Câu 1. Theo Hoài Thanh, nguồn gốc cốt yếu của văn chương là gì? Hãy chú ý đến nghĩa của hai từ cốt yếu (chính, quan trọng nhất nhưng chưa phải là tất cả) và đọc bốn dòng đầu của văn bản để tìm ý trả lời.

Theo Hoài Thanh: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài...

- Nhận xét này được rút ra từ câu chuyện hoang đường về thái độ thương xót chân thành của một thi sĩ Ấn Độ trước cái chết của con chim. Tiếng khóc ấy, cảm xúc đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca. Sau đó, tác giả nâng cao thành quan niệm: ... Nguồn gốc của văn chương đều là tình cảm, là lòng vị tha.

- Quan niệm của Hoài Thanh trong bài này rất đúng nhưng chưa phải là tất cả vì bên cạnh đó vẫn có những quan niệm khác. Ví dụ như văn chương bắt nguồn từ cuộc sống lao động hoặc từ nhu cầu giải trí của con người trong cuộc sống. Các quan niệm trên tuy khác nhau nhưng không loại trừ nhau; ngược lại còn có thể bổ sung ý nghĩa cho nhau.

Câu 2. Hoài Thanh viết: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống...”. Hãy đọc lại chú thích (5) rồi giải thích và tìm dẫn chứng để làm rõ các ý đó.

Giải thích ý nghĩa câu: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế văn chương còn sáng tạo ra sự sống...”.

- “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng”: Cuộc sống của con người, của xã hội vốn đa dạng và phong phú. Văn chương có nhiệm vụ phản ảnh cuộc sống đó. Văn chương là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ của con người và xã hội. Chữ hình dung trong câu văn là danh từ (chứ không phải động từ), nó có nghĩa như hình ảnh, kết quả của sự phản ánh, sự miêu tả trong văn chương. Đây là chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống của văn chương.

- “Văn chương còn sáng tạo ra sự sống”: Văn chương dựng lên những hình ảnh, đưa ra những ý tưởng mà trong cuộc sống hiện tại chưa có nhưng tương lai sẽ có. Từ đó để mọi người phấn đấu, xây dựng, biến chúng thành hiện thực tốt đẹp. Điều đó cũng là ý nghĩa của chữ sáng tạo mà tác giả dùng trong câu văn. Các nhà phê bình, nghiên cứu gọi đây là “chức năng dự báo của văn chương”.

Văn chương hướng con người tới Chân, Thiện, Mĩ của cuộc đời. Vì vậy, nó là món ăn tinh thần không thể thiếu, giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích hơn đối với gia đình và xã hội. Chúng ta có thể lấy ca dao, tục ngữ, tác phẩm văn học để chứng minh ý trên.

Cách đây hàng trăm năm, ông cha ta đã có câu tục ngữ: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nguồn gốc của câu tục ngữ trên cũng xuất phát từ lòng nhân ái, từ mục đích muốn con người có cách ăn nói sao cho đúng, cho hay, có cách cư xử với nhau tốt đẹp hơn.

Câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mãi mãi như một lời nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Vì bổn phận, trách nhiệm và lòng hiếu thảo là thước đo phẩm chất đạo đức của mỗi con người.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có biết bao tiếng hát, lời ru, câu chuyện... khuyên nhủ mọi người hãy xây dựng tình cảm gia đình đầm ấm, thuận hoà. Một trong những lời khuyên đó là:

Anh em như thể tay chân,

Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần.

Cuộc sống lao động chân lấm tay bùn của người nông dân xưa kia trở nên đẹp đẽ, thơ mộng biết bao trước cái nhìn yêu thương trìu mến đối với con người và thiên nhiên chốn quê nhà:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Chỉ bằng hai dòng thơ nhưng tác giả dân gian đã vẽ nên bức tranh sinh hoạt tuyệt đẹp: cảnh cô gái tát nước đêm trăng. Ánh trăng tràn ngập khắp nơi, sóng sánh trong từng gàu nước. Mỗi gàu nước là một gàu trăng. Cô gái múc nước mà như múc ánh trăng vàng. Sự liên tưởng độc đáo đã tạo ra hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng. Câu hỏi tu từ đầy tính nghệ thuật cũng là cách tỏ tình vô cùng tinh tế của người xưa.

Để ca ngợi vẻ đẹp của làng quê và phẩm chất cao quý của dân quê, ca dao có bài:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bài ca dao ca ngợi vẻ đẹp của hoa sen. Hoa sen thường mọc trong đầm lầy và trong đầm không hoa nào đẹp bằng sen. Sen là loài hoa hương sắc vẹn toàn. Không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của hoa sen, bài ca dao còn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người lao động, dẫu sống gần bùn mà vẫn giữ được phẩm chất thanh cao, trong sạch. Lòng yêu quê hương tha thiết của người xưa được thể hiện rất rõ qua bài ca dao này.

Câu 3. Theo Hoài Thanh, công dụng của văn chương là gì? Hãy đọc đoạn văn từ "Vậy thì, hoặc hình dung sự sống” đến hết văn bản để tìm ý trả lời.

