Câu 1. Theo em, đây là một tác phẩm ghi chép sự thật hay là tưởng tượng hư cấu? Căn cứ vào đâu để kết luận?
Hình thức tác phẩm giống như một bài kí sự nhưng thực ra đây là một truyện ngắn hư cấu, nghĩa là tưởng tượng trên cơ sở những yếu tố có thật. Nhân vật có thật là Va-ren - toàn quyền Pháp mới tại Đông Dương; Phan Bội Châu - nhà chí sĩ yêu nước đang bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội. Sự kiện có thật là phong trào đấu tranh sôi sục của nhân dân đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu đang dâng cao khắp ba miền.
Những tình tiết hư cấu: Truyện được viết trước khi Va-ren sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương và sau khi sang Đông Dương cũng không có chuyện Va-ren gặp Phan Bội Châu ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Nội dung cuộc gặp gỡ giữa Va-ren với Phan Bội Châu cũng là do tác giả tưởng tượng ra. Thông qua hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu, chúng ta hiểu rõ thái độ căm thù, khinh bỉ quân xâm lược và lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Ái Quốc.
Câu 2. Đọc kĩ đoạn đầu tác phẩm từ “Do sức ép của công luận” đến “Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù” và trả lời các câu hỏi sau:
a) Va-ren đã hứa gì về vụ Phan Bội Châu?
b) Thực chất của lời hứa đó là gì? Cụm từ “nửa chính thức hứa” và câu hỏi của tác giả “giả thử cứ cho rằng [...] sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao” có ý nghĩa gì trong việc bộc lộ thực chất lời hứa của Va-ren?
- Va-ren đã nửa chính thức hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu trước khi sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương nhưng đó chỉ là lời hứa dối trá không đáng tin cậy nhằm mục đích xoa dịu sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam đang sôi sục đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
Lời hứa trên thực chất là một trò lố. Cụm từ nửa chính thức hứa bao hàm ý nghĩa mỉa mai, châm biếm, cho thấy hắn hứa mà không nhất thiết phải thực hiện lời hứa, vả lại ai mà tin được lời hứa của một tên thực dân cáo già như Va-ren? Câu hỏi tu từ thể hiện rõ điều đó: Ông hứa thế; giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao? Tác giả vạch trần mâu thuẫn giữa nội dung lời hứa và thời gian thực hiện lời hứa. Trước hết, ngài chỉ muốn chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã, ý muốn nói tới sự lo lắng của Va-ren khi mới nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Đồng thời, thời gian thực hiện còn lâu, vì Va-ren chỉ vừa mới xuống tàu, mà hành trình từ Mác-xây đến Sài Gòn kéo dài chừng bốn tuần lễ... trong bốn tuần lễ đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.
- Trên thực tế, hai người đại diện cho hai phía đối lập nhau, Va-ren đứng đầu guồng máy cai trị ở Đông Dương (Toàn quyền); còn Phan Bội Châu là lãnh tụ cách mạng bị cầm tù vì đấu tranh chống lại chính quyền thực dân Pháp.
Câu 3. Trong cảnh Va-ren đến Hà Nội để gặp Phan Bội Châu, hai nhân vật chính là Va-ren và Phan Bội Châu đã thể hiện một sự tương phản, đối lập cực độ. Hãy làm rõ nhận định đó bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
a) Số lượng lời văn dành cho việc khắc hoạ tính cách của từng nhân vật nhiều ít như thế nào? Sự nhiều ít đó thể hiện dụng ý nghệ thuật gì của tác giả khi khắc hoạ tính cách của từng nhân vật?
Trong cảnh Va-ren đến Hà Nội gặp Phan Bội Châu, hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu đại diện cho hai tầng lớp khác nhau có sự đối lập tương phản cực độ: Va-ren là một viên Toàn quyền, Phan Bội Châu chỉ là một người ở tù. Ở đây sự tương phản, đối lập của hai nhân vật còn là sự tương phản, đối lập giữa một bên là kẻ bất lương nhưng ở địa vị thống trị; một bên là người cách mạng vĩ đại nhưng đang bị đàn áp, giam cầm.
