BÀI 34. TỔNG KẾT VĂN HỌC (Tiếp theo)
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nắm được các bộ phận hình thành nền văn học Việt Nam: Văn học dân gian và văn học viết của các dân tộc anh em. Văn học viết gồm văn học viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và sau này là chữ Quốc ngữ.
2. Nắm được tiến trình của lịch sử văn học Việt Nam gồm ba thời kì lớn: Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX ; từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 và từ sau năm 1945 đến nay.
3. Nhớ được mấy nét đặc sắc của của văn học Việt Nam: chủ nghĩa yêu nước và ý thức cộng đồng; tư tưởng nhân đạo gắn liền với sự bênh vực quyền sống của con người; sự bền bỉ, lạc quan và niềm vui sống của nhân dân.
4. Nắm được sơ lược một số thể loại văn học dân gian, văn học trung đại và hiện đại.
II - HƯỚNG DẪN TỔNG KẾT
A. NHÌN CHUNG VỀ NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM
1. a) Tên tác phẩm, tác giả, thể loại văn học trung đại Việt Nam được học trong chương trình THCS, bộ phận chữ Hán:
TT | TÁC PHẨM (ĐOẠN TRÍCH) | TÁC GIẢ | THỂ LOẠI | NỘI DUNG CHÍNH |
1 | Con hổ có nghĩa | Vũ Trinh | Truyện | Nói về nghĩa của loài hổ, từ đó suy ngẫm về đối xử của con người với nhau. |
2 | Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng | Hồ Nguyên Trừng | Truyện | Ca ngợi y đức của người thầy thuốc coi việc chữa bệnh cho dân là quan trọng nhất, không phân biệt sang hèn. |
3 | Sông núi nước Nam | Lí Thường Kiệt | Thơ | Khẳng định chủ quyền và niềm tự hào, quyết tâm giữ vững chủ quyền đó. |
4 | Phò giá về kinh | Trần Quang Khải | Thơ | Hào khí chiến thắng và khát vọng xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị. |
5 | Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra | Trần Nhân Tông | Thơ | Khung cảnh làng quê thanh bình và cảm hứng ấm áp, thanh thản của nhà vua yêu thiên nhiên, đất nước. |
6 | Côn Sơn ca | Nguyễn Trãi | Thơ | Vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn thanh cao, hoà hợp với thiên nhiên của Nguyễn Trãi |
7 | Chiếu dời đô | Lí Công Uẩn | Chiếu | Quyết định sáng suốt và khát vọng xây dựng quốc gia hùng mạnh của nhà vua. |
8 | Hịch tướng sĩ | Trần Quốc Tuấn | Hịch | Lòng căm thù giặc của vị chủ tướng và sự phê bình nghiêm khắc, khích lệ tinh thần chiến đấu của các tướng lĩnh dưới quyền. |
9 | Nước Đại Việt ta | Nguyễn Trãi | Cáo | Niềm tự hào về một quốc gia văn hiến, độc lập |
10 | Bàn luận về phép học | Nguyễn Thiếp | Tấu | Mong muốn xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, góp phần chấn hưng đất nước. |
11 | Chuyện người con gái Nam Xương | Nguyễn Dữ | Truyện | Nỗi oan khuất của người thiếu phụ Nam Xương. Qua đó, lên án chế độ phong kiến, gia trưởng và cuộc chiến tranh chà đạp lên hạnh phúc gia đình. |
12 | Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh | Phạm Đình Hổ | Tuỳ bút | Tố cáo sự ăn chơi xa xỉ và thủ đoạn xấu xa vơ vét của cải nhân dân của nhà chúa và bè lũ tay sai. |
13 | Hoàng Lê nhất thống chí | Ngô gia văn phái | Tiểu thuyết | Ca ngợi người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và nêu lên sự thảm bại của quân Thanh cùng với bọn tay sai bán nước. |
b) Tên tác phẩm, tác giả, thể loại văn học trung đại Việt Nam được học trong chương trình THCS, bộ phận chữ Nôm:
TT | TÊN TÁC PHẨM (ĐOẠN TRÍCH) | TÁC GIẢ | THỂ LOẠI | NỘI DUNG CHÍNH |
