BÀI 30. BỐ CỦA XI-MÔNG (Trích)
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Guy đơ Mô-pa-xăng (1850 – 1893) là nhà văn Pháp. Ông là tác giả của hơn ba trăm truyện ngắn nổi tiếng là truyện "Viên mỡ bò" và một số tiểu thuyết như: "Một cuộc đời", "Ông bạn đẹp"...
2. Tóm tắt truyện:
Chị Blăng-sốt bị một người đàn ông lừa dối nên sinh ra Xi-mông. Xi-mông đến lớp bị các bạn cùng lớp trêu là không có bố. Em vô cùng đau khổ và định tự tử. Phi-líp – một bác thợ rèn, gặp em, muốn giúp em nên đã hứa sẽ cho em một ông bố. Không ngờ Xi-mông tin tưởng và dẫn về gặp mẹ. Trước yêu cầu tha thiết của Xi-mông, bác Phi-líp phải nhận làm bố để Xi-mông yên lòng. Từ việc đùa để an ủi Xi-mông, Phi-líp nghiêm túc cầu hôn chị Blăng-sốt và họ trở thành một gia đình hạnh phúc.
Đoạn trích là đoạn giữa của tác phẩm khi Xi-mông định tự tử và gặp Phi-líp rồi bác dẫn Xi-mông về nhà, nhận làm bố em.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Đoạn văn trích chia thành bốn phần:
Phần đầu (từ đầu đến "chỉ khóc hoài") : Nỗi tuyệt vọng của Xi-mông.
Phần hai (tiếp theo đến "sẽ cho cháu... một ông bố") : Phi-líp gặp và hứa sẽ cho em một ông bố.
Phần ba (tiếp theo đến "bỏ đi rất nhanh") : Phi-líp đưa Xi-mông về trả cho chị Blăng-sốt và nhận làm bố của em.
Phần bốn (tiếp theo đến hết): Xi-mông đến trường tin tưởng nói với các bạn rằng bố em là Phi-líp.
2. Xi-mông đau đớn vì em bị các bạn chỉ là không có bố. Tất cả các bạn đều có bố. Riêng Xi-mông thì không. Em đau đớn đến mức định ra bờ sông để tự tử. Những cảnh vật bờ sông làm cho em nguôi ngoai ý định đó. Tuy vậy, em vô cùng đau khổ. Nhà văn diễn tả em khóc rất nhiều: khóc khi các bạn trêu (sau khi khóc em rất thèm được nằm ngủ ở đây, trên mặt cỏ, dưới nắng ấm). Nghĩ đến mẹ, em lại khóc, em đọc kinh nhưng không đọc được vì những cơn nức nở lại kéo đến, em chỉ khóc hoài. Về nhà, em lại oà khóc và nói em không bị lạc mà muốn nhảy xuống sông vì không có bố.
Nỗi đau khổ còn thể hiện ở giọng nghẹn ngào, mắt đẫm lệ khi Xi-mông trả lời bác Phi -líp, ở giọng nói luôn ngắt quãng xen những tiếng nấc buồn tủi.
3. Chị Blăng-sốt là một phụ nữ tốt. Ngôi nhà của chị là một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ. Một mình chị chịu đựng để nuôi Xi-mông khôn lớn. Thái độ của chị với bác Phi-líp là một thái độ nghiêm túc, đúng mực đến mức khi vừa nhìn thấy chị "bác công nhân bỗng tắt nụ cười, vì bác hiểu ra ngay là không bỡn cợt được nữa với cô gái cao lớn, xanh xao, đứng nghiêm nghị trước nhà mình, như muốn cấm đàn ông bước qua ngưỡng của ngôi nhà...". Chị vô cùng thương con, khi nghe con khóc vì chuyện không có bố, chị đã đỏ mặt, ôm con hôn lấy hôn để, trong khi nước mắt lã chã tuôn rơi.
4. Bác Phi-líp khi gặp Xi-mông thì mỉm cười vì chuyện em nói không có bố. Chỉ vì muốn an ủi em nên đã nói rằng người ta sẽ cho Xi-mông một ông bố. Trên đường đưa Xi-mông về nhà, bác nghĩ rằng mẹ của chú bé đã có một tuổi xuân lầm lỡ thì rất có thể lại lỡ lầm. Nhưng khi nhìn thấy chị Blăng-sốt thì bác bỗng tắt nụ cười và trở nên lúng túng, e dè, nói năng ấp úng. Phi-líp hiểu rằng không thể bỡn cợt được với cô gái nghiêm nghị, đứng đắn. Khi đối đáp với Xi-mông, bác coi như là một chuyện đùa, nhận làm bố của em. Nhưng chính sự hồn nhiên, ngây thơ của Xi-mông đã làm cho Phi-líp cảm mến em. Hành động nhấc bổng em lên và hôn vào hai má em chứng tỏ điều đó. Diễn biến tâm trạng của bác Phi-líp vừa phức tạp vừa bất ngờ.
III – THAM KHẢO
Qua đoạn trích truyện ngắn, tác giả đã miêu tả sâu sắc và tinh tế nỗi đau không có bố của chú bé Xi-mông và niềm khát khao có bố của em. Tác giả đã cảm thông, bênh vực Xi-mông và phê phán những chuyện cười giễu ác ý trên nỗi đau của người khác. Mô-pa-xăng cũng nhìn nhận độ lượng và bênh vực những người phụ nữ đã từng lầm lỡ như chị Blăng-sốt. Tuy lỡ lầm nhưng chị vẫn là người đứng đắn, đáng được nể trọng và đáng được hưởng hạnh phúc như mọi người.
Truyện ngắn cũng thể hiện rõ quan niệm tiến bộ của Mô-pa-xăng phê phán những cách nhìn định kiến, hẹp hòi; trân trọng những con người bình thường. Blăng-sốt, Xi-mông, Phi-líp đã vượt qua định kiến để có một gia đình hạnh phúc.
Nét đặc sắc của truyện ngắn là tác giả đã thấu hiểu sâu sắc tâm lí trẻ em, sự ngây thơ, hồn nhiên và dễ bị tổn thương của tâm hồn con trẻ.
Diến biến câu chuyện theo trình tự thời gian mà vẫn duy trì được hứng thú: Xi-mông từ tuyệt vọng đến hi vọng và tin tưởng. Phi-líp chỉ an ủi, đưa cậu bé về, rồi nhận đùa làm bố, từ ông bố danh nghĩa đến ông bố chính thức.
Câu chuyện kết thúc có hậu mà không dễ dãi, giản đơn.
(Theo Bài soạn văn 8, tập một, Vụ Trung học phổ thông, 1996)