I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Nhận xét về sự cần thiết và giá trị của đức khiêm tốn, học giả Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc) có viết: Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật.
2. Thân bài:
a/ Giải thích và chứng minh thế nào là khiêm tốn:
- Khiêm tốn là nhã nhặn, nhún nhường, biết lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người, tự khép mình vào những khuôn khổ của cuộc đời.
- Không khoe khoang, đề cao cá nhân mình trước mặt người khác.
- Không thoả mãn với những thành công trước mắt, luôn hướng về phía tiến bộ, không ngừng học hỏi để vươn lên.
b/ Giải thích và chứng minh tác dụng của sự khiêm tốn:
- Khiêm tốn nâng cao giá trị cá nhân con người trong xã hội.
- Khiêm tốn là biểu hiện của con người đứng đắn, biết nhìn xa trông rộng.
- Khiêm tốn giúp con người thành công trong lĩnh vực giao tiếp.
c/ Giải thích và chứng minh tại sao con người lại phải khiêm tốn:
- Cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất tận, tài năng của mỗi cá nhân chỉ là một giọt nước nhỏ bé giữa đại dương.
- Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người...
- Cá nhân dù tài năng đến đâu thì cũng phải luôn luôn học hỏi và học hỏi suốt đời.
3. Kết bài:
- Con người khiêm tốn biết mình, hiểu người, không tự cao tự đại, không ngừng phấn đấu vươn lên.
- Khiêm tốn là đức tính cơ bản không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.
II. BÀI LÀM
Để thành đạt trong cuộc đời, người ta cần đến rất nhiều yếu tố: lý tưởng, hoài bão, mục đích, ý chí, nghị lực, niềm tin, sự khẳng định, lòng tự hào và tài năng... Nhưng có một yếu tố quan trọng không thể thiếu là tính khiêm tốn bởi nó có ảnh hưởng rất lớn tới thành công hay thất bại của sự nghiệp cá nhân. Bàn về vấn đề này, Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa đã viết: Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật (Trích trong tập Tinh hoa xử thế).
Đây là một nhận xét chí lí, một lời khuyên thiết thực cho mọi người, nhất là tuổi trẻ. Tâm lí của tuổi mới lớn là hăng hái, bồng bột, tự tin và hiếu thắng. Cái gì mình cũng hay, cái gì mình cũng làm được, cái gì mình cũng hơn người khác. Tự tin vào bản thân là điều nên có, nhưng niềm tin ấy phải được xây dựng trên cơ sở là đức và tài thì nó mới có thể biến thành hiện thực. Còn tự cao tự đại một cách ảo tưởng, mù quáng thì lại là một tật xấu đáng ghét, thường gây ra những hậu quả tiêu cực.
Muốn đánh giá đúng đắn, chính xác về bản thân, mỗi người cần phải sáng suốt, khách quan và khiêm tốn. Khiêm tốn không làm lu mờ tài năng, tên tuổi mà ngược lại nó nâng cao giá trị cá nhân con người trong xã hội. Đức tính khiêm tốn là biểu hiện phẩm giá tốt đẹp của con người đứng đắn, có trình độ hiểu biết và tầm nhìn xa rộng.
Phần lớn những người thành công trong cuộc đời đều có tính khiêm tốn. Trong giao tiếp hằng ngày, việc gây được thiện cảm với những người xung quanh sẽ tạo cho ta nhiều thuận lợi trong công việc. Khiêm tốn lắng nghe, khiêm tốn học hỏi để rút ra được những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân, điều đó quan trọng vô cùng. Những thói xấu như chủ quan, tự phụ, kiêu căng, ngạo mạn... chỉ dẫn đến thất bại mà thôi.
Đức tính khiêm tốn có vai trò quan trọng như vậy nhưng khiêm tốn là gì? Nó có đồng nghĩa với mặc cảm tự ti, với sự nhu nhược hay không?
Hoàn toàn không phải như vậy!
Khiêm tốn là thái độ hoà nhã, nhún nhường của con người có văn hoá trong khi ứng xử. Người khiêm tốn là người có bản lĩnh cứng cỏi làm chủ được mình, làm chủ được tình huống giao tiếp, luôn tỏ ra tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Trong công việc, họ không bao giờ thoả mãn với những gì mình đã đạt được mà luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để đạt được những kết quả cao hơn, mĩ mãn hơn. Chính vì thế mà họ thường gặt hái được thành công.
Khiêm tốn được coi là bản tính căn bản, tức là cái gốc của đạo đức, phẩm giá con người, cho nên chúng ta phải rèn luyện cho mình đức khiêm tốn. Cuộc đời này là một cuộc đấu tranh bất tận mà tài năng của mỗi con người chỉ nhỏ bé như một giọt nước giữa đại dương. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân là không đáng kể, không thể đem so sánh với mọi người. Cho dù có tài giỏi đến đâu thì chúng ta vẫn phải học hỏi và học hỏi suốt đời để không ngừng mở mang hiểu biết, nâng cao khả năng làm việc, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Có thể lấy dẫn chứng thật sinh động và gần gũi là cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác như sau:
Như đỉnh non cao tự giấu hình,
Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh.
(Theo chân Bác)
Thực tế cho thấy Hồ Chủ tịch là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc hiền triết, một nhà văn hoá lớn của dân tộc và nhân loại. Tất cả những điều ấy kết tinh trong một con người rất mực giản dị và khiêm tốn. Từ một em bé, một cụ già,... cho đến những chính khách nổi tiếng trên thế giới, nếu ai một lần được gặp Bác Hồ đều cảm thấy vẻ đẹp nội tâm của Bác thể hiện qua từng lời nói, ánh mắt, nụ cười điềm đạm, khoan hoà... rất đáng kính, đáng yêu.
Nhận xét của Lâm Ngữ Đường về đức khiêm tốn là bài học nhân sinh sâu sắc và thấm thía. Con người khiêm tốn là con người biết mình, hiểu người, không tự cao tự đại, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Khiêm tốn là điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.