1 | Sau phút chia li | Đoàn Thị Điểm | Thơ song thất lục bát | Nỗi sầu chia li của người thiếu phụ sau phút đưa tiễn chồng ra trận, sự khát khao hạnh phúc và tố cáo chiến tranh phi nghĩa |
2 | Bánh trôi nước | Hồ Xuân Hương | Thơ tứ tuyệt | Ca ngợi vẻ đẹp và tấm lòng chung thuỷ, nhân hậu của người phụ nữ |
3 | Qua Đèo Ngang | Bà Huyện Thanh Quan | Thơ thất ngôn bát cú | Cảnh sắc Đèo Ngang và tình cảm của người phụ nữ cô đơn trước vẻ hoang vu và bát ngát của thiên nhiên |
4 | Bạn đến chơi nhà | Nguyễn Khuyến | Thơ thất ngôn bát cú | Tình bạn cảm động và tha thiết khi muốn đem cả vật chất và tinh thần để tiếp bạn đều ở mức cao nhất. |
5 | Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác | Phan Bội Châu | Thơ thất ngôn bát cú | Tinh thần hiên ngang, bất khuất của người chí sĩ cách mạng khi rơi vào cảnh tù tội, niềm lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp. |
6 | Đập đá ở Côn Lôn | Phan Châu Trinh | Thơ thất ngôn bát cú | Tư thế ngạo nghễ, dũng mãnh của người tù không sợ khó khăn gian khổ và sự lao động khổ sai mà kẻ thù áp đặt. |
7 | Muốn làm thằng Cuội | Tản Đà | Thơ thất ngôn bát cú | Tâm trạng chán nản trước thực tại và mơ ước thoát li để sống cuộc đời phong tình, thanh cao của Tản Đà. |
8 | Hai chữ nước nhà | Trần Tuấn Khải | Song thất lục bát | Tâm sự yêu nước được gửi gắm qua lời dặn của người cha với con: khôi phục nền độc lập của quốc gia. |
9 | Chị em Thuý Kiều | Nguyễn Du | Truyện thơ | Vẻ đẹp của hai chị em Thuý Kiều như dự báo trước số phận của hai người |
10 | Cảnh ngày xuân | Nguyễn Du | Truyện thơ | Cảnh ngày xuân tươi đẹp thể hiện sự miêu tả thiên nhiên đặc sắc của Nguyễn Du. |
11 | Kiều ở lầu Ngưng Bích | Nguyễn Du | Truyện thơ | Nỗi cô đơn, buồn tủi của Kiều khi bị giam ở lầu Ngưng Bích; khả năng diễn tả tâm lí tinh tế của Nguyễn Du |
12 | Mã Giám Sinh mua Kiều | Nguyễn Du | Truyện thơ | Hành động lưu manh, con buôn của nhà nho giả danh Mã Giám Sinh và nỗi đau đớn của Thuý Kiều khi bị trở thành một món hàng |
13 | Thuý Kiều báo ân báo oán | Nguyễn Du | Truyện thơ | Việc báo ân, báo oán thể hiện tính cách rộng lượng và có tình của Thuý Kiều với ân nhân và kẻ thù của mình. |
14 | Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga | Nguyễn Đình Chiểu | Truyện thơ | Hành động vô tư dẹp giặc cứu người của Lục Vân Tiên và cách cư xử ân tình của Kiều Nguyệt Nga |
15 | Lục Vân Tiên gặp nạn | Nguyễn Đình Chiểu | Truyện thơ | Hành động ti tiện hại người của kẻ tiểu nhân Trịnh Hâm và thái độ cứu người của gia đình ông Ngư, cuộc sống thanh cao, không màng danh lợi của ông Ngư |
2. Phân biệt giữa văn học dân gian và văn học viết cần căn cứ vào một số đặc điểm sau đây:
- Văn học dân gian là sáng tác vô danh, mang tính tập thể, còn văn học viết là sáng tác của cá nhân có tên tác giả.
- Văn học dân gian khó xác định chính xác thời điểm ra đời, còn văn học viết thì thời điểm ra đời dễ được xác định.
- Văn học dân gian lưu truyền bằng miệng, sau mới được ghi chép lại ; văn học viết được ghi lại ngay từ đầu bằng văn tự.
- Do tính chất truyền miệng nên văn học dân gian thường có dị bản ở các vùng khác nhau, các thời gian khác nhau.
- Một số thể loại văn học dân gian là những thể loại đặc trưng mà sau này văn học viết không lặp lại như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích,...
3. Ảnh hưởng của văn học dân gian với văn học viết thể hiện ở khía cạnh:
- Tác giả dùng những câu tục ngữ, thành ngữ trong văn học dân gian trong lời thơ, lời văn của mình.
