MÂY VÀ SÓNG
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Tên tuổi nhà thơ Ta-go (1861 – 1941) đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là nhà thơ hiện đại lớn nhất Ấn Độ. Những tác phẩm của ông mang đến cho bạn đọc những cảm xúc rất sâu sắc, mãnh liệt một phần cũng bởi đã được trải nghiệm qua cuộc sống đầy gian nan, trắc trở của chính nhà thơ.
Ta-go có sức sáng tạo thật phi thường. Ông đã để lại một gia tài văn hoá nghệ thuật đồ sộ với 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, ngoài ra còn có trên một trăm truyện ngắn và 1.500 bức hoạ,... Ông là nhà văn châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng Nô-ben về văn học.
2. Bài thơ Mây và sóng được viết bằng tiếng Ben-gan, in trong tập Si-su, xuất bản năm 1909, sau này được chính Ta-go dịch ra tiếng Anh, in trong tập Trăng non, xuất bản năm 1915.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Bài thơ có hai phần và đều có cấu trúc khá giống nhau:
- Ban đầu là thuật lại lời rủ rê.
- Tiếp đến thuật lại lời từ chối và lí do từ chối.
- Những trò chơi do em bé sáng tạo
Mới thoạt nhìn, tưởng như đó là hai đoạn thơ độc lập bởi đoạn nào cũng đủ ý, diễn tả trọn vẹn một sự việc xảy ra giữa em bé và bè bạn – thiên nhiên. Tưởng như việc loại bỏ bớt đoạn thứ hai không ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa chung của cả bài thơ.
Tuy nhiên, mỗi tác phẩm văn học là một cấu trúc thống nhất. Việc tác giả lặp đi lặp lại một kiểu cấu trúc, một ý tưởng hẳn là phải có lí do nào đó. Điều này có thể giải thích qua những đặc điểm tâm lí, tính cách của một em bé. Đã là trẻ con ai chẳng ham chơi. Những trò chơi của bạn bè đồng trang lứa có sức hấp dẫn thật kì lạ. Việc bạn bè đến rủ đi chơi có thể coi là những thử thách.
Với thử thách thứ nhất, em bé đã vượt qua bởi vì chú luôn yêu mẹ. Em nghĩ đến việc mẹ đang đợi chú ở nhà và từ chối.
Nhưng những người bạn lại đến rủ đi chơi. Lúc này là một thử thách thực sự đối với tâm tính của một em bé. Cũng như lần trước, chú lại băn khoăn: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được ?". Những người bạn lại nhiệt tình chỉ đường. Nhưng một lần nữa em bé lại từ chối vì lòng yêu mẹ: "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà...". Thử thách càng lớn thì lòng yêu mẹ của em bé lại càng được chứng minh, được củng cố. Như vậy, tác giả nêu ra sự việc thứ hai (cũng là thử thách thứ hai) càng chứng tỏ tình yêu tha thiết của em bé đối với mẹ. Trong trường hợp này, khổ thơ thứ hai có tác động trùng điệp, hô ứng, khẳng định những tình cảm đã được thể hiện trong thử thách thứ nhất. Bởi vậy, không thể bỏ khổ thơ thứ hai đi được.
2. Trong cả hai lần, khi những người bạn đến rủ rê, em bé đều hỏi lại:
Con hỏi: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được ?".
Con hỏi : "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được ?".
Hỏi và được nghe trả lời, hướng dẫn chu đáo. Chi tiết này chứng tỏ tính xác thực, hấp dẫn của bài thơ. Trẻ con nào mà chẳng ham chơi. Khi nghe những lời mời gọi, lần nào em bé cũng tỏ ra băn khoăn. Mặc dù vậy, tình yêu mẹ vẫn luôn chiến thắng. Chỉ cần nghĩ đến việc mẹ đang đợi ở nhà, mẹ không muốn em đi chơi, em bé đã nhất định từ chối những lời rủ rê dù những trò chơi ấy hấp dẫn đến đâu chăng nữa.
3. Có thể nhận thấy những trò chơi em bé sáng tạo ra không có gì đặc biệt:
- Con là mây và mẹ sẽ là trăng
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta là bầu trời xanh thẳm.
- Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.
Thậm chí có thể coi đó không phải là những trò chơi đúng nghĩa. Nhưng có sao đâu, điều quan trọng nhất đối với em bé là luôn được ở bên cạnh mẹ, có thể biểu hiện tình yêu đối với mẹ: "Hai bàn tay con ôm lấy mẹ", "Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ". Quả là những trò chơi thật kì lạ, chúng cho thấy tình cảm mẹ con nồng ấm, thân thiết đến mức nào.
4. Mây, trăng, sóng, bờ biển, bầu trời,... là những hình ảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng. Nhưng ai là người đang đến rủ em bé đi chơi ? "Trong mây có người gọi con", "Trên sóng có người gọi con"... Thực ra đó chỉ là những âm thanh do em bé tưởng tượng ra. Trên mây là tiếng của mây, trong sóng là tiếng của sóng. Hai hình ảnh đó có thể coi là biểu tượng của cuộc sống rộn rã, cuốn hút xung quanh, có sức cuốn hút kì lạ đối với mỗi con người, đặc biệt là với một em bé. Đó là những hình ảnh ẩn dụ.
5. Yêu mẹ, em bé đã bày ra những trò chơi mà người tham gia chỉ là hai mẹ con. Đây không đơn giản là một ước muốn biệt lập, tách rời cuộc sống xung quanh mà là một tình yêu vô cùng sâu sắc, đằm thắm của chú bé đối với mẹ (Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ – Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta đang ở chốn nào). Tình yêu ấy vượt lên trên cả những thú vui hằng ngày, thậm chí mãnh liệt đến mức lấn át tất cả những mối quan hệ khác. Chỉ cần hai mẹ con là đủ.
6*. Ngoài ý nghĩa ca ngợi tình mẹ con, bài thơ gợi cho ta nhiều suy ngẫm:
- Con người trong cuộc sống thường gặp những cám dỗ (nhất là với một đứa trẻ). Muốn khước từ chúng, cần có những điểm tựa vững chắc, trong đó tình mẫu tử là điểm tựa vững chắc nhất
- Hạnh phúc không phải là điều gì bí ẩn. Hạnh phúc ở ngay trên trần thế, do chính con người tạo dựng nên...
III – THAM KHẢO
Bài thơ dài nhưng có chung kết cấu ở các khổ. Mở đầu là tiếng gọi "Mẹ ơi !" vừa như kể lại cuộc chơi của mình cho mẹ nghe nhưng đồng thời đó cũng là sự chờ đợi lời khuyên của mẹ. Cái hay của hình tượng đối thoại tay ba này bao giờ cũng có mẹ. Sự hiện diện của mẹ đối với trẻ em và đối với mỗi chúng ta như một sự bảo hiểm cho cuộc đời mình. Dù đi xa, bay cao, cuộc đời chúng ta bao giờ cũng được neo giữ không rời với cuộc đời của mẹ. Mẹ an ủi, mẹ chở che, bao dung và yêu thương chúng ta với một tình yêu vô hạn. Trong bài thơ, mẹ không nói một lời nào nhưng lại trở thành linh hồn dẫn dắt ý nghĩ, việc làm mỗi chúng ta. Em bé đã thực sự lớn khôn lên bên mẹ. Em đã chọn cuộc chơi hay hơn với mẹ, hay nói cách khác mẹ vẫn là thiên đường êm ả nhất và bên mẹ, em bé nào cũng tìm được niềm vui và hạnh phúc nhất. Những khổ thơ cuối mỗi bài thơ đã trở thành tứ thơ giàu ý nghĩa và hấp dẫn lạ lùng. Tứ thơ của Mây và sóng chính là chỗ này: chúng ta và tất cả trẻ em đều sống trong thiên đường có mẹ và mỗi đứa trẻ cũng là một thiên đường của mẹ.
(Nguyễn Thanh Hùng, Văn học tầm nhìn biến đổi, NXB Văn học, Hà Nội, 1996)