BÀI 28. NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI (Trích)

I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Chị gia nhập thanh niên xung phong trong thời kì kháng chiến chống Mĩ và bắt đầu viết văn vào đầu những năm 70. Chị là cây bút nữ chuyên viết về truyện ngắn. Hiện nay là biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.

2. Truyện "Những ngôi sao xa xôi" thuộc những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của chúng ta đang vào giai đoạn ác liệt nhất.

3. Tóm tắt truyện:

Ba nữ thanh niên xung phong Phương Định (tôi), Nho, chị Thao được phân công trinh sát mặt đường với nhiệm vụ quan sát địch ném bom, đếm bom, đánh dấu vị trí bom chưa nổ, phá bom và tính toán khối lượng đất đá phải san lấp. Ba người, mỗi người một đặc điểm, một tính nết nhưng đều giống nhau ở tinh thần dũng cảm, chịu đựng gian khổ, đối mặt với cái chết.

Trong một lần phá bom, Nho bị thương. Hai người lo lắng, săn sóc. Nhưng công việc vẫn tiếp tục. Ba cô gái vẫn bám trụ trên trọng điểm.

4. Bằng ngôn ngữ hồn nhiên, sinh động, trẻ trung, nhạy cảm và với tấm lòng trân trọng, tác giả ca ngợi tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, lạc quan của các cô gái thanh niên xung phong trận trọng điểm của Trường Sơn. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

II- HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Tóm tắt câu chuyện (như mục 3, phần I - Kiến thức cơ bản cần nắm vững).

Truyện được trần thuật từ nhân vật Phương Định. Việc lựa chọn như vậy thuận lợi để tác giả miêu tả, thể hiện cảm xúc trực tiếp của nhân vật chính, người tham gia câu chuyện. Đồng thời cho người đọc cảm giác được tiếp xúc trực tiếp với các nhân vật, chứng kiến những gian khổ, nguy hiểm trong cuộc sống và chiến đấu của họ.

2. Những cô gái thanh niên xung phong có nét chung gắn bó thành một khối thống nhất. Đó là :

- Ba cô đều làm chung một nhiệm vụ trinh sát mặt đường. Cụ thể là đo khối lượng đất đá cần san lấp, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Đó là công việc nguy hiểm mà cái chết luôn rình rập.

- Họ đều là các cô gái còn trẻ, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, yêu thương gắn bó với đồng đội.

- Họ chiến đấu dũng cảm và sống giản dị, lạc quan, thích ca hát, thêu thùa.

- Họ hồn nhiên, vui thích đón nhận cơn mưa đá với niềm vui con trẻ.

Mỗi người trong họ lại có cá tính riêng, có nét riêng. Phương Định là con gái thành phố, xinh đẹp, thích mơ mộng và hay hát, Nho thích thêu thùa ; chị Thao hay chép bài hát, bình tĩnh, can đảm nhưng lại sợ nhìn thấy máu, sợ vắt và không ưa nước mắt.

3. Phương Định là một cô gái thành phố tự biết mình đẹp nhưng trong lòng thì cô coi những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ là người đẹp nhất.

Phương Định thuộc nhiều bài hát, thích bịa lời bài hát, cô hay mơ mộng "hát và nghĩ vớ vẩn".

Cô hay quan sát để ý những đồng đội của mình. Cô dành tình cảm yêu thương cho Nho - người bạn như cây kem trắng ; dành tình cảm quý mến, trân trọng cho chị Thao, con người "cương quyết, táo bạo".

Phương Định làm quen với bom nổ, với căng thẳng hằng ngày. Nhưng mỗi lần phá bom là một thử thách mới. Cô đi thẳng đến quả bom chưa nổ. Cô đào đất và đặt thuốc nổ vào dưới quả bom có thể nổ tung bất kì lúc nào. Hành động của cô thật nhanh gọn, khéo léo trong một không khí cực kì căng thẳng. Với cô, cái chết thật mờ nhạt trước điều quan tâm lớn nhất : Liệu mìn có nổ, liệu bom có nổ không ? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai ?

Khi Nho bị thương, Phương Định bình tĩnh chăm sóc bạn, rửa vết thương, băng và tiêm cho bạn.

Gặp cơn mưa đá bất ngờ, tính hồn nhiên của cô được bộc lộ mạnh mẽ. Cô vui thích, cuống cuồng "Những niềm vui con trẻ [...] lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy". Và cơn mưa lại gợi cho cô nhớ về thành phố, về mẹ, về những ngôi sao to trên bầu trời thành phố.