- Tác giả sử dụng thể thơ lục bát, vốn là thể thơ ra đời từ rất sớm, được thể hiện nhuần nhị trong các bài ca dao.
- Tác giả dùng các cốt truyện dân gian để viết truyện thơ, truyện cổ tích có cách kết thúc khác.
- Tác giả viết dưới sự gợi cảm hứng của tác phẩm văn học dân gian nào đó.
4. Tinh thần yêu nước là một nội dung nổi bật trong ba thời kì văn học:
- Thời kì trung đại từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XX, tinh thần ấy được biểu hiện trong các áng thơ văn như: Sông núi nước Nam, Phò giá về kinh, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo,...
- Đầu thế kỉ XX đến tháng Tám năm 1945 thể hiện qua các tác phẩm của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Tuấn Khải, Hồ Chí Minh...
- Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tinh thần ấy thể hiện trong : Làng, Lặng lẽ Sa Pa, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Những ngôi sao xa xôi...
5. Biểu hiện của tư tưởng nhân đạo thể hiện ở các khía cạnh:
- Ca ngợi, khẳng định những giá trị tốt đẹp của con người.
- Tố cáo, lên án những thế lực đen tối, phản động chà đạp lên phẩm chất và nhân cách của con người.
- Tin tưởng vào bản chất lương thiện, tốt đẹp của con người.
- Bảo vệ, bênh vực quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, nhất là phụ nữ và trẻ em.
B. SƠ LƯỢC VỀ MỘT SỐ THỂ LOẠI VĂN HỌC
1. Kể tên các thể loại chính của văn học dân gian được học trong chương trình Ngữ văn THCS, nêu định nghĩa ngắn gọn về từng thể loại.
Các thể loại chính của văn học dân gian đã học trong chương trình Ngữ văn THCS là truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, tục ngữ.
TT | THỂ LOẠI | ĐỊNH NGHĨA VẮN TẮT | VÍ DỤ VỀ VĂN BẢN |
1 | Truyền thuyết | Loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể | Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng... |
2 | Cổ tích | Loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc : nhân vật bất hạnh (người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí,...), nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ; nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật. Truyện cổ tích thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công | Sọ Dừa, Thạch Sanh, Em bé thông minh, Cây bút thần,... |
3 | Ngụ ngôn | Loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật hoặc chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống | Thầy bói xem voi ; Ếch ngồi đáy giếng ; Đeo nhạc cho mèo ; Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng |
4 | Truyện cười | Loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. | Treo biển; Lợn cưới, áo mới |
5 | Ca dao, dân ca | Các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ca dao là lời thơ của dân ca | Những câu hát về tình cảm gia đình. Những câu hát về quê hương đất nước |
6 | Tục ngữ | Những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hàng ngày. | Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất, Tục ngữ về gia đình và xã hội. |
2. Tìm trong các truyện cổ tích đã học và đọc các kiểu nhân vật dũng sĩ, tài năng đặc biệt, nhân vật xấu xí, nhân vật ngốc nghếch, điền vào bảng.
Loại nhân vật | Tên truyện |
Dũng sĩ | Thạch Sanh |
Tài năng đặc biệt | Em bé thông minh, Năm chàng dũng sĩ |
Ngốc nghếch | Chàng ngốc, Con chim ánh sáng |
Hình dáng xấu xí | Sọ dừa, Công chúa ếch, Người lấy cóc. |
3. Bài thơ "Qua Đèo Ngang" là bài thơ thất ngôn bát cú luật trắc, vần bằng, các chữ trong câu và trong bài được biểu hiện theo sơ đồ bằng trắc như sau:
7
1 | Bước T | tới T | Đèo B | Ngang B | bóng T | xế T | tà B (vần) |
2 | Cỏ T | cây B | chen B | đá T | lá T | chen B | hoa B |
3 | Lom B | khom B | dưới T | núi T | tiều B | vài B | chú T |
4 | Lác T | đác T | bên B | sông B | chợ T | mấy T | nhà B |
5 | Nhớ T | nước T | đau B | lòng B | con B | cuốc T | cuốc T |
6 | Thương B | nhà B | mỏi T | miệng T | cái T | gia B | gia B |
7 | Dừng B | chân B | đứng T | lại T | trời B | non B | nước T |
8 | Một T | mảnh T | tình B | riêng B | ta B | với T | ta B |
Câu 1 và 2 đối nhau về thanh điệu (khác nhau bằng trắc ở các chữ thứ 2, 4, 6).
