Câu 1. Em hãy đọc kĩ văn bản và chú thích để hiểu các câu tục ngữ và một số từ trong văn bản.

* Gợi ý:

- Đọc kĩ là vừa đọc vừa suy nghĩ rồi rút ra nhận xét về hình thức và nội dung của các câu tục ngữ.

- Chú ý đến nghĩa đen, nghĩa bóng của từng từ trong câu.

- Từ đó suy ra ý nghĩa khái quát của cả câu.

Câu 2. Phân tích từng câu tục ngữ trong văn bản theo những nội dung sau:

a) Nghĩa của các câu tục ngữ.

Dựa vào nội dung, ta có thể chia những câu tục ngữ trên thành ba nhóm nhỏ. Câu 1, 2, 3 nói về phẩm chất con người. Câu 4, 5, 6 nói về học tập, tu dưỡng. Câu 7, 8, 9 nói về quan hệ ứng xử. Tuy vậy, ba nhóm trên đều là kinh nghiệm và những bài học về con người và xã hội. Về hình thức, chúng đều ngắn gọn, có vần, có nhịp và thường dùng nghệ thuật so sánh, ẩn dụ.

* Câu 1:

Một mặt người bằng mười mặt của.

Là lời khẳng định về giá trị to lớn, quý báu của con người. Một mặt người là cách nói hoán dụ dùng bộ phận để chỉ toàn thể, có nghĩa chung là chỉ con người. Mặt của: là của cải vật chất; mười mặt của: ý nói đến số của cải rất nhiều.

Tác giả dân gian vừa dùng hình thức so sánh (bằng), vừa dùng hình thức đối lập giữa đơn vị chỉ số lượng ít và nhiều (một >< mười) để khẳng định sự quý giá gấp bội của con người so với của cải. Dị bản của câu tục ngữ này là: Một mặt người hơn mười mặt của, càng khẳng định điều đó.

Không phải nhân dân ta không coi trọng của cải, nhất là những thứ do mồ hôi nước mắt của mình hoặc của cả gia đình làm việc cật lực cả đời mới có được. Nhưng nhân dân ta vẫn đặt con người lên trên của cải, coi con người là thứ của cải quý báu nhất, không vàng ngọc nào so sánh được.

* Câu 2:

Cái răng, cái tóc là góc con người.

Phản ánh quan niệm về vẻ đẹp hình thức bên ngoài của người xưa. Góc có nghĩa là một phần của vẻ đẹp. So với toàn bộ thân thể thì răng và tóc chỉ là những chi tiết nhỏ, nhưng chính những chi tiết nhỏ ấy lại góp phần làm nên vẻ đẹp của con người.

Ý nghĩa của câu tục ngữ này là khuyên mọi người hãy giữ gìn hình thức cho gọn gàng, sạch sẽ, vì hình thức bên ngoài thể hiện phần nào tính cách bên trong. Qua câu tục ngữ trên, ta thấy cách nhìn nhận, đánh giá và quan niệm về vẻ đẹp của nhân dân lao động thật tinh tế.

Trong ca dao, dân ca có rất nhiều câu ca ngợi hàm răng, mái tóc của người phụ nữ:

Tóc em dài, em cài hoa lí,

Miệng em cười hữu ý, anh thương!

Hay:

Mình về có nhớ ta chăng?

Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười!

* Câu 3:

Đôi cho sạch, rách cho thơm.

Nói về quan niệm sống trong sạch của người xưa. Hình thức câu tục ngữ này đặc biệt ở chỗ trong mỗi vế đã có sự đối lập về ý: đói >< sạch; rách >< thơm và sự đối xứng giữa hai vế:

Đói cho sạch / rách cho thơm.

Đói và rách là cách nói khái quát về cuộc sống khổ cực, thiếu thốn. Sạch và thơm là những tính từ chỉ tính chất của sự vật nhưng đã được chuyển nghĩa, dùng để miêu tả phẩm giá trong sáng, tốt đẹp mà con người cần phải giữ gìn, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các từ nói trên vừa được hiểu tách bạch trong từng vế, vừa được hiểu trong sự kết hợp giữa hai vế của câu.