Số dòng tác giả dành cho việc khắc hoạ tính cách nhân vật Va-ren rất nhiều, đặc biệt là những lời độc thoại. Lời lẽ của Va-ren có lúc mua chuộc, dụ dỗ, làm như vậy ông sẽ được tất cả...; có lúc lại đe doạ: tôi yêu cầu ông... Những từ ngữ, hành động của hắn phơi bày tính cách bịp bợm, lừa đảo, gian trá và xảo quyệt. Tác giả đã để cho Va-ren tự bóc trần bản chất của hắn. Hắn là một tên Toàn quyền, đại diện cho lực lượng thống trị tàn bạo nhưng cố che đậy bằng bộ mặt giả nhân giả nghĩa.
Lời văn tác giả dùng để khắc hoạ tính cách và hành động của Phan Bội Châu rất ít. Tác giả bày tỏ tình cảm kính phục của mình qua câu văn với những ngôn từ đẹp đẽ và lớn lao để nói về Phan Bội Châu: bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng. Sự im lặng của cụ Phan hoàn toàn đối lập với sự ồn ào khoa trương của Va-ren. Điều đó cho thấy người anh hùng sẵn sàng hi sinh vì dân tộc mà không cần phải thanh minh, giải thích gì. Đó là khí phách cao cả đáng trân trọng.
b) Qua những lời lẽ có tính chất độc thoại (tự nói một mình) của Va-ren trước Phan Bội Châu, động cơ, tính cách, bản chất của Va-ren đã hiện lên như thế nào?
Chúng ta hãy theo dõi lời lẽ và hành động của Va-ren. Hắn tuyên bố đến để thả Phan Bội Châu: Tôi đem tự do đến cho ông đây... Tác giả bình luận trò lố này bằng hình ảnh chứa đựng ý nghĩa mỉa mai, đả kích: Va-ren tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm. Va-ren đồng ý thả cụ Phan với điều kiện cụ phải hứa là sẽ trung thành với nước Pháp, phải cộng tác, phải hợp lực với nước Pháp để củng cố nền thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương (?!).
Hắn vờ tỏ ý kính trọng tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy hi sinh của cụ Phan Bội Châu nhưng thực chất là đòi hỏi cụ phải phản bội, đầu hàng. Hắn mang miếng “bánh vẽ” đẹp đẽ, hào nhoáng về tương lai của xứ Đông Dương thuộc địa để dụ dỗ, mua chuộc cụ.
Trâng tráo hơn nữa là hắn đòi cụ Phan dùng uy tín to lớn của mình để lôi kéo mọi người theo Pháp: Ông chớ tìm cách xúi giục đồng bào ông nổi lên chống lại chúng tôi nữa..., hãy bảo họ cộng tác với người Pháp... Va-ren khuyên Phan Bội Châu hãy từ bỏ lí tưởng và bắt tay với hắn: ...ông và tôi, tay nắm chặt tay, chúng ta có thể làm được biết bao công việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương này.
Vốn tinh quái, hắn biết “tấm gương” của hắn chưa đủ sức thuyết phục Phan Bội Châu nên hắn còn ca ngợi những kẻ cũng phản bội như hắn và coi đó là những “tấm gương” đáng nói theo.
Trơ trẽn hơn nữa, hắn đã tự nhận mình là một kẻ phản bội lại lí tưởng cách mạng của Đảng Xã hội Pháp đang đấu tranh cho công bằng, dân chủ và quyền tự do của con người. Hắn chấp nhận trở thành một quan chức thực dân cao cấp, đại diện cho thực dân Pháp sang thống trị các nước thuộc địa ở Đông Dương. Hắn trâng tráo vỗ ngực khoe với cụ Phan Bội Châu: ...ông hãy nhìn tôi này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền...!