Câu 2 và 3 niêm với nhau (giống nhau về bằng, trắc ở các chữ thứ 2, 4, 6).
Cặp câu 3 và 4 ; câu 5 và 6 đối nhau về âm thanh (khác bằng trắc ở các tiếng thứ 2, 4, 6) và hình ảnh.
Các vần được gieo ở cuối câu 1, 2, 4, 6, 8.
4. Hai truyện thơ Nôm là "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Truyện Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu.
a) Tóm tắt "Truyện Kiều":
Thuý Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Trong một lần đi chơi xuân, nàng gặp Kim Trọng, một người phong nhã hào hoa. Hai người thầm yêu nhau. Kim Trọng dọn đến ở gần nhà Thuý Kiều. Hai người chủ động, bí mật đính ước với nhau.
Kim Trọng phải về quê gấp để chịu tang chú. Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Kiều nhờ Thuý Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, còn nàng thì bán mình để chuộc cha và cứu gia đình. Thuý Kiều bị bọn buôn người Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, bắt phải tiếp khách làng chơi ở lầu xanh. Nàng được một khách chơi là Thúc Sinh chuộc ra, cưới làm vợ lẽ. Vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư ghen, bắt Kiều về làm con ở và đày đoạ. Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư, đến nương nhờ cửa Phật. Rồi một lần nữa, nàng lại bị sa vào tay bọn buôn người Bạc Bà, Bạc Hạnh, phải vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây, nàng gặp Từ Hải. Hai người lấy nhau, Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Do bị Hồ Tôn Hiến lừa, Từ Hải chết, Thuý Kiều phải hầu rượu Hồ Tôn Hiến và bị ép gả cho viên thổ quan. Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nàng được cứu và lần thứ hai nương mình nơi cửa Phật.
Khi Kim Trọng trở lại tìm Kiều thì Kiều đã lưu lạc. Chàng kết duyên với Thuý Vân nhưng vẫn thương nhớ Thuý Kiều. Sau khi thi đỗ, chàng đi tìm Kiều, nhờ gặp sư Giác Duyên nên gia đình được đoàn tụ. Kiều tuy lấy Kim Trọng nhưng duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
b) Tóm tắt "Truyện Lục Vân Tiên"
Lục Vân Tiên là chàng trai văn võ song toàn trên đường đi thi gặp bọn cướp Phong Lai. Chàng đã chủ động đánh tan bọn cướp trừ hại cho dân. Vân Tiên cứu được Kiều Nguyệt Nga. Cảm ơn đức ấy, Nguyệt Nga mời Vân Tiên đến chỗ cha để đáp nghĩa, Vân Tiên từ chối, nàng thề nguyện gắn bó với chàng suốt đời. Vân Tiên tiếp tục hành trình, gặp và kết bạn với Hớn Minh.
Sau khi thăm cha mẹ, Vân Tiên cùng tiểu đồng lên đường đi thi. Chàng ghé nhà Võ Công, người đã hứa gả con gái là Thể Loan cho chàng. Từ đây có thêm bạn đồng hành là Vương Tử Trực. Lên tới kinh đô lại gặp thêm Bùi Kiệm, Trịnh Hâm. Thấy Vân Tiên tài cao, Kiệm, Hâm sinh lòng ghen ghét, đố kị. Được tin mẹ mất, Vân Tiên bỏ thi về chịu tang. Trên đường về vì khóc nhiều Vân Tiên bị mù. Chàng bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông, được giao long và gia đình ông Ngư cứu thoát. Sau đó chàng tìm về nhà Võ Công, bị gia đình này hãm hại đem bỏ vào hang Thương Tòng. Được Du thần và ông tiều cứu ra, Vân Tiên gặp Hớn Minh. Vì bẻ giò con quan huyện ỷ thế làm càn, Hớn Minh sống lẩn lút trong rừng, chàng đón Vân Tiên về nuôi nơi am vắng. Khoa thi ấy Tử Trực đỗ thủ khoa, trở lại nhà họ Võ hỏi thăm tin tức Vân Tiên, Võ Công định gả con gái, bị Tử Trực cự tuyệt và mắng, Võ Công hổ thẹn ốm chết.
Nghe tin Vân Tiên chết, Nguyệt Nga thề thủ tiết suốt đời. Thái sư trong triều hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng thù hận tâu vua bắt nàng đi cống giặc Ô Qua. Thuyền đi đến biên giới, Nguyệt Nga đem theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn. Phật Bà Quan Âm đưa nàng dạt vào vườn nhà họ Bùi. Bùi Công nhận nàng làm con nuôi, nhưng Bùi Kiệm lại đòi lấy làm vợ. Nguyệt Nga trốn đi nương nhờ một bà cụ dệt vải trong rừng.