- Văn chương giúp cho con người có đời sống tình cảm đa dạng, phong phú và tốt đẹp, có lòng nhân ái, vị tha: Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có.

- Văn chương mở rộng và nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực cảm thụ cái đẹp cho con người: ... Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần.

- Có văn chương mới thấy núi non, hoa cỏ đẹp; mới nghe tiếng chim, tiếng suối hay.

- Công dụng của văn chương đối với đời sống tinh thần của loài người là vô cùng to lớn và quan trọng: Nếu trong pho lịch sử loài người xoá các thi nhân, văn nhân và đồng thời trong tâm linh loài người xoá hết những dấu vết họ còn lưu lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn sẽ đến bực nào!

Câu 4. Đọc lại những kiến thức về bài văn nghị luận đã học trong phần Tập làm văn ở Bài 18,19,20, từ đó trả lời các câu hỏi:

a) Văn bản Ý nghĩa văn chương thuộc loại văn nghị luận nào trong hai loại sau? Vì sao?

- Nghị luận chính trị - xã hội;

- Nghị luận văn chương.

Văn bản Ý nghĩa văn chương thuộc loại nghị luận văn chương vì nội dung nghị luận thuộc lĩnh vực văn chương (công dụng, nguồn gốc, ý nghĩa của văn chương).

b) Văn nghị luận của Hoài Thanh (qua Ý nghĩa văn chương) có gì đặc sắc? Hãy chọn một trong các ý sau để trả lời:

- Lập luận chặt chẽ, sáng sủa;

- Lập luận chặt chẽ, sáng sủa và giàu cảm xúc;

- Vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc, hình ảnh.

Tìm một đoạn trong văn bản để dẫn chứng và làm rõ ý đã chọn.

Văn nghị luận của Hoài Thanh qua bài Ý nghĩa văn chương đặc sắc ở những điểm sau đây:

- Lí lẽ (lập luận chặt chẽ, sắc bén).

- Giàu hình ảnh và cảm xúc.

- Lời văn gọn gàng, trong sáng, truyền cảm.

Nét đặc sắc nhất của bài văn này chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ, cảm xúc và hình ảnh. Có thể lấy đoạn văn sau đây làm ví dụ: Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề tài ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay. Lời ấy tưởng không có gì là quá đáng...

Tác giả muốn khẳng định công dụng to lớn của văn chương là làm cho con người nhận ra và xúc động trước những vẻ đẹp ở quanh mình. Hoài Thanh không chọn cách diễn đạt đơn giản, khô khan mà ông đưa ra những hình ảnh rất gợi cảm của thiên nhiên: núi non, hoa cỏ, chim hót, suối reo... Thêm vào đó là những lời bình luận bày tỏ cảm xúc chủ quan: Lời ấy tưởng không có gì là quá đáng. Cách dẫn dắt bằng hình ảnh và cảm xúc như thế làm cho lí lẽ thêm chặt chẽ, dễ tiếp thu và thuyết phục được người đọc.

Chỉ trong một bài văn ngắn, có thể chọn ra ba đoạn giàu hình ảnh và cảm xúc như vậy: Đoạn “Người ta kể chuyện... thi ca”; đoạn “Một người hằng ngày... hay sao” và đoạn vừa phân tích trên đây. Qua đó, khẳng định rằng sự kết hợp hài hoà giữa lí lẽ, cảm xúc và hình ảnh chính là nét đặc sắc của bài văn, tài hoa của ngòi bút phê bình Hoài Thanh.

Câu 5. Hoài Thanh viết: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”. Hãy dựa vào kiến thức văn học đã có, giải thích và tìm dẫn chứng để chứng minh cho câu nói đó.

Gợi ý làm bài:

1/ Tìm hiểu đề và tìm ý:

- Câu của Hoài Thanh nói về công dụng to lớn của văn chương.

- Dùng lí lẽ và dẫn chứng để giải thích và chứng minh cho câu nói đó.

2/ Lập dàn bài:

a. Mở bài:

* Nêu công dụng của văn chương.

- Văn chương gây cho ta những tình cảm không có.

- Văn chương luyện cho ta những tình cảm sẵn có.

b. Thân bài:

+ Giải thích thế nào là văn chương?

- Văn là gì? Văn là vẻ đẹp. Chương là gì? Chương là vẻ sáng. Nhời (lời) của người ta, rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng, cho nên gọi là văn chương. (Phan Kế Bính)

- Nghĩa rộng: bao gồm cả triết học, sử học, văn học...

- Nghĩa hẹp: vẻ đẹp nghệ thuật của câu văn, lời thơ...

+ Chứng minh công dụng của văn chương.

- Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có.

- ...luyện những tình cảm ta sẵn có. (Dẫn chứng)

(Chú ý đến các dẫn chứng từ thực tế có liên quan đến bản thân.)

c. Kết bài:

- Khẳng định vai trò to lớn và quan trọng của văn chương đối với đời sống nhân loại.

3/ Xây dựng văn bản: Học sinh tự viết thành một bài văn hoàn chỉnh dựa trên dàn bài.