NÓI VỚI CON
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nhà thơ Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày, sinh năm 1948 ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng . Năm 1968, nhập ngũ, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại Sở Văn hoá - Thông tin Cao Bằng. Từ năm 1993 là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng. Hiện nay là Phó ban sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam.
2. Trong bài thơ Nói với con, nhà thơ Y Phương ca ngợi tình cảm cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, đồng thời nêu lên truyền thống cần cù, tự lực, gắn bó, kiêu hãnh của quê hương mà tuổi trẻ cần kế thừa, phát huy một cách xứng đáng.
II- HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Bố cục của bài thơ thể hiện ý tưởng đó thành hai phần:
- Phần thứ nhất (từ đầu đến "Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời") : Người con lớn lên trong tình yêu thương và đùm bọc của gia đình, quê hương.
- Phần thứ hai (còn lại) : Những truyền thống tốt đẹp của quê hương bền bỉ, thuỷ chung, mộc mạc, tự lực, tự hào cần được kế tục và phát triển khi hội nhập, sánh vai cùng các dân tộc khác. Đó là những điều mà nhà thơ muốn nói với con, cũng là điều mà tác giả bộc lộ niềm tự hào về quê hương, về người "đồng mình".
2. Người con lớn lên trong sự thương yêu của cha mẹ. Mỗi bước đi chập chững của con đều có cha mẹ bên cạnh nâng đỡ, và không khí tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc : chạm tiếng nói, tới tiếng cười. Con lớn trong sự đùm bọc của những người "đồng mình" vừa cần cù, vừa tài hoa, vừa lạc quan yêu đời : đan lờ thì cài nan hoa, vách nhà cũng ken (đan, cài) câu hát (Ta bỗng nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi: Tay người như có phép tiên - Trên tre nứa cũng dệt nghìn bài thơ). Người con còn được rừng cho hoa trái, những con đường cho những tấm lòng. Cha mẹ, những người "đồng mình", rừng núi, con đường, cuộc sống lao động vui tươi, lạc quan là nguồn sinh dưỡng cho con trưởng thành.
3. Những đức tính cao đẹp của người đồng mình là :
- Con người dễ thương, giàu tình cảm (người đồng mình thương lắm con đi).
- Con người thuỷ chung gắn bó với quê hương (Sống trên đá không chê đá gập ghềnh - Sống trong thung không chê thung nghèo đói).
- Con người hồn nhiên, mạnh mẽ (Sống như sông như suối - Lên thác xuống ghềnh – Không lo cực nhọc).
- Con người có bản lĩnh, bền bỉ (Cao đo nỗi buồn - Xa nuôi chí lớn - ... Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương).
- Con người mộc mạc, chân chất mà to lớn, kiêu hãnh (Người đồng mình thôi sơ da thịt - Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con).
Từ đó, nhắc nhở con khi lên đường phải nhớ rằng người "đồng mình" yêu lắm, phải giữ gìn truyền thống của người "đồng mình", và điều đặc biệt là không thể nhỏ bé, phải luôn luôn đàng hoàng, bằng anh bằng em.
4. Tình cảm của người cha với người con là yêu lắm con ơi. Vì yêu con mình tha thiết mà người cha đã nói tất cả nguồn sinh dưỡng chan hoà niềm vui, niềm lạc quan và sự đùm bọc của cha mẹ, người "đồng mình", quê hương với con. Người cha cũng nhắc cho con biết về những nét đáng tự hào của người "đồng mình", của quê hương. Điều lớn nhất mà người cha muốn con cảm nhận đó là lòng tự hào về quê hương và lòng tự tin khi bước vào đời. Quê hương đã sinh ra, đã nuôi dưỡng, con người phải biết tự hào về quê mình, và càng tự hào thì càng phải góp sức xây dựng quê hương.
5. Cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh là nét độc đáo của nghệ thuật bài thơ. Người miền núi hay nói bằng hình ảnh cụ thể. Về sự gắn bó giữa người con và cha mẹ : "Chân phải bước tới cha - Chân trái bước tới mẹ". Về không khí vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình : "Một bước chạm tiếng nói – Hai bước tới tiếng cười". Về nét tài hoa trong lao động, vui vẻ trong sinh hoạt;" Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”. Về sức sống mạnh mẽ, hồn nhiên: "Sống như sông như suối - Lên thác xuống ghềnh - Không lo cực nhọc". Tác giả đã rất thành công khi vận dụng lối nói của người miền núi để thể hiện tình cảm của cha với con. Và sâu hơn, qua đó, thể hiện lòng tự hào về vẻ đẹp mộc mạc, mạnh mẽ, thuỷ chung, bền bỉ của con người quê hương.
III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Khi đặt mình vào nhân vật người con, cần chú ý đại từ nhân xưng. Như vậy phải xưng tôi (hoặc mình) để trình bày cha tôi (cha mình) đã nói những điều gì. Chú ý đến ý của hai đoạn thơ đã phân tích khái quát bên trên:
- Cội nguồn sinh dưỡng.
- Những đức tính tốt đẹp cần duy trì, tự hào, phát huy.
Trình bày những cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Có thể mở rộng ra tình yêu thương, kính trọng với người cha, với người "đồng mình", với quê hương.
III – THAM KHẢO
Những năm cuối bảy mươi, đầu tám mươi của thế kỉ XX, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng, vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bởi vì đất nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ lâu dài và cực kì gian khổ.
[...] Cuối năm 1975, tôi cũng mới từ mặt trận trở về, sau tám năm đánh giặc xa nhà nay trở về lấy vợ sinh con trong bối cảnh túng thiếu bần hàn chung của toàn xã hội. Nhìn các con cầm bát cơm ăn không thịt cá mà lòng đau khôn tả. Bởi chúng tôi cũng như nhiều gia đình cán bộ khác chỉ sống bằng đồng lương quá ít ỏi. Hàng hoá khan hiếm, giá cả leo thang từng ngày đến chóng mặt. Bên cạnh cái tốt của những người làm ăn lương thiện, không ít những con người bị tha hoá, biến chất. Họ buôn gian bán lận, lợi dụng kẽ hở của nhà nước móc nối làm ăn phi pháp. Ở miền Nam, một bộ phận nhỏ Công chức dưới thời ngụy quyền Sài Gòn không chịu được đã tìm mọi cách để vượt biên trốn ra nước ngoài.
Từ hiện thực khó khăn ấy, tôi làm bài thơ này để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời là để nhắc nhở con cái sau này.
(Dẫn theo Nguyễn Trọng Hoàn, Đọc - hiểu văn bản Ngữ văn 9, Sđd)