Những mâu thuẫn trong lời nói và hành động đã tố cáo bản chất của Va-ren là kẻ thực dụng đến mức đê tiện, sẵn sàng làm mọi việc, dù là tồi tệ, xấu xa nhất chỉ vì quyền lợi cá nhân.
Va-ren đã tự lột mặt nạ, tự bóc trần bản chất của hắn - một tên chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã, vô liêm sỉ đến mức đáng khinh bỉ và ghê tởm.
c) Qua sự im lặng của Phan Bội Châu và lời bình của tác giả về sự im lặng đó, em thấy gì về khí phách, tư thế của Phan Bội Châu trước Va-ren?
Thái độ của Phan Bội Châu trước Va-ren là hoàn toàn im lặng, phớt lờ, coi như không có hắn trước mặt. Đó là cách bộc lộ thái độ khinh bỉ kẻ thù cao độ. Về sự im lặng, dửng dưng của Phan Bội Châu, tác giả có lời bình hóm hỉnh: Ừ thì Phan Bội Châu nhìn Va-ren. Nhưng, lạ chưa! Những lời nói của Va-ren hình như lọt vào tai (Phan) Bội Châu chẳng khác gì “nước đổ lá khoai ” và cái im lặng dửng dưng của (Phan) Bội Châu suốt buổi gặp gỡ hình như làm cho Va-ren sửng sốt cả người.
Lời bình của tác giả về sự im lặng cho ta thấy khí phách của người anh hùng dân tộc rất hiên ngang, bất khuất. Đó là sự kế thừa và phát huy cao độ khí phách kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Câu 4. Theo em, ví thử truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu dừng lại ở câu: “... chỉ là vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu” thì có được không? Nhưng ở đây lại có thêm đoạn kết, trong đó có chi tiết về lời quả quyết của anh lính dõng An Nam và chi tiết về lời đoán thêm của tác giả thì giá trị câu chuyện được nâng lên như thế nào?
Giả sử truyện chấm dứt ở câu: Những cứ xét binh tình, thì đó chỉ là vì Phan Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu Phan Bội Châu thì ý nghĩa của nó vẫn hoàn chỉnh bởi vì hai con người thuộc hai chiến tuyến khác nhau, tôn thờ những lí tưởng khác nhau thì làm sao hiểu được ý nghĩ của nhau và không thể có được tiếng nói chung. Nhưng tác giả đã nối thêm đoạn kết (vĩ thanh), trong đó có lời quả quyết của anh lính dõng An Nam khiến câu chuyện như thật. Có người chứng kiến tận mắt sự thất bại thảm hại, nhục nhã ê chề của tên thực dân cáo già trước người tù - một lãnh tụ cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Câu 5*. Ngoài ra, lại còn T.B (tái bút) với lời quả quyết của nhân chứng thứ hai. Vậy giá trị của lời T.B này là gì? Có điều gì thú vị trong sự phối hợp giữa lời kết và lời TB?
Việc kết thúc bằng lời quả quyết của nhân chứng thứ hai tức anh lính dõng - một nhân vật tưởng tượng làm tăng tính khách quan của truyện: Cuộc gặp gỡ chấm dứt ở đấy, hay ít ra là không ai biết được gì hơn nữa. Chỉ có anh lính dõng An Nam bồng súng chào ở cửa ngục là cứ bảo rằng, nhìn qua chấn song, có thấy một sự thay đổi nhẹ trên nét mặt người tù lừng tiếng. Anh quả quyết - cái anh chàng ranh mãnh đó - rằng có thấy đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi. Nếu quả thật có thế, thì có thể là lúc ấy (Phan) Bội Châu có mỉm cười, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy. Những chi tiết đó khắc hoạ nổi bật thái độ ngạo nghễ cùng tính cách hiên ngang, bất khuất của Phan Bội Châu trước kẻ thù.
