PHÉP PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Phân tích và tổng hợp là phương pháp nhận thức của con người đối với thế giới khách quan. Phân tích là đem chia một sự vật, hiện tượng thành các bộ phận nhỏ hơn nhằm tìm ra đặc điểm, tính chất của chúng ; tổng hợp là đối chiếu các bộ phận của một sự vật hiện tượng, tìm ra đặc điểm, tính chất chung và quan hệ giữa chúng với nhau.
2. Tổng hợp và phân tích là những thao tác đối lập nhau nhưng thường đi đôi, kế tiếp nhau. Trên cơ sở cái nhìn toàn cục (tổng hợp), ta có điều kiện đi sâu vào các mặt, các bộ phận riêng lẻ (phân tích); và trên cơ sở các mặt, các bộ phận riêng lẻ ấy, ta lại có cái nhìn chung, bản chất (tổng hợp).
3. Phân tích và tổng hợp là hai thao tác cơ bản trong viết văn, nhất là với văn bản nghị luận, thuyết minh, báo chí,... Bố cục một bài văn, một đoạn văn thường theo trình tự “tổng - phân – hợp” (tổng quát - phân tích - tổng hợp).
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
1. Tìm hiểu phép lập luận phân tích và tổng hợp
Câu hỏi a
Ở hai đoạn đầu, hàng loạt dẫn chứng về cách ăn mặc đẹp để rút ra một điều: mỗi người phải đáp ứng những quy tắc về ăn mặc của xã hội (“Ăn cho mình, mặc cho người”).
Ở đoạn thứ ba, các lí lẽ và dẫn chứng nhằm rút ra kết luận về tiêu chuẩn mặc đẹp : giản dị, phù hợp môi trường xung quanh, phù hợp với nội dung (trình độ hiểu biết của bản thân).
Con đường tác giả đi đến hai kết luận nói trên là phép phân tích.
Câu hỏi b
Thao tác chốt lại vấn đề sau khi đã đưa lí lẽ, dẫn chứng, đó là phép tổng hợp.
2. Luyện tập
Tìm hiểu kĩ năng phân tích trong bài Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm.
Bài tập 1
Tìm hiểu cách sáng tỏ luận điểm : "Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn".
- Học vấn là thành quả của toàn nhân loại, do tích luỹ dần. Sách là phương tiện lưu giữ thành quả đó.
- Nếu không lưu lại thành quả trong quá khứ thì phải làm lại từ đầu, do đó, có tiến lên cũng là đi lùi lại.
Bài tập 2
Phân tích lí do phải chọn sách đọc : Di sản tinh thần của con người mỗi ngày một phong phú, việc đọc sách ngày càng không dễ.
- Do sách nhiều, chất lượng khác nhau nên phải chọn sách tốt mới có ích.
- Do sức người có hạn, không chọn sách mà đọc thì lãng phí sức mình.
- Sách có loại chuyên môn, có loại thường thức, chúng liên quan với nhau, nhà chuyên môn cũng cần đọc sách thường thức.
Bài tập 3
Tầm quan trọng của cách đọc sách:
- Không đọc thì không có điểm xuất phát cao.
- Đọc sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức.
- Không chọn lọc sách thì đời người ngắn ngủi không đọc xuể, đọc không có hiệu quả.
- Đọc ít mà kĩ quan trọng hơn đọc nhiều mà không ích lợi gì.
Bài tập 4
Tác dụng của phép lập luận phân tích:
Tác giả dùng thao tác phân tích nên chỉ ra được nhiều mặt (lợi hại, đúng sai,...), làm cho kết luận có sức thuyết phục cao.