Nhân vật Phương Định đã bộc lộ những nét tiêu biểu nhất của các cô gái trẻ: hồn nhiên, xinh đẹp, mơ mộng, thích hát, tự trọng, luôn cố gắng trong công việc, vượt lên trên gian khổ, khó khăn, nguy hiểm và nỗi sợ hãi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

4. Ngôn ngữ của truyện là ngôn ngữ của nhân vật xưng "tôi" – Phương Định. Cách lựa chọn ngôi kể này làm cho câu chuyện được kể trực tiếp từ người trong cuộc – một cô gái. Điều đó khiến cho lời lẽ kể chuyện hồn nhiên, trẻ trung và giàu nữ tính. Người kể chuyện còn thêm vào những suy nghĩ, những bình luận làm cho câu chuyện không chỉ là sự việc mà là sự việc được bình giá, được suy ngẫm. Nhịp kể của câu chuyện cũng thay đổi. Khi khẩn trương, căng thẳng khi chậm rãi, sâu lắng. Điều đó cũng góp phần làm cho câu chuyện trở nên linh hoạt và sinh động.

5. Thế hệ trẻ trong thời kháng chiến chống Mĩ là những người sẵn sàng làm nhiệm vụ. Họ là những cô thanh niên xung phong như Phương Định, Nho, chị Thao (Những ngôi sao xa xôi). Họ là những chiến sĩ lái xe lạc quan, dũng cảm "Ung dung buồng lái ta ngồi - Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng” (Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Họ là chàng trai trên đỉnh Yên Sơn làm nhiệm vụ trên đài khí tượng, lặng lẽ cống hiến cho đất nước những con số về gió, mây, mưa, góp phần cho sản xuất và chiến đấu chống máy bay Mĩ (Lặng lẽ Sa Pa). Họ còn là cô kĩ sư, là đoàn viên sẵn sàng nhận phân công công tác ở bất cứ đâu.

Thế hệ những người trẻ tuổi đó hồn nhiên, dũng cảm, ham học hỏi, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì mà đất nước yêu cầu.

Đó là một thế hệ rất đáng tự hào, rất đáng để cho thanh niên ngày nay học tập.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Những bài thơ cần đọc là : Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Gửi em, cô thanh niên xung phong (Phạm Tiến Duật) ; Khoảng trời và hố bom (Lâm Thị Mĩ Dạ); Bầu trời vuông (Nguyễn Duy); Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt (Hoàng Nhuận Cầm).

2. Cảm nghĩ về nhân vật Phương Định. Cần lưu ý đến câu hỏi số 3 trong phần Hướng dẫn đọc - hiểu văn bản.

IV – THAM KHẢO

GỬI EM, CÔ THANH NIÊN XUNG PHONG

Có lẽ nào anh lại mê em

Một cô gái không nhìn rõ mặt

Đại đội thanh niên đi lấp hố bom

Áo em hình như trắng nhất.

Người tinh nghịch là anh dễ thân

Bởi vì thế có em đứng gần

Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn?

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom,

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù

Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt

Mọi người cũng tò mò nhìn anh

Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối

Em ơi, em hãy nghe anh nói

Xong đoạn đường này các em làm đâu ?

Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu

Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn

Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm

Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều

Những con đường như tình yêu mới mẻ

Đất rất hồng và người rất trẻ

Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim.

Những đội làm đường hành quân trong đêm

Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng

Rực rỡ mặt đất bình minh

Hấp hối chân trời pháo sáng

Đường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạt trên đường hành quân

Anh đã buộc nhiều cây xoan, cây ổi

Lại đường mới và hàng nghìn cô gái

Ở đâu em tinh nghịch của anh ?

Bụi mù trời, mùa hanh

Nước trắng khe, mùa lũ

Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ

Em vẫn đi, đường vẫn liền đường.

"Cạnh giếng nước có bom từ trường

Em không rửa, ngủ ngày chân lấm

Ngày em phá nhiều bom nổ chậm

Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà..."

Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa

Thương em, thương em, thương em biết mấy.

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại

Sẽ giật mình : đường mới ta xây

Đã có độ dài hơn cả độ dài

Của đường sá của đời xưa để lại.

Sẽ ra về bao nhiêu cô gái

Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ

Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ

Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt

Có lẽ nào anh lại mê em

Từ cái đêm "Thạch Nhọn Thạch Kim"

Tên em đã thành tên chung anh gọi

Em là cô thanh niên xung phong.

Đức Thọ, 1968

(Phạm Tiến Duật, Thơ một chặng đường, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994)