Vân Tiên ở với Hớn Minh được tiên cho thuốc sáng mắt liền trở về nhà thăm cha, viếng mộ mẹ, thăm cha mẹ Nguyệt Nga. Chàng thi đỗ trạng nguyên và được cử đi dẹp giặc Ô Qua. Hớn Minh được tiến cử làm phó tướng. Đánh tan giặc, Vân Tiên lạc đường đến nhà bà lão và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về tâu lại mọi chuyện. Kẻ gian bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp. Lục Vân Tiên và Nguyệt Nga đoàn tụ, hạnh phúc.
5. – Đoạn thơ cho thấy khả năng kể chuyện, thuật việc của thơ lục bát phong phú có thể tìm thấy rất nhiều trong Truyện Kiều. Chẳng hạn như đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều. Đoạn thơ kể việc bà mối đưa Mã đến nhà, cảnh Mã đi lại láo nháo với đầy tớ, chuyện Mã ngồi tót sỗ sàng, trả lời cộc lốc, dối trá về quê quán. Kiều đau khổ, e lệ miễn cưỡng bước ra. Rồi bà mối vén tóc bắt tay giới thiệu, Mã ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ, đắn đo cân sắc, cân tài. Mã cò kè ngã giá.
Chỉ một đoạn thơ ngắn mà bao nhiêu là hành động và sự việc diễn ra.
- Bài ca dao kể chuyện, thuật việc có thể tìm thấy như bài ca dao sau:
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những đất cùng tro
Ta đi múc nước tắm cho con mình.
Nhà văn Vũ Tú Nam coi đây là một truyện ngắn vì có các nhân vật có tình huống, có cách ứng xử khá bất ngờ của người phát hiện ra sự thật.
6. Sự khác nhau trong cách trần thuật và xây dựng nhân vật giữa truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" của Hồ Nguyên Trừng và truyện "Lão Hạc" của Nam Cao (truyện trung đại và truyện hiện đại) thể hiện ở những điểm sau:
- Cách trần thuật của truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" là cách trần thuật theo kiểu hành trạng ; tên tuổi, các việc làm, con cháu kế tục như thế nào.
Còn trong cách trần thuật của truyện "Lão Hạc" biến hoá, đa dạng. Bắt đầu ngay bằng việc châm đóm hút thuốc, rồi chuyện băn khoăn bán chó, rồi mới đến hoàn cảnh gia đình lão, rồi cách lão lo liệu để chuẩn bị chết. Mãi đến khi cái chết vật vã, đau đớn diễn ra thì mới rõ là lão Hạc trong sáng...
- Lời lẽ của các nhân vật trong truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" đều là lời thuật lại, các lời đối thoại nếu có cũng là thuật lại chứ không phải là trực tiếp (Ngài nói, Quan Trung sứ tức giận nói, Vương mừng nói...). Trong khi những đối thoại trong Lão Hạc là đối thoại có tính trực tiếp (Việc gì thế cụ? - Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí. – Vâng, cụ nói. – Nó thế này, ông giáo ạ!...); đồng thời đối thoại cũng có những lời được nhắc lại, xen giữa mô tả, bình luận, nhận xét.
- Việc miêu tả trong truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" hầu như rất giản lược, chỉ là kể sự việc. Bên cạnh đó, việc miêu tả trong truyện Lão Hạc lại rất kĩ, nhất là miêu tả hình dáng, cử chỉ, ngôn ngữ để thể hiện tính cách. Đặc biệt là có nhiều đoạn phân tích tâm lí.
- Nhân vật trong "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" quan hệ với nhân vật khác bằng giải quyết tình huống. Hầu như không được miêu tả về ngoại hình, đặc điểm ngôn ngữ. Trong khi đó ở truyện "Lão Hạc", nhân vật quan hệ với các nhân vật khác bằng hành động cụ thể, bằng thái độ, bằng cách biểu lộ tình cảm: việc nhường hút thuốc, việc khóc hu hu, việc rân rấn nước mắt, việc cười và họ sòng sọc,...
- Điểm nhìn trần thuật của truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" chỉ là tác giả. Trong khi điểm nhìn trần thuật ở truyện "Lão Hạc" là cái nhìn của một nhân vật (ông giáo) nhưng có khi là điểm nhìn của lão Hạc.