Nghĩa đen của câu là: Dù đói vẫn phải ăn uống cho sạch sẽ, dù rách vẫn phải ăn mặc cho thơm tho. Tuy vậy, nghĩa chính lại là nghĩa hàm ngôn: Dù nghèo khổ, thiếu thốn đến đâu chăng nữa thì con người vẫn phải giữ gìn lối sống trong sạch và phẩm giá cao quý; không vì nghèo khổ mà làm điều xấu xa, tội lỗi.

* Câu 4:

Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Nói về sự tỉ mỉ, công phu của việc học hành. Câu tục ngữ này gồm bốn vế có quan hệ bổ sung ý nghĩa cho nhau. Động từ học lặp lại bốn lần, vừa nêu cụ thể những điều cần thiết mà con người phải học, vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học trong suốt đời người.

Nghĩa của học ăn, học nói tương đối dễ hiểu; còn thế nào là học gói, học mở? Về hai vế này có giai thoại sau đây: “Các cụ kể rằng ở Hà Nội trước đây, một số gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh rồi đặt vào lòng cái chén nhỏ bày trên mâm. Lá chuối tươi rất giòn, dễ rách khi gói, dễ bật tung khi mở, phải thật nhẹ nhàng, khéo léo mới làm được. Người ăn phải biết mở sao cho khỏi tung toé ra ngoài và bắn vào quần áo người bên cạnh. Biết gói, biết mở trong trường hợp này được coi là một tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Như vậy, để biết gói vào và mở ra đều phải học.”.

Suy rộng ra, nghĩa của học gói, học mở còn có thể hiểu là trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải học nhiều thứ một cách kĩ càng, tỉ mỉ.

* Câu 5:

Không thầy đố mày làm nên.

Khẳng định vai trò quan trọng của người thầy. Thầy: tức là thầy dạy học (theo nghĩa rộng là người truyền bá kiến thức mọi mặt). Mày: chỉ học trò (theo nghĩa rộng là người tiếp nhận kiến thức). Làm nên: làm được việc, thành công trong mọi công việc, lập nên sự nghiệp. Không thấy đố mày làm nên có thể hiểu là nếu không được thầy dạy bảo đến nơi đến chốn thì ta sẽ không làm được việc gì thành công. Trong quá trình học tập và tạo dựng sự nghiệp của mỗi cá nhân, không thể thiếu vai trò quan trọng của người thầy.

Với hình thức là một lời thách đố, nội dung câu tục ngữ này khẳng định công ơn to lớn của người thầy. Sự thành công trong từng công việc cụ thể và rộng hơn nữa là sự thành đạt của mỗi học trò đều có công lao to lớn của thầy. Vì vậy chúng ta phải biết tìm thầy mà học và mãi mãi yêu quý, kính trọng, biết ơn thầy.

* Câu 6:

Học thầy không tày học bạn.

Nói về tầm quan trọng của việc học bạn. Trước hết, ta phải tìm hiểu nghĩa của các từ. Học thầy là học theo hướng dẫn của thầy. Học bạn là học hỏi bạn bè xung quanh. Không tày: không bằng. Nghĩa của cả câu là: Học theo thầy có khi không bằng học theo bạn. Câu tục ngữ này đúc kết kinh nghiệm: Tự học là cách học có hiệu quả nhất.

Người xưa khẳng định rằng: Muốn đạt kết quả tốt thì mỗi chúng ta phải tích cực, chủ động học hỏi ở bạn bè những điều nên học. Sự học không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà nó mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Chúng ta phải học mọi nơi, mọi lúc, học suốt đời.

* Câu 7:

Thương người như thể thương thân.

Là lời khuyên về lòng nhân ái. Thương người: tình thương dành cho người khác. Thương thân: tình thương dành cho bản thân. Nghĩa cả câu là: thương mình thế nào thì thương người thế ấy.

Hai tiếng thương người đặt trước thương thân để nhấn mạnh đối tượng cần chia sẻ sự đồng cảm, thương yêu. Câu tục ngữ khuyên chúng ta hãy coi người khác như chính bản thân mình để từ đó có tình cảm quý trọng, thương yêu thật sự.

