Câu 1. Nêu luận điểm chính của toàn bài trong đoạn mở đầu. Để làm rõ đức tính giản dị của Bác Hồ, tác giả đã chứng minh ở những phương diện nào trong đời sống và con người của Bác?
+ Luận điểm chính của toàn bài:
- Nêu rõ trong đề bài: Đức tính giản dị của Bác Hồ.
- Nêu rõ ở câu mở đầu bài văn: Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.
+ Tác giả chứng minh ở các phương diện sau:
1/ Giản dị trong đời sống hằng ngày:
- Ở sự kết hợp hài hoà, kì diệu giữa sự nghiệp cách mạng lay trời chuyển đất với đời sống bình thường, vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.
- Dù đã từng sống qua nhiều nơi trên thế giới, trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau... nhưng Bác vẫn giữ nếp sống thanh bạch của một lãnh tụ cách mạng vô sản chân chính, suốt đời cống hiến, hi sinh vì dân vì nước.
+ Ví dụ: Bác mặc quần áo đơn sơ, ăn uống đạm bạc, bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn... Bác ở căn nhà sàn bằng gỗ nhỏ bé nơi góc vườn, vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng... nhưng luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn...
2/ Giản dị trong quan hệ với mọi người:
- Bác Hồ luôn có thái độ tôn trọng, ân cần đối với những người phục vụ, việc gì tự làm được thì Bác không cần người giúp. Bác đặt cho họ những cái tên rất có ý nghĩa như: Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.
- Dù hết sức bận bịu vì trách nhiệm lớn lao đối với đất nước, dân tộc nhưng Bác vẫn không quên thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các cháu thiếu niên, nhi đồng trong các dịp lễ, Tết...
- Các chủ trương, đường lối cách mạng đều được Bác diễn giải bằng thơ ca, văn vần... để tuyên truyền cho quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ.
3/ Cội nguồn đức tính giản dị của Bác Hồ:
- Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.
- Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay.
Câu 2. Tìm hiểu trình tự lập luận của tác giả trong bài và trên cơ sở đó, nêu bố cục của bài văn.
* Trình tự lập luận của bài văn:
- Bài văn chia làm hai phần. Phần đầu, tác giả nêu luận điểm cần chứng minh. Phần còn lại chứng minh cho luận điểm đó. Các luận cử được đưa ra, triển khai theo từng cấp độ, từ khái quát đến cụ thể. Ví dụ: Sau khi nêu luận cứ: Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống, tác giả đã phân tích và nêu dẫn chứng cụ thể, tỉ mỉ: Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Điều đặc biệt là sau mỗi luận chứng, tác giả luôn đưa ra những lời nhận xét, bình luận: Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ... Theo trình tự ấy, tác giả lần lượt trình bày từng luận cứ, xây dựng những tiểu kết nhỏ trong từng đoạn để làm sáng tỏ luận điểm ban đầu đã đưa ra.
- Qua đó, ta thấy phép lập luận trong bài viết chủ yếu là chứng minh: Chứng minh đức tính giản dị của Bác Hồ bằng hệ thống luận cứ, luận chứng đầy đủ và toàn diện, chính xác và cụ thể. Lí lẽ vừa chặt chẽ, vừa giàu cảm xúc được dùng để giải thích và bình luận về đức tính giản dị của Bác Hồ, nhằm làm sáng tỏ luận điểm chính.
* Bố cục của bài văn:
+ Mở bài: Sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng phong phú và cuộc sống giản dị, thanh bạch của Bác Hồ.
+ Thân bài: Chứng minh sự giản dị của Bác Hồ trong sinh hoạt, lối sống và làm việc.
- Sinh hoạt: Bữa ăn chỉ vài ba món đơn giản. Căn nhà sàn nhỏ bé hoà hợp với thiên nhiên...
- Làm việc: Bác làm việc suốt ngày, suốt đời, việc gì làm được thì tự làm, cần đến rất ít người giúp đỡ...
