CÁC THÀNH PHẦN BIỆT LẬP
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Thành phần biệt lập (TPBL) là thành phần không trực tiếp nói lên sự việc mà chỉ để nói lên thái độ, cách đánh giá của người nói đối với người nghe hoặc đối với sự việc được nói đến trong câu. TPBL được coi là thành phần nằm ngoài cấu trúc ngữ pháp.
2. TPBL gồm thành phần tình thái (TPTT), thành phần cảm thán (TPCT), thành phần gọi - đáp (TPGĐ), thành phần phụ chú (TPPC).
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
Phần 1. Thành phần tình thái
Câu hỏi 1
Từ chắc (câu a), có lẽ (câu b) thể hiện mức độ tin cậy của người nói đối với nội dung nói (độ tin cậy của chắc cao hơn có lẽ).
Câu hỏi 2
Nếu bỏ các từ ngữ này thì nội dung sự việc trong các câu vẫn không thay đổi. Các từ ngữ này dùng để thể hiện thái độ của người nói đối với sự việc hoặc đối với người nghe.
Phần 2. Thành phần cảm thán
Câu hỏi 1
Các từ ngữ: ồ, trời ơi không chỉ sự vật, sự việc gì.
Câu hỏi 2
Nhờ các từ ngữ: sao mà độ ấy vui thế, chỉ còn có năm phút mà ta biết lí do của lời cảm thán trên.
Câu hỏi 3
Các từ ồ, trời ơi trong các câu này dùng để bày tỏ tình cảm, cảm xúc của người nói đối với sự vật, hiện tượng được nói đến (ồ: vui; trời ơi: lo lắng, luyến tiếc).
Phần 3. Luyện tập
Bài tập 1
a) có lẽ (TPTT, thể hiện mức độ tin cậy)
b) chao ôi (TPCT, thể hiện sự mừng vui bất ngờ)
c) hình như (TPTT, thể hiện mức độ tin cậy)
d) chả nhẽ (TPTT, thể hiện mức độ tin cậy)
Bài tập 2
Theo thứ tự tăng dần độ tin cậy, ta có : dường như (thường dùng cho văn viết)/ hình như/ có vẻ như (thường dùng trong văn nói) - có lẽ - chắc là - chắc hẳn - chắc chắn.
Bài tập 3
Trong ba từ : chắc/ hình như/ chắc chắn, thì chắc chắn có độ tin cậy cao nhất, hình như có độ tin cậy thấp nhất. Tác giả không dùng chắc chắn vì đó mới là dự đoán của nhân vật "tôi" - người ngoài cuộc ; nhưng cũng không dùng từ hình như (có độ tin cậy thấp), vì nhân vật "tôi" là bạn lâu năm của ông Sáu, có thể "đọc" được tâm lí của bạn. Dùng từ chắc có độ tin cậy phù hợp với tình huống này.
Bài tập 4
Ví dụ đoạn văn sau (các từ in nghiêng là thành phần tình thái hoặc cảm thán):
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa.
Cái thú của mấy câu này là tỏ cho thấy cái gì cũng có mà không có gì, không có gì mà vẫn có. Có gà, có cá, có cải, có cà, có bầu, có mướp, có ao, có vườn, có thể nói là nhà cũng phong lưu khá giả đấy chứ! [...] Nhưng có mà chẳng có gì, bởi vì không đúng lúc, đúng thời vụ. Đến cả miếng trầu là đầu câu chuyện nhà thơ cũng không có. Cái này thì tác giả lại thừa nhận là không có, kể cũng lạ:
Đầu trò tiếp khách trầu không có.
Cái sự “không có” của tác giả đến đây là cao trào. Ở làng quê, cây cau, dây trầu, miếng vỏ làm sao lại không có, huống nữa, lại là đối với một ông “đi đâu bao giờ cũng cối những chày” như Nguyễn Khuyến, thì làm sao lại không có được ?
(Trần Đình Sử, Bạn đến chơi nhà - một nụ cười vui hóm hỉnh với mình, với bạn)