uống nước nhớ nguồn.

- Tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ... là biểu hiện của lòng hiếu nghĩa.

- Câu ca dao: Ngó lên... bấy nhiêu phản ánh rõ điều đó.

2. Thân bài:

* Nội dung và nghệ thuật của câu ca dao:

+ Tâm trạng của nhân vật: Nỗi nhớ những người đã khuất (ông bà) được so sánh với số nuộc lạt buộc trên mái nhà, nhiều không thể đếm hết được.

- Đây là ẩn dụ so sánh thường thấy trong ca dao, với công thức chung là bao nhiêu... bấy nhiều.

- Hình ảnh so sánh quen thuộc, giản dị, phù hợp với lối diễn tả mộc mạc, chân chất của người nông dân xưa.

- Nhớ là khái niệm trừu tượng thuộc lĩnh vực tinh thần được cụ thể hoá thành sự vật (nuộc lạt mái nhà), khiến cho khả năng biểu cảm của câu ca dao tăng lên rất nhiều.

- Nhịp thở chậm, âm điệu ngậm ngùi, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó là nỗi tủi thân tủi phận nghèo khó...

3. Kết bài:

- Hai câu ca dao ngắn gọn gói ghém biết bao ý tình sâu sắc, thấm thía.

- Lòng biết ơn là nền tảng của đạo làm người.

II. BÀI LÀM

Người Việt Nam ta từ ngàn xưa đã có tục thờ cúng trời đất, tổ tiên. Dù giàu hay nghèo, trong mỗi nhà đều có một bàn thờ để con cháu quanh năm nhang khói cho ông bà, cha mẹ. Đây là một phong tục đẹp, phản ánh đạo lí: Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây... rất đáng trân trọng và gìn giữ.

Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Phần lớn nông dân sống cuộc đời nghèo khó, quanh năm bát mồ hôi đổi lấy bát cơm. Hình ảnh những mái rạ bạc phếch, dầu dãi nắng mưa là hình ảnh phổ biến của nông thôn thuở trước. Bao số phận cùng khổ bởi sưu cao thuế nặng, bởi áp bức bất công, bởi nỗi lo cơm áo hằng ngày. Biết lấy gì để báo đáp công lao trời biển của ông bà, cha mẹ? Niềm thương nỗi nhớ chất chứa trong lòng. Băn khoăn, day dứt lắm mà không làm sao được, chỉ biết buông tiếng thở dài chua xót:

Ngó lên nuộc lạt mái nhà,

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu!

Câu ca dao mộc mạc, giản dị như cách suy nghĩ và biểu hiện tình cảm của người nông dân chất phác, thật thà. Nhớ và thương là những khái niệm trừu tượng đã được cụ thể hoá bằng hình ảnh rất quen thuộc: nuộc lạt (nuộc: nút, mối) trên mái nhà. Khi lợp nhà bằng lá cọ, cỏ tranh hay rơm rạ, người ta thường dùng lạt giang hay lạt tre chẻ mỏng, ngâm nước cho mềm để buộc chặt từng lá cọ, từng tấm tranh, tấm rạ vào rui, mè cho chắc chắn, gió không thể thổi bay. Một mái nhà như thế có bao nhiêu nuộc lạt? Chắc là phải tới con số vài ngàn!

Vào một buổi trưa hè oi ả, hay chiều mưa tầm tã, người con nằm nghỉ trên chiếc phản gỗ hoặc chiếc chõng tre, chợt ngó lên mái nhà rồi vắt tay ngang trán mà ngẫm nghĩ sự đời rồi than thân trách phận sao cứ bị cái nghèo đeo đuổi mãi không tha. Đập vào mắt là cái mái nhà chi chít những nuộc lạt, cách bàn thờ tổ tiên, ông bà chỉ một tầm tay. Nhìn bàn thờ tổ tiên, ông bà mà chạnh lòng thương nhớ, mà áy náy ân hận vì phận làm con, làm cháu chưa trọn. Dòng cảm xúc dâng đầy và nước mắt đã ứa quanh mi, đành chỉ biết tặc lưỡi thở dài, tủi cho người đã khuất và tủi cho người đang sống. Để bày tỏ lòng thành, còn gì hay hơn sự so sánh: Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu? Người con, người cháu không đếm xuể số lượng nuộc lạt cũng như không nói hết được nỗi nhớ ông bà... Cặp từ bao nhiêu... bấy nhiêu bộc bạch nỗi niềm thương nhớ và biết ơn vô hạn.

Cách so sánh trên thường thấy trong ca dao: Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu; hoặc: Qua cầu ngả nón trông cầu, Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu... Đây là cách biểu hiện tình cảm tự nhiên và chân thành của người lao động.

Chỉ hai câu ca dao mà gói ghém biết bao ý nghĩa, nhưng nổi bật nhất và thấm thía nhất vẫn là lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Lòng biết ơn ấy là nền tảng của đạo lí, là cơ sở cho mọi điều tốt đẹp trên đời. Đọc câu ca dao, chúng ta càng thêm quý tâm hồn thuần hậu, trong sáng và hiếu nghĩa của người xưa.