- Sự giản dị trong đời sống vật chất hoà hợp với sự phong phú trong đời sống tinh thần.
- Lời nói và bài viết của Bác cũng rất giản dị, trong sáng, dễ hiểu...
+ Kết bài: Không có, vì đây là một đoạn trích.
Câu 3. Đọc đoạn văn từ “Con người của Bác...” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi!” và nhận xét về nghệ thuật chứng minh của tác giả ở đoạn văn này. Những chứng cứ ở đoạn này có giàu sức thuyết phục không? Vì sao?
* Nhận xét: Đoạn văn trên là một ví dụ tiêu biểu về nghệ thuật lập luận chứng minh. Các luận cứ được nêu ra rõ ràng, rành mạch. Hệ thống dẫn chứng xác thực, toàn diện và đáng tin cậy. Các lời bình luận vừa sắc sảo vừa đậm đà chất trữ tình.
- Trong câu: Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống... đã chứa đựng các luận cứ cần chứng minh.
+ Tác giả lần lượt chứng minh từng luận cứ:
- Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Kèm theo lời bình: Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.
- Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng... Kèm theo lời bình: ...và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao!
- Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: việc cứu nước cứu dân đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư... Trong đời sống của mình, việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp... Kèm theo lời bình: ...Bác đã đặt cho số đồng chí đó những cái tên mà gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.
+ Những chứng cứ ở đoạn này giàu sức thuyết phục, vì các dẫn chứng đa dạng, phong phú, phản ánh được nhiều mặt (bữa ăn, đồ dùng, căn nhà, lối sống).
- Dẫn chứng cụ thể, xác thực.
- Những điều nêu trong bài văn được bảo đảm bằng sự hiểu biết sâu sắc và mối quan hệ tình cảm gắn bó lâu dài giữa tác giả - Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu 4. “Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất.”.
Trong đoạn văn trên, tác giả đã dùng những phép lập luận nào để người đọc hiểu sâu sắc hơn về đức tính giản dị của Bác?
+ Trong đoạn văn này, tác giả đã sử dụng những phép lập luận sau:
- Phép lập luận suy luận nhân quả:
• Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy (vế 1 - kết quả), bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân (vế 2 - nguyên nhân).
- Phép lập luận suy luận tương đồng:
• Đời sống vật chất giản dị (vế 1) càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất (vế 2).
Vế 1: Đời sống vật chất
Vế 2: Đời sống tâm hồn.
Câu 5. Theo em, đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của bài văn này là gì?
+ Chứng cứ cụ thể, xác thực, toàn diện, đáng tin cậy.
+ Nhận xét sâu sắc, tinh tế, những câu bình luận giàu sức thuyết phục.
+ Lời văn trong sáng, truyền cảm, thấm đượm tình cảm chân thành và ngưỡng mộ của người viết.
+ Luận điểm, luận cứ được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, chặt chẽ.
Câu 6. Hãy tìm một số ví dụ để chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác.
* Tham khảo các ví dụ dưới đây:
- Sáng ra bờ suối tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
(Tức cảnh Pác Bó - Hồ Chí Minh)
- Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ,
Trần mà như thế kém gì tiên.
(Sáu mươi tuổi - Hồ Chí Minh)
- Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm ngày rộng tháng dài ung dung.
(Sáu mươi ba tuổi - Hồ Chí Minh)
- Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.
(Cảnh rừng Việt Bắc - Hồ Chí Minh)
* Các em có thể tự sưu tầm một số ví dụ khác.
Câu 7. Qua bài văn này, em hiểu như thế nào là đức tính giản dị và ý nghĩa của nó trong cuộc sống?
+ Đức tính giản dị: Là đức tính đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống, không coi trọng điều kiện vật chất. (Từ điển Tiếng Việt)
+ Ý nghĩa của đức tính giản dị trong cuộc sống: Làm cho con người thanh thản, lạc quan, yêu đời, dễ hoà đồng với thiên nhiên, với cộng đồng.