* Câu 8:

- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Nói về lòng biết ơn. Quả: hoa quả; cây: cây trồng sinh ra hoa quả; kẻ trồng cây: người trồng trọt chăm sóc để cây ra hoa kết trái. Nghĩa hiển ngôn của cả câu: Hoa quả ta ăn đều do công sức của người trồng mà có, đó là điều nên ghi nhớ. Nghĩa hàm ngôn là: Khi được hưởng thụ thành quả nào thì ta phải nhớ đến công ơn của người đã gây dựng nên thành quả đó.

Trên đời này, không có cái gì tự nhiên mà có. Mọi thứ chúng ta được thừa hưởng đều do công sức của con người làm ra. Cho nên chúng ta phải biết trân trọng sức lao động và biết ơn những thế hệ đi trước đã sáng tạo ra bao thành quả vật chất, tinh thần tốt đẹp dành cho các thế hệ sau.

* Câu 9:

Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Khẳng định sức mạnh to lớn của sự đoàn kết. Một cây, ba cây trong câu tục ngữ này không phải là số từ cụ thể mà nó có ý nghĩa khái quát chỉ số ít và số nhiều, chỉ sự đơn lẻ và sự liên kết. Tại sao: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao? Câu này xuất phát từ hiện tượng tự nhiên là nhiều cây gộp lại mới thành rừng rậm, núi cao.

Kinh nghiệm sống được đúc kết trong câu tục ngữ này là chia rẽ thì yếu, đoàn kết thì mạnh. Một người không thể làm nên việc lớn. Nhiều người hợp sức lại sẽ giải quyết được những khó khăn, trở ngại. Do đó, mỗi người phải có ý thức mình vì mọi người, tránh thái độ cá nhân ích kỉ. Đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch là yếu tố quyết định mọi thành công.

b) Giá trị của kinh nghiệm mà câu tục ngữ thể hiện.

Các câu tục ngữ trên đều là những bài học thiết thực về cách nhìn nhận, đánh giá sự vật và con người, cách đối nhân xử thế dựa trên cơ sở đạo lí truyền thống của dân tộc (quý trọng con người, tôn sư trọng đạo, lòng biết ơn, tình nhân ái...). Bên cạnh đó là đề cao và khẳng định sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết.

c) Nêu một số trường hợp cụ thể có thể ứng dụng câu tục ngữ (yêu cầu này chỉ cần thực hiện với một số câu làm mẫu).

* Ví dụ:

- Một học sinh nông thôn có hoàn cảnh nghèo khó đã cố gắng thi đỗ vào Đại học. Lúc chia tay gia đình để lên thành phố, bạn ấy được mẹ dặn dò: “Con hãy nhớ: Đói cho sạch, rách cho thơm con nhé!”.

- Sau những cơn bão ghê gớm vừa qua, Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kêu gọi nhân dân cả nước tích cực ủng hộ phong trào quyên góp giúp đỡ đồng bào ở các vùng bị bão tàn phá với tinh thần Thương người như thể thương thân.

- Học sinh tự lấy thêm một số ví dụ khác.

Câu 3. So sánh hai câu tục ngữ sau :

- Không thầy đố mày làm nên.

- Học thầy không tày học bạn.

Theo em, những điều khuyên răn trong hai câu tục ngữ trên mâu thuẫn với nhau hay bổ sung cho nhau? Vì sao? Em hãy nêu một vài cặp câu tục ngữ cũng có nội dung tưởng như ngược nhau nhưng lại bổ sung cho nhau.

- Câu: Không thầy đố mày làm nên: Nhấn mạnh vai trò quan trọng của người thầy trong việc truyền đạt kiến thức, giáo dục tư tưởng, tình cảm, dẫn đường chỉ lối...; có ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo dựng sự nghiệp của mỗi học sinh.

- Câu: Học thầy không tày học bạn: Nói về sự cần thiết của việc học hỏi ở bạn bè những điều hay, điều tốt.

