I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Đây là câu ca dao nói về tâm trạng nhớ nhung, buồn bã của người con gái lấy chồng xa xứ, chiều chiều ngóng về quê mẹ mà gạt thấm nước mắt.

- Là lời ru quen thuộc từ lâu đời ở nông thôn Việt Nam.

2. Thân bài:

* Không gian và thời gian gợi nhớ:

- Chiều chiều ra đứng ngõ sau: Khung cảnh tĩnh lặng của thôn quê vào lúc chiều tàn với khói sương bàng bạc, mông lung, với bóng tối dần buông và tiếng ếch nhái, côn trùng rỉ rả... là tác nhân khơi dậy nỗi nhớ, niềm thương trong lòng người thiếu phụ trẻ lấy chồng xa xứ.

- Ngõ sau: lối đi sau nhà dẫn ra cánh đồng, vào lúc chiều tối thường vắng người qua lại.

- Cả thời gian và không gian đều phù hợp với tâm trạng của nhân vật trữ tình.

* Tâm trạng thiếu phụ trẻ lấy chồng xa xứ:

- Xa xứ ở đây chưa hẳn là tỉnh này với tỉnh khác mà có khi chỉ là làng Đông, làng Đoài như ca dao hay đề cập đến. Với người nông dân xưa thường sống khép kín trong luỹ tre làng, như vậy đã là xa.

- Thuở trước, trai làng thường cưới gái làng. Con gái lấy chồng xa là chuyện bất đắc dĩ, phải chấp nhận cuộc sống biệt li nhiều nỗi đắng cay.

- Tâm trạng nhớ nhung, đau xót, tủi thân, tủi phận khiến người con gái ruột đau chín chiều. Cách nói cường điệu đậm chất dân dã nhấn mạnh cảm xúc buồn thương đang xoáy cuộn trong lòng, không thể nào san sẻ.

- Nhân vật đắm mình trong hoài niệm về quê mẹ, về những người thân yêu, ruột thịt. Càng nhớ cảnh gia đình sum họp, càng tủi thân phận cô đơn nơi đất khách. Không dám khóc thành tiếng cho vơi đau khổ, chỉ lặng lẽ gạt thấm nước mắt. Tình cảnh rất đáng thương.

3. Kết bài:

- Chỉ qua hai câu lục bát mà người xưa đã khắc hoạ tài tình tâm trạng của nhân vật.

- Âm hưởng ngậm ngùi, thổn thức, khả năng gợi tả, gợi cảm của câu ca dao trên làm xúc động trái tim chúng ta.

II. BÀI LÀM

Đây là câu ca dao phản ánh tâm trạng nhớ nhung, buồn khổ của người con gái lấy chồng xa xứ. Ngày ngày, cứ đến lúc chiều buông là cô lại thổn thức gạt thầm nước mắt:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều!

Câu ca dao chọn không gian và thời gian của buổi chiều tàn để làm nền cho nỗi nhớ, bởi nó thường khơi gợi lòng người nghĩ tới sự trở về và đoàn tụ. Không gian yên ắng, bàng bạc khói sương, mọi vật từ từ chìm vào bóng tối... dễ làm chạnh lòng kẻ xa quê. Ta thử hình dung ra cảnh đời và số phận của người con gái trẻ lần đầu xa mẹ, xa nhà, đi làm vợ, làm dâu nơi đồng đất xứ người.

Ngày xưa, nông thôn Việt Nam sống khép kín theo kiểu làng xã. Mỗi làng, mỗi xã là một thế giới riêng biệt. Có người suốt đời không bước chân ra khỏi luỹ tre làng. Bởi vậy cho nên con gái lấy chồng làng khác có nghĩa là chấp nhận nỗi biệt li dằng dặc, khó biết ngày trở lại. Thêm vào đó là sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến như quan niệm Nữ nhân ngoại tộc hay Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử... Tất cả những điều bất công ấy biến cuộc đời người phụ nữ thành một chuỗi dài buồn khổ, sầu thương.

Đọc câu ca dao trên, ta thấy được một cảnh ngộ, một trạng thái của tâm hồn: xa cách, nhớ nhung và đau xót. Chiều chiều có nghĩa là ngày nào cũng vậy, cứ đến thời điểm ấy là nỗi nhớ lại cồn cào, xoáy cuộn trong óc, trong tim. Bao nhiêu buổi chiều như thế đã trôi qua mà nỗi nhớ chẳng hề vơi. Nó thôi thúc cô gái ra đứng ngõ sau (cho khuất tầm mắt mọi người), để được một mình sống trong hoài niệm. Phía xa kia là quê mẹ, là mảnh đất mình sinh ra và lớn lên; là nơi gắn bó với bao kỉ niệm buồn vui của thuở ấu thơ, của thời con gái. Quê mẹ, hai tiếng ấy thiêng liêng biết chừng nào! Quê mẹ là dòng sông, bến nước, là sân đình, gốc đa, là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, là những đêm hội làng rộn rã trống chèo, ngân nga tiếng hát tiếng hò dưới ánh trăng rời rợi...

Cái hay của câu ca dao là ở khả năng gợi cảm rất lớn, rất sâu của nó. Không gian của buổi chiều cộng hưởng với tâm hồn đang dâng đầy nỗi nhớ của nhân vật trữ tình khiến cho người đọc thấm thía và cảm động. Cách nói cường điệu (hay còn gọi là ngoa dụ): ruột đau chín chiều có tác dụng nhấn mạnh và khắc sâu tâm trạng của nhân vật. Nỗi buồn không thể bật thành tiếng khóc (có chăng cũng chỉ là gạt lệ khóc thầm), không thể san sẻ cùng ai, thành ra càng ngấm sâu vào óc, vào tim. Dường như bao nhớ thương, xót tủi đọng lại cả trong hồn.

Đọc nhiều lần câu ca dao trên và thử đặt mình vào hoàn cảnh của cô gái, ta sẽ thấy nỗi đau chia li làm cho cô như tê dại đi trong cái dáng bất động mỗi chiều, trong ánh mắt đăm đăm dõi về quê mẹ. Bằng những ngôn từ giản dị, tự nhiên, câu ca dao đã diễn tả được cung bậc cao nhất của nỗi nhớ trong tình cảnh xa cách, bơ vơ nơi đất khách quê người. Nỗi nhớ ấy gắn chặt với tình mẫu tử thiêng liêng, với tình quê hương thắm thiết. Vì thế mà cho đến tận bây giờ, nó vẫn làm cho bao trái tim, bao tấm lòng đồng điệu thổn thức, nghẹn ngào.