Nếu trong đoạn kết ở trên, sự khinh bỉ của Phan Bội Châu được thể hiện bằng thái độ im lặng, dửng dưng và nụ cười nhếch mép thì ở phần tái bút, thái độ ấy lại bộc lộ qua hành động quyết liệt. Như thế là với kẻ thù không đội trời chung, cụ Phan có nhiều cách tỏ thái độ: im lặng, dửng dưng chưa đủ mà cụ còn nhếch mép cười ruồi. Cách dẫn chuyện của tác giả thật hóm hỉnh và thú vị, làm tăng thêm ý nghĩa châm biếm, đả kích thực dân Pháp mà tác giả đặt ra trong tác phẩm.
Câu 6. Sau những phân tích trên, em hãy nêu lên tính cách của hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu.
Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu thành công trước tiên là trong nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật. Tác giả chủ yếu dùng nghệ thuật so sánh, đối chiếu để tạo ra sự tương phản cực độ giữa Va-ren và Phan Bội Châu. Điều đó thể hiện rõ nhất ở cuộc “đối đầu" giữa quan Toàn quyền Đông Dương và Phan Bội Châu - một người tù “đặc biệt” của chính quyền thực dân Pháp. Va-ren càng hùng hồn tới mức trơ trẽn đề cao quan điểm sống của những kẻ phản bội lí tưởng, ruồng bỏ giai cấp mình bao nhiêu thì Phan Bội Châu càng tỏ ra lạnh lùng, dửng dưng bấy nhiêu. Qua đó, tác giả làm nổi bật thái độ bịp bợm, dối trá, bản chất bỉ ổi, đê tiện của kẻ cướp nước và ca ngợi bản lĩnh vững vàng, bất khuất của nhà chí sĩ yêu nước. Đây cũng là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa “lí tưởng” của một kẻ cướp nước và lí tưởng của một người anh hùng yêu nước.
Câu 7. Trong truyện, thái độ của tác giả đối với Phan Bội Châu như thế nào? Căn cứ vào đâu để biết điều đó?
Trong truyện, tác giả đã ca ngợi Phan Bội Châu - một người tù lừng tiếng và thể hiện tình cảm yêu mến, sự trân trọng, cảm phục đối với vị anh hùng dân tộc. Tuy có rất ít chi tiết bình luận cụ thể về Phan Bội Châu nhưng nhờ vận dụng thủ pháp tương phản, đối lập khi xây dựng tính cách của hai nhân vật, tác giả đã thể hiện rất rõ thái độ yêu ghét của mình. Tác giả hết lời ca ngợi cụ Phan là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng.
Câu 8*. Giải thích nghĩa cụm từ “những trò lố” trong nhan đề tác phẩm.
Cụm từ những trò lố trong nhan đề tác phẩm có ý nghĩa châm biếm rất sâu sắc. Từ trò thường được gắn với những thú chơi, trò chơi của trẻ em. Nhưng trong truyện ngắn này, nó gắn với những lời nói, việc làm của người lớn có tính chất hệ trọng thì lại mang ý nghĩa mỉa mai, châm biếm. Lố có nghĩa là lố bịch, đáng cười, đáng phê phán. Tác giả dùng từ lố để nói tới hành động của nhân vật Va-ren với ý nghĩa là sự lừa bịp, gian trá. Điều đó biểu hiện ở lời nửa chính thức hứa và trong những lời độc thoại trâng tráo của y khi đối mặt với cụ Phan Bội Châu trong nhà tù.
Tác giả dùng cụm từ Những trò lố trong nhan đề tác phẩm xuất phát từ mục đích vạch trần bản chất phản bội xấu xa, gian trá của Va-ren trước dư luận. Những trò hề mà Va-ren diễn trước mặt Phan Bội Châu chỉ mang lại sự khinh miệt của người tù cách mạng đối với hắn chứ không đạt được một hiệu quả nào.