BÀI 24. SANG THU

I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Hữu Thỉnh tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nhập ngũ vào binh chủng Tăng - Thiết giáp năm 1963 rồi trở thành cán bộ tuyên huấn trong quân đội và thành nhà thơ. Ông đã tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khoá. Từ năm 2000, ông là Tổng thư kí (nay là Chủ tịch) Hội Nhà văn Việt Nam.

2. Bài thơ Sang thu được viết vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, sau in lại nhiều lần trong các tập thơ.

3. Bài thơ Sang thu ghi lại những cảm nhận tinh tế khi thiên nhiên giao mùa từ hạ sang thu. Đồng thời bài thơ cũng khái quát về sự sang thu của cuộc đời mỗi con người, vừa lắng lại, nhưng cũng vừa khẩn trương khi chưa già nhưng cũng không còn trẻ.

II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Sự biến đổi của đất trời khi sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận từ hương ổi chín (thứ quả của mùa thu), từ gió se (thứ gió hơi lành lạnh, hanh khô của mùa thu), từ sương ngoài ngõ (thứ sương thường có vào mùa thu). Sau đó, nhà thơ gợi tả bằng các hình ảnh dòng sông, bầy chim, đám mây ; hiện tượng nắng, mưa, sấm trên hàng cây đứng tuổi.

2. Cảm nhận của nhà thơ về biến chuyển trong không gian là tinh tế. Từ hương ổi chín, đến cái se se của gió lành lạnh, đến sự chùng chình, chậm rãi của sương bay qua ngõ. Đó là cảm giác gần. Xa hơn, một không gian rộng lớn từ thấp lên cao: Dòng sông thì dềnh dàng, đàn chim bắt đầu vội vã. Cao nhất là đám mây mùa hạ chưa cuốn hết mà còn để lại một nửa ở bầu trời thu.

Ngoài những điều nhìn thấy, cảm thấy trực tiếp ở trên, nhà thơ còn cảm nhận được những thay đổi của mùa thu so với mùa hạ : nắng vẫn nhiều (vẫn còn bao nhiêu nắng), nhưng mưa đã giảm đi (đã vơi dần cơn mưa) và sấm cũng không đột ngột, bất ngờ trong những cơn dông.

Mùa thu của đất trời đẫm hương ổi (hương phả vào trong gió se), gió thu nhè nhẹ nên lượng thu mới chậm rãi, chùng chình. Nước không còn nhiều nên dòng sông mới dềnh dàng. Đàn chim đã bắt đầu vội vã để tránh cái lạnh, đang đến gần cùng với mùa thu. Đó là những cảm nhận và diễn đạt tinh tế của nhà thơ về thiên nhiên.

3. Nét riêng của thời điểm giao mùa này được nhà thơ diễn tả đặc sắc nhất qua hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu. Không thể có đám mây nào như thế. Nhưng trong tưởng tượng của nhà thơ, hai mùa bàn giao cho nhau, chuyển cho nhau qua cái cầu nối đám mây. Đám mây mùa hạ nhưng lại có một nửa mình bên không gian mùa thu.

Hai dòng thơ cuối bài:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Trước hết là tả thực về thiên nhiên. Vào mùa thu, những cơn dông cũng giảm đi, và không đột ngột, bất ngờ như mùa hạ. Dông không đột ngột, nên sấm cũng bớt bất ngờ.

Ý nghĩa ẩn dụ là sấm, vang động bất thường của ngoại cảnh, đối với hàng cây đứng tuổi - con người từng trải thì không có gì ghê gớm nữa. Con người từng trải, con người khi đã sang thu cuộc đời sẽ vững vàng hơn, chắc chắn hơn trước bão dông, sấm chớp của cuộc đời.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Em cần chú ý đến những cảm nhận trong khổ thơ thứ nhất và khổ thơ hai là cảm nhận trực tiếp (hương vị, hình dáng, chuyển động). Còn cảm nhận của khổ thơ thứ ba chủ yếu là chiêm nghiệm, suy luận. Đến khổ thơ thứ ba, qua hình ảnh ẩn dụ hàng cây đứng tuổi, người đọc mới thấy được sự sang thu không chỉ là của thiên nhiên, mà còn có cả sự sang thu của con người. Vũ trụ lớn sang thu, vũ trụ nhỏ (con người là tiểu vũ trụ) cũng sang thu.

IV – THAM KHẢO

Hai khổ thơ trên rất đẹp về mặt tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, như hai cành biếc của một cây thơ lạ. Nhưng khổ thứ ba là cái gốc của cây thơ đó, là nơi cho hai nhánh thơ trên tựa vào để khoe sắc, toả hương. Khổ thơ thứ ba đem đến cho bài thơ một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý "sang thu" của hồn người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên.

Trong khổ thơ này, mùa thu được khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa thu không được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dân cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp, bão dông như mùa hạ, nhưng mức độ đã khác rồi. Để ý sẽ thấy cái gì cũng bắt đầu đi vào chừng mực, vào thế ổn định. Đâu phải là ngẫu nhiên mà mấy từ "cây đứng tuổi" lại đứng ngự vào chỗ kết thúc của bài thơ, vốn là chỗ cực kì quan trọng ? Phải chăng cái "đứng tuổi" của cây là một cái chốt cửa để qua đó ta mở sang một thế giới khác, thế giới sang thu của hồn người ? Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây trước sấm sét, bão dông của lúc sang thu hay đó chính là sự từng trải, chín chắn của con người sau những bão táp của cuộc đời ? Ngược trở lên hai khổ thơ trước, ta bỗng hiểu vì sao lại có sự chùng chình, bịn rịn lúc sang thu, vì sao vừa có sự dềnh dàng lại vừa có sự vội vã. Thì ra, trước mắt việc đi mãi, ngoảnh đầu thu đến rồi. Bốn mùa luân chuyển vô hình, lặng lẽ, bỗng chợt thu. Đời người vất vả, tất bật, bận rộn, lo toan đôi lúc "Quên cả vầng trăng, lạc cả mùa" (Tộ Hà) bỗng chốc thấy mái tóc pha sương, tuổi đứng ở mức tứ tuần, sững sờ mình cũng đã sang thu. Ở vào cái tuổi ấy, con người không còn bồng bột, sôi nổi, ào ạt, băng băng như thời thanh niên. Con người sâu sắc thêm, chín chắn thêm. Chín chắn đến tận cảm xúc và biểu đạt. Nếu là một ai khác, nếu là thời điểm khác, khi đã nhận ra hương, ra gió, ra sương thu, sẽ có thể kêu lên, sẽ có thể reo lên: "Ôi ! Mùa thu đã về !", hoặc "A ! Mùa thu đã về !", nhưng tác giả Sang thu chỉ thầm một nhận xét vừa mơ hồ, vừa nghi hoặc : "Hình như thu đã về".

(Vũ Nho, Đi giữa miền thơ, NXB Văn học, 1999)