Câu 1. Tìm bố cục của bài và nêu ý chính của mỗi đoạn.
Bố cục bài văn gồm 2 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu đến ...qua các thời kì lịch sử: Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp và hay.
- Đoạn 2: Phần còn lại: Giải thích nhận định ấy.
Chứng minh cái đẹp và sự giàu có, phong phú (cái hay) của tiếng Việt về các mặt ngữ âm, từ vựng, cú pháp. Sự giàu đẹp ấy là chứng cứ về sức sống bền bỉ của tiếng Việt.
Câu 2. Hãy cho biết nhận định:“Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay” đã được giải thích cụ thể trong đoạn đầu bài văn này như thế nào?
Vẻ đẹp của tiếng Việt được thể hiện qua hai yếu tố: nhịp điệu (hài hoà về âm hưởng và thanh điệu) và cú pháp (tế nhị uyển chuyển trong cách đặt câu).
Nhận xét này dựa trên cơ sở thực tế là khả năng biểu đạt và biểu cảm phong phú của tiếng Việt: Đủ khả năng để diễn đạt tư tưởng tình cảm của người Việt Nam và thoả mãn cho nhu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kì lịch sử.
Các câu trong đoạn văn liên kết với nhau hết sức chặt chẽ về mặt nội dung. Câu thứ nhất là nhận xét khái quát về phẩm chất tiếng Việt. Hai câu sau giải thích ngắn gọn và rành mạch cái đẹp, cái hay của tiếng Việt. Cách lập luận đi từ khái quát đến cụ thể như vậy khiến người đọc dễ theo dõi, dễ hiểu.
Câu 3. Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã đưa ra những chứng cứ gì và sắp xếp các chứng cứ ấy như thế nào?
Tác giả Đặng Thai Mai đưa ra rất nhiều chứng cứ để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt trên ba bình diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Trước hết là về mặt ngữ âm. Tác giả đưa ra nhận xét của người nước ngoài, những người không hiểu nghĩa, chỉ nghe phát âm và của những giáo sư phương Tây rất am hiểu tiếng Việt. Những ý kiến này vì thế rất khách quan. Sự thống nhất trong nhận xét của họ về ngữ âm tiếng Việt khiến lập luận của người viết có một điểm tựa vững chắc.
Sau đó, tác giả đi sâu phân tích cụ thể vẻ đẹp của tiếng Việt thể hiện qua hệ thống nguyên âm, phụ âm, thanh điệu vô cùng phong phú. Về mặt từ ngữ, Đặng Thai Mai nhấn mạnh vào giá trị thơ, nhạc, hoạ ẩn chứa trong vốn từ vựng tiếng Việt, vào số lượng từ, vào hiện tượng từ mượn phong phú và sáng tạo.
Về mặt ngữ pháp, tác giả nêu lên dẫn chứng là sự uyển chuyển, linh hoạt, chính xác trong cách diễn đạt.
Điều quan trọng nhất là ở chỗ: tác giả không chỉ dừng ở việc liệt kê các chứng cứ mà có định hướng, tập trung vào ba phương diện cơ bản; từ đó khẳng định sự giàu đẹp của tiếng Việt: phản ánh, diễn tả tình cảm, tư tưởng của con người Việt Nam một cách phong phú và tinh tế. Quan điểm này là cơ sở để tác giả đi tới kết luận: Chính sự hay, sự đẹp ấy làm nên sức sống lâu bền của tiếng Việt.
Câu 4. Sự giàu có và khả năng phong phú của tiếng Việt được thể hiện ở những phương diện nào?
Em hãy tìm một số dẫn chứng cụ thể để làm rõ các nhận định của tác giả.
+ Về ngữ âm: Có sự hài hoà về âm hưởng, thanh điệu và nhịp điệu. Ví dụ:
- Vì mây cho núi lên trời,
Vì chưng gió thổi, hoa cười với trăng.
- Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân.
- Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
- Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.
- Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu... cánh buồm!
+ Về ngữ pháp: Cú pháp tiếng Việt có yêu cầu tự nhiên về sự hài hoà, cân xứng. Ví dụ:
- Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo...
- Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.
(Nguyễn Tuân)
- Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...
- (Vũ Bằng)
+ Về từ vựng: Khả năng sáng tạo, vận dụng những từ ngữ mới phù hợp với hoàn cảnh đang phát triển của đất nước là rất lớn.
Ví dụ: Các thuật ngữ trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật hiện đại được sử dụng rộng rãi: tin học, in-tơ-nét, i-meo, chat, truy cập, vào mạng, i-dô, mã số, mã vạch...
Câu 5. Điểm nổi bật trong nghệ thuật nghị luận ở bài văn này là gì?
+ Đây là bài văn nghị luận tổng hợp có sự kết hợp chặt chẽ giữa giải thích, chứng minh và bình luận.
+ Lập luận sắc sảo, rõ ràng. Luận điểm nêu ra ở phần mở đầu đã được giải thích kĩ càng và sau đó chứng minh bằng các dẫn chứng.
+ Các dẫn chứng khá đầy đủ và toàn diện, làm sáng tỏ được sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Câu 6. Sưu tầm, ghi lại những ý kiến nói về sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
* Tham khảo các ý kiến dưới đây:
- Tiếng Việt của chúng ta rất giàu; tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta; bởi kinh nghiệm đấu tranh lâu đời và phong phú..., bởi những kinh nghiệm sống của bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
- Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp... Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
(Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980)
Câu 7. Tìm năm dẫn chứng thể hiện sự giàu đẹp của tiếng Việt về ngữ âm và từ vựng trong các bài văn, thơ đã học hoặc đọc thêm ở các lớp 6, 7.
* Tham khảo các ví dụ dưới đây:
+ Ví dụ: Về sự giàu đẹp của từ vựng:
- Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, trông không thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng sẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối quả chín vàng đốm. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng, như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, từng đốt ngần phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Không có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông.
(Tô Hoài - SGK Ngữ văn 7 tập một)
+ Ví dụ: Về sự giàu đẹp của ngữ âm:
...Có lẽ không phải là một người con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng hát ngân nga dội lên từ lòng đất, ở trong đó một góc vườn có đôi cây sầu đông và một giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa, mẹ ta đã chôn nhúm rau của ta thuở ta mới lọt lòng. Đó là tiếng ngân của mặt đất, của dòng sông, của những xóm làng và những cánh đồng sau một ngày lao động và chiến đấu.
(Nguyễn Ngọc - SGK Ngữ văn 7 tập một)
+ Ví dụ: Về sự giàu đẹp của ngữ pháp:
Thì ra cái vùng cao như cát, như thuỷ tinh vãi kia ở trong tranh minh hoạ là dải Ngân Hà? Sông Ngân! Thế là con sông điển tích mà tôi được biết bấy lâu, hằng năm cứ đến tháng bảy thì có một đôi vợ chồng tên là Ngưu Lang và Chức Nữ được quá giang gặp nhau, và chỉ được gặp nhau có một ngày thôi ấy, lại chính là con sông có một người không có tên nhưng tôi lại thấy quen quen và thân thương, đang ngước mặt lên trông ngắm và nhớ thương, mà mong đợi...
(Nguyên Hồng - SGK Ngữ văn 7 tập một)
- Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già. Ba trăm năm so với ngàn năm tuổi của Đất nước thì cái đô thị này vẫn còn xuân chán. Sài Gòn cứ trẻ hoài như một cây tơ đương độ nõn nà trên đà thay da, đổi thịt, miễn là cư dân ngày nay và cả ngày mai biết cách tưới tiêu, chăm bón, trân trọng giữ gìn cái đô thị ngọc ngà này.
(Minh Hương - SGK Ngữ văn 7 tập một)
- Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông trăng gợn sóng. Con thuyền bồng bềnh. Đêm nằm trên dòng Hương thơ mộng để nghe ca Huế, với tâm trạng chờ đợi rộn lòng.
(Hà Ánh Minh - SGK Ngữ văn 7 tập hai)