Vậy nội dung câu tục ngữ Học thầy không tày học bạn liệu có mâu thuẫn với câu Không thầy đố mày làm nên?

Thực tế cho thấy vai trò người thầy trong quá trình học tập của học sinh là rất quan trọng: Không thầy đố mày làm nên. Bên cạnh đó, người xưa cũng muốn nhấn mạnh đến tác động tích cực của bạn bè đối với nhau nên đã dùng lối nói cường điệu để khẳng định: Học thầy không tày học bạn.

Quan hệ so sánh giữa hai vế trong câu (Học thầy, học bạn) được biểu hiện bằng từ không tày (không bằng). Câu tục ngữ đề cao vai trò của bạn bè trong quá trình học tập. Bạn bè (đương nhiên là bạn tốt) có thể học hỏi ở nhau nhiều điều có ích. Câu tục ngữ khuyến khích chúng ta mở rộng đối tượng học hỏi và chân thành học tập những điều hay, điều tốt từ bạn bè.

Hai câu tục ngữ trên một câu nhấn mạnh vai trò của việc học thầy, một câu nói về tầm quan trọng của việc học bạn. Để cạnh nhau, mới đầu tưởng như hai vế mâu thuẫn nhưng thực ra chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau để hoàn chỉnh quan niệm đúng đắn của người xưa: Trong học tập, vai trò của thầy và bạn đều hết sức quan trọng.

* Một số câu tục ngữ cũng có nội dung tưởng như ngược nhau nhưng lại bổ sung ý nghĩa cho nhau: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. / Bán anh em xa mua láng giềng gần; / Tốt gỗ hơn tốt nước sơn / Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người...

Câu 4. Hãy chứng minh và phân tích giá trị của các đặc điểm sau trong tục ngữ:

- Diễn đạt bằng so sánh;

- Diễn đạt bằng cách dùng hình ảnh ẩn dụ;

- Từ và câu có nhiều nghĩa.

+ Câu 1, 6, 7 diễn đạt bằng so sánh:

- Một mặt người bằng mười mặt của.

- Học thầy không tày học bạn.

- Thương người như thể thương thân.

Các từ so sánh: bằng, tày, như thể.

+ Câu 8, 9 diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ:

- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

- Các hình ảnh ẩn dụ: Ăn quả: chỉ người được hưởng thụ thành quả; kẻ trồng cây: chỉ người làm ra thành quả.

- Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Các hình ảnh ẩn dụ: Một cây: một người; Ba cây: nhiều người. Non, núi cao: việc lớn, việc khó khăn.

+ Câu 2, 3, 4, 8, 9 là những câu có từ nhiều nghĩa:

- Cái răng cái tóc là góc con người.

Các từ có nhiều nghĩa: Cái răng, cái tóc: chỉ một phần của hình thức bên ngoài.

- Đói cho sạch, rách cho thơm.

Các từ nhiều nghĩa: Đói, sạch, rách, thơm. Nghĩa hiển ngôn chỉ hoàn cảnh đói khổ, thiếu thốn; nghĩa hàm ngôn chỉ nếp sống, phẩm chất trong sạch trong hoàn cảnh ấy.

- Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Các từ nhiều nghĩa: ăn, nói, gói, mở: Nghĩa hiển ngôn chỉ các hành động cụ thể; nghĩa hàm ngôn chỉ chung cách đối nhân xử thế ở đời.

- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Là câu nhiều nghĩa. Nghĩa hiển ngôn: Người ăn quả phải nhớ đến công lao của người trồng cây. Nghĩa hàm ngôn: Nói đến lòng biết ơn của các thế hệ sau đối với các thế hệ trước.

- Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Là câu nhiều nghĩa, nghĩa hàm ngôn chỉ sức mạnh của tập thể, của tinh thần đoàn kết.

Câu 5. Tìm những câu tục ngữ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với những câu tục ngữ trong Bài 19 đã học.

Xác định khái niệm:

+ Câu tục ngữ đồng nghĩa: có nghĩa giống nhau.

+ Câu tục ngữ trái nghĩa: có nghĩa trái ngược với những câu tục ngữ trong bài.