BÀI 20. CHUẨN BỊ HÀNH TRANG VÀO THẾ KỈ MỚI

I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Vũ Khoan, nhà hoạt động chính trị, nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bài viết được đăng ở tạp chí Tia sáng năm 2001, nhan đề đăng báo là Chuẩn bị hành trang.

2. Tóm tắt tác phẩm

Bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới, các nước đều chuẩn bị hành trang. Tác giả nêu lên việc chuẩn bị hành trang cho con người Việt Nam. Đó là phát huy những mặt mạnh như thông minh, nhạy bén, cần cù, sáng tạo, tinh thần cộng đồng cao ; khắc phục những mặt yếu như hổng kiến thức, ít thực hành, thiếu tỉ mỉ, hay đố kị, sính ngoại, khôn vặt,...

Thế hệ trẻ Việt Nam – chủ nhân tương lai của đất nước cần nhận rõ mặt mạnh, mặt yếu của mình để quyết tâm có một hành trang tốt nhất vào thế kỉ mới.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Tác giả viết bài này vào thời điểm chuyển tiếp giữa hai thế kỉ (thế kỉ XX - XXI) cũng là thời điểm chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ (thiên niên kỉ thứ hai chuyển sang thiên niên kỉ thứ ba). Bài viết đã nêu việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới của thế hệ trẻ Việt Nam trước ba nhiệm vụ lớn lao của đất nước. Việc chuẩn bị hành trang, nhận ra cái mạnh, cái yếu của mình để phát huy và khắc phục có ý nghĩa thời sự, nhưng cũng có ý nghĩa lâu dài trên con đường nước ta hội nhập với thế giới và muốn sánh vai cùng các cường quốc.

Nhiệm vụ của nước ta và thế hệ trẻ là:

- Đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp.

- Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

2. Tác giả trình bày bài viết theo trình tự lập luận sau:

a) Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người.

b) Bối cảnh thế giới và nhiệm vụ của đất nước ta.

c) Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam.

d) Nhiệm vụ của thế hệ trẻ khi bước vào thế kỉ mới.

3. Tác giả cho rằng việc chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Đó là điều hoàn toàn đúng đắn bởi vì con người từ xưa đến nay đều là động lực của lịch sử. Trong thời kì kinh tế tri thức thì vai trò của con người lại càng nổi trội.

4. Tác giả đã chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu trong tính cách và thói quen của người Việt Nam.

Những điểm mạnh là : sự thông minh, nhạy bén với cái mới ; sự cần cù, sáng tạo; tính cộng đồng đoàn kết.

Những điểm yếu là kiến thức có chỗ hổng, yếu về thực hành ; thiếu sự tỉ mỉ, thiếu kế hoạch, chưa có thói quen tôn trọng quy trình công nghệ ; chưa quen cường độ khẩn trương ; còn đố kị, sống theo thứ bậc, coi thường kinh doanh, khôn vặt, sùng ngoại, chưa coi trọng chữ tín,...

Những điểm mạnh và yếu đó liên quan trực tiếp và mật thiết với nhiệm vụ đưa đất nước tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cụ thể là nó có ích cho việc tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ, hoặc nó hạn chế, gây trở ngại cho việc tiếp thu, hoặc cho việc thích ứng với một nền kinh tế đòi hỏi tính kỉ luật cao, quy trình công nghệ nghiêm ngặt.

5. Tác giả nêu lên những mặt mạnh của người Việt Nam, những mặt mạnh đó chẳng những ta biết mà được cả thế giới thừa nhận. Nhận thức được mặt mạnh để tin tưởng, phát huy nó trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và trong lao động xây dựng là cần thiết. Điểm mới của tác giả là tập trung chỉ ra và phân tích những điểm yếu kém của người Việt Nam. Nếu chỉ nguyên nói về mặt mạnh, ưu điểm, sẽ nhận thức không đúng đắn về người mình, sinh ra tâm lí tự mãn, chủ quan, coi mình là nhất. Việc chỉ ra mặt yếu kém là tôn trọng sự thật khách quan, đồng thời có cái nhìn toàn diện, khoa học. Chỉ ra mặt mạnh để phát huy và điểm yếu kém để khắc phục là một việc làm cần thiết. Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật, không tự vuốt ve mình, chúng ta mới có thể vứt bỏ những yếu kém, phát huy những thế mạnh để bước vào thế kỉ mới với quyết tâm mới, thực hiện tốt ba nhiệm vụ đặt ra cho nước ta.

Thái độ của tác giả là một thái độ tôn trọng sự thật khách quan, quan tâm đến việc nhận thức toàn diện, không tự mãn nhưng cũng không tự ti, giúp thế hệ trẻ vững tin bước vào thế kỉ mới.

6. Trong văn bản, tác giả đã sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ để diễn đạt làm cho cách nói cô đọng, có hình ảnh, đồng thời gần gũi với những cách nghĩ, cách cảm của chúng ta. Ví dụ : học chay, học vẹt nước đến chân mới nhảy, liệu cơm gắp mắm, nhiễu điều phủ lấy giá gương, trâu buộc ghét trâu ăn, bóc ngắn cắn dài, thế giới mạng...

II – THAM KHẢO

Mặc dù đây là bài nghị luận mang tính xã hội học nhưng tác giả đã cho chúng ta thấy một lối viết không hề khô cứng nhờ vào khả năng diễn đạt trong sáng, giản dị, khả năng vận dụng linh hoạt các thành ngữ, tục ngữ. Việc sử dụng chính những thành ngữ, tục ngữ của người Việt Nam để phân tích những cái mạnh, cái yếu của người Việt Nam đã giúp tác giả khái quát được những vấn đề mang tính cố hữu trong ý thức văn hoá của dân tộc, khiến ngôn ngữ nghị luận giàu hình ảnh, lột tả được thực tế. Nói đến nghệ thuật lập luận của bài viết này cũng phải nói đến việc dẫn ra những dẫn chứng cụ thể mà sâu sắc qua sự đối sánh với người Nhật, thao tác này vừa có ý nghĩa trong nhãn quan khoa học vừa có tác dụng kích thích tinh thần học hỏi, tự tôn trọng tâm lý người Việt Nam.

Bài viết Hành trang chuẩn bị vào thế kỉ mới thực sự trở thành hành trang trong nhận thức của con người Việt Nam nếu muốn hội nhập với kinh tế thế giới.

(Nguyễn Trọng Hoàn, Đọc- hiểu văn bản Ngữ văn 9 Sđd)