KHỞI NGỮ
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu. Nhiều tài liệu gọi thành phần này là đề ngữ (nêu đề tài, nêu cái sẽ đề cập, sẽ giải quyết) hoặc thành phần khởi ý (bắt đầu một ý).
2. Khởi ngữ vừa có vẻ đứng riêng biệt lại vừa gắn bó với các thành phần khác của câu. Khởi ngữ có thể có quan hệ trực tiếp với một yếu tố nào đó trong câu nhưng cũng có thể quan hệ gián tiếp với phần câu còn lại.
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
Phần 1. Đặc điểm và công dụng của khởi ngữ
Câu hỏi 1
Các thành phần in đậm không phải là chủ ngữ, vì không phải là chủ thể của hành động, tính chất được nói đến ở vị ngữ. Chủ ngữ của câu "Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động." là từ anh thứ hai ; của câu (b) là từ tôi; của câu (c) là chúng ta. Các từ in đậm đứng trước chủ ngữ đều nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
Câu hỏi 2
Trước các từ in đậm này có các từ còn (câu a), với (câu c). Các từ này đều là quan hệ từ ; ngoài ra có thể thêm từ còn, về (câu b), thay từ về bằng từ đối với (câu c).
Phần 2. Luyện tập
Bài tập 1
Trước hết xác định cụm chủ vị của câu, sau đó tìm khởi ngữ bằng cách tìm các từ đứng trước chủ ngữ, có tác dụng nêu lên đề tài của câu, làm cho người nghe chú ý theo dõi nội dung tiếp theo. Trước các từ làm khởi ngữ thường có các quan hệ từ như đã nêu ở bài tập 1.
Các khởi ngữ (in đậm) : Điều này (a) ; Đối với chúng mình (b) ; Một mình (c); Làm khí tượng (d); Đối với cháu (e).
Bài tập 2
Muốn chuyển thành câu có khởi ngữ, ta xem vị ngữ đề cập nội dung gì rồi chuyển nó lên đầu câu làm đề tài. Khi câu có đề ngữ, nội dung đó có thể được nhắc lại hoặc lược đi ở vị ngữ. Có thể phải thêm trợ từ "thì" để ngăn cách đề ngữ với cụm chủ vị chính.
a) Làm bài (thì) anh ấy (làm bài) cẩn thận lắm.
b) Hiểu (thì) tôi hiểu rồi nhưng giải (thì) tôi chưa giải được.