I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Em theo cha về thành phố Hồ Chí Minh đã gần một năm.

- Em vẫn luôn nhớ tới rừng thông xanh Đà Lạt.

2. Thân bài:

* Vẻ đẹp của rừng thông:

- Thông mọc khắp nơi, trên vách núi, triền đồi, trên các con đường uốn lượn trong thành phố.

- Những rừng thông bạt ngàn tạo nên vẻ đẹp riêng của Đà Lạt.

- Tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách, tiếng gió vi vu... tạo nên âm thanh bất tận như hơi thở của rừng.

* Rừng thông gắn bó với nhiều kỉ niệm của tuổi thơ:

- Những lần đi kiếm củi, em ngồi nghỉ dưới gốc thông nghe tiếng thông reo như dạo đàn, mọi mệt nhọc như tan biến hết.

- Ngắm những chú sóc thoăn thoắt chuyền cành...

- Thích ngắm rừng thông vào mùa xuân. Màu lá xanh ngời dưới ánh mặt trời.

- Rừng thông Đà Lạt gắn bó với em như người bạn thân thiết...

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Mỗi lần nghe tin rừng thông bị tàn phá, em lại đau lòng.

- Rừng che chở, đem lại nguồn lợi to lớn cho con người nên con người phải yêu mến và có ý thức bảo vệ rừng, giữ lấy màu xanh cho trái đất

II. BÀI LÀM

Lên lớp 7, em chuyển trường theo cha về thành phố Hồ Chí Minh, thấm thoắt mà đã chín tháng rồi. Xa Đà Lạt mộng mơ gắn liền với bao kỉ niệm êm đềm của thời thơ ấu, em nhớ nhất là rừng thông xanh. Đã bao lần, em xao xuyến gọi thầm: Ôi! Rừng thông xanh của ta! Ta nhớ mi biết chừng nào!

Sống giữa nơi sầm uất, đông vui, em vẫn luôn nghĩ về rừng thông Đà Lạt. Có thể nói Đà Lạt là vương quốc của thông. Thông mọc khắp nơi, trên các chỏm núi quanh năm mây phủ hay trên những ngọn đồi uốn lượn nhấp nhô; trên những con đường thoai thoải đổ vào thành phố. Những rừng thông bạt ngàn tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của xứ sở này.

Kì nghỉ hè vừa rồi, vào một sáng chủ nhật, hai cha con em cùng mấy người bạn nữa từ Sài Gòn về thăm rừng thông Đà Lạt. Đoàn người nối theo nhau men theo lối mòn len lỏi dưới những tán thông. Dọc theo lối đi, những bông hoa sim, hoa mua tim tím nở xoè, giống như những cánh bướm mong manh, chấp chới. văng vẳng tiếng chim ríu rít trong những vòm cây rậm rạp. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá, rọi những tia sáng xuống mặt đất ẩm ướt đầy lá mục. Hơi nước bốc lên mờ mờ như làn khói lam vấn vít. Gió thổi lao xao, mát rượi. Tiếng thông reo vi vu hoà với tiếng suối chảy róc rách. Tưởng chừng như nghe được hơi thở của rừng.

Cha em về lại rừng không phải để tìm hoa lạ hay thú quý mà là để thoả nỗi nhớ nhung những ngày tháng chiến đấu chống Mĩ gian khổ mà oanh liệt, để được tiếp thêm sức sống và cảm xúc của rừng. Cứ mỗi lần được về với rừng, em càng hiểu và yêu quý rừng hơn.

Nhớ hồi Tiểu học, những buổi chiều tà, em và các bạn thường vào chơi trong rừng thông. Ngồi trên phiến đá phủ rêu bên dòng suối, chúng em sôi nổi tranh cãi toàn chuyện của trẻ con. Rồi mỗi đứa kiếm một cành thông làm ngựa. Đoàn kị mã lao vun vút trên thảm cỏ xanh kéo dài tít tắp. Mệt mà vui biết bao nhiêu!

Ôi! Nhớ làm sao những lần đi kiếm củi về, em ngồi nghỉ dưới gốc thông, lắng nghe tiếng thông reo như một điệu đàn du dương bất tuyệt mà thấy bao nhiêu mệt nhọc như tan biến hết. Em mải mê ngước nhìn mấy chú sóc nâu đang thoăn thoắt chuyền cành, tìm kiếm những quả thông già. Chiếc đuôi xù như bông lau thấp thoáng ẩn hiện giữa những vòm lá xanh mướt. Bất chợt, em ao ước mình trở thành một chú sóc đáng yêu.

Rừng thông xanh quanh năm nhưng đẹp nhất là vào mùa xuân. Mùa xuân khoác cho rừng thông chiếc áo màu ngọc bích xanh ngời dưới ánh mặt trời rực rỡ. Rừng thông suốt ngày rì rào ca hát cùng gió, cùng suối, cùng tiếng chim rừng lảnh lót... tạo thành âm thanh đặc biệt của đại ngàn. Rừng thông xanh Đà Lạt đã gắn bó máu thịt với em và trở thành người bạn thân thiết chia sẻ vui buồn suốt tuổi thơ em.

Mỗi lần nghe đài truyền hình báo tin rừng trên khắp đất nước đang bị bọn lâm tặc tàn phá dữ dội, lòng em lại nhói đau. Rừng che chở, bảo vệ cuộc sống của con người, tại sao họ cố tình huỷ hoại nó không thương tiếc? Hãy cứu lấy rừng! Cứu lấy màu xanh của sự sống trên trái đất!