KIỂM TRA PHẦN TIẾNG VIỆT

Bài tập 1

Khởi ngữ của câu là "mắt tôi".

Viết lại thành câu không có khởi ngữ: Nhìn mắt tôi, các anh lái xe nhận xét: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm !".

Bài tập 2

Các thành phần biệt lập trong câu :

a) Thật đấy (TPTT dùng để tỏ thái độ khẳng định của người nói).

b) (Cũng) may (TPTT dùng để thể hiện cách đánh giá tốt).

Bài tập 3

- Phép lặp : các từ ba, giống liên kết câu này với câu "Ba không giống cái hình..."; già, ba con liên kết câu này với câu "Sao không giống...".

- Phép thế : vậy (thay cho mặt ba con không có cái thẹo trên mặt như vậy).

- Phép nối : Thế là nối câu này với hai câu đứng trước nó.

Bài tập 4

- Phép lặp: lặp từ hoạ sĩ

- Phép thế : từ đấy thay cho Sa Pa.

Bài tập 5

HS chỉ ra sự liên kết trong bài viết của mình. Chú ý:

Liên kết nội dung gồm:

- Liên kết chủ đề (đề tài) : các câu trong đoạn phải hướng về chủ đề của đoạn, các đoạn trong bài phải hướng về chủ đề của bài.

- Liên kết lô-gic : các câu trong một đoạn, các đoạn trong một bài phải sắp xếp theo trình tự hợp lí.

- Liên kết hình thức : thể hiện ở các phép liên kết (nối, lặp, thế...).

Ví dụ phân tích liên kết trong một đoạn nghị luận văn học:

(1) Giả sử ngày ấy Ngô Tất Tố kết thúc tác phẩm một cách sáng sủa hơn, ví như cho chị Dậu gặp cách mạng, chị được giác ngộ và trưởng thành, hoặc giả cho chị Dậu gặp may hơn ở một hoàn cảnh nào đó để chị cứu được chồng, chuộc được con, thoát khỏi kiếp mù mịt "tắt đèn", thì sự thể sẽ như thế nào? (2) Nếu như thế có lẽ tiểu thuyết "Tắt đèn" không còn ai nhớ nữa. (3) Nhưng Ngô Tất Tố đã lựa chọn một cách kết thúc đúng như nó phải kết thúc. (4) Ở đây một mặt ông không thể không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực để làm tăng tính chất phê phán, tố cáo,mặt khác và quan trọng hơn, là kết thúc như thế đã tạo ra được hiệu quả thẩm mĩ trong người đọc. (5) Gấp cuốn sách lại, trăm ngàn câu hỏi hiện lên day dứt người đọc :(6) Chị Dậu sẽ đi đâu ? (7) Chồng con chị sẽ ra sao ?(8) Còn cạm bẫy nào đang chờ chị ? (9) Thế lực nào tiếp tục săn đuổi người đàn bà khốn khó này ?... (10) Một kết thúc như vậy đã tạo nên được sức ám ảnh và lay thúc tâm hồn người đọc, buộc họ phải suy nghĩ phải trăn trở khôn nguôi về số kiếp một con người.

(Theo Đỗ Ngọc Thống, Về kết thúc của tác phẩm “Tắt đèn").

Liên kết chủ đề: Các câu đều nói về ý nghĩa phần kết tác phẩm "Tắt đèn".

Liên kết lô-gíc: "Giả sử... kết thúc... một cách sáng sủa hơn" → không còn ai nhớ nữa ; còn kết thúc cuộc đời chị Dậu vẫn "mù mịt" → day dứt khôn nguôi.

Liên kết hình thức (thể hiện bằng phương tiện liên kết)

Câu (2) liên kết với câu 1 bằng phép thế (như thế), phép lặp (Tắt đèn). Câu (3) liên kết với câu (2) bằng phép nối (nhưng), với câu (1) bằng phép lặp (kết thúc). Câu (4) liên kết với các câu trên bằng phép lặp (kết thúc), phép thế (như thế). Câu (5) liên kết với câu (4) bằng phép đồng nghĩa (kết thúc - gấp cuốn sách lại) và phép liên tưởng (hiệu quả thẩm mĩ-day dứt lòng người đọc)...

Bài tập 6

Câu chứa hàm ý:

- Lớp hàm ý thứ nhất: Nếu ngài mặc hầu quan trên thì đầu ngài luôn phải cúi, do đó, vạt đằng trước phải may ngắn đi dăm tấc ; còn nếu ngài mặc để tiếp dân đen thì đầu ngài luôn ngẩng, do đó, vạt đằng sau phải may ngắn lại.

- Lớp hàm ý thứ hai: Trước quan trên ngài luôn sợ hãi, nịnh bợ ; với dân đen ngài luôn hống hách, ra oai.

Quan hiểu hàm ý thứ nhất. Điều đó được xác nhận qua chi tiết cuối truyện:

Quan ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo:

- Thế thì nhà người may cho ta cả hai kiểu áo.

Lớp hàm ý thứ hai có lẽ quan không hiểu (hoặc giả vờ không hiểu), vì nếu hiểu, ngài sẽ trừng